TIN TỨC-SỰ KIỆN

Cần có giải pháp mua lúa cho nông dân

Ngày đăng: 27 | 06 | 2012

Thời gian cuối tháng 5 và nửa đầu tháng 6, giá lúa gạo ở các tỉnh Nam Bộ khá bấp bênh, chao đảo, khiến cho bà con nông dân rất lo lắng. Hiện vụ lúa hè thu đang được thu hoạch rộ tại các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Nếu không có chính sách hỗ trợ nông dân kịp thời, bà con sẽ gặp muôn vàn khó khăn để sản xuất vụ mới.

Giá lúa lên xuống thất thường
Từ tháng 6 đến nay, giá lúa liên tục giảm. Ông Huỳnh Văn Tám, một thương lái chuyên thu mua lúa gạo ở vùng tứ giác Long Xuyên nói: “Giá lúa gạo thay đổi từng ngày, khiến bà con hoang mang”.
Nửa đầu tháng 5, giá lúa gạo tương đối ổn định và ở mức cao. Giá lúa IR 50404 tươi đều ở mức từ 4.400 đến 4.600 đồng/kg, còn khi phơi khô từ 5.300 đến 5.500 đồng/kg; giá lúa OM 4218, OM 1490, OM 5451 tươi từ 4.500 đến 4.600 đồng/kg. Nhưng thời điểm hiện nay, giá các loại lúa trên đã giảm từ 450 đến 850 đồng/kg tùy theo từng địa phương. Những ngày này, giá gạo nguyên liệu và gạo thành phẩm cũng giảm từ 200 đến 300 đồng/kg so với đầu tháng 5. Cụ thể, giá gạo nguyên liệu giống IR 50404 ở mức từ 6.750 đến 6.850 đồng/kg, gạo nguyên liệu giống lúa hạt dài từ 6.800 đến 6.950 đồng/kg. Tại chợ Bà Đắc (Cái Bè, Tiền Giang), hay chợ Cao Lãnh (Đồng Tháp), một số chợ ở TP Long Xuyên (An Giang), giá gạo thành phẩm chất lượng cao xuống chỉ còn 8.100 - 8.150 đồng/kg, giá gạo thành phẩm hạt dài từ 7.850 đến 8.250 đồng/kg.
Giá lúa giảm khiến nông dân tỉnh Sóc Trăng có nguy cơ bị lỗ nặng.
Nhiều địa phương như: Long An, An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Hậu Giang, TP Cần Thơ…, hầu hết các hộ dân thu hoạch lúa hè thu đều không dám bán vì giá liên tục giảm. Lúa chất đầy nhà, có gia đình phải đi thuê chỗ chứa, khiến cho tình hình sản xuất lúa gạo thêm bức bối. Bà Bùi Thị Loan, ngụ tại huyện Thoại Sơn (An Giang) nói: “Giá lúa, gạo cứ rớt liên tục. Chúng tôi cũng muốn bán lúa nhanh để có vốn đầu tư cho vụ sản xuất mới, nhưng bán với giá như hiện nay thì lỗ lắm”.         
Doanh nghiệp thiếu mặn mà
Có thể khẳng định, tình hình xuất khẩu gạo của chúng ta đang gặp nhiều khó khăn. Gạo của Việt Nam đang phải đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt của gạo Ấn Độ, Thái Lan, Mi-an-ma trên các thị trường truyền thống. Những nước này sản xuất khá nhiều loại gạo chất lượng trung bình, nhưng lại bán với giá rẻ. Đặc biệt, Thái Lan đang chủ trương bán một lượng gạo lớn tồn kho trong thời gian qua với giá hấp dẫn, khiến nhiều nước tiêu thụ gạo rất quan tâm. 6 tháng đầu năm 2012, xuất khẩu lúa gạo của nước ta chủ yếu chú trọng vào các loại gạo cấp cao, còn các loại gạo cấp thấp xuất đi rất khó khăn do nhu cầu của thị trường không nhiều.
Trước tình hình này, các doanh nghiệp thu mua và xuất khẩu lúa gạo khá thờ ơ. Ông Nguyễn Thành Biên, Thứ trưởng Bộ Công Thương nhận định: “Từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp chưa chủ động thu mua lúa gạo cho nông dân theo chủ trương của Chính phủ. Đây là một nỗi lo lớn đối với những người trực tiếp sản xuất ra hạt gạo”. Còn các doanh nghiệp lại đưa ra các lý do là hàng tồn kho còn nhiều, không có kho bãi tạm trữ, lãi suất của ngân hàng thay đổi liên tục. Không những thế, lúa vụ hè thu chủ yếu để làm gạo cấp thấp (25% tấm), nên rất khó cạnh tranh được với các loại gạo giá rẻ của nước ngoài. Tính đến thời điểm hiện nay, các doanh nghiệp chỉ thu mua được khoảng 675.000 tấn, khiến cho tình trạng lúa gạo tồn đọng trong dân nhiều. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tính đến ngày 24-6, nước ta đã xuất khẩu gần 3 triệu tấn gạo, trị giá 1,4 tỷ USD, giảm 20,16% về lượng và 23,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2011.
Nông dân Trà Vinh thu hoạch vụ hè thu trong thấp thỏm.
Ông Phạm Văn Bảy, Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết: “Thời gian trước, các doanh nghiệp đã cố gắng mua lúa của nông dân, nên lúa gạo trong kho còn tồn nhiều. Hiện nay, các doanh nghiệp đã mua được khoảng 250.000 tấn gạo”. Qua tìm hiểu thị trường tại các tỉnh Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ hay Hậu Giang chúng tôi thấy rằng, các doanh nghiệp vẫn chưa thực sự mặn mà trong việc thu mua lúa gạo. Khi doanh nghiệp còn so đo, tính toán, thì nông dân càng gặp khó.
Cần có giải pháp mua lúa cho nông dân
Trên thực tế, việc xuất khẩu gạo thơm và các loại gạo chất lượng cao 6 tháng đầu năm nay tăng hơn 80% so với cùng kỳ năm 2011, nhưng xuất khẩu gạo chất lượng thấp lại giảm khá nhiều (giảm khoảng 33% về lượng và 30% về giá trị so với cùng kỳ năm 2011). Giá lúa giảm làm cho nông dân có nguy cơ bị lỗ nặng. Theo ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Long An: “Nếu bán với giá dưới 4000 đồng/kg lúa, thì mỗi héc-ta trồng lúa bà con chỉ thu được hơn 30 triệu đồng. Trừ đi các khoản chi phí chỉ thu lãi được khoảng 7 triệu đồng. Số tiền này không thể đầu tư vào vụ mới”.
Hiện nay, Bộ NN&PTNT đang đề xuất với Chính phủ mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo (khoảng 2 triệu tấn lúa) hè thu với giá cao để nông dân không bị thiệt, giúp họ đầu tư vào vụ sản xuất mới. Về lâu dài, Nhà nước cần hỗ trợ tiền cho nông dân để họ mua lúa của chính mình và gửi ở kho của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp liên kết với nông dân theo mô hình sản xuất lúa trên "Cánh đồng mẫu lớn", cho nông dân gửi lúa tạm trong kho của mình, đợi khi nào giá cao sẽ bán. Việc Chính phủ chỉ đạo các doanh nghiệp mua tạm trữ để giải cứu vụ lúa hè thu cho nông dân, chỉ là một giải pháp trước mắt nhưng cần thiết. Theo chúng tôi, điều cần làm nữa là VFA phải tích cực tìm thêm các hợp đồng xuất khẩu gạo trên thị trường truyền thống và mở rộng sang thị trường mới. Xa hơn nữa, Bộ NN&PTNT cùng lãnh đạo các địa phương cần tập trung giúp nông dân sản xuất các loại lúa gạo chất lượng cao, có sức cạnh tranh mạnh, đáp ứng nhu cầu của thị trường, hạn chế sử dụng giống lúa có chất lượng gạo kém như IR 50404. Như vậy lúa gạo sản xuất ra mới bảo đảm chất lượng tốt, tiêu thụ nhanh và đạt lãi suất cao.       
Theo Quân đội nhân dân

Nguồn:http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/2/97/97/194877/Default.aspx

NỘI DUNG KHÁC

Nông sản Việt Nam: Liên tiếp rớt giá

27-6-2012

Bộ NN&PTNT nhận định, chưa khi nào nông sản Việt Nam lại rơi vào cảnh "rớt" giá như hiện nay. Hàng loạt mặt hàng chủ lực như gạo, cao su, cà phê, dừa… đang ở mức giá thấp kỷ lục, báo hiệu những khó khăn trong xuất khẩu nông sản 6 tháng cuối năm.

Cần tháo gỡ khó khăn cho thị trường xuất khẩu nông sản

26-6-2012

Nông sản là một trong những lĩnh vực có gia trị xuất khẩu cao của nước ta. Tuy nhiên, do khó khăn của tình hình kinh tế trong nước và thế giới nên xuất khẩu thuỷ sản cũng đang dứng trước nhiều thách thức. Đẩy mạnh các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông sản là một trong những nhiệm vụ quan trọng hiện nay.

An toàn lao động trong nông nghiệp: Nhắm mắt làm liều

26-6-2012

Đa phần nông dân ít được hướng dẫn về an toàn lao động (ATLĐ). Tuy nhiên, nhiều xã tại tỉnh Thái Nguyên, bà con được hướng dẫn cũng chẳng làm theo.

Làm nông trong khu công nghiệp: Xót xa những cánh đồng vàng

26-6-2012

Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa của cả nước, thế nhưng từ nhiều năm qua, các địa phương đua nhau làm công nghiệp, rất nhiều diện tích đất lúa bị san lấp để làm khu công nghiệp (KCN).

Vụ lúa hè thu - Tạm trữ theo cách nào?

25-6-2012

Giá gạo thế giới đang diễn biến bất lợi vào thời điểm Việt Nam thu hoạch lúa hè thu. Tình thế đặt ra buộc phải nhanh chóng có biện pháp tiêu thụ lúa trước khi bước vào vụ thu hoạch rộ tháng 7 và 8 sắp tới.

Vụ lúa hè thu 2012: Đề xuất tạm trữ vì khó tiêu thụ

22-6-2012

Nông dân ĐBSCL đang bắt đầu vào vụ thu hoạch lúa hè thu 2012. Tuy nhiên, theo phản ánh của các địa phương, tình hình tiêu thụ lúa đang rất khó khăn, giá giảm mạnh.

Sức sống cá tra

22-6-2012

Nằm trong nhóm sản phẩm Quốc gia, có lẽ cá tra là sản phẩm nổi đình nổi đám nhất. Trên thị trường XK, dù liên tiếp đối phó nhiều vụ kiện cáo, vu khống, nhưng với sức trỗi dậy mạnh mẽ, cá tra đã tạo dấu ấn và đạt mức tăng trưởng không ngừng.

Khoảng trống trong kiểm soát rau an toàn

22-6-2012

Kết quả điều tra của VINASTAS và Viện IPSARD, gần 90% người tiêu dùng tại các tỉnh miền Bắc đánh giá rau an toàn (RAT) là quan trọng nhất trong bữa ăn hàng ngày của mỗi gia đình. Đa số người tiêu dùng đều chấp nhận mua RAT với mức giá cao hơn rau thông thường từ 10-20% thậm chí đến 50%. Nhưng làm thế nào để mua được sản phẩm RAT, vẫn còn là bài toán khó chưa có lời giải.

Thí điểm bảo hiểm nông nghiệp: Nông dân vẫn đứng... ngoài cuộc!

22-6-2012

Là 1 trong 20 tỉnh được chỉ đạo thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) giai đoạn 2011-2013 nhưng đến nay, TP.Hải Phòng vẫn chưa ký được bản hợp đồng BHNN nào.

Nông dân ĐBSCL: “Choáng” với giá vật tư nông nghiệp

22-6-2012

Trong khi giá các mặt hàng nông sản ở ĐBSCL liên tục giảm thì trái lại, các loại vật tư đầu vào như phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản... đã liên tục tăng giá vào đúng thời điểm người dân bắt đầu sản xuất vụ mới.

Liên kết để nghề nuôi tôm phát triển bền vững

22-6-2012

Tôm chết chưa rõ nguyên nhân đang khiến nhiều nông dân Bạc Liêu đau đầu. Tính đến nay, diện tích tôm chết đã vượt quá con số 8.120ha. Thực trạng này đặt ra vấn đề nóng bỏng: Hướng đi nào bền vững cho nghề nuôi tôm?

Kiến nghị mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo vụ hè thu

22-6-2012

Tại cuộc họp bàn giải pháp tiêu thụ lúa, gạo hè thu 2012 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh ngày 21/6 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì, sau khi tham khảo ý kiến từ các địa phương, ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết sẽ đề xuất Chính phủ tiếp tục mua tạm trữ lúa gạo trong vụ hè thu sắp tới.