Ngày đăng:
14 | 08 | 2024
Ngày 13/8/2024, để lấy ý kiến các bên liên quan hoàn thiện đề xuất kỹ thuật, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường phối hợp với Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) tổ chức cuộc họp tham vấn xây dựng đề xuất dự án huy động nguồn lực trong lĩnh vực quản lý hóa chất và chất thải. Cuộc họp do Phó Viện trưởng Nguyễn Trung Thắng chủ trì với sự tham gia của các chuyên gia trong lĩnh vực quản lý hóa chất và chất thải. Cuộc họp được tổ chức với mục tiêu tăng cường hiểu biết về hiện trạng quản lý hóa chất và chất thải tại Việt Nam; làm thế nào để huy động tài trợ từ Quỹ Tín thác Chương trình đặc biệt của UNEP; đồng thời tăng cường hợp tác giữa các bên liên quan trong việc hoàn thiện đề xuất dự án cho Việt Nam. Việt Nam là đối tác tin cậy và có trách nhiệm trong việc hợp tác với UNDP và UNEP để triển khai thực hiện Công ước Stockholm, Basel, Rotterdam, Minamata, SAICM. Để giải quyết vấn đề quản lý hợp lý hóa chất và chất thải nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, chuyển dịch kinh tế theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế phát thải các-bon thấp là xu thế tất yếu của thời đại, được đồng thuận toàn cầu và được các nước trên thế giới coi là cuộc cách mạng công nghiệp xanh của thế kỷ 21. Đây cũng là cơ hội để cộng đồng toàn cầu chung tay thực hiện cam kết quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu nhằm mục tiêu phát triển bền vững vì sức khỏe của người dân, môi trường thiên nhiên và Trái đất.
Phó Viện trưởng Nguyễn Trung Thắng chủ trì cuộc họp với sự tham gia của các chuyên gia trong lĩnh vực quản lý hóa chất và chất thải
Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường đang phối hợp với các bên liên quan xây dựng đề xuất dự án về “Tăng cường năng lực thể chế trong quản lý chất thải nhựa và hóa chất ở Việt Nam” huy động nguồn lực hỗ trợ từ Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc. Đề xuất dự án nhằm mục tiêu: (i) tăng cường, hỗ trợ và thực hiện các chính sách kinh tế tuần hoàn trong chuỗi giá trị chất thải nhựa; (ii) tích hợp mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua việc hợp tác với các nhà sản xuất nhựa để thiết kế và kéo dài tuổi thọ sản phẩm; và (iii) Cải thiện quản lý chất thải để tăng cường việc tái chế, tái sử dụng. Dự kiến, dự án được triển khai thực hiện dự án trong 2 năm.
Trung tâm TVĐT&DVTNMT