Cuộc họp đã thu hút sự quan tâm của hơn 35 nhà nghiên cứu, đại biểu đến từ Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT, Liên minh Bioversity-CIAT, Viện Môi trường Nông nghiệp Việt Nam, Viên nghiên cứu rau quả, Viện Thể chế và Phát triển thị trường, Viện nghiên cứu Chiến lược và Chính sách công thương, và các tổ chức nghiên cứu khác.

Tại cuộc họp, TS Trương Thị Thu Trang – Phó Viện trưởng Viện IPSARD, PGS TS Đào Thế Anh – Phó Giám đốc Viện VAAS, PGS TS Trương Tuyết Mai – Phó Viện trưởng Viện NIN đã có chia sẻ và phát biểu về tầm quan trọng của việc thực hiện nghiên cứu về môi trường thực phẩm ở Việt Nam cũng như cần có các can thiệp liên ngành nhằm cải thiện môi trường thực phẩm, từ đó giúp tạo ra các tác động tích cực thúc đẩy chế độ ăn lành mạnh cho các thế hệ ở Việt Nam, đặc biệt là thế hệ thanh niên – là nhóm đối tượng thường xuyên tiếp xúc đa dạng các nguồn và các loại thực phẩm không tốt cho sức khỏe. Đặc biệt, để thực hiện thành công các can thiệp cần sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, chính quyền địa phương và các cá nhân trong môi trường thực phẩm.



Ông Brice - Trưởng nhóm nghiên cứu Môi trưởng thực phẩm và hành vi người tiêu dùng - Đại diện hợp phần nghiên cứu 3, sáng kiến SHiFT tại Việt Nam - Liên minh Đa dạng sinh học Quốc tế & Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc tế (CIAT) đã trình bày về “Tổng quan khái niệm và định nghĩa về môi trường lương thực thực phẩm”, trong đó “Môi trường lương thực thực phẩm” là một phần không thể thiếu của hệ thống lương thực thực phẩm (LTTP), là nơi người tiêu dùng tương tác với hệ thống lương thực thực phẩm để đưa ra các quyết định mua, chế biến và tiêu thụ lương thực thực phẩm. Con người tương tác với môi trường LTTP hàng ngày để có được LTTP như mong muốn (Hawkes và cộng sự, 2015; FAO, 2016; HLPE, 2017; Turner và cộng sự, 2018; UNSCN, 2019). Nghiên cứu về môi trường lương thực thực phẩm chủ yếu được thực hiện ở các nước có thu nhập cao để ứng phó với tình trạng béo phì và các bệnh không lây nhiễm ngày càng gia tăng. Khái niệm môi trường LTTP được bắt nguồn từ nghiên cứu về dinh dưỡng và y tế công cộng, nhưng ý nghĩa của khái niệm này còn mở rộng ra đối với nghiên cứu hệ thống lương thực thực phẩm và tính bền vững của hệ thống LTTP. Hiện nay, có rất ít nghiên cứu về môi trường LTTP ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình (Turner và cộng sự, 2020; Glanz và cộng sự, 2005; Downs và cộng sự, 2020). Hệ thống lương thực thực phẩm và môi trường lương thực thực phẩm không thúc đẩy chế độ ăn lành mạnh được xem là nguyên nhân tiềm ẩn của tình trạng suy dinh dưỡng. Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới đang đối mặt với tình trạng tỷ lệ trẻ em bị béo phì tăng nhanh và đáng báo động, đặc biệt ở các thành phố lớn như Hà Nội và Hồ Chí Minh. Điều này do nhiều nguyên nhân, trong đó trực tiếp xuất phát từ chế độ ăn uống hàng ngày. Chế độ ăn vừa là kết quả vừa là yếu tố tác động của hệ thống lương thực thực phẩm. Do đó, cần nhận thức rõ rằng (i) môi trường lương thực thực phẩm ảnh hưởng đến đối với chế độ ăn và (ii) chế độ ăn cũng ảnh hưởng đến hệ thống lương thực thực phẩm, do đó can thiệp ở cấp độ môi trường lương thực thực phẩm trở nên cần thiết.

Trong môi trường LTTP, có 6 lĩnh vực cần quan tâm và có thể can thiệp để tạo ra các tác động đến chế độ ăn lành mạnh bao gồm: i) Tính sẵn có và khả năng tiếp cận lương thực thực phẩm, ii) Giá cả lương thực thực phẩm và khả năng chi trả, iii) Đặc tính của sản phẩm LTTP; iv) Đặc điểm của điểm bán LTTP, v) Mức độ mong muốn, chấp nhận và tính tiện lợi của lương thực thực phẩm; vi) Tiếp thị lương thực thực phẩm. Khung khái niệm về các lĩnh vực này được trao đổi và thảo luận giữa các chuyên gia và nhà nghiên cứu.
Dựa vào khung khái niệm và các kiến thức được chia sẻ, 2 nhóm các nhà nghiên cứu và đại biểu tại Cuộc họp đã thực hành và thảo luận và đưa ra các vấn đề hiện nay thanh thiếu niên đang gặp trong chế độ ăn hàng ngày, đồng thời một số giải pháp can thiệp đã được để xuất nhằm giải quyết các vấn đề liên quan và thúc đẩy chế độ ăn lành mạnh ở lứa tuổi này như: i) Xây dựng tiêu chuẩn về thực phẩm lành mạnh, Xây dựng quy định tiêu chuẩn về các điểm bán thực phẩm gần trường học, ii) Quy định cụ thể và chế tài xử phạt vi phạm các địa điểm bán hàng, yêu cầu hạn chế các thực phẩm không lành mạnh, iii) Quản lý nguồn cung ứng thực phẩm (nhà cung cấp), iv) Nghiên cứu các giải pháp áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thực phẩm không lành mạnh, rà soát sửa đổi luật Quảng cáo để hạn chế các quảng có thực phẩm không lành mạnh …

Nhóm 1: Thực hành và thảo luận
|

Nhóm 2: Thực hành và thảo luận
|
Cuộc họp kết thúc đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ các bên tham gia và đề xuất cần tiếp tục đưa các nội dung chuyên đề tương tự để thảo luận và phổ biến đến các bên liên quan nhằm thúc đẩy chế độ ăn lạnh mạnh để hướng tới một sức khỏe bền vững.