TIN TỨC-SỰ KIỆN

Nghiên cứu lập sàn giao dịch quyền sử dụng đất

Ngày đăng: 23 | 08 | 2023

Bộ TN&MT đang chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan xây dựng Đề án trình Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Sàn giao dịch Quyền sử dụng đất nhằm tránh tình trạng mua bán nhà trên giấy, hoạt động lừa đảo, thông tin sai sự thật. Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân yêu cầu, Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai cần nghiên cứu đề xuất Sàn giao dịch Quyền sử dụng đất trên cơ sở tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, đảm bảo không phát sinh thủ tục và không tăng chi phí xã hội. Đồng thời, khẩn trương xây dựng các phương án thành lập Sàn giao dịch Quyền sử dụng đất để báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, cần đánh giá ưu điểm và nhược điểm của các phương pháp, đề xuất lựa chọn phương án của Bộ và kiến nghị hoàn thiện chính sách trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi) để tạo hành lang pháp lý khi tổ chức triển khai thực hiện.

Tháo gỡ những bất cập

Theo Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai, trong những năm qua, việc đổi mới, hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai đã đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tiễn, từng bước tạo hành lang pháp lý cho việc quản lý và sử dụng đất hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả hơn. Thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất phát triển tương đối nhanh và từng bước được hoàn thiện.

Cụ thể, sau khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành, số lượng giao dịch đất đai chính thức đã tăng lên rõ rệt, đặc biệt tại những địa phương có nền kinh tế phát triển. Quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất đã trao đến người dân khi có nhu cầu về đất nông nghiệp, đất ở và đất sản xuất kinh doanh. Quyền cho thuê và cho thuê lại đất đã có tác động tích cực trong việc đầu tư trên đất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp yên tâm đầu tư kết cấu hạ tầng. Người sản xuất chủ động trong sử dụng đất làm mặt bằng sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu kinh tế và các khu sản xuất tập trung có cùng chế độ sử dụng đất khác. Các giao dịch về quyền sử dụng đất gắn với cơ sở sản xuất, thương mại, dịch vụ như khách sạn, nhà hàng, siêu thị, trung tâm thương mại đang phát triển mạnh, đặc biệt là giao dịch nhà đất có văn phòng cho thuê tại các đô thị lớn hoặc các khu vực có hoạt động kinh tế, đầu tư phát triển.

Tuy nhiên, việc giao dịch quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất chưa bảo đảm thông tin niêm yết cụ thể, rõ ràng, chưa được kiểm chứng chặt chẽ, đặc biệt là tính pháp lý và công khai giá, chưa bảo đảm tin cậy, trong việc tiếp cận nguồn lực đất đai. Nhà nước chưa có cơ sở thực hiện việc điều phối, giúp tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các nhà đầu tư trong và ngoài nước thuận lợi tiếp cận thông tin, định hướng, thúc đẩy thị trường quyền sử dụng đất phục vụ tăng trưởng, phát triển nền kinh tế.

1
Việc thành lập Sàn giao dịch Quyền sử dụng đất nhằm tránh tình trạng mua bán nhà trên giấy, hoạt động lừa đảo, thông tin sai sự thật

Theo báo cáo tổng kết thi hành Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 và định hướng sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản của Bộ Xây dựng, trước sự phục hồi của thị trường bất động sản và sự phát triển nhanh chóng của các sàn giao dịch bất động sản từ năm 2014 đến nay, những cơ chế chính sách hiện hành đã không còn phù hợp với tình hình thực tế của thị trường bất động sản, thiếu tính chặt chẽ dẫn đến nhiều hệ lụy.

Cụ thể, Luật hiện hành quy định tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản khi bán, cho thuê, cho thuê mua bất động sản không bắt buộc phải thông qua Sàn giao dịch bất động sản đã gây ảnh hưởng đến thị trường bất động sản, quản lý nhà nước và người dân.

Bên cạnh đó, các quy định về điều kiện thành lập Sàn giao dịch bất động sản còn nhiều bất cập dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý Nhà nước, tạo kẽ hở cho các Sàn giao dịch bất động sản lách luật để hoạt động kinh doanh.

Tổng hợp báo cáo thi hành Luật từ các địa phương cho thấy, từ khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực đến nay, cả nước có khoảng 3.177.936 giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất với trên 23.292,46 nghìn ha và 81.829 giao dịch cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất với 7.156,29ha.

Ngoài ra, pháp luật hiện hành chưa có quy định về hệ thống mạng lưới sàn giao dịch bất động sản do Nhà nước trực tiếp quản lý, mà mới chỉ được quản lý bởi các tổ chức nghề nghiệp như Hiệp hội môi giới bất động sản, Hiệp hội bất động sản Việt Nam... Do vậy, Nhà nước thiếu đi một công cụ quản lý, một kênh thông tin chính thống xuyên suốt cả nước đối với hoạt động giao dịch của thị trường bất động sản; không quản lý được thông tin về thị trường bất động sản đúng với những gì đang diễn ra.

Để giải quyết này, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan, nghiên cứu thành lập Sàn giao dịch quyền sử dụng đất.

Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, đảm bảo không phát sinh thủ tục

Triển khai nhiệm vụ này, ông Mai Văn Phấn, Cục trưởng Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai cho biết, Cục đã phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát các quan điểm chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, quy định của pháp luật có liên quan, rà soát tình hình thực hiện giao dịch quyền sử dụng đất và tài sản khác gắn liền với đất từ khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực đến nay… Qua đó đã phân tích các hạn chế để đề xuất nghiên cứu thành lập Sàn giao dịch quyền sử dụng đất.

Tại buổi làm việc về nội dung này tại Bộ TN&MT do Thứ trưởng Lê Minh Ngân chủ trì mới đây, nhiều đại biểu đề nghị thành lập Sàn giao dịch Quyền sử dụng đất đặt ở Văn phòng Đăng ký đất đai cấp tỉnh và Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai cấp huyện. Bộ TN&MT sẽ thiết lập công cụ kiểm tra, giám sát hoạt động của các Sàn giao dịch Quyền sử dụng trên nền tảng hệ thống thông tin đất đai được quản lý tập trung, thống nhất tại Trung ương.

Một số đại biểu đề xuất phương án thành lập Sàn giao dịch Bất động sản theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản thì phải quy định nguyên tắc Sàn giao dịch Bất động sản phải do Nhà nước quản lý, không giao cho doanh nghiệp, đồng thời, phải mở rộng phạm vi cho đầy đủ các loại đất được đưa vào giao dịch. Sàn giao dịch đó phải được liên thông với Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai, xây dựng để cập nhật đồng bộ lên hệ thống. Ngoài ra, cũng cần phải có lộ trình đưa giao dịch quyền sử dụng đất thông qua Sàn Giao dịch cho phù hợp, trước mắt ưu tiên áp dụng ở đô thị và những nơi có giao dịch về quyền sử dụng đất sôi động.

Theo baotainguyenmoitruong.vn

NỘI DUNG KHÁC

Thúc đẩy chuyển đổi xanh trong mọi mặt của đời sống xã hội

24-8-2023

Tới dự Diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam (VCSF) 2023 với chủ đề "Cuộc đua xanh toàn cầu từ chiến lược đến thực hành kinh doanh bền vững", thể hiện tinh thần chủ động của cộng đồng doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định cam kết mạnh mẽ của Chính phủ tiếp tục thiết lập môi trường pháp lý thuận lợi để doanh nghiệp thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Phó Thủ tướng đánh giá qua các kỳ VCSF, cộng đồng doanh nghiệp đã có sự chuyển đổi từ nhận thức đến những chủ đề mang tính hành động, thể hiện tinh thần, trách nhiệm, đóng góp vào việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách và đồng hành cùng đất nước trên con đường chuyển đổi xanh. "Điều đó cho chúng ta niềm tin vào sự thành công của công cuộc chuyển đổi xanh mà Đảng, Nhà nước đang thúc đẩy; cũng cho thấy trách nhiệm xã hội và sự nhạy bén của cộng đồng doanh nghiệp trước các xu thế phát triển của thời đại", Phó Thủ tướng nói.

Tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế để giải quyết các thách thức môi trường và khí hậu

25-8-2023

Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN lần thứ 17 và các Hội nghị liên quan trong các ngày 23 đến 24 tháng 8 năm 2023, tại Viên Chăn, CHDCND Lào đã diễn ra thành công tốt đẹp, thúc đẩy hợp tác khu vực và quốc tế nhằm giải quyết các thách thức nghiêm trọng về môi trường và khí hậu. Theo đó, Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN lần thứ 17 và các Hội nghị liên quan đã thống nhất ưu tiên đẩy mạnh hợp tác khu vực về ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học, chống ô nhiễm rác thải nhựa và phát triển thành phố bền vững. Các Hội nghị đã thống nhất về nguyên tắc Tuyên bố chung ASEAN về Biến đổi khí hậu tại kỳ họp thứ 28 của Hội nghị các Bên tham gia Công ước khung Liên Hợp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC COP28) để đưa ra xem xét tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43.

Quản lý tài nguyên nước: Cần quy định rõ trách nhiệm của các Bộ, Ngành

25-8-2023

Chỉ khi phân định rõ trách nhiệm của từng bộ ngành, việc quản lý tài nguyên nước theo phương thức tổng hợp mới phát huy được hiệu quả, mỗi ngành phát huy được thế mạnh, nguồn tài nguyên nước được khai thác hợp lý và bền vững.Theo báo cáo của Cục Quản lý tài nguyên nước, với sự ra đời của Luật Tài nguyên nước từ năm 1998, sửa đổi năm 2012, đến nay, về cơ bản công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên nước đã tạo ra sự chuyển biến hết sức tích cực, nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong khai thác, sử dụng nước. Tuy vậy, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài  nguyên nước Ngô Mạnh Hà cho rằng, cũng phải nhìn thẳng vấn đề là thực trạng quản lý tài nguyên nước ở Việt Nam còn rất nhiều bất cập.

Bộ TN&MT Việt Nam và Bộ Môi trường Nhật Bản ký kết Ý định thư hợp tác quản lý rác thải biển

27-8-2023

Chiều 25/8, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TN&MT Việt Nam Đặng Quốc Khánh đã hội đàm với Bộ trưởng Bộ Môi trường Nhật Bản Nishimura Akihiro. Hai bên trao đổi cụ thể về những nội dung hợp tác trong thời gian tới và ký kết Ý định thư hợp tác quản lý rác thải biển. Tham dự buổi Hội đàm, về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường có lãnh đạo, đại diện lãnh đạo các đơn vị: Vụ Hợp tác Quốc tế; Vụ Môi trường; Cục Biển và Hải đảo Việt Nam; Cục Biến đổi khí hậu; Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường; Văn phòng Bộ; Viện trưởng Nguyễn Đình Thọ đại diện Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường tham dự buổi ký kết. Về phía Nhật Bản có sự tham dự của Ông YAMADA Takio, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam; Lãnh đạo các đơn vị chuyên môn của Bộ Môi trường Nhật Bản.

Bộ Tài nguyên và Môi trường: “Nhiều kiến nghị của 14 hiệp hội không có cơ sở”

27-8-2023

Đại diện đơn vị soạn thảo mức phí tái chế (Fs) cho rằng một số kiến nghị của 14 hiệp hội chưa phù hợp và không thể so sánh Việt Nam với Tây Âu. Theo Luật Bảo vệ Môi trường, từ 1/1/2024, nhà sản xuất, nhập khẩu phải thực hiện trách nhiệm mở rộng tái chế sản phẩm, bao bì thải bỏ bằng cách tự tổ chức tái chế hoặc đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế. Mức phí tái chế (Fs) đang được 14 hiệp hội đánh giá "cao hơn Tây Âu". Trao đổi với VnExpress, ông Phan Tuấn Hùng - Vụ trưởng Pháp chế (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Giám đốc Văn phòng EPR quốc gia cho biết sẽ ghi nhận các kiến nghị của 14 hiệp hội doanh nghiệp nhưng ông cho rằng một số "đang có nhầm lẫn".

Kế hoạch triển khai Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất

27-8-2023

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký Quyết định số 993/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch quốc gia triển khai Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất đến năm 2030.Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch nhằm đóng góp trực tiếp vào mục tiêu phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn, các mục tiêu về giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học, quản lý rừng bền vững, chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; thúc đẩy phát triển sinh kế bền vững cho người dân và cộng đồng địa phương, đảm bảo an ninh lương thực và bảo vệ môi trường, qua đó thực hiện được các cam kết của Tuyên bố Glasgow.

Đảm bảo Luật Đất đai (sửa đổi) đi vào cuộc sống, đáp ứng mong mỏi của Nhân dân

27-8-2023

Tại Phiên họp cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sáng 25/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ ngành chung sức, đồng lòng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đảm bảo các quy định của luật đi vào cuộc sống, đáp ứng mong mỏi của Nhân dân... Tiếp tục Phiên họp thứ 25, sáng 25/8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Tại Phiên họp, đề cập về Một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh: Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy, đây là dự án Luật lớn, quá trình tiếp thu, chỉnh lý tiếp tục nhận được nhiều ý kiến khác nhau.

Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên môi trường tổ chức Hội nghị lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý

28-8-2023

Thực hiện Hướng dẫn số 525-HD/BCSĐTNMT ngày 07/7/2023 của Ban cán sự đảng Bộ Hướng dẫn về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý tại Bộ Tài nguyên và Môi trường và Kế hoạch số 01/KH-VCLCSTNMT ngày 28/7/2023 của Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường về Kế hoạch tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với Lãnh đạo Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, ngày 28/8/2023, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường tổ chức Hội nghị lấy phiếu tín nhiệm đối với Viện trưởng Nguyễn Đình Thọ, Phó Viện trưởng Mai Thanh Dung và Phó Viện trưởng Nguyễn Trung Thắng. Tham dự Hội nghị có Chi ủy, Lãnh đạo Viện, lãnh đạo các đơn vị thuộc Viện, Chủ tịch Công đoàn và Bí thư Đoàn Thanh Niên Viện.

Việt Nam và Singapore ký kết Ý định thư về việc tiếp tục thực hiện Bản ghi nhớ hợp tác theo Điều 6 Thỏa thuận Paris

29-8-2023

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh và Bộ trưởng Bộ Nhân lực kiêm Bộ trưởng thứ hai Bộ Công Thương Singapore Tan See Leng ký Ý định thư giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam và Bộ Công Thương Singapore về việc tiếp tục thực hiện Bản ghi nhớ hợp tác theo Điều 6 Thỏa thuận Paris. Sáng 28/8, ngay sau hội đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã chứng kiến lễ ký kết 7 văn kiện hợp tác mới giữa các bộ, ngành, cơ quan của hai nước. Đây là những cơ sở rất quan trọng để đưa quan hệ hai nước phát triển sâu rộng, mạnh mẽ, thực chất, hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới. Tại đây, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh và Bộ trưởng Bộ Nhân lực kiêm Bộ trưởng thứ hai Bộ Công Thương Singapore Tan See Leng ký Ý định thư giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam và Bộ Công Thương Singapore về việc tiếp tục thực hiện Bản ghi nhớ hợp tác theo Điều 6 Thỏa thuận Paris.

Đại biểu Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Tài nguyên nước

29-8-2023

Tiếp tục chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách chiều 28/8, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, các đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, dự án luật này đã được xem xét, thảo luận tại Kỳ họp thứ 5. Ngay sau kỳ họp, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo, Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật; tham khảo và học tập kinh nghiệm của các chuyên gia; tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, tiếp tục hoàn thiện hồ sơ trình Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách.

Tập trung cao độ để tiếp thu, hoàn thiện Luật Đất đai sửa đổi

29-8-2023

Sáng 28/8, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã làm việc với lãnh đạo Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các bộ, ngành liên quan về tiếp thu, hoàn thiện Dự án Luật Đất đai sửa đổi (Dự thảo). Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu lãnh đạo, đại diện các bộ, ngành dựa trên cơ sở chính trị, khoa học, căn cứ thực tiễn để nêu ý kiến, trao đổi và thống nhất đối với từng điều, khoản đã sửa đổi, chỉnh lý trong Dự thảo. Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân báo cáo một số nội dung trong Dự thảo mà Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội thống nhất chỉnh sửa kể từ khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 đến nay.

Khởi động đợt 2 của Chương trình Thúc đẩy Tài chính Khí hậu Việt Nam (CFA)

29-8-2023

Đại sứ quán Anh tại Hà Nội vừa công bố đợt hai của chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực cho các dự án carbon thấp, mang đến lợi ích cho các cộng đồng trên toàn Việt Nam. Sau thành công của chương trình CFA đợt đầu tiên, Đại sứ quán Anh hiện đang tìm kiếm các dự án ở giai đoạn tiền khả thi có nhu cầu huy động vốn từ 5 triệu USD trở lên. Cổng thông tin nhận đề xuất hiện đã được mở để các đại diện có thể nộp đề án trực tuyến. Chính thức được công bố tại Việt Nam vào năm 2022, Chương trình CFA là chương trình hỗ trợ kỹ thuật do Chính phủ Vương quốc Anh tài trợ nhằm ứng phó trực tiếp với tình trạng khẩn cấp và ảnh hưởng lan rộng của biến đổi khí hậu. Chương trình tập hợp các tổ chức tài chính có khả năng phát triển và cấp vốn cho các dự án khí hậu quy mô lớn, cung cấp hỗ trợ về kỹ thuật, hỗ trợ về mô hình tài chính và chuẩn bị nội dung thuyết phục nhà đầu tư, tư vấn để tăng cường bình đẳng giới và hòa nhập xã hội (GESI).