Ngày đăng:
28 | 02 | 2025
Trong khuôn khổ hỗ trợ của Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF), thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) xây dựng và bước vào thực hiện Dự án “Lồng ghép đánh giá và hạch toán vốn tự nhiên biển và ven biển vào kế hoạch phát triển của Việt Nam nhằm hướng tới nền kinh tế biển xanh bền vững trong một số lĩnh vực” (2024 – 2026). Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường được Bộ Tài nguyên và Môi trường giao là Chủ Dự án. Ngày 28/2/2025, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường/Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo khởi động Dự án “Lồng ghép đánh giá và hạch toán vốn tự nhiên biển và ven biển vào kế hoạch phát triển của Việt Nam nhằm hướng tới nền kinh tế biển xanh bền vững trong một số lĩnh vực”. Hội thảo có sự tham gia của đại diện các Bộ/ngành, các Viện nghiên cứu, các trường Đại học, các tổ chức quốc tế, các chuyên gia tới tham dự và đóng góp ý kiến cho Hội thảo. Viện trưởng - PGS.TS Nguyễn Đình Thọ chủ trì Hội thảo. Dự án nhằm lồng ghép các giá trị của vốn tự nhiên và bảo vệ các hệ sinh thái biển và ven biển vào kế hoạch phát triển và cải thiện quản lý sinh cảnh để hỗ trợ chính sách phát triển kinh tế biển xanh bền vững tại Việt Nam.
Viện trưởng - PGS.TS Nguyễn Đình Thọ phát biểu khai mạc Hội thảo
Việt Nam là quốc gia có lợi thế cạnh tranh lớn trong phát triển kinh tế biển với một hệ sinh thái biển và ven biển đa dạng, cung cấp những dịch vụ quan trọng cho phát triển kinh tế. Tuy nhiên, sự phát triển của các ngành kinh tế biển trong thời gian qua nảy sinh nguy cơ xung đột về lợi ích và mục đích sử dụng hệ sinh thái biển, ven biển.
Nhận thức được tầm quan trọng của kinh tế biển đối với sự phát triển của đất nước, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22 tháng 10 năm 2018). Theo đó, Chính phủ Việt Nam đã xây dựng và ban hành Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch 5 năm (Nghị quyết số 26/NQ-CP tháng 3 năm 2020) thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Đảng. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án hợp tác quốc tế phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 (Quyết định số 647/QĐ-TTg tháng 5 năm 2020).

Đánh giá vốn tự nhiên biển và ven biển là quá trình xác định, đo lường và định giá các tài nguyên biển và ven biển theo giá trị kinh tế, môi trường và xã hội. Việc áp dụng đánh giá và hạch toán vốn tự nhiên biển và ven biển sẽ hỗ trợ quá trình xây dựng chính sách liên quan đến kinh tế biển xanh, đóng góp vào sự phát triển kinh tế biển một cách bền vững tại Việt Nam.
Hội thảo khởi động ngày hôm nay nhằm giới thiệu về các hoạt động của Dự án và tham vấn về kế hoạch triển khai Dự án. Hội thảo cũng là dịp để xác định các cơ hội hợp tác, phối hợp với các bên liên quan trong quá trình triển khai thực hiện.
Tại Hội thảo này, tôi đề nghị các đại biểu trao đổi, thảo luận về các nội dung sau:
- Thứ nhất, trao đổi về các hoạt động đề xuất của Dự án và khả năng phối hợp với các sáng kiến liên quan trong quá trình triển khai; cập nhật các thông tin liên quan đến Dự án;
- Thứ hai, trao đổi về cơ hội và thách thức để Dự án có thể hỗ trợ hiệu quả cho việc thực hiện các mục tiêu của Việt Nam về sử dụng bền vững tài nguyên biển và ven biển ở cấp quốc gia và địa phương;
- Thứ ba, về việc triển khai thí điểm và nhân rộng đánh giá và hạch toán vốn tự nhiên biển và ven biển tại Quảng Ninh và các địa phương ven biển.
Với mong muốn thúc đẩy lồng ghép đánh giá và hạch toán vốn tự nhiên biển và ven biển vào kế hoạch phát triển của Việt Nam, Hội thảo là cơ hội tốt giúp Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường/Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận được những góp ý thiết thực của các quý vị đại biểu để triển khai thành công các hoạt động của Dự án.

Trung tâm TV,ĐT&DVTNMT