TIN TỨC-SỰ KIỆN

Xung quanh việc thương nhân TQ thu gom nông sản: Lộ rõ điểm yếu của DN và nông dân

Ngày đăng: 05 | 08 | 2011

Thời gian qua, thương nhân Trung Quốc (TQ) liên tục thu mua nhiều nông sản của Việt Nam (VN), từ dừa, rễ cây hồi, móng trâu đến chè, càphê, thậm chí cả râu ngô non... Nông dân không cần biết mình đang bán cho ai, cứ thấy được giá, thu tiền ngay là bán, khiến các doanh nghiệp trong nước nhiều phen lao đao vì thiếu nguyên liệu. Chưa nói tới những vấn đề sâu xa khác, chỉ riêng điều này đã cho thấy sự gắn kết lỏng lẻo giữa doanh nghiệp và nông dân trong nước.

Nhiều người cho rằng, việc thương nhân TQ vào VN tiến hành các thương vụ mua bán nguyên liệu nông, thuỷ sản là điều hết sức bình thường trong quan hệ thương mại, giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm dễ dàng với giá cao. Về lâu dài, chắc chắn tình trạng này sẽ để lại nhiều hệ lụy, song có một bất lợi rõ ràng ngay trước mắt, đó là các doanh nghiệp trong nước đang tự đánh mất thị trường tiềm năng của mình.
Nông dân có vui?
Mùa thu hoạch vải thiều ở Lục Ngạn (Bắc Giang) vừa qua, thương nhân TQ cũng ồ ạt thu mua vải tươi với giá phổ biến 8.000-16.000 đồng/kg, cao gấp đôi giá thu mua của thương nhân Việt. Theo thống kê của Sở Công Thương Bắc Giang vào cuối tháng 6, có đến 60% sản lượng vải tại Lục Ngạn do thương lái Trung Quốc thu mua.
Ông Hoàng Minh Phương, Phó trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Lục Ngạn lý giải: "Từ 10 năm nay, thương nhân TQ đã sang Lục Ngạn để thu mua vải thiều và họ luôn mua ở mức giá cao. Trong khoảng 2-3 năm trở lại đây, mức chênh lệch giá giữa thương nhân TQ và thương nhân Việt Nam đã giảm đi rất nhiều. Năm nay, thương nhân TQ thu mua với giá bình quân 8.000-16.000 đồng/kg, người Việt trả ở mức 5.000-7.000 đồng/kg, trong khi đó, giá bán phải trên 6.000 đồng/kg thì nông dân mới có lãi. Vì vậy, huyện có chủ trương tạo điều kiện cho thương nhân TQ thu mua vải thiều, giúp nông dân tiêu thụ nông sản tốt hơn. Họ mua với số lượng lớn, giá cả ổn định, trả tiền ngay và không có biểu hiện ép giá, không làm khó nông dân".
Do việc tiêu thụ vải thiều những năm gần đây gặp khó khăn, nhất là khi vải chín rộ nên năm nay, ngay từ khi vải ra hoa, huyện Lục Ngạn đã thành lập Ban chỉ đạo hỗ trợ nông dân tiêu thụ vải thiều, tổ chức các hội nghị xúc tiến thương mại, nhưng đến thời điểm thu hoạch thì thị trường lại có biến động, thương nhân TQ đổ vào thu mua ồ ạt, nông dân vui mừng vì bán được giá cao, nhưng các thương nhân Việt lại gặp khó khăn vì giá thu mua thấp hơn quá nhiều.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên, các thương nhân TQ ồ ạt thu mua nông sản không chỉ khiến DN gặp khó, nông dân lao đao mà các địa phương cũng đang đối mặt với nguy cơ phá vỡ quy hoạch ngành vì dân phá cây này rồi đua nhau trồng cây kia, bất chấp khuyến cáo. Đơn cử như tại Đắk Lắk, do giá hồ tiêu lên cao nên địa phương này đang có nguy cơ vỡ quy hoạch trồng tiêu, tổng diện tích cây tiêu hiện đã lên tới 10.000ha, trong khi quy hoạch chỉ 5.000ha.
Không những thu mua nông sản ồ ạt, thương nhân TQ còn thuê đất canh tác và làm chủ cả vùng nguyên liệu khoai lang tại Vĩnh Long. Theo thống kê mới nhất của Phòng Kinh tế huyện Bình Minh, hiện đã có 19 thương lái TQ thuê đất làm nhà kho dọc Quốc lộ 1A thuộc xã Thuận An. Họ cũng thuê hơn 480 lao động địa phương để làm công việc phân loại khoai, đóng hộp… với mức lương 10.000 đồng/giờ làm ban ngày và 15.000 đồng/giờ làm ban đêm.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Bình Minh Phan Thị Bé cho biết: "Đa số thương lái TQ yêu cầu người bản xứ đứng ra thuê đất xây kho với giá 10 triệu đồng/500m²/năm. Bình quân mỗi ngày có 5 xe tải loại 35 tấn/xe, chở khoai lang từ Bình Minh sang TQ, nhưng việc thu mua khoai không ổn định, chỉ cần họ ngưng mua vài ngày là giá khoai giảm liền. Điều này khiến nông dân trồng khoai luôn đối mặt với nhiều rủi ro. Điều đáng lo ngại là khoai lang tại đây đều được dán nhãn bằng chữ TQ ngay tại các kho rồi mới xuất đi TQ, điều này là không đúng quy định của pháp luật".
Không chỉ lập kho và thu gom nguyên liệu, thương lái TQ còn "núp bóng" người dân bản xứ để thuê đất trồng khoai lang. Theo thống kê, đã có trên 46ha đất lúa tại xã Thuận An cho thuê để trồng khoai với giá 35 triệu đồng/ha/năm (thời hạn thuê 3 năm), đồng thời họ còn thuê nhân công trực tiếp sản xuất và chăm sóc với giá 80.000 -120.000 đồng/người/ngày. Riêng người quản lý và phụ trách kỹ thuật được trả 7 triệu đồng/người/tháng.
Ông Biên nhấn mạnh: "Bộ Công Thương chủ trương là một mặt ủng hộ các hoạt động buôn bán chính ngạch hoặc mậu dịch biên giới theo pháp luật 2 nước và các thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, nếu thương lái, DN nước ngoài hay DN TQ thu mua nông sản trái quy định của pháp luật Việt Nam thì các địa phương, hiệp hội hãy phản ánh để từ đó có giải pháp xử lý, qua đó có chính sách tạo điều kiện cho DN xuất khẩu của ta, đồng thời giảm thiểu tác động mua bán, gây xáo trộn quy hoạch một số ngành".
Những chiêu thu mua "độc"
Nhớ lại thời điểm năm 1997 - 1998, khi đó, lái buôn TQ ráo riết thu mua mèo Việt Nam với giá cao, khiến người dân đổ xô đi khắp nơi lùng mua mèo. Thậm chí, có người còn trộm mèo của hàng xóm để đem bán cho thương lái TQ.
Tới năm 2003 - 2004, họ lại ráo riết thu mua móng trâu với giá cao, thậm chí nếu có đủ bộ móng của 1 con trâu là họ trả giá rất cao, hơn hẳn giá một con trâu. Thế là nông dân đua nhau giết trâu lấy móng, cho dù thịt trâu có phải bán đổ bán tháo vẫn cứ lời. Và chỉ trong một thời gian ngắn, việc thu mua kiểu này đã làm ảnh hưởng lớn tới số lượng đàn trâu nước ta, khiến nông dân nghèo không còn trâu kéo cày, làm đất, lại phải sang nước bạn "mua" sức kéo.
Giữa năm 2007, tại các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Giang, Lào Cai, Thái Nguyên... lại xảy ra chuyện các thương nhân TQ mua từ chè khô, chè tươi, chè héo và dụng cụ chế biến thô của Việt Nam mang về chế biến, giá chè được đẩy lên cao một cách bất thường, từ 15.000 đồng/kg lên 25.000 đồng/kg, rồi vọt lên 75.000 - 90.000 đồng/kg. Cây chè vì thế mà bị vặt vô tội vạ. Nông dân trồng chè hí hửng phen này giàu to thì thương nhân TQ đột ngột ngừng thu mua, khiến 7.000 tấn chè vàng đã thu hoạch, phơi khô phải đổ đi. Còn các DN chế biến chè Việt Nam thì lao đao vì thiếu nguyên liệu, nhiều DN còn bị thua lỗ nặng vì hợp đồng bị phá vỡ, hàng nghìn công nhân không có việc làm, chè Việt bỗng nhiên bị gắn mác xấu trên thị trường chè thế giới.
Cách đây không lâu, khoảng tháng 4/2010, phần lớn những cây gỗ sưa của Việt Nam thi nhau bị triệt hạ để bán sang TQ, giá lõi gỗ sưa có thời điểm lên tới 11 tỷ đồng/m3. Để có câu trả lời vì sao người TQ lùng mua ráo riết loại cây mà người Việt không coi trọng lắm, một đoàn khảo sát gồm các nhà khoa học Việt Nam đã sang TQ để tìm hiểu ngọn ngành, nhưng kết quả thu được là con số không tròn trĩnh. Phía TQ chỉ giải thích chung chung rằng, họ mua gỗ sưa để phục vụ vấn đề tâm linh, làm đồ thờ cúng, đồ gia bảo.
Tuy nhiên, ông Trần Ngọc Lâm, một người sống trong rừng Hoàng Liên Sơn (Lào Cai) cho hay, ông đã sang tận TQ để dò hỏi, gặp trực tiếp Tiến sĩ, Thiếu tướng quân y Vương Đức Tài, Chủ nhiệm Trung tâm thuốc Trung Y (TQ) và được biết, với người TQ, gỗ sưa ngoài làm mộc như các loại gỗ quý khác còn có tác dụng trị căn bệnh viêm xương quái đản. Từ lâu, người TQ đã chiết xuất hoạt chất từ lõi cây sưa đỏ để điều trị bệnh viêm xương rất hiệu quả.
Ông Phạm Quang Diệu, chuyên gia phân tích và dự báo thị trường Việt Nam cho rằng, đáng ra, đây là cơ hội để các DN trong nước xuất khẩu hàng hóa sang TQ kiếm lời, song họ lại để thương nhân nước ngoài thu gom hết "đồ ngon" ở hang cùng ngõ hẻm. Ở đây, các DN nên tự trách mình. Họ cứ mải đi tìm thị trường này nọ, xa xôi mà không chịu đầu tư cho thị trường nội địa, đến khi có vấn đề xảy ra thì lại đổ lỗi cho thị trường trong nước.
Theo Kinh tế nông thôn

Nguồn: http://kinhtenongthon.com.vn/Story/VandeSukien/2011/8/29490.html

NỘI DUNG KHÁC

Thúc đẩy chăn nuôi để giảm áp lực thị trường thực phẩm

5-8-2011

Dự báo, khi thu nhập bình quân tăng lên, đồng nghĩa với nhu cầu sử dụng thực phẩm ngày một lớn, vì thế, để giảm áp lực cho ngành chăn nuôi, cần phải có chiến lược phát triển bền vững. Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Kim Giao (ảnh), Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết:

Có thể trồng ngô biến đổi gen ngay trong vụ đông

5-8-2011

Có thể ngay trong vụ đông năm nay sẽ tiến hành làm mô hình trình diễn ngô biến đổi gen ở Vĩnh Phúc và nếu thành công thì năm 2012 mới có thể đảm bảo cây trồng này chính thức được trồng đại trà, đó là khẳng định của ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT) tại buổi Hội nghị đầu bờ về khảo nghiệm trên diện rộng ngô biến đổi gen vừa diễn ra tại Vĩnh Phúc.

Thương mại hóa cây trồng biến đổi gen: Cần quy chế rõ ràng

5-8-2011

Cây trồng biến đổi gen được coi là thành tựu lớn của công nghệ sinh học, giúp các quốc gia giải quyết vấn đề an ninh lương thực. Tại Việt Nam, kết quả nghiên cứu và khảo nghiệm loại cây trồng này đều khá tốt nhưng đến nay, cây trồng biến đổi gen vẫn chưa được đưa vào canh tác đại trà do còn nhiều ý kiến lo ngại.

Ipsard bịn rịn liên hoan về hưu cho một cán bộ gạo cội

2-8-2011

Ngày 1/8/2011 tại Hội trường, Ipsard đã tổ chức buổi liên hoan chia tay thân mật với bác Lê Thế Hoàng – một nghiên cứu viên gạo cội, đồng thời cũng là một trong những người đã tham gia sáng lập Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông thôn ngày nay.

Điểm tin báo chí nông nghiệp nông thôn tháng 06 năm 2011

30-6-2011

Xin trân trọng kính mời quý vị theo dõi tin tức báo chí tổng hợp về nông nghiệp nông thôn trong tháng 06 năm 2011 của chúng tôi.

Tạm hoãn mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo

14-7-2011

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã chính thức thông báo tạm dừng việc mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo vụ hè thu (trước đó, dự kiến sẽ bắt đầu mua vào 15.7).

Đưa nước sạch, tạo việc làm cho vùng nghèo

14-7-2011

“Chúng tôi không chỉ hỗ trợ vốn giúp hộ nghèo có việc làm, mà còn giúp họ không phải uống nước kinh rạch trong những tháng mùa khô” - ông Bùi Hữu Nghĩa - Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Bình Đại, Bến Tre cho biết.

Gã liều thành tỷ phú... trâu bò

14-7-2011

Từ dắt trâu, bò thuê, nay anh đã có trang trại với gần 200 con trâu bò, 50ha lát, sao đen, luồng và 5ha mía cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Xem xét miễn, giảm ba loại thuế

14-7-2011

Tại phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc sáng qua (13.7), Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh đã trình một số giải pháp về thuế trong năm 2011 nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân.

3 năm thực hiện Nghị quyết "tam nông": Nhiều chính sách chậm vào cuộc sống

13-7-2011

Hôm 11.7, phát biểu kết luận tại hội nghị trực tuyến sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết (NQ) 26 của BCH T.Ư Đảng khóa X, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Thực hiện thắng lợi NQ này sẽ tạo ra một bước chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển nông nghiệp, nông thôn (NN, NT), nâng cao đời sống nông dân.

Bùng nổ những cánh đồng mẫu

13-7-2011

Cánh đồng mẫu lớn (CĐML) là nỗi khát khao của nhà nông. Từ thành công của các mô hình thí điểm, vụ hè thu này ở các tỉnh vùng ĐBSCL đã “bùng nổ” các CĐML.

Vực lại nghề truyền thống

13-7-2011

Có trong tay hai tấm bằng đại học với nhiều cơ hội việc làm tốt, nhưng anh Nguyễn Hữu Tài quyết định trở về quê nhà (thôn Thông Đạt, xã Liệp Tuyết, Quốc Oai, Hà Nội) để vực lại làng nghề mây, tre đan truyền thống.