TIN TỨC-SỰ KIỆN

Việt Nam nỗ lực triển khai đồng bộ giải pháp chuyển đổi năng lượng

Ngày đăng: 20 | 09 | 2024

Chuyển dịch năng lượng có vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, chuyển đổi nền kinh tế theo hướng xanh và tác động đến tất cả các ngành liên quan đến sử dụng năng lượng. Việt Nam đang chú trọng chuyển dịch cả từ phía nguồn cung và phía sử dụng năng lượng, nhằm tạo tác động cộng hưởng và thúc đẩy quá trình diễn ra nhanh hơn. Trong bối cảnh nguồn tài nguyên năng lượng sơ cấp ngày càng cạn kiệt, Việt Nam vừa phải đảm bảo an ninh năng lượng vừa phải đảm bảo đáp ứng các cam kết quốc tế về hạn chế những nguồn điện gây phát thải CO2. Nhìn về dài hạn, Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nêu rõ quan điểm: “Phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hoá các loại hình năng lượng; ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch”.

Chuyển dịch cơ cấu nguồn điện hợp lý

Riêng về chuyển dịch năng lượng, các chủ trương, định hướng, chiến lược của Nhà nước nhấn mạnh phải phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới; dừng phát triển điện than từ năm 2030 và tiến tới trung hòa các-bon vào năm 2050.

1b1824
Việt Nam sẽ dừng hoạt động những nhà máy điện than cũ, kém hiệu quả

Nhà nước ưu tiên phát triển điện khí trong nước, nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng cho phát điện ở quy mô hợp lý; thay thế tối đa các nguồn năng lượng hóa thạch bằng năng lượng tái tạo, năng lượng mới. Đồng thời, triển khai triển khai tích cực, hiệu quả các nội dung của Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (Tuyên bố JETP); tận dụng tối đa hỗ trợ quốc tế trong chuyển giao công nghệ, quản trị, đào tạo, nhân lực, cung cấp tài chính. Xây dựng các chính sách về cơ chế mua bán điện trực tiếp, cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tự sản, tự tiêu nhằm khuyến khích đầu tư các nguồn NLTT và phát triển thị trường điện. Bên cạnh đó là triển khai thị trường các-bon theo lộ trình.

Ông Nguyễn Ngọc Trung, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Công nghiệp, Ban Kinh tế Trung ương nhận định: Qua 4 năm triển khai Nghị quyết số 55, công tác thể chế hóa đã được quan tâm và tạo dựng được hành lang pháp lý tương đối đầy đủ về phát triển năng lượng, chuyển dịch năng lượng. Tuy nhiên, vẫn còn một số luật, Đề án, chương trình quan trọng còn chậm xây dựng và cần Chính phủ quan tâm, thúc đẩy thực hiện sớm hơn.

Theo ông Trung, chuyển dịch năng lượng có vai trò quan trọng với chuyển đổi xanh và tác động đến tất cả các ngành, lĩnh vực liên quan đến sử dụng năng lượng, có các yếu tố môi trường và xã hội. Năng lượng đóng vai trò quan trọng hàng đầu và được xem như huyết mạch của nền kinh tế. Vì vậy, chuyển đổi năng lượng có tác động trực tiếp đến hoạt động chuyển đổi xanh của nền kinh tế, trước hết là các ngành: Giao thông vận tải, xây dựng, phát triển đô thị, thông tin truyền thông, công nghiệp, công nghệ số, nông lâm ngư nghiệp theo hướng giảm tiêu thụ năng lượng và sử dụng năng lượng sạch. Để thúc đẩy chuyển dịch năng lượng gắn với chuyển đổi xanh, các ngành cần quan tâm các vấn đề về an toàn môi trường, tập trung xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động kiểm kê khí nhà kính, triển khai thị trường các-bon, áp dụng cơ chế chính sách thuế các-bon cùng cơ chế chính sách chuyển dịch lao động, chuyển đổi cơ cấu việc làm và các vấn đề xã hội liên quan. Qua đó, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội đất nước bền vững, bao trùm.

Số liệu từ Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia cho thấy, đến hết tháng 6/2024, tổng công suất lắp đặt nguồn điện của hệ thống là gần 85.000 MW, sản lượng điện đạt gần 314 GWh. Riêng điện gió và điện mặt trời hiện chiếm 27% công suất lắp đặt (gần 23.000 MW) và 12% sản lượng (hơn 38 GWh).

Dự kiến năm 2025, những nguồn điện mới bao gồm thủy điện (bao gồm thủy điện nhỏ), điện mặt trời mái nhà, khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) , tăng nhập khẩu điện từ Lào với tổng công suất tăng trưởng khoảng 4.000 MW. Nhiệt điện than và điện khí sẽ không có nguồn mới. Nguồn LNG được xác định là nguồn năng lượng chuyển tiếp quan trọng và đến năm 2030 dự kiến sẽ đạt 22.524 MW – xấp xỉ 15% tổng công suất nguồn điện, 32% công suất tăng thêm trong thời gian từ nay đến năm 2030. Vấn đề hiện nay là cần có cơ chế để cung cấp LNG cho nhà máy phát điện, bao gồm cả các nhà máy nhiệt điện than có nhu cầu chuyển đổi.

2b2824
Điện gió và điện mặt trời hiện chiếm 27% công suất lắp đặt toàn hệ thống

Cơ cấu nguồn điện hợp lý đến năm 2030 của Việt Nam đã được xác định dựa trên 6 tiêu chí, cụ thể: Đảm bảo cung ứng điện, tính khả thi về tiến độ, phân bổ vị trí địa lý, tính kinh tế, tính khả thi về kỹ thuật và chuyển đổi năng lượng công bằng. Trong đó, tiêu chí chuyển đổi năng lượng công bằng bao gồm mục tiêu năng lượng tái tạo sẽ đạt tỷ lệ khoảng 30,9 – 39,2% vào năm 2030, hướng tới mức 47% với điều kiện các cam kết theo Tuyên bố JETP được thực hiện đầy đủ. Mặt khác, kiểm soát mức phát thải khí nhà kính từ sản xuất điện đạt khoảng 204 – 254 triệu tấn vào năm 2030, hướng tới đạt mức phát thải đỉnh không quá 170 triệu tấn với điều kiện các cam kết theo Tuyên bố JETP được thực hiện đầy đủ.

Theo Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), Việt Nam đã có các kịch bản chuyển đổi cho nhà máy nhiệt điện than hiện hữu, bằng cách chuyển đổi từ than sang các dạng năng lượng xanh hoặc chuyển đổi trở thành nhà máy lưu trữ, bù trừ công suất, nhà máy điện linh hoạt, điện hạt nhân... Những nhà máy điện than cũ, kém hiệu quả sẽ dừng hoạt động. Một số nhà máy nhiệt điện than lớn như Phả Lại, Cao Ngạn và Vân Phong đã được hỗ trợ nghiên cứu, đề xuất lộ trình chuyển đổi khả thi. Các giải pháp đồng đốt sinh khối, chuyển đổi sang điện khí LNG và tích hợp các nguồn tài nguyên tái tạo đã được đánh giá cùng với các công nghệ tiên tiến như Hệ thống lưu trữ năng lượng bằng pin (BESS) và thu hồi, sử dụng và lưu trữ carbon (CCUS).

3b2824
Chuyến tàu LNG đầu tiên cập bến cảng, cung cấp 67.000 tấn LNG phục vụ quá trình chạy thủ, vận hành Kho cảng LNG Thị Vải năm 2023

Tăng nhu cầu sử dụng năng lượng sạch

Cùng với chuyển dịch cơ cấu nguồn điện, các ngành sử dụng năng lượng cũng đang tích cực thực hiện các bước chuyển dịch năng lượng để phù hợp với mục tiêu giảm phát thải của Việt Nam.

Trong lĩnh vực giao thông vận tải (GTVT), sau hai năm thực hiện Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí cacbon và khí mê tan trong ngành GTVT của Chính phủ, Bộ GTVT đã xây dựng được tuyến đường sắt đô thị, triển khai hàng trăm xe buýt điện, hàng chục nghìn ô tô điện đang vận hành. Đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đã đưa ra lộ trình và bước đầu triển khai xanh hóa hệ thống giao thông công cộng.

Mức tiêu thụ năng lượng trong ngành GTVT đứng vị trí thứ 2, chỉ xếp sau công nghiệp và hơn 95% nhu cầu năng lượng đang phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Do vậy, ưu tiên của ngành hiện nay là thúc đẩy phương tiên giao thông sử dụng năng lượng điện, đầu tư vào lĩnh vực đường sắt đô thị. Đến nay, hệ thống tàu điện đô thị đang từng bước hoàn thiện, trong khi phương tiện giao thông điện bắt đầu tạo dựng thị trường ổn định trong nước. Trong tương lai, hệ thống đường sắt cao tốc Bắc – Nam sẽ triển khai vào năm 2026 – 2027.

Theo GS.TS Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng ĐH Bách khoa Hà Nội, trong tất cả các kịch bản giảm phát thải dự kiến cho giao thông vận tải, điện đều được sử dụng trong lĩnh vực đường bộ. Từ năm 2035 dự kiến sẽ có thêm nhiều loại năng lượng xanh khác như methanol, hydrogen, SAF và amoniac. Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) đưa ra giải pháp giảm phát thải của giao thông vận tải chiếm tới 37% tổng số các giải pháp đối với phía sử dụng năng lượng. Điều này chứng minh, hoạt động chuyển đổi năng lượng của ngành có tác động quan trọng tới nhu cầu sử dụng năng lượng hóa thạch của đất nước nói chung.

4b2824
Tuyến Metro Nhổn - ga Hà Nội chính thức khai thác thương mại từ ngày 8/8/2024

Trong các ngành công nghiệp, nhiều doanh nghiệp đã chủ động chuyển dịch năng lượng nhờ những lợi ích về kinh tế và đáp ứng yêu cầu thị trường ngày càng yêu cầu cao đối với sản phẩm xanh. Ví dụ điển hình tại Nhà máy sản xuất thép của Tập đoàn Hòa Phát tại Dung Quất (Quảng Ngãi) đã đầu tư hệ thống thu hồi nhiệt lượng trong quá trình luyện thép và hình thành nguồn năng lượng tự cung tự cấp, đáp ứng khoảng 80% phụ tải tại chỗ cho hoạt động vận hành của nhà máy. Hay trường hợp Công ty Sữa Vinamilk, ngoài bỏ vốn đầu tư nguồn điện quy mô lớn từ năng lượng mặt trời, gió, công ty còn áp dụng tự động hóa, thay thế hệ thống xe nâng hàng bằng hệ thống robot, giúp giảm 60% lượng khí thải trong vận hành. Công ty còn tận dụng nguồn phế thải từ chăn nuôi làm biogas để cung cấp nhiệt cho quá trình sấy cỏ hoặc làm lạnh, tạo thành một chu trình tuần hoàn khép kín, giúp giảm tiêu thụ năng lượng cũng như giảm thiểu phát thải ra môi trường. Có nhiều giải pháp để tối ưu hiệu quả sử dụng năng lượng, ví dụ như năng lượng mặt trời giúp giảm chi phí điện năng khoảng 30% so với nguồn điện thông thường, giải pháp hệ thống làm mát tập trung giảm tiêu thụ năng lượng đồng nghĩa cũng giảm chi phí 30%...

Tại mỗi khâu, mỗi giải pháp khi kết hợp đồng bộ, tổng thể sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm được đáng kể chi phí và vốn đầu tư.Trong thời gian tới, các cơ sở phát thải lớn sẽ phải đáp ứng yêu cầu kiểm kê khí nhà kính và triển khai thực hiện các giải pháp giảm phát thải cụ thể, thực chất. Nhu cầu sử dụng các nguồn năng lượng xanh, có phát thải thấp chắc chắn sẽ tăng lên bởi đây là nguồn gây phát thải chủ yếu của của hầu hết doanh nghiệp. Vấn đề đặt ra là liệu cơ chế, chính sách có theo kịp để trở thành bệ đỡ cho các nguồn năng lượng tái tạo phát triển đảm bảo nhu cầu thực tiễn?

Theo Monre

NỘI DUNG KHÁC

Các Kịch bản phát triển giao thông theo hướng Net Zero

20-9-2024

Với mục tiêu xây dựng kịch bản giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (KNK) đối với 5 lĩnh vực: Đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa, đường biển ven bờ và hàng không, GS.TS Lê Anh Tuấn – Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội đã nghiên cứu và đưa ra kịch bản hướng tới phát thải ròng về “0” trong ngành Giao thông vận tải (GTVT) tại Việt Nam, tầm nhìn đến năm 2050. Theo nghiên cứu, trong năm 2021, ngành vận tải có khoảng 94.000 triệu lượt luân chuyển hành khách/km, tương đương với việc thải ra 188.300 triệu tấn carbon/km ra môi trường và hiện vẫn đang tiếp tục tăng trưởng. Việc phát thải phụ thuộc chủ yếu vào nhiên liệu hoá thạch >95% nhu cầu năng lượng, trong đó, ngành giao thông vận tải (GTVT) tiêu thụ năng lượng đứng vị trí thứ 2 (16,5%), chỉ sau công nghiệp (54,1%), qua việc tiêu thụ năng lượng từ các sản phẩm than và dầu. Thời gian qua, Việt Nam đã và đang hướng đến mục tiêu thực hiện các kịch bản giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (KNK) ngành GTVT đến năm 2050 đạt phát thải ròng bằng “0”, trong đó, các kịch bản đều hướng tới nguyên tắc chung: Phù hợp, nhất quán với mục tiêu và định hướng của chính sách; phù hợp với xu hướng phát triển công nghệ năng lượng và phương tiện; tích hợp các giải pháp giảm thiểu khác trên cơ sở tối ưu chi phí.

Chính sách liên quan đến lĩnh vực tài nguyên môi trường có hiệu lực từ tháng 9/2024

23-9-2024

Từ tháng 9/2024, hàng loạt các chính sách liên quan đến việc quản lý và sử dụng phí khai thác, sử dụng thông tin dữ liệu đo đạc và bản đồ; quản lý và sử dụng tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường và hỗ trợ chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường sẽ bắt đầu có hiệu lực.

ISPONRE làm việc với Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á (Economic Research Institute for ASEAN and East Asia - ERIA)

25-9-2024

Ngày 23/9/2024, Phó Viện trưởng Nguyễn Trung Thắng cùng một số cán bộ của Viện đã có buổi làm việc với Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA). Về phía ERIA có Ông Michikazu KOJIMA - Giám đốc dự án của ERIA cùng một số cán bộ đại diện phòng ban của Viện. ERIA là một tổ chức quốc tế được thành lập bởi thỏa thuận chính thức giữa 16 lãnh đạo đứng đầu các chính phủ tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á lần thứ 3 tại Singapore vào ngày 21 tháng 11 năm 2007. Trụ sở của ERIA đặt tại Indonesia dựa trên Thỏa thuận giữa Chính phủ Indonesia và ERIA vào ngày 13 và 14 tháng 10 năm 2013 thông qua Nghị định của Tổng thống số 56 ngày 27 tháng 6 năm 2016. ERIA thực hiện các hoạt động nghiên cứu, phân tích chính sách và cung cấp các khuyến nghị về chính sách nhằm góp phần xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN, thúc đẩy hội nhập kinh tế sâu rộng và phát triển bền vững ở Đông Á, đồng thời góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các quốc gia. Các lĩnh vực nghiên cứu của ERIA bao gồm thương mại và đầu tư, toàn cầu hóa, thúc đẩy doanh nghiệp vừa và nhỏ, phát triển nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng, năng lượng và môi trường.

Tương lai viễn thám trong kỷ nguyên số

7-10-2024

Chúng ta đang sống trong thời kỳ kỷ nguyên số gắn liền với những đột phá về công nghệ, trong đó công nghệ viễn thám gắn liền với sự phát triển công nghệ thông tin, đóng vai trò là công nghệ cốt lõi được ứng dụng rộng rãi trong nhiều ngành, lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong tương lai, xu hướng dữ liệu viễn thám đã trở nên phổ biến và ngày càng được sử dụng rộng rãi trong cả các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp và cá nhân. Nhu cầu dữ liệu viễn thám không ngừng gia tăng và ngày càng có xu hướng tích hợp các chủng loại khác nhau, bao gồm cả dữ liệu viễn thám thu thập từ các vệ tinh quan trắc trái đất, ảnh hàng không, ảnh chụp từ thiết bị bay không người lái và các dữ liệu đo đạc, quan trắc trên mặt đất. Cùng với đó, nguồn cung cấp dữ liệu viễn thám cũng ngày càng đa dạng, phong phú hơn từ các loại ảnh độ phân giải thấp như MODIS, VIIRS, OceanSat, độ phân giải trung bình như Landsat 8, Sentinel 1, 2 đến các loại ảnh độ phân giải cao và siêu cao như LISS-IV, SPOT 6/7, Planet Scope, Pleaides, KompSat, WorldView.

Nhóm chỉ tiêu Môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng nằm trong danh mục thống kê quốc gia về biển, hải đảo

7-10-2024

Nhóm chỉ tiêu Môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng được đưa vào dự thảo Thông tư quy định Bộ chỉ tiêu thống kê quốc gia về biển, hải đảo và Bộ chỉ tiêu đánh giá quốc gia biển mạnh. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Thông tư quy định bộ chỉ tiêu thống kê quốc gia về biển, hải đảo và bộ chỉ tiêu đánh giá quốc gia biển mạnh. Theo dự thảo, nhóm chỉ tiêu Môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng gồm các chỉ tiêu: Số lượng giấy phép nhận chìm ở biển được cấp; số vụ, số lượng dầu tràn và hóa chất rò rỉ trên biển, diện tích bị ảnh hưởng; tỷ lệ khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị ven biển được quy hoạch, xây dựng theo hướng bền vững; số khu, diện tích và tỷ lệ diện tích các khu bảo tồn biển; diện tích rừng ngập mặn ven biển. Lộ trình dự kiến có thể thực hiện ngay từ năm 2024 do đã có sẵn hoặc có nguồn thông tin để tính toán, tổng hợp.

Thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam trong điều kiện mới

7-10-2024

Nhằm góp phần triển khai thực hiện các quan điểm, chủ trương, chính sách phát triển kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi xanh, ứng phó với các thách thức của biến đổi khí hậu và đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050, ngày 25/9/2024, tại Hà Nội, Viện Kinh tế Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức Diễn đàn Khoa học cấp quốc gia với chủ đề “Thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam trong điều kiện mới”. Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Đức Minh nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước ta luôn coi kinh tế tuần hoàn là một phần không thể thiếu trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030. Để hỗ trợ quá trình này, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách và khung pháp lý quan trọng, bao gồm Luật BVMT năm 2020 và Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 7/6/2022 phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Việc thảo luận các chính sách cũng như nhận diện những khó khăn trong quá trình thực hiện kinh tế tuần hoàn rất cần thiết để thúc đẩy sự phát triển của mô hình này. Do đó, theo PGS.TS Nguyễn Đức Minh, Diễn đàn được tổ chức nhằm tìm kiếm giải pháp và kiến nghị chính sách để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, đồng thời cung cấp luận cứ khoa học cho quá trình xây dựng, hoàn thiện chính sách xanh hóa tại Việt Nam.

Mực nước biển dâng cao: Mối đe dọa cấp bách đối với nhân loại

7-10-2024

Mực nước biển trên toàn cầu đang dâng nhanh hơn và cao hơn bao giờ hết, tạo ra "mối đe dọa cấp bách và leo thang" đối với người dân trên toàn thế giới theo mô tả của Liên hợp quốc. Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) António Guterres đã đến thăm các quốc gia Thái Bình Dương, Tonga và Samoa, nơi mực nước biển dâng là một trong những vấn đề chính mà ông đã thảo luận với các cộng đồng mà ông đã gặp. Ngày 25/9 vừa qua, các nhà lãnh đạo và chuyên gia toàn cầu đã tập trung tại LHQ để thảo luận về cách tốt nhất nhằm giải quyết mối đe dọa này. Kể từ năm 1880, mực nước biển đã dâng cao khoảng 20-23 cm. Vào năm 2023, mực nước biển trung bình trên toàn cầu đã đạt mức cao kỷ lục mà Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) xác nhận, theo hồ sơ vệ tinh được lưu giữ từ năm 1993. Điều đáng lo ngại là tốc độ tăng trong 10 năm qua cao gấp đôi tốc độ mực nước biển dâng trong thập kỷ đầu tiên của hồ sơ vệ tinh, từ năm 1993 đến năm 2002. Mực nước biển dâng cao là kết quả của sự nóng lên của đại dương và sự tan chảy của các sông băng và các tảng băng, những hiện tượng là hậu quả trực tiếp của biến đổi khí hậu.

Hướng đến quản lý hóa chất, rác thải an toàn và bền vững

7-10-2024

Một năm sau khi được thông qua tại Bonn, Khung toàn cầu về hóa chất vừa đưa ra lời kêu gọi đầu tiên cho các dự án hướng đến mục tiêu quản lý hóa chất và rác thải an toàn và bền vững. Các dự án được chọn dự kiến ​​sẽ nghiên cứu các giải pháp xanh và bền vững, đồng thời định hướng các hành động nhằm ngăn ngừa và giảm thiểu tác hại từ hóa chất và rác thải ở một số quốc gia khó khăn nhất thế giới. Bà Sheila Aggarwal-Khan, Giám đốc Ban Công nghiệp và Kinh tế của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) cho biết: "Ô nhiễm và rác thải là cuộc khủng hoảng hàng ngày đối với sức khỏe của con người, cản trở hoạt động kinh tế và để lại “vết sẹo” vĩnh viễn cho thiên nhiên. Hiện nay, Khung toàn cầu về hóa chất đang chuyển từ văn bản thành hành động thực tiễn và mang lại lợi ích cụ thể cho những người ở tuyến đầu của cuộc khủng hoảng này".

Đưa giảm lãng phí thực phẩm vào trọng tâm chiến lược hành động vì khí hậu

7-10-2024

Việc giảm lãng phí thực phẩm đóng vai trò quan trọng trong giải quyết biến đổi khí hậu, đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững và giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực toàn cầu. Vào năm 2022, con số khổng lồ 1,05 tỷ tấn thực phẩm đã bị lãng phí, trong khi 783 triệu người bị đói và 1/3 dân số toàn cầu phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực. Cũng trong năm 2022, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) cho biết, 19% thực phẩm có sẵn cho người tiêu dùng đã bị lãng phí ở cấp độ bán lẻ, dịch vụ thực phẩm và hộ gia đình, ngoài 13% thực phẩm trên thế giới bị thất thoát trong chuỗi cung ứng, theo ước tính của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO). Mức độ lãng phí này không chỉ là làm bỏ lỡ cơ hội để nuôi sống nhiều người đang cần thực phẩm mà còn là gánh nặng đáng kể cho môi trường.

Tập huấn Xây dựng đề xuất dự án về giảm ô nhiễm rác thải nhựa

9-10-2024

Ngày 9/10/2024, trong khuôn khổ hợp tác với Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE) tổ chức Tập huấn Xây dựng đề xuất dự án về giảm ô nhiễm rác thải nhựa. Buổi tập huấn do TS. Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng ISPONRE chủ trì. Mục tiêu của việc tập huấn là hướng dẫn học viên xây dựng các đề xuất dự án, tăng cường hiểu biết về các cơ chế tài trợ khác nhau và tìm hiểu môi trường thuận lợi cần thiết để huy động tài trợ, đồng thời, tạo điều kiện cho học viên thiết kế và xây dựng đề xuất dự án. Qua tập huấn, học viên sẽ được tăng cường kỹ năng xây dựng đề xuất dự án nhằm giải quyết hiệu quả các vấn đề môi trường, đặc biệt là ô nhiễm rác thải nhựa, học viên sẽ được tăng cường hiểu biết về các tiêu chí, quy trình và yêu cầu trong quá trình xây dựng đề xuất tài trợ.

Tọa đàm Quản lý rác thải nhựa ở Việt Nam: Từ mục tiêu chính sách đến hành động thực tiễn

17-10-2024

Ngày 16/10/2024, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE) tổ chức Tọa đàm về Quản lý rác thải nhựa ở Việt Nam: Từ mục tiêu chính sách đến hành động thực tiễn. Đây là 1 hoạt động trong khuôn khổ hợp phần 4-Chính sách và quản trị thuộc “Nguồn phát thải, Nơi tích tụ và các giải pháp giảm thiểu tác động của rác thải nhựa đến cộng đồng ven biển Việt Nam” do Quỹ Nghiên cứu thách thức toàn cầu (GCRF) của Chính phủ Anh tài trợ và được thực hiện bởi Đại học Heriot Watt, Anh quốc và 6 đối tác gồm Đại học Phenikaa, Đại học Quốc gia Hà Nội- Viện Viện Nam học và Phát triển bền vững, Đại học Công nghệ Hà Nội (USTH), Trường cao đẳng Kinh tế-kỹ thuật thủy sản, Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản và Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường. Tham dự Tọa đàm có GS. Michel Kaiser, Đại học Heriot Watt, Vương quốc Anh, Giám đốc dự án; Bà Ngô Thị Thúy Hường, Đại học Phenikaa, Việt Nam - Đồng giám đốc dự án cùng các cán bộ dự án, khách mời, chuyên gia. Mục tiêu của tọa đàm là trình bày, chia sẻ các nỗ lực về giảm thiểu rác thải đại dương của Việt Nam; tmột số kết quả phân tích hệ thống chính sách về quản lý rác thải nhựa ở Việt Nam; Tham vấn, trao đổi với các bên liên quan để nhận diện một số thách thức, giải pháp để giảm rác thải nhựa biển ở Việt Nam; Trao đổi, đề xuất lộ trình để thực hiện mục tiêu về giảm rác thải nhựa trong thời gian tới. Viện trưởng, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ chủ trì buổi tọa đàm.

Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường tổ chức buổi Gặp mặt - Chào mừng kỷ niệm 94 năm ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10

21-10-2024

Vào ngày 18/10/1930, Hội Phụ nữ phản đế Việt Nam (nay đổi tên là Hội Phụ nữ Việt Nam) chính thức được thành lập, để đánh dấu sự kiện này, Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định chọn ngày 20/10 hằng năm làm ngày truyền thống của tổ chức này, đồng thời cũng xem đây là ngày kỉ niệm và tôn vinh phụ nữ Việt Nam, lấy tên là “Ngày Phụ nữ Việt Nam” và được Bác Hồ tặng 8 chữ vàng: “Anh hùng, Bất khuất, Trung hậu, Đảm đang”. Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 là ngày đầu tiên trong lịch sử nước ta, một đoàn thể quần chúng của phụ nữ được hoạt động hợp pháp và công khai, nhằm đoàn kết, động viên lực lượng phụ nữ đóng góp tích cực vào sự nghiệp cách mạng của đất nước. Trải qua bao thăng trầm của xã hội, người phụ nữ Việt Nam ngày càng có tri thức, có sức khỏe, càng năng động, sáng tạo, có lối sống văn hóa, có lòng nhân hậu, quan tâm tới lợi ích xã hội và cộng đồng. Nhân dịp này, ngày 18/20/2024, Công Đoàn và Đoàn Thanh niên Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường đã phối hợp tổ chức buổi Gặp mặt Chào mừng kỷ niệm 94 năm ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 nhằm tôn vinh phụ nữ Việt Nam, cũng như thay mặt Viện gửi đến chị em lời chúc mừng, động viên chân thành vì đã luôn khắc phục khó khăn, giỏi việc nước, đảm việc nhà, cống hiến vì sự phát triển chung của Viện. Lãnh đạo Viện đến dự đông đủ, đại diện cho phái mạnh của Viện gửi tặng chị em lời chúc tốt đẹp, món quà và những bó hoa tươi thắm.