TIN TỨC-SỰ KIỆN

Chính sách liên quan đến lĩnh vực tài nguyên môi trường có hiệu lực từ tháng 9/2024

Ngày đăng: 23 | 09 | 2024

Từ tháng 9/2024, hàng loạt các chính sách liên quan đến việc quản lý và sử dụng phí khai thác, sử dụng thông tin dữ liệu đo đạc và bản đồ; quản lý và sử dụng tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường và hỗ trợ chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường sẽ bắt đầu có hiệu lực.

Khai thác, sử dụng thông tin dữ liệu đo đạc và bản đồ

Từ ngày 1/9, Thông tư 47/2024/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý và sử dụng phí khai thác, sử dụng thông tin dữ liệu đo đạc và bản đồ bắt đầu có hiệu lực.

Theo đó, mức thu phí khai thác, sử dụng thông tin dữ liệu đo đạc và bản đồ được quy định tại Biểu mức thu phí ban hành kèm theo Thông tư, ví như: khai thác, sử dụng thông tin số liệu của mạng lưới tọa độ quốc gia là từ 200 đến 340 nghìn đồng tùy cấp độ; Số liệu của mạng lưới độ cao quốc gia khoảng 120 đến 160 nghìn đồng; Dữ liệu ảnh hàng không kỹ thuật số là 250 nghìn đồng…

Trường hợp Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đề nghị khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu đo đạc và bản đồ thuộc tài sản công cho mục đích quốc phòng, an ninh thì mức thu phí bằng 60% mức thu phí tương ứng tại Biểu mức thu phí.

Miễn phí đối với trường hợp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đề nghị khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu đo đạc và bản đồ thuộc tài sản công để phục vụ: Mục đích quốc phòng, an ninh trong tình trạng khẩn cấp; Phòng, chống thiên tai trong tình trạng khẩn cấp.

Tình trạng khẩn cấp quy định tại khoản này được xác định theo quy định của Luật Quốc phòng, Luật Phòng thủ dân sự và pháp luật về phòng, chống thiên tai.

Cũng theo Thông tư này, chậm nhất là ngày 5 hằng tháng, tổ chức thu phí phải gửi số tiền phí đã thu của tháng trước vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách của tổ chức thu phí mở tại Kho bạc Nhà nước. Tổ chức thu phí thực hiện kê khai, thu, nộp và quyết toán phí theo quy định.

Quy trinh do dac lap ban do dia chinh 2
Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý và sử dụng phí khai thác, sử dụng thông tin dữ liệu đo đạc và bản đồ bắt đầu có hiệu lực từ tháng 9/2024 (ảnh minh họa)

Hướng dẫn sử dụng tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường

Từ ngày 14/9, Thông tư 57/2024/TT-BTC hướng dẫn quản lý và sử dụng tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản và hoạt động chôn lấp chất thải tại Quỹ Bảo vệ môi trường bắt đầu có hiệu lực.

Theo đó, việc hoàn trả tiền ký quỹ được thực hiện như sau: Bên nhận ký quỹ phải hoàn trả tiền ký quỹ và tiền lãi phát sinh từ tiền ký quỹ cho bên ký quỹ hoặc cơ quan có thẩm quyền liên quan theo quy định tại khoản 7, khoản 9 Điều 37 và điểm d khoản 4, khoản 5 Điều 76 Nghị định 08/2022/NĐ-CP, các văn bản thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung Nghị định 08/2022/NĐ-CP và quy chế nội bộ về việc quản lý và sử dụng tiền ký quỹ của bên nhận ký quỹ.

Bên nhận ký quỹ không được sử dụng tiền ký quỹ và tiền lãi phát sinh từ tiền ký quỹ để cho vay và thực hiện các mục đích khác ngoài quy định tại Thông tư 57/2024/TT-BTC.

Cũng theo Thông tư này, toàn bộ tiền lãi phải thu gửi ngân hàng thương mại phát sinh từ gửi tiền ký quỹ theo quy định tại Thông tư 57/2024/TT-BTC và pháp luật liên quan được hạch toán vào doanh thu hoạt động nghiệp vụ của bên nhận ký quỹ.

Toàn bộ tiền lãi ký quỹ bên nhận ký quỹ phải trả cho bên ký quỹ theo quy định tại Thông tư 57/2024/TT-BTC và pháp luật liên quan được hạch toán vào chi phí hoạt động nghiệp vụ của bên nhận ký quỹ.

Hỗ trợ xử lý chất thải chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường

Từ ngày 20/9, Nghị định 106/2024/NĐ-CP quy định chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi bắt đầu có hiệu lực. Nghị định này đã đưa ra các mức hỗ trợ cụ thể khi các chủ dự án chăn nuôi áp dụng kỹ thuật xử lý chất thải chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường.

Cụ thể, tổ chức, cá nhân có hoạt động chăn nuôi được hỗ trợ không quá 50% giá trị sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi nhằm khuyến khích áp dụng để xử lý chất thải chăn nuôi. Theo đó, mức hỗ trợ tối đa như sau: 5 triệu đồng/cơ sở (chăn nuôi nông hộ); 50 triệu đồng/cơ sở (chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ và vừa); 100 triệu đồng/cơ sở (chăn nuôi trang trại quy mô lớn).

Nhà nước cũng hỗ trợ không quá 50% giá trị công trình khí sinh học nhằm khuyến khích xử lý chất thải chăn nuôi. Mức hỗ trợ tối đa như sau: 7 triệu đồng/công trình (chăn nuôi nông hộ); 300 triệu đồng/công trình (chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ và vừa); 01 tỷ đồng/công trình (chăn nuôi trang trại quy mô lớn).

Để được hưởng chính sách khuyến khích xử lý chất thải chăn nuôi, các đối tượng phải đáp ứng các điều kiện sau: Đáp ứng quy định tại Điều 55, Điều 56, khoản 2 Điều 57 Luật Chăn nuôi 2018; Có chăn nuôi gia súc, gia cầm và xây dựng mới công trình khí sinh học đáp ứng đúng hướng dẫn kỹ thuật về xử lý chất thải chăn nuôi hoặc sử dụng sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi đã được công bố; Hoặc xây dựng mới công trình khí sinh học, sử dụng sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi đã được công nhận tiến bộ kỹ thuật ngành nông nghiệp lĩnh vực chăn nuôi đối với nội dung hỗ trợ là sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi và công trình khí sinh học.

Theo Monre

NỘI DUNG KHÁC

ISPONRE làm việc với Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á (Economic Research Institute for ASEAN and East Asia - ERIA)

25-9-2024

Ngày 23/9/2024, Phó Viện trưởng Nguyễn Trung Thắng cùng một số cán bộ của Viện đã có buổi làm việc với Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA). Về phía ERIA có Ông Michikazu KOJIMA - Giám đốc dự án của ERIA cùng một số cán bộ đại diện phòng ban của Viện. ERIA là một tổ chức quốc tế được thành lập bởi thỏa thuận chính thức giữa 16 lãnh đạo đứng đầu các chính phủ tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á lần thứ 3 tại Singapore vào ngày 21 tháng 11 năm 2007. Trụ sở của ERIA đặt tại Indonesia dựa trên Thỏa thuận giữa Chính phủ Indonesia và ERIA vào ngày 13 và 14 tháng 10 năm 2013 thông qua Nghị định của Tổng thống số 56 ngày 27 tháng 6 năm 2016. ERIA thực hiện các hoạt động nghiên cứu, phân tích chính sách và cung cấp các khuyến nghị về chính sách nhằm góp phần xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN, thúc đẩy hội nhập kinh tế sâu rộng và phát triển bền vững ở Đông Á, đồng thời góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các quốc gia. Các lĩnh vực nghiên cứu của ERIA bao gồm thương mại và đầu tư, toàn cầu hóa, thúc đẩy doanh nghiệp vừa và nhỏ, phát triển nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng, năng lượng và môi trường.

Tương lai viễn thám trong kỷ nguyên số

7-10-2024

Chúng ta đang sống trong thời kỳ kỷ nguyên số gắn liền với những đột phá về công nghệ, trong đó công nghệ viễn thám gắn liền với sự phát triển công nghệ thông tin, đóng vai trò là công nghệ cốt lõi được ứng dụng rộng rãi trong nhiều ngành, lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong tương lai, xu hướng dữ liệu viễn thám đã trở nên phổ biến và ngày càng được sử dụng rộng rãi trong cả các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp và cá nhân. Nhu cầu dữ liệu viễn thám không ngừng gia tăng và ngày càng có xu hướng tích hợp các chủng loại khác nhau, bao gồm cả dữ liệu viễn thám thu thập từ các vệ tinh quan trắc trái đất, ảnh hàng không, ảnh chụp từ thiết bị bay không người lái và các dữ liệu đo đạc, quan trắc trên mặt đất. Cùng với đó, nguồn cung cấp dữ liệu viễn thám cũng ngày càng đa dạng, phong phú hơn từ các loại ảnh độ phân giải thấp như MODIS, VIIRS, OceanSat, độ phân giải trung bình như Landsat 8, Sentinel 1, 2 đến các loại ảnh độ phân giải cao và siêu cao như LISS-IV, SPOT 6/7, Planet Scope, Pleaides, KompSat, WorldView.

Nhóm chỉ tiêu Môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng nằm trong danh mục thống kê quốc gia về biển, hải đảo

7-10-2024

Nhóm chỉ tiêu Môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng được đưa vào dự thảo Thông tư quy định Bộ chỉ tiêu thống kê quốc gia về biển, hải đảo và Bộ chỉ tiêu đánh giá quốc gia biển mạnh. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Thông tư quy định bộ chỉ tiêu thống kê quốc gia về biển, hải đảo và bộ chỉ tiêu đánh giá quốc gia biển mạnh. Theo dự thảo, nhóm chỉ tiêu Môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng gồm các chỉ tiêu: Số lượng giấy phép nhận chìm ở biển được cấp; số vụ, số lượng dầu tràn và hóa chất rò rỉ trên biển, diện tích bị ảnh hưởng; tỷ lệ khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị ven biển được quy hoạch, xây dựng theo hướng bền vững; số khu, diện tích và tỷ lệ diện tích các khu bảo tồn biển; diện tích rừng ngập mặn ven biển. Lộ trình dự kiến có thể thực hiện ngay từ năm 2024 do đã có sẵn hoặc có nguồn thông tin để tính toán, tổng hợp.

Thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam trong điều kiện mới

7-10-2024

Nhằm góp phần triển khai thực hiện các quan điểm, chủ trương, chính sách phát triển kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi xanh, ứng phó với các thách thức của biến đổi khí hậu và đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050, ngày 25/9/2024, tại Hà Nội, Viện Kinh tế Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức Diễn đàn Khoa học cấp quốc gia với chủ đề “Thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam trong điều kiện mới”. Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Đức Minh nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước ta luôn coi kinh tế tuần hoàn là một phần không thể thiếu trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030. Để hỗ trợ quá trình này, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách và khung pháp lý quan trọng, bao gồm Luật BVMT năm 2020 và Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 7/6/2022 phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Việc thảo luận các chính sách cũng như nhận diện những khó khăn trong quá trình thực hiện kinh tế tuần hoàn rất cần thiết để thúc đẩy sự phát triển của mô hình này. Do đó, theo PGS.TS Nguyễn Đức Minh, Diễn đàn được tổ chức nhằm tìm kiếm giải pháp và kiến nghị chính sách để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, đồng thời cung cấp luận cứ khoa học cho quá trình xây dựng, hoàn thiện chính sách xanh hóa tại Việt Nam.

Mực nước biển dâng cao: Mối đe dọa cấp bách đối với nhân loại

7-10-2024

Mực nước biển trên toàn cầu đang dâng nhanh hơn và cao hơn bao giờ hết, tạo ra "mối đe dọa cấp bách và leo thang" đối với người dân trên toàn thế giới theo mô tả của Liên hợp quốc. Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) António Guterres đã đến thăm các quốc gia Thái Bình Dương, Tonga và Samoa, nơi mực nước biển dâng là một trong những vấn đề chính mà ông đã thảo luận với các cộng đồng mà ông đã gặp. Ngày 25/9 vừa qua, các nhà lãnh đạo và chuyên gia toàn cầu đã tập trung tại LHQ để thảo luận về cách tốt nhất nhằm giải quyết mối đe dọa này. Kể từ năm 1880, mực nước biển đã dâng cao khoảng 20-23 cm. Vào năm 2023, mực nước biển trung bình trên toàn cầu đã đạt mức cao kỷ lục mà Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) xác nhận, theo hồ sơ vệ tinh được lưu giữ từ năm 1993. Điều đáng lo ngại là tốc độ tăng trong 10 năm qua cao gấp đôi tốc độ mực nước biển dâng trong thập kỷ đầu tiên của hồ sơ vệ tinh, từ năm 1993 đến năm 2002. Mực nước biển dâng cao là kết quả của sự nóng lên của đại dương và sự tan chảy của các sông băng và các tảng băng, những hiện tượng là hậu quả trực tiếp của biến đổi khí hậu.

Hướng đến quản lý hóa chất, rác thải an toàn và bền vững

7-10-2024

Một năm sau khi được thông qua tại Bonn, Khung toàn cầu về hóa chất vừa đưa ra lời kêu gọi đầu tiên cho các dự án hướng đến mục tiêu quản lý hóa chất và rác thải an toàn và bền vững. Các dự án được chọn dự kiến ​​sẽ nghiên cứu các giải pháp xanh và bền vững, đồng thời định hướng các hành động nhằm ngăn ngừa và giảm thiểu tác hại từ hóa chất và rác thải ở một số quốc gia khó khăn nhất thế giới. Bà Sheila Aggarwal-Khan, Giám đốc Ban Công nghiệp và Kinh tế của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) cho biết: "Ô nhiễm và rác thải là cuộc khủng hoảng hàng ngày đối với sức khỏe của con người, cản trở hoạt động kinh tế và để lại “vết sẹo” vĩnh viễn cho thiên nhiên. Hiện nay, Khung toàn cầu về hóa chất đang chuyển từ văn bản thành hành động thực tiễn và mang lại lợi ích cụ thể cho những người ở tuyến đầu của cuộc khủng hoảng này".

Đưa giảm lãng phí thực phẩm vào trọng tâm chiến lược hành động vì khí hậu

7-10-2024

Việc giảm lãng phí thực phẩm đóng vai trò quan trọng trong giải quyết biến đổi khí hậu, đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững và giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực toàn cầu. Vào năm 2022, con số khổng lồ 1,05 tỷ tấn thực phẩm đã bị lãng phí, trong khi 783 triệu người bị đói và 1/3 dân số toàn cầu phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực. Cũng trong năm 2022, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) cho biết, 19% thực phẩm có sẵn cho người tiêu dùng đã bị lãng phí ở cấp độ bán lẻ, dịch vụ thực phẩm và hộ gia đình, ngoài 13% thực phẩm trên thế giới bị thất thoát trong chuỗi cung ứng, theo ước tính của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO). Mức độ lãng phí này không chỉ là làm bỏ lỡ cơ hội để nuôi sống nhiều người đang cần thực phẩm mà còn là gánh nặng đáng kể cho môi trường.

Tập huấn Xây dựng đề xuất dự án về giảm ô nhiễm rác thải nhựa

9-10-2024

Ngày 9/10/2024, trong khuôn khổ hợp tác với Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE) tổ chức Tập huấn Xây dựng đề xuất dự án về giảm ô nhiễm rác thải nhựa. Buổi tập huấn do TS. Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng ISPONRE chủ trì. Mục tiêu của việc tập huấn là hướng dẫn học viên xây dựng các đề xuất dự án, tăng cường hiểu biết về các cơ chế tài trợ khác nhau và tìm hiểu môi trường thuận lợi cần thiết để huy động tài trợ, đồng thời, tạo điều kiện cho học viên thiết kế và xây dựng đề xuất dự án. Qua tập huấn, học viên sẽ được tăng cường kỹ năng xây dựng đề xuất dự án nhằm giải quyết hiệu quả các vấn đề môi trường, đặc biệt là ô nhiễm rác thải nhựa, học viên sẽ được tăng cường hiểu biết về các tiêu chí, quy trình và yêu cầu trong quá trình xây dựng đề xuất tài trợ.

Tọa đàm Quản lý rác thải nhựa ở Việt Nam: Từ mục tiêu chính sách đến hành động thực tiễn

17-10-2024

Ngày 16/10/2024, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE) tổ chức Tọa đàm về Quản lý rác thải nhựa ở Việt Nam: Từ mục tiêu chính sách đến hành động thực tiễn. Đây là 1 hoạt động trong khuôn khổ hợp phần 4-Chính sách và quản trị thuộc “Nguồn phát thải, Nơi tích tụ và các giải pháp giảm thiểu tác động của rác thải nhựa đến cộng đồng ven biển Việt Nam” do Quỹ Nghiên cứu thách thức toàn cầu (GCRF) của Chính phủ Anh tài trợ và được thực hiện bởi Đại học Heriot Watt, Anh quốc và 6 đối tác gồm Đại học Phenikaa, Đại học Quốc gia Hà Nội- Viện Viện Nam học và Phát triển bền vững, Đại học Công nghệ Hà Nội (USTH), Trường cao đẳng Kinh tế-kỹ thuật thủy sản, Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản và Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường. Tham dự Tọa đàm có GS. Michel Kaiser, Đại học Heriot Watt, Vương quốc Anh, Giám đốc dự án; Bà Ngô Thị Thúy Hường, Đại học Phenikaa, Việt Nam - Đồng giám đốc dự án cùng các cán bộ dự án, khách mời, chuyên gia. Mục tiêu của tọa đàm là trình bày, chia sẻ các nỗ lực về giảm thiểu rác thải đại dương của Việt Nam; tmột số kết quả phân tích hệ thống chính sách về quản lý rác thải nhựa ở Việt Nam; Tham vấn, trao đổi với các bên liên quan để nhận diện một số thách thức, giải pháp để giảm rác thải nhựa biển ở Việt Nam; Trao đổi, đề xuất lộ trình để thực hiện mục tiêu về giảm rác thải nhựa trong thời gian tới. Viện trưởng, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ chủ trì buổi tọa đàm.

Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường tổ chức buổi Gặp mặt - Chào mừng kỷ niệm 94 năm ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10

21-10-2024

Vào ngày 18/10/1930, Hội Phụ nữ phản đế Việt Nam (nay đổi tên là Hội Phụ nữ Việt Nam) chính thức được thành lập, để đánh dấu sự kiện này, Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định chọn ngày 20/10 hằng năm làm ngày truyền thống của tổ chức này, đồng thời cũng xem đây là ngày kỉ niệm và tôn vinh phụ nữ Việt Nam, lấy tên là “Ngày Phụ nữ Việt Nam” và được Bác Hồ tặng 8 chữ vàng: “Anh hùng, Bất khuất, Trung hậu, Đảm đang”. Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 là ngày đầu tiên trong lịch sử nước ta, một đoàn thể quần chúng của phụ nữ được hoạt động hợp pháp và công khai, nhằm đoàn kết, động viên lực lượng phụ nữ đóng góp tích cực vào sự nghiệp cách mạng của đất nước. Trải qua bao thăng trầm của xã hội, người phụ nữ Việt Nam ngày càng có tri thức, có sức khỏe, càng năng động, sáng tạo, có lối sống văn hóa, có lòng nhân hậu, quan tâm tới lợi ích xã hội và cộng đồng. Nhân dịp này, ngày 18/20/2024, Công Đoàn và Đoàn Thanh niên Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường đã phối hợp tổ chức buổi Gặp mặt Chào mừng kỷ niệm 94 năm ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 nhằm tôn vinh phụ nữ Việt Nam, cũng như thay mặt Viện gửi đến chị em lời chúc mừng, động viên chân thành vì đã luôn khắc phục khó khăn, giỏi việc nước, đảm việc nhà, cống hiến vì sự phát triển chung của Viện. Lãnh đạo Viện đến dự đông đủ, đại diện cho phái mạnh của Viện gửi tặng chị em lời chúc tốt đẹp, món quà và những bó hoa tươi thắm.

Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

21-10-2024

Nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc lãnh đạo, triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Hội nghị lần thứ mười; tập trung cao nhất các công việc về đích để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và chuẩn bị tốt nhất các công việc cho Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV, ngày 20/10/2024, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp, kết hợp trực tuyến với điểm cầu Trung ương; điểm cầu các đảng ủy trực thuộc Trung ương; điểm cầu các cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng ở Trung ương, Ban cán sự đảng các bộ, ngành, đơn vị, Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội; điểm cầu các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương… Tại điểm cầu Đảng ủy Bộ TN&MT kết nối với điểm cầu Trung ương có sự tham dự và chủ trì của Thứ trưởng Lê Công Thành - Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Bí thư Đảng ủy Bộ; các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ; Bí thư, Phó Bí thư các Đảng bộ, Chi bộ trực thuộc Đảng bộ Bộ; các đồng chí lãnh đạo, cán bộ chủ chốt các đơn vị thuộc Bộ. Chi bộ Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường tham dự theo hình thức trực tuyến tại điểm cầu trụ sở Viện.

Hội thảo về chính sách ưu đãi, hỗ trợ cải tạo, phục hồi bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt ở Việt Nam

25-10-2024

Ngày 25/10/2024, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường phối hợp với Viện Hanns Seidel Foundation (HSF) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo về “Chính sách ưu đãi, hỗ trợ cải tạo, phục hồi bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt ở Việt Nam”. Việc xử lý, cải tạo môi trường bãi chôn lấp lấp chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) được xác định là một trong các hoạt động bảo vệ môi trường được ưu đãi hỗ trợ, tuy nhiên các nội dung hỗ trợ về đất đai, vốn đầu tư, thuế, phí và lệ phí đều không có nội dung liên quan đến việc cải tạo môi trường bãi chôn lấp CTRSH. Do vậy nhìn chung đến nay, chưa có chính sách, quy định cụ thể về ưu đãi, khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư xử lý, cải tạo môi trường bãi chôn lấp CTRSH. Mục tiêu Hội thảo là thu được nhiều ý kiến góp ý hay, đề xuất được các khuyến nghị chính sách về ưu đãi, hỗ trợ cho việc xử lý, cải tạo môi trường bãi chôn lấp CTRSH từ các nhà quản lý, chuyên gia để có cái nhìn tổng quan về tình hình quản lý bãi chôn lấp chất thải và hoạt động ưu đãi, hỗ trợ đầu tư xử lý, cải tạo môi trường bãi chôn lấp CTRSH. PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng chủ trì Hội thảo. Hội thảo thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà quản lý, chuyên gia, các nhà khoa học. Đây cũng là một trong những hội thảo hướng tới kỷ niệm 25 năm thành lập Tạp chí Môi trường của Viện.