TIN TỨC-SỰ KIỆN

Vế kia của vấn đề tích tụ đất đai

Ngày đăng: 20 | 04 | 2017

Từ khi Chính phủ thống nhất về mặt chủ trương việc mở rộng hạn điền, tích tụ ruộng đất để mở đường cho sản xuất lớn (trong Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2-2017), hàng loạt hội thảo về vấn đề này đã được tổ chức, với rất nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia, doanh nghiệp, bộ ngành, địa phương.

Có thể thấy không khí hừng hực hưởng ứng qua tựa các bài báo gần đây, từ “Mở rộng hạn điền, tích tụ ruộng đất: bước ngoặt lớn cho nông nghiệp và phát triển nông thôn”, “Tích tụ đất đai quá chậm”, đến… “Cấp thiết tích tụ, tập trung đất đai”. Dễ hiểu không khí này, vì để có được chủ trương trên, trước đó là cả quá trình kiểm nghiệm từ nhu cầu thực tiễn đời sống sản xuất nông nghiệp với ít nhiều cái giá mà nền kinh tế phải trả và cả quá trình vận động chính sách không mệt mỏi của những người am hiểu về tam nông.

“Nguyên tắc đầu tiên của tích tụ ruộng đất là tính hiệu quả. Chúng ta không tích tụ bằng mọi giá”, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định.

Nhưng, những ngày gần đây, đã có những nốt lặng. Đằng sau câu hỏi “Tích tụ ruộng đất như thế nào?” là các cảnh báo nguy cơ hình thành “địa chủ mới”, là nỗi lo “làm nghèo hóa người dân”, là yêu cầu “tích tụ không tước đoạt”…

Tuần rồi, tại hội thảo “Giải pháp tích tụ tập trung đất đai phục vụ phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp”, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu quan điểm “phải bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp, đặc biệt là lợi ích của người dân trong quá trình tích tụ đất đai”. Bài toán hài hòa lợi ích với người nông dân sẽ được giải ra sao, khi mà trước, trong và sau những thảo luận về chính sách này, tức việc tích tụ ruộng đất nông nghiệp chưa được bật đèn xanh pháp lý, đã có rất nhiều nông dân than khóc, khiếu nại, khiếu kiện về việc thu hồi và đền bù đất nông nghiệp nhân danh phát triển kinh tế (phi nông nghiệp) một cách không thỏa đáng, khiến họ không chỉ mất sinh kế từ đất mà còn không tiếp cận được các cơ hội sinh kế khác.

Trước đó, chia sẻ với báo chí bên lề Diễn đàn nông nghiệp mùa xuân 2017, Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, cho rằng một trong những mấu chốt để đảm bảo sự công bằng trong tích tụ đất đai là Nhà nước cần quan tâm đến quyền tài sản đất đai của người nông dân. “Giá thị trường phải được đảm bảo. Nông dân nếu muốn rút ra khỏi nông nghiệp, có thể bán đất cho người có nhu cầu, hoặc nếu vẫn giữ đất, họ có thể góp vốn bằng quyền tài sản đất nông nghiệp, nhưng là với giá thị trường, chứ không phải thứ giá quá rẻ như hiện nay”, ông Thành nói.

“Giá rẻ” như hiện nay… rẻ tới mức nào? Ngay tại hội thảo mà ông Thành tham gia, Tiến sĩ Lê Đức Thịnh, Phó cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: “Ta có hơn 16 triệu héc ta đất nông, lâm nghiệp nhưng Nhà nước định giá chỉ bằng 1/10 giá trị thị trường”.

Chưa làm được vế thứ hai của vấn đề, tức đưa giá đất nông nghiệp về giá thị trường, rất có thể chủ trương cho tích tụ ruộng đất vốn đúng đắn sẽ sản sinh ra một lớp người bị tước đoạt mới, lần này là nhân danh phát triển nông nghiệp.

Cũng không loại trừ khả năng các doanh nghiệp đại gia hay thân hữu thông đồng với các nhóm lợi ích trong chính quyền địa phương “vẽ” đại án nông nghiệp để thu hồi đất nhỏ lẻ của nông dân rồi “hô biến” thành dự án bất động sản trá hình để bán thu siêu lợi nhuận.

Tất nhiên, đến nước này thì là vi phạm pháp luật rồi, nhưng thử hỏi, với tình trạng tham nhũng chính sách đất đai ở các địa phương như hiện nay, có bao nhiêu vi phạm được phát hiện, bao nhiêu trong số đó bị xử lý, mà xử thế nào cho đích đáng với những gì người nông dân đã mất?

Vế thứ hai của vấn đề nói trên không chỉ là lời giải cho bài toán hài hòa lợi ích hay đảm bảo công bằng đối với người nông dân. Nó còn là tiền đề căn bản đảm bảo quá trình tích tụ ruộng đất thành công một cách tự nhiên theo quy luật thị trường mà không phải sử dụng đến mệnh lệnh hành chính - một biện pháp quản trị lạc hậu và dễ dẫn đến lạm quyền, tiêu cực, tham nhũng. Lúc đó, sẽ không còn những điểm nóng cưỡng chế thu hồi đất mà người nông dân sẽ tự nguyện chuyển giao nguồn lực đất đai cho ai có khả năng khai thác hiệu quả nhất, biểu hiện ở khả năng sẵn sàng chi trả của họ để đạt được lợi ích nhiều hơn sau khi đầu tư. Cùng với quá trình chuyển giao đất là quá trình chuyển đổi nghề nghiệp của người nông dân - vốn rất cần sự định hướng, hỗ trợ của Nhà nước.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng xác định: “Nguyên tắc đầu tiên của tích tụ ruộng đất là tính hiệu quả. Chúng ta không tích tụ bằng mọi giá”. Có thể hiểu cái sự “mọi giá” mà Phó thủ tướng nói đến là sự nghèo hóa của người nông dân dẫn đến bất ổn xã hội. Nếu Nhà nước với tư cách là thực thể quản lý xã hội tham gia trò chơi truyền hình “Hãy chọn giá đúng” trong trường hợp này, một quyền trợ giúp dành cho Nhà nước: giá đúng là giá người nông dân gật đầu đồng ý.

Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn

NỘI DUNG KHÁC

THƯ MỜI CUNG CẤP DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

20-2-2017

THƯ MỜI CUNG CẤP DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

4 thách thức đối với nông nghiệp Việt Nam

10-4-2017

Trong báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) 2017 vừa công bố sáng 10/4, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã chỉ ra 4 thách thức lớn đối với nông nghiệp Việt Nam.

Các giải pháp gỡ 'nút thắt' nông nghiệp công nghệ cao

12-3-2017

“Nông nghiệp công nghệ cao” đang là cụm từ được nhắc đến nhiều nhất trong thời gian gần đây, nhất là kể từ khi Thủ tướng Chính phủ quyết định nâng gói tín dụng ưu đãi nông nghiệp lên mức 100.000 tỷ đồng. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng chủ trương đẩy mạnh nông nghiệp công nghệ cao gắn với khởi nghiệp là hướng đi đúng. Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả, cần giải quyết rất nhiều “nút thắt” đang tồn tại trên lĩnh vực nông nghiệp nói chung và nông nghiệp công nghệ cao nói riêng.

Rộng cửa cho xuất khẩu gạo

8-1-2017

Sau khi quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu (XK) gạo, với những tiêu chí gây cản trở hoạt động XK gạo được Bộ Công thương bãi bỏ, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp (DN) kỳ vọng hoạt động XK gạo sẽ khởi sắc hơn.

Có 4 nút thắt trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

17-2-2017

Ngày 16/02/2017, Chủ tịch UBND tỉnh Long An – ông Trần Văn Cần chỉ đạo về việc thực hiện Chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Nông sản ế do thiếu chính sách đòn bẩy hỗ trợ nông dân?

27-2-2017

Trò chuyện với phóng viên Báo NTNN, TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NNPTNT) đã đề xuất một số giải pháp nhằm chấm dứt tình trạng hàng nông sản cung cầu lệch pha, giá cả trồi sụt, nông sản ế ẩm thời gian qua.

Thể chế “trói chân” ngành nông nghiệp

3-4-2017

Một điều tra của Viện Chính sách và Chiến lược phát PTNNNT (Ipsard) cho thấy, có đến 40% DN trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trả lời rằng, việc “loại bỏ hoặc hạn chế thủ tục quan liêu” trong đối xử với DN là quan trọng nhất để giúp họ phát triển sản xuất kinh doanh.

Nâng hạn điền có phải là chìa khóa vạn năng?

3-4-2017

Nhiều chuyên gia nông nghiệp cho rằng, việc nâng hạn điền, tích tụ ruộng đất phải làm rất thận trọng, nếu không sẽ khiến nông dân rơi vào cảnh bần cùng hóa.

Ông giáo bỏ nghề, lập công ty sản xuất 14 loại cà phê chất lượng

3-4-2017

Với việc tự tạo ra quy trình trồng - chế biến - phân phối khép kín, ông Ngô Tấn Giác ở Gia Lai đã đưa 14 loại cà phê ra thị trường trong và ngoài nước dưới thương hiệu Cà phê Thu Hà.

Thu hút đầu tư vào nông nghiệp: Chưa tương xứng tiềm năng

1-4-2017

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, con số dưới 1% đầu tư của doanh nghiệp (DN) vào nông nghiệp, nông thôn thể hiện sự hạn chế, thiếu ổn định và chưa tương xứng với tiềm năng, cũng như nhu cầu phát triển của ngành.

Hà Lan và Việt Nam sẽ ký nghị định thư hợp tác về an toàn thực phẩm

24-3-2017

Hà Lan cũng đóng góp nhiều vào các hợp đồng cam kết vào việc xây dựng và quản trị chỉ số thủy sản. Trong đó, Hà Lan và Việt Nam sẽ ký một nghị định thư tăng cường hợp tác về an toàn thực phẩm.

Nông dân lo không có cơ hội “chạm tay” vào gói 100.000 tỷ

31-3-2017

Sau khi Thủ tướng Chính phủ đề nghị ngành ngân hàng (NH) dành gói tín dụng 100.000 tỷ đồng để hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp (DN) nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nhiều NH đã nhanh chóng tuyên bố tham gia với những khoản cho vay hàng ngàn tỷ đồng. Dẫu vậy, nhiều nông dân đều cho rằng mình không có cơ hội “chạm tay vào vốn”.