TIN TỨC-SỰ KIỆN

Bộ Tài nguyên và Môi trường: “Nhiều kiến nghị của 14 hiệp hội không có cơ sở”

Ngày đăng: 27 | 08 | 2023

Đại diện đơn vị soạn thảo mức phí tái chế (Fs) cho rằng một số kiến nghị của 14 hiệp hội chưa phù hợp và không thể so sánh Việt Nam với Tây Âu. Theo Luật Bảo vệ Môi trường, từ 1/1/2024, nhà sản xuất, nhập khẩu phải thực hiện trách nhiệm mở rộng tái chế sản phẩm, bao bì thải bỏ bằng cách tự tổ chức tái chế hoặc đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế. Mức phí tái chế (Fs) đang được 14 hiệp hội đánh giá "cao hơn Tây Âu". Trao đổi với VnExpress, ông Phan Tuấn Hùng - Vụ trưởng Pháp chế (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Giám đốc Văn phòng EPR quốc gia cho biết sẽ ghi nhận các kiến nghị của 14 hiệp hội doanh nghiệp nhưng ông cho rằng một số "đang có nhầm lẫn".

368678418 1469214263864701 448 7389 8529 1692845887
Ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Pháp chế (Bộ Tài nguyên và Môi trường). Ảnh: Gia Chính

Ông Phan Tuấn Hùng cho rằng "ý kiến này không có cơ sở" và "rất khó để so sánh". Ông lý giải, mức phí tái chế ở các nước khác nhau là do khác biệt về cách tiếp cận, cơ cấu phí, công nghệ, giá, chi phí nhân công cũng như yêu cầu về tỷ lệ tái chế bắt buộc.

"Ngay tại EU, mức phí tái chế cho bao bì giữa các nước thành viên cũng có thể chênh lệch rất nhiều lần", ông Hùng nói và lấy ví dụ với bao bì nhôm, phí tái chế ở Áo là 8.584 đồng một kg, ở Bỉ là 579 đồng, ở Thụy Điển lại lên tới 13.013 đồng.

Đại diện cơ quan soạn thảo cho rằng Fs đang đề xuất sát và phù hợp với thực tế Việt Nam. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức nhóm tư vấn điều tra, khảo sát thực tế chi phí tái chế tại 70 cơ sở lớn trên toàn quốc cùng với sự tham gia của Viện Công nghệ Môi trường (ĐH Bách khoa Hà Nội) trước khi đưa ra. Đơn vị soạn thảo cũng tham khảo, đối chiếu với các quốc gia, vùng lãnh thổ có quy định đóng góp tài chính để hỗ trợ tái chế tương tự Đài Loan, Singapore. Ngoài ra, mức phí cũng giảm còn 10-15% so với chi phí thực tế được khảo sát, bất chấp mức này có thể không thể hiện được chi phí tái chế thực tế.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang đề xuất áp dụng hệ số điều chỉnh để giảm định mức chi phí tái chế nhằm phản ánh khả năng thu gom và hiệu quả tái chế đối với từng loại sản phẩm, bao bì và mức độ khuyến khích phát triển công nghệ tái chế đối với từng loại sản phẩm.

Chính sách này một mặt khuyến khích sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm, bao bì dễ thu gom, tái chế. Mặt khác, hệ số cao để khuyến khích việc đầu tư tái chế đối với các sản phẩm, bao bì đang chưa được tái chế chính thức hoặc ít được tái chế do chi phí tái chế cao, lợi nhuận thấp. Do đó, với các loại sản phẩm, bao bì dễ tái chế, mức phí có thể giảm tới 80% so với so với mức các cơ sở tái chế ở Việt Nam đang thực hiện.

Về kiến nghị chính sách mới làm tăng giá hàng hóa, gây khó cho doanh nghiệp, ông Phan Tuấn Hùng cho rằng cần phân biệt rõ giữa chi phí tuân thủ quy định trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì của nhà sản xuất, nhập khẩu (gọi tắt là EPR) với Fs. Để thực hiện EPR, nhà sản xuất, nhập khẩu phải có chi phí tuân thủ. Theo quy định, họ có nhiều lựa chọn để thực hiện EPR, một trong số đó là đóng tiền trên cơ sở Fs. Có nghĩa là, Fs không bắt buộc, là một trong các lựa chọn để nhà sản xuất, nhập khẩu thực hiện EPR.

"Trừ trường hợp các sản phẩm, bao bì chưa có cơ sở tái chế để làm thì mới phải chọn hình thức đóng tiền để thực hiện trách nhiệm", ông Hùng khẳng định.

Doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng sẽ không chịu tác động của chính sách này do Nghị định 08/2022 miễn trừ EPR cho các nhà sản xuất, nhập khẩu có doanh thu năm từ sản xuất dưới 30 tỷ đồng hoặc giá trị nhập khẩu dưới 20 tỷ.

Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết đang nghiên cứu thay đổi cách nộp tạm ứng đóng góp tái chế và sẽ tìm phương án cân bằng với nhà sản xuất, nhập khẩu tự tái chế. Luật Bảo vệ môi trường 2020 hiện quy định, mỗi loại sản phẩm, bao bì cụ thể thì doanh nghiệp chỉ được chọn một trong hai hình thức (tự tái chế hoặc nộp tiền) nên quy định ban hành không thể kết hợp, dẫn đến trái luật.

Các hiệp hội cũng đề xuất có chính sách ưu đãi với doanh nghiệp sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường. Theo ông Phan Tuấn Hùng, hiện đã có nhiều chính sách ưu đãi như ngành nghề, nhãn sinh thái. Trong khi đó, thế giới chưa có nước nào áp dụng ưu đãi nên Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham khảo, khi đủ điều kiện sẽ đề xuất áp dụng.

14 hiệp hội vừa có kiến nghị đến 9 bộ trưởng gồm: Thực phẩm minh bạch; Lương thực thực phẩm TP HCM, Chế biến & Xuất khẩu thủy sản Việt Nam; Sữa Việt Nam; Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao; Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam; Dệt may Việt Nam; Doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam; Gỗ & Lâm sản Việt Nam; Chè Việt Nam; Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam; Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam; Nhựa Việt Nam; Doanh nghiệp sản xuất & kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật.

Bộ Tài nguyên & Môi trường là đơn vị được giao ban hành định mức tái chế cụ thể cho từng loại sản phẩm, bao bì với chu kỳ điều chỉnh 3 năm một lần.

Theo vnexpress.net

NỘI DUNG KHÁC

Kế hoạch triển khai Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất

27-8-2023

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký Quyết định số 993/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch quốc gia triển khai Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất đến năm 2030.Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch nhằm đóng góp trực tiếp vào mục tiêu phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn, các mục tiêu về giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học, quản lý rừng bền vững, chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; thúc đẩy phát triển sinh kế bền vững cho người dân và cộng đồng địa phương, đảm bảo an ninh lương thực và bảo vệ môi trường, qua đó thực hiện được các cam kết của Tuyên bố Glasgow.

Đảm bảo Luật Đất đai (sửa đổi) đi vào cuộc sống, đáp ứng mong mỏi của Nhân dân

27-8-2023

Tại Phiên họp cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sáng 25/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ ngành chung sức, đồng lòng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đảm bảo các quy định của luật đi vào cuộc sống, đáp ứng mong mỏi của Nhân dân... Tiếp tục Phiên họp thứ 25, sáng 25/8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Tại Phiên họp, đề cập về Một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh: Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy, đây là dự án Luật lớn, quá trình tiếp thu, chỉnh lý tiếp tục nhận được nhiều ý kiến khác nhau.

Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên môi trường tổ chức Hội nghị lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý

28-8-2023

Thực hiện Hướng dẫn số 525-HD/BCSĐTNMT ngày 07/7/2023 của Ban cán sự đảng Bộ Hướng dẫn về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý tại Bộ Tài nguyên và Môi trường và Kế hoạch số 01/KH-VCLCSTNMT ngày 28/7/2023 của Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường về Kế hoạch tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với Lãnh đạo Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, ngày 28/8/2023, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường tổ chức Hội nghị lấy phiếu tín nhiệm đối với Viện trưởng Nguyễn Đình Thọ, Phó Viện trưởng Mai Thanh Dung và Phó Viện trưởng Nguyễn Trung Thắng. Tham dự Hội nghị có Chi ủy, Lãnh đạo Viện, lãnh đạo các đơn vị thuộc Viện, Chủ tịch Công đoàn và Bí thư Đoàn Thanh Niên Viện.

Việt Nam và Singapore ký kết Ý định thư về việc tiếp tục thực hiện Bản ghi nhớ hợp tác theo Điều 6 Thỏa thuận Paris

29-8-2023

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh và Bộ trưởng Bộ Nhân lực kiêm Bộ trưởng thứ hai Bộ Công Thương Singapore Tan See Leng ký Ý định thư giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam và Bộ Công Thương Singapore về việc tiếp tục thực hiện Bản ghi nhớ hợp tác theo Điều 6 Thỏa thuận Paris. Sáng 28/8, ngay sau hội đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã chứng kiến lễ ký kết 7 văn kiện hợp tác mới giữa các bộ, ngành, cơ quan của hai nước. Đây là những cơ sở rất quan trọng để đưa quan hệ hai nước phát triển sâu rộng, mạnh mẽ, thực chất, hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới. Tại đây, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh và Bộ trưởng Bộ Nhân lực kiêm Bộ trưởng thứ hai Bộ Công Thương Singapore Tan See Leng ký Ý định thư giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam và Bộ Công Thương Singapore về việc tiếp tục thực hiện Bản ghi nhớ hợp tác theo Điều 6 Thỏa thuận Paris.

Đại biểu Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Tài nguyên nước

29-8-2023

Tiếp tục chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách chiều 28/8, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, các đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, dự án luật này đã được xem xét, thảo luận tại Kỳ họp thứ 5. Ngay sau kỳ họp, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo, Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật; tham khảo và học tập kinh nghiệm của các chuyên gia; tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, tiếp tục hoàn thiện hồ sơ trình Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách.

Tập trung cao độ để tiếp thu, hoàn thiện Luật Đất đai sửa đổi

29-8-2023

Sáng 28/8, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã làm việc với lãnh đạo Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các bộ, ngành liên quan về tiếp thu, hoàn thiện Dự án Luật Đất đai sửa đổi (Dự thảo). Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu lãnh đạo, đại diện các bộ, ngành dựa trên cơ sở chính trị, khoa học, căn cứ thực tiễn để nêu ý kiến, trao đổi và thống nhất đối với từng điều, khoản đã sửa đổi, chỉnh lý trong Dự thảo. Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân báo cáo một số nội dung trong Dự thảo mà Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội thống nhất chỉnh sửa kể từ khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 đến nay.

Khởi động đợt 2 của Chương trình Thúc đẩy Tài chính Khí hậu Việt Nam (CFA)

29-8-2023

Đại sứ quán Anh tại Hà Nội vừa công bố đợt hai của chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực cho các dự án carbon thấp, mang đến lợi ích cho các cộng đồng trên toàn Việt Nam. Sau thành công của chương trình CFA đợt đầu tiên, Đại sứ quán Anh hiện đang tìm kiếm các dự án ở giai đoạn tiền khả thi có nhu cầu huy động vốn từ 5 triệu USD trở lên. Cổng thông tin nhận đề xuất hiện đã được mở để các đại diện có thể nộp đề án trực tuyến. Chính thức được công bố tại Việt Nam vào năm 2022, Chương trình CFA là chương trình hỗ trợ kỹ thuật do Chính phủ Vương quốc Anh tài trợ nhằm ứng phó trực tiếp với tình trạng khẩn cấp và ảnh hưởng lan rộng của biến đổi khí hậu. Chương trình tập hợp các tổ chức tài chính có khả năng phát triển và cấp vốn cho các dự án khí hậu quy mô lớn, cung cấp hỗ trợ về kỹ thuật, hỗ trợ về mô hình tài chính và chuẩn bị nội dung thuyết phục nhà đầu tư, tư vấn để tăng cường bình đẳng giới và hòa nhập xã hội (GESI).

ISPONRE làm việc với Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) và Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) về kết quả nghiên cứu đề xuất mô hình quản lý việc thải bỏ phương tiện

31-8-2023

Trong khuôn khổ Dự án “Nghiên cứu xây dựng quy định về thải bỏ, thu hồi phương tiện giao thông vận tải phù hợp với điều kiện Việt Nam”, ngày 31/8/2023, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE) và Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM); Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đã tổ chức cuộc họp thảo luận về kết quả nghiên cứu đề xuất mô hình quản lý việc thải bỏ phương tiện giao thông. Cuộc họp có sự tham gia trực tiếp và trực tuyến của nhóm nghiên cứu ISPONRE và các thành viên của hai hiệp hội VAMM và VAMA. TS. Nguyễn Trung Thắng - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường chủ trì cuộc họp.

Xây dựng thành công dự án Luật Đất đai (sửa đổi): Thể hiện rõ vai trò trong tiến trình phát triển

5-9-2023

Luật Đất đai là một trong những luật rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới mọi người dân, doanh nghiệp, tổ chức. Việc sửa đổi Luật có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm tháo gỡ những vướng mắc, giải phóng nguồn lực đất đai, bảo đảm hài hòa lợi ích Nhà nước, người dân và nhà đầu tư. Do đó, xây dựng Luật Đất đai thành công cũng được ví như làm cách mạng thành công. Sau hơn 30 năm đi vào cuộc sống với 5 lần sửa đổi, gần nhất là năm 2013, Luật Đất đai đã thể hiện rõ vai trò trong tiến trình phát triển của đất nước, là bước ngoặt quan trọng giúp khơi thông nguồn lực đất đai; đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất, quyền lợi của Nhà nước, doanh nghiệp và ổn định xã hội.

Để những mạch nguồn chảy mãi

6-9-2023

Việt Nam được dệt thêu bởi 3.450 sông, suối - tạo nên sự đa dạng cảnh sắc, con người và văn hóa độc đáo. Thế nhưng, sông ngòi - những mạch sống của các hệ sinh thái đang bị đầu độc bởi con người. Ngày nay, khó có thể kiếm được con sông nào giữ được một vài nét nguyên sơ. Nước ta hiện có 108 lưu vực sông với tổng lượng nước trung bình hàng năm khoảng 830 tỷ m3. Thế nhưng, hệ lụy của phát triển “nâu” đang khiến chất lượng nước mặt của các sông, ngòi, kênh, rạch, đặc biệt là ở các vùng đô thị và vùng công nghiệp suy thoái tới mức “báo động đỏ”, tác động nguy hiểm đối với đời sống con người cũng như sinh vật thủy sinh.

Tài chính xanh và thị trường tín chỉ Carbon

6-9-2023

Trước thềm Diễn đàn Kinh tế TPHCM 2023, sáng 6-9, tại TP.HCM, Báo SGGP tổ chức hội thảo “Tài chính xanh và thị trường tín chỉ carbon”. Tham dự và chủ trì hội thảo có Ông Phan Văn Mãi - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM, Ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Ông Nguyễn Quang Huân - Ủy viên Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ TN&MT), Ông Hoàng Thái Sơn - Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Tài chính; Ông Tăng Hữu Phong - Tổng biên tập Báo SGGP. Hội thảo là cơ hội để các nhà quản lý, chuyên gia trong lĩnh vực, trình bày cũng như giải đáp những thắc mắc liên quan đến tài chính xanh và thị trường tín chỉ Carbon.

Các chuyên gia, nhà khoa học đề xuất ban hành Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 24-NQ/TW

11-9-2023

Chiều 8/9, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh đã chủ trì cuộc họp tham vấn ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học góp ý Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khoá XI về chủ động ứng phó với BĐKH , tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Tại cuộc họp, các chuyên gia, nhà khoa học đã cơ bản thống nhất việc đề xuất Ban Chỉ đạo tham mưu cho Trung ương ban hành một Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 24-NQ/TW. Tham dự cuộc họp có các đại biểu của Hội đồng Lý luận Trung ương; Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Văn phòng Trung ương Đảng; Ban Tuyên giáo Trung ương; Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam; Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội và các đơn vị có liên quan; các thành viên Tổ biên tập theo Quyết định số 01/QĐ-BCSĐTKNQ24 ngày 19/7/2023 thuộc Bộ TN&MT.