TIN TỨC-SỰ KIỆN

Tham vấn Dự thảo Hướng dẫn kỹ thuật Lập đề án chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên cấp cơ sở cho hệ sinh thái biển và hệ sinh thái đất ngập nước tại Việt Nam

Ngày đăng: 12 | 08 | 2024

Ngày 12/8/2024, trong khuôn khổ dự án “Mạng lưới Dịch vụ Hệ sinh thái và Đa dạng sinh học Pha II” (BET-Net II), Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc tại Việt Nam (UNDP-Việt Nam) phối hợp với Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (ISPONRE) và Viện Nghiên cứu Sinh thái và Môi trường rừng (RIFEE) tổ chức họp Tham vấn chuyên gia Dự thảo Hướng dẫn kỹ thuật Lập đề án chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên cấp cơ sở cho hệ sinh thái biển và hệ sinh thái đất ngập nước tại Việt Nam. Hội thảo do PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng ISPONRE chủ trì. RIFEE là đơn vị tư vấn triển khai hoạt động “Xây dựng Hướng dẫn kỹ thuật lập Đề án Chi trả Dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên cấp cơ sở cho hệ sinh thái biển và hệ sinh thái đất ngập nước tại Việt Nam, áp dụng thí điểm tại Vườn quốc gia Tràm Chim, tỉnh Đồng Tháp”. Mục tiêu của nhiệm vụ là xác định được tên gọi, địa danh của HST tự nhiên cung ứng DVHST; Đánh giá được hiện trạng, đặc điểm của HST tự nhiên cung ứng DVHST; Xác định được các loại hình DVHST tự nhiên được cung ứng; Xác định được danh sách, cá nhân được hưởng lợi và phải chi trả cho các DVHST được cung ứng; Xác định được các biện pháp bảo tồn, duy trì và phát triển HST tự nhiên; Xác định được mức chi trả, hình thức chi trả cho các DVHST được cung ứng; Xây dựng được phương án sử dụng nguồn thu từ chi trả DVHST.

IMG 20240812 141108 421
PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng ISPONRE chủ trì cuộc họp

Chi trả Dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) là một chính sách có tính chiến lược và đột phá của Việt Nam trong việc tạo ra thay đổi về mặt tư duy, nhận thức về mối quan hệ giữa chủ rừng với vai trò là bên cung ứng DVMTR và các cá nhân, tổ chức sử dụng DVMTR như là đầu vào quan trong cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, qua đó huy động được nguồn lực xã hội to lớn cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Chính sách Chi trả DVMTR đã được thể chế hoá trong nhiều văn bản pháp lý và bắt đầu được triển khai rộng rãi trên toàn quốc từ năm 2010. Qua 13 năm triển khai, số tiền mà bên sử dụng DVMTR chi trả cho bên cung ứng DVMTR ngày càng tăng lên. Tính đến hết năm 2023, tổng số tiền chi trả DVMTR thu được đã lên tới 26.402 tỷ đồng (trung bình 2.030 tỷ đồng/năm) và tổng diện tích rừng được chi trả lên tới 7,17 triệu ha (tương đương với 48% tổng diện tích rừng cả nước).

IMG 20240812 141316 537
Đại diện UNDP phát biểu tại cuộc họp

Tiếp nối thành công của chính sách Chi trả DVMTR, Chính phủ Việt Nam đã ban hành chính sách về Chi trả Dịch vụ hệ sinh thái (DVHST) tại Luật Bảo vệ môi trường 2020  và Nghị định 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022  nhằm tạo ra nguồn thu cho việc bảo tồn, phục hồi các HST tự nhiên, bảo tồn thiên nhiên hoang dã. Theo đó, các dịch vụ HST tự nhiên được chi trả bao gồm: (i) DVMTR của hệ sinh thái rừng của hệ sinh thái rừng áp dụng theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp; (ii) dịch vụ HST ĐNN phục vụ mục đích kinh doanh du lịch, giải trí, nuôi trồng thuỷ sản (NTTS); (iii) dịch vụ HST biển phục vụ mục đích kinh doanh du lịch, giải trí, NTTS; (iv) dịch vụ HST núi đá, hang động và công viên địa chất phục vụ mục đích kinh doanh du lịch, giải trí; (v) dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên phục vụ mục đích hấp thụ và lưu trữ các-bon. Nghị định 08/2022/NĐ-CP cũng quy định tổ chức, cá nhân cung ứng dịch vụ HST tự nhiên có trách nhiệm lập Đề án chi trả DVHST tự nhiên cấp cơ sở cho khu vực áp dụng chi trả DVHST tự nhiên. Ngoài ra, Nghị định này còn quy định nội dung chính của Đề án chi trả DVHST tự nhiên cấp cơ sở bao gồm: (i) tên gọi, địa danh của HST tự nhiên; (ii) thông tin chung về khu vực cung ứng dịch vụ HST tự nhiên; (iii) các loại hình dịch vụ HST tự nhiên được cung ứng; (iv) danh sách tổ chức, cá nhân sử dụng DV HST tự nhiên; (v) các biện pháp bảo tồn, duy trì và phát triển HST tự nhiên; (vi) dự kiến mức chi trả, hình thức chi trả và (vii) phương án sử dụng nguồn thu từ chi trả DVHST tự nhiên.

IMG 20240812 141830 602

IMG 20240812 140912 070

IMG 20240812 144849 795

IMG 20240812 141220 465

Trung tâm TVĐT&DVTNMT

 

NỘI DUNG KHÁC

ISPONRE họp tham vấn với chuyên gia về xây dựng đề xuất dự án huy động nguồn lực trong lĩnh vực quản lý hóa chất và chất thải

14-8-2024

Ngày 13/8/2024, để lấy ý kiến các bên liên quan hoàn thiện đề xuất kỹ thuật, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường phối hợp với Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) tổ chức cuộc họp tham vấn xây dựng đề xuất dự án huy động nguồn lực trong lĩnh vực quản lý hóa chất và chất thải. Cuộc họp do Phó Viện trưởng Nguyễn Trung Thắng chủ trì với sự tham gia của các chuyên gia trong lĩnh vực quản lý hóa chất và chất thải. Cuộc họp được tổ chức với mục tiêu tăng cường hiểu biết về hiện trạng quản lý hóa chất và chất thải tại Việt Nam; làm thế nào để huy động tài trợ từ Quỹ Tín thác Chương trình đặc biệt của UNEP; đồng thời tăng cường hợp tác giữa các bên liên quan trong việc hoàn thiện đề xuất dự án cho Việt Nam. Việt Nam là đối tác tin cậy và có trách nhiệm trong việc hợp tác với UNDP và UNEP để triển khai thực hiện Công ước Stockholm, Basel, Rotterdam, Minamata, SAICM. Để giải quyết vấn đề quản lý hợp lý hóa chất và chất thải nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, chuyển dịch kinh tế theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế phát thải các-bon thấp là xu thế tất yếu của thời đại, được đồng thuận toàn cầu và được các nước trên thế giới coi là cuộc cách mạng công nghiệp xanh của thế kỷ 21. Đây cũng là cơ hội để cộng đồng toàn cầu chung tay thực hiện cam kết quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu nhằm mục tiêu phát triển bền vững vì sức khỏe của người dân, môi trường thiên nhiên và Trái đất.

Hoàn thiện quy định pháp luật về thăm dò, đánh giá trữ lượng khoáng sản có ích đi kèm

20-8-2024

Các văn bản quy phạm pháp luật về khoáng sản đã quy định về công tác thăm dò và đánh giá trữ lượng, tài nguyên các loại khoáng sản, trong đó có khoáng sản có ích đi kèm trong diện tích thăm dò. Để hạn chế những bất cập trong công tác thăm dò, thẩm định, công nhận trữ lượng khoáng sản có ích đi kèm, cần nghiên cứu sửa đổi bổ sung trong quy định của pháp luật về khoáng sản. Thực tế thăm dò cho thấy hầu hết các mỏ khoáng sản là mỏ khoáng sản tổng hợp (mỏ có từ 1 đến 2 khoáng sản, hoặc có một số thành phần đi kèm có thể thu hồi có hiệu quả). Thông thường khi lập đề án thăm dò đã xác định đối tượng khoáng sản chính và các khoáng sản có ích đi kèm như các mỏ chì - kẽm, mỏ thiếc - volfram gốc, mỏ volfram đa kim, mỏ đồng - niken, mỏ vàng, mỏ đất hiếm… và các báo cáo kết quả thăm dò đã tính được trữ lượng, tài nguyên các khoáng sản chính, khoáng sản và thành phần có ích đi kèm ở mỏ.

GreenEcard: Giải pháp công nghệ số hóa để bảo vệ môi trường

20-8-2024

Trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức về môi trường, việc tìm kiếm các giải pháp bền vững và thân thiện với thiên nhiên đã trở thành một ưu tiên hàng đầu. GreenEcard - dịch vụ thẻ sinh thái số hóa nổi lên như một bước tiến quan trọng trong việc giảm thiểu rác thải nhựa, góp phần bảo vệ môi trường. Trước hết, phải nhấn mạnh rằng rác thải nhựa là một trong những vấn đề môi trường nghiêm trọng nhất hiện nay. Theo các báo cáo và nghiên cứu gần đây, mỗi năm có khoảng 8 - 12 triệu tấn nhựa bị thải ra môi trường, gây hại không chỉ cho hệ sinh thái mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Nhựa khó phân hủy tự nhiên và khi chúng tích tụ trong đất, nước, và không khí, chúng có thể tồn tại hàng trăm năm mà không phân rã. Điều này gây ra các vấn đề về ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến các sinh vật biển và đất liền và thậm chí làm gián đoạn chuỗi thức ăn của con người. Trong bối cảnh đó, việc giảm thiểu sử dụng nhựa là một nhiệm vụ cấp bách. GreenEcard ra đời như một giải pháp công nghệ tiên tiến nhằm đối phó với vấn đề này. Với việc sử dụng GreenEcard, các loại thẻ nhựa truyền thống được thay thế bằng phiên bản số hóa, dễ dàng lưu trữ và quản lý trên các thiết bị điện tử như điện thoại di động, máy tính bảng, hay máy tính cá nhân.

Kiểm kê khí nhà kính để tăng tốc giảm phát thải

27-8-2024

Chính phủ vừa ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính (cập nhật). Đây sẽ là căn cứ để các ngành, lĩnh vực phân bổ nguồn lực thực hiện mục tiêu giảm phát thải và doanh nghiệp có thể tham gia thị trường các-bon trong thời gian tới. Theo Luật Bảo vệ Môi trường, định kỳ 2 năm một lần, Chính phủ sẽ cập nhật danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Danh mục đầu tiên được Chính phủ ban hành năm 2022 tại Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg gồm có 6 lĩnh vực và 1.912 cơ sở.Ngày 13/8/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính (cập nhật) tại Quyết định số 13/2024/QĐ-TTg; bao gồm 6 lĩnh vực và 2.166 cơ sở, chiếm khoảng 30% tổng phát thải khí nhà kính quốc gia.So với Quyết định 01, danh mục mới đã loại ra 297 cơ sở do đã dừng hoạt động hoặc giảm quy mô, công suất hoạt động và cập nhật bổ sung 551 cơ sở mới có lượng phát thải khí nhà kính lớn nằm trong diện quản lý.

Chuyển đổi xanh Net zero, trung hòa các-bon, tín chỉ các-bon và kiểm kê khí nhà kính

27-8-2024

Nhằm giúp các doanh nghiệp Việt Nam tại Hải Phòng nắm bắt được các quy định về kiểm kê cũng như trách nhiệm giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (KNK); có khả năng thực thi bước đầu các yêu cầu kỹ thuật mới theo luật pháp trong nước và quốc tế, ngày 15/8/2024, tại Hải Phòng, Trung tâm Chứng nhận phù hợp (QUACERT) - Ủy ban Tiêu chuẩn đo lường chất lượng quốc gia, Viện Chiến lược và công nghệ Logistics (VLIST), Hiệp hội Logistics Hải Phòng (HPLA), Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hải Phòng (HPSME) và Tạp chí Môi trường phối hợp tổ chức Hội thảo “Chuyển đổi xanh Net zero, trung hòa các-bon, tín chỉ các-bon và kiểm kê KNK”. Tại Hội thảo, các đại biểu được chia sẻ nhiều thông tin hữu ích về kinh nghiệm áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong kiểm kê KNK, trung hòa các-bon; các phương pháp trung hòa các-bon đã và đang được triển khai; những thuận lợi và khó khăn của các doanh nghiệp trong thực hiện kiểm kê KNK... Qua đó giúp các doanh nghiệp tại Hải Phòng hiểu được yêu cầu và thực tiễn về chuyển đổi xanh, Net zero, trung hòa các-bon, tín chỉ các-bon và kiểm kê KNK. Hội thảo cũng thảo luận sâu rộng các nội dung liên quan đến công nghệ quan trắc, giám sát và kiểm kê KNK, từ đó mang đến cái nhìn toàn diện về tình hình phát thải trong các ngành công nghiệp, năng lượng, nông nghiệp và các lĩnh vực khác. Đồng thời, đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp để thúc đẩy phát triển bền vững các ngành kinh tế chủ lực của địa phương, góp phần xây dựng nền kinh tế xanh, hướng tới mục tiêu trung hòa các-bon, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính (cập nhật)

27-8-2024

Ngày 13/8/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính (cập nhật) tại Quyết định số 13/2024/QĐ-TTg. Thực hiện Luật BVMT năm 2020, Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 7/1/2022 của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn, Bộ TN&MT có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và các địa phương xây dựng danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành và được cập nhật 2 năm một lần. Thực hiện quy định nêu trên, Bộ TN&MT đã chủ trì, phối hợp với các Bộ có liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính tại Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg. Theo đó, các lĩnh vực phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính gồm: năng lượng, giao thông vận tải, xây dựng, các quá trình công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất, chất thải. Các cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính gồm có 1.912 cơ sở, thuộc các ngành: công thương, giao thông vận tải, xây dựng, tài nguyên và môi trường.

Triển khai thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý tín chỉ các-bon

10-9-2024

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ban hành Kế hoạch số 09/KH-BTNMT Triển khai thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 02 tháng 5 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý tín chỉ các-bon nhằm thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định. Triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ; nâng cao nhận thức, vai trò của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và toàn xã hội về việc thực hiện các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, Đóng góp do quốc gia tự quyết định Kế hoạch nhằm mục đích triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Chỉ thị số 13/CT-TTg, trong đó cụ thể hóa các nội dung, nhiệm vụ cho đơn vị có liên quan trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường. Đồng thời nâng cao nhận thức, vai trò của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và toàn xã hội về việc thực hiện các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam; về quản lý tín chỉ các-bon, phương thức tạo tín chỉ các-bon, phát triển thị trường các-bon trong nước và tham gia thị trường các-bon thế giới.

Châu Phi tăng cường hành động phối hợp: Biến khủng hoảng môi trường thành cơ hội phát triển

10-9-2024

Hội nghị Bộ trưởng châu Phi về Môi trường tuần này có thể là cơ hội cuối cùng để tất cả các bộ trưởng môi trường châu Phi tập trung và thống nhất các chính sách và hành động trước 3 hội nghị toàn cầu quan trọng về đa dạng sinh học, khí hậu và sa mạc hóa vào cuối năm nay. Tác động của ba cuộc khủng hoảng hành tinh gồm biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và ô nhiễm đang làm tổn hại đến cảnh quan của châu Phi, làm cạn kiệt các đại dương và nguồn nước ngọt của châu lục này, đồng thời khiến tình trạng ô nhiễm không khí đô thị lên mức nguy hiểm. Một số tác động lan rộng của ba cuộc khủng hoảng hành tinh có thể là tác động tàn phá nhất: Châu Phi là khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do sa mạc hóa và suy thoái đất, với khoảng 45% diện tích đất bị ảnh hưởng. Riêng ở vùng Sừng châu Phi và Sahel, suy thoái đất đã gây ra tình trạng thiếu lương thực cho hơn 23 triệu người. Chỉ tính riêng tháng trước, hơn 700.000 người đã bị ảnh hưởng bởi lũ lụt ở Trung và Tây Phi, và hàng chục triệu người ở miền Nam châu Phi đang phải đối mặt với hạn hán.

Nhiên liệu ethanol - đóng góp quan trọng trong hành trình chuyển đổi “xanh”

10-9-2024

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, việc chuyển sang sử dụng nhiên liệu ethanol đóng góp tích cực trong hành trình này. Với gần 100 triệu dân và khoảng 79 triệu phương tiện (73 triệu xe máy và hơn 6 triệu ô tô), việc chuyển sang các nguồn nhiên liệu bền vững như xăng ethanol là cần thiết để phát triển hệ thống giao thông xanh giúp Việt Nam đạt mục tiêu phát thải khí nhà kính ròng bằng 0 vào năm 2050. Thực tế, chỉ riêng năm 2023, việc pha trộn ethanol vào xăng đã giúp giảm 56,5 triệu tấn khí thải nhà kính trong lĩnh vực giao thông vận tải. Con số này tương đương với việc loại bỏ 12 triệu xe ô tô khỏi đường phố mỗi năm; lượng khí thải hàng năm của 15 nhà máy điện than; hoặc thậm chí tương đương với lượng khí thải từ 325.000 chuyến bay khứ hồi từ Los Angeles đến Thành phố New York. Theo nghiên cứu của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, ethanol sản xuất từ các nguyên liệu nông nghiệp có thể giảm lượng khí thải nhà kính lên đến 80%, tùy thuộc vào nguyên liệu sử dụng. Một tương lai xanh mà ở đó ethanol trở thành nhiên liệu chính cho động cơ là hoàn toàn có thể.

Đề xuất chính sách cho hệ thống pin lưu trữ

20-9-2024

Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) vừa đưa ra kết quả một số nghiên cứu về hệ thống lưu trữ điện năng ở Việt Nam, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết của hệ thống pin lưu trữ (BESS) nhằm đảo bảo các nguồn năng lượng tái tạo phát triển ổn định. Nghiên cứu của Viện Năng lượng đưa ra tham khảo về hành lang pháp lý và mức độ áp dụng BESS ở một số nước như Hoa Kỳ, Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ. Các nước này đã chuẩn bị sẵn hành lang pháp lý và các quy định kỹ thuật để BESS tham gia vào hệ thống điện với vai trò cung cấp công suất đỉnh, cung cấp dịch vụ hỗ trợ. Ở cấp độ dự án là kết hợp với điện mặt trời, hay điện gió để cung cấp điện ổn định hơn với giá thành cạnh tranh. Tại Việt Nam, Viện Năng lượng tính toán mô phỏng cho hệ thống thí điểm 50 MW pin lưu trữ dự định đầu tư tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Vào mùa khô, BESS sẽ phải hoạt động nạp/xả 3 lần 1 tuần. Vào mùa mưa, khi nguồn nước thủy điện dồi dào, thủy điện đóng vai trò phủ đỉnh và ổn định tần số nên BESS chỉ phải huy động 1 lần trong 1 tuần.

Huy động vốn đầu tư chuyển đổi năng lượng

20-9-2024

Việt Nam đang trong quá trình đẩy nhanh thực hiện chuyển dịch năng lượng, trọng tâm là chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo và năng lượng mới. Tổng vốn đầu tư cho nguồn, lưới điện truyền tải giai đoạn 2021-2030 trong Quy hoạch điện VIII khoảng 134,7 tỷ USD và đây là một thách thức rất lớn. Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch điện VIII) đề ra mục tiêu cung cấp đủ nhu cầu điện trong nước, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm trong giai đoạn 2021-2030. Tương ứng, tổng công suất các nhà máy điện phải đạt 150.489 MW và điện thương phẩm khoảng 505,2 tỷ kWh. Ước tính tổng vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải tương đương 134,7 tỷ USD (trung bình 13,5 tỷ USD/năm). Trong đó, đầu tư cho nguồn điện khoảng 119,8 tỷ USD (trung bình 12 tỷ USD/năm), lưới điện truyền tải khoảng 14,9 tỷ USD (trung bình 1,5 tỷ USD/năm).

Việt Nam nỗ lực triển khai đồng bộ giải pháp chuyển đổi năng lượng

20-9-2024

Chuyển dịch năng lượng có vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, chuyển đổi nền kinh tế theo hướng xanh và tác động đến tất cả các ngành liên quan đến sử dụng năng lượng. Việt Nam đang chú trọng chuyển dịch cả từ phía nguồn cung và phía sử dụng năng lượng, nhằm tạo tác động cộng hưởng và thúc đẩy quá trình diễn ra nhanh hơn. Trong bối cảnh nguồn tài nguyên năng lượng sơ cấp ngày càng cạn kiệt, Việt Nam vừa phải đảm bảo an ninh năng lượng vừa phải đảm bảo đáp ứng các cam kết quốc tế về hạn chế những nguồn điện gây phát thải CO2. Nhìn về dài hạn, Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nêu rõ quan điểm: “Phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hoá các loại hình năng lượng; ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch”.