TIN TỨC-SỰ KIỆN

Xuất khẩu nông sản quý 1: Chỉ gạo mất giá

Ngày đăng: 01 | 04 | 2011

Trái với quý 1 năm ngoái, khi tiêu dùng thế giới suy giảm, trong quý 1 năm nay, nhu cầu tăng nhanh đã kéo giá nông sản xuất khẩu của Việt Nam cao hơn ở đa số mặt hàng.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thuỷ sản quý 1/2011 ước đạt 5,4 tỷ USD, tăng 33,3% so với cùng kỳ năm 2010. Tình hình này khác hoàn toàn so với con số tăng trưởng âm khoảng 4% của cùng kỳ năm ngoái.
 
Xuất khẩu gạo tăng trên 13% về lượng nhưng giá giảm gần 10%
 
Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu ghi nhận mức rất cao tại các mặt hàng nông và thủy sản. Xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính đạt kim ngạch 3,4 tỷ USD, tăng 56,2% so với cùng kỳ; thuỷ sản đạt 1,1 tỷ USD, tương ứng tăng 22%. Tuy nhiên, xuất khẩu gạo đang mất giá, dù lượng tăng khá cao so với cùng kỳ.

Cụ thể, xuất khẩu gạo quý 1 đạt khoảng 1,6 triệu tấn, kim ngạch 823 triệu USD, tăng tới trên 13% về lượng nhưng chỉ cao hơn gần 4% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dù qua hai tháng đầu năm, lượng xuất khẩu tăng khá so với các năm trước đây nhưng thị trường tiêu thụ gạo xuất khẩu khó có khả năng tăng mạnh như năm ngoái do xuất khẩu lúa mỳ sẽ hồi phục trong năm nay. 

Để khuyến khích xuất khẩu, cả Thái Lan và Việt Nam đã hạ giá gạo xuất khẩu. Giá xuất khẩu bình quân 2 tháng năm 2011 đạt 505 USD/tấn, giảm khoảng 9,6% so với cùng kỳ năm 2010.

Nhưng đó là mặt hàng duy nhất mất giá, trong các mặt hàng nông sản chính, xuất khẩu cao su tiếp tục dẫn đầu về tốc độ tăng cả lượng và giá bán. Sản lượng xuất khẩu cao su quý 1 ước đạt 179 nghìn tấn, thu về 798 triệu USD. So cùng kỳ năm trước, xuất khẩu cao su quý 1/2011 cao hơn gần 45% về lượng và tăng gấp 2,5 lần về kim ngạch. 

Ở cùng kỳ năm ngoái, giá cao su xuất khẩu mới vượt nhẹ qua mức 2.500 USD/tấn. Sau một chu kỳ dài liên tục tăng, giá cao su xuất khẩu trung bình 2 tháng đầu năm 2011 đã lên mức 4.466 USD/tấn, tăng 76,9% (tương đương 1.942 USD/tấn) so với cùng kỳ năm trước. 

Tăng trưởng về tiêu thụ cao su được thấy ở tất cả các thị trường hàng đầu, trong đó Trung Quốc, thị trường tiêu thụ lớn nhất (chiếm 62,3% thị phần), đã tăng 47,3% về lượng và gấp 2,6 lần về giá trị so với cùng kỳ năm trước. 

Trái với tình hình tiêu thụ cà phê ảm đạm, giá liên tục giảm sút của cùng kỳ năm ngoái, năm nay  xuất khẩu cà phê đạt mức kỷ lục về giá. Xuất khẩu cà phê quý 1/2011 ước đạt 504 nghìn tấn, thu về 1 tỷ USD, tăng hơn 46% về lượng và gấp hơn 2 lần về giá trị so với cùng kỳ năm trước. 

Giá cà phê xuất khẩu bình quân 2 tháng đầu năm đạt 1.993 USD/tấn, tăng gần 41% (khoảng 579 USD/tấn) so với cùng kỳ năm trước. Giá bán cà phê trong nước cũng được kéo lên mức 47.000 đồng/kg. “Đây là một tín hiệu đáng mừng cho người trồng cà phê”, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhìn nhận.

Cũng trong xu hướng tăng giá nhưng xuất khẩu hạt điều, tiêu, chè đang suy giảm về lượng so với cùng kỳ do khó khăn nguồn cung. Trong quý 1, xuất khẩu hạt điều ước đạt 28 nghìn tấn, đem về kim ngạch 194 triệu USD, giảm gần 10 % về lượng nhưng tăng khoảng 22% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. 

Giá xuất khẩu điều bình quân 2 tháng đầu năm đạt 7.047 USD/tấn, tăng tới trên 33% (tương ứng 1.761 USD/tấn) so với cùng kỳ năm trước. “Mặc dù được giá, ngành điều Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với khó khăn do thiếu nguyên liệu”, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông cho biết. 

Với hạt tiêu, xuất khẩu 3 tháng đầu năm mới đạt khoảng 18 nghìn tấn, chỉ bằng 2/3 về lượng so với cùng kỳ. Kết quả “khiêm tốn” này may mắn được hỗ trợ của tăng giá. Tiêu xuất khẩu 2 tháng đầu năm đạt mức giá bình quân 4.785 USD/tấn, tăng rất cao ở mức gần 54% (tương đương 1.673 USD/tấn) so với cùng kỳ năm 2010. Nhờ đó, kim ngạch thu về trong quý đầu ước đạt 85 triệu USD, xấp xỉ về giá trị so với cùng kỳ… 

Cũng trong quý 1/2011, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 756 triệu USD, chỉ tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước. 

Ngược lại, xuất khẩu thuỷ sản đạt 1,1 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2010. Tăng trưởng xuất khẩu thuỷ sản được ghi nhận ở nhiều thị trường tiêu thụ lớn, điển hình như Hoa Kỳ tăng trên 39%, Đức 32,5%, Canada gấp 2 lần... Giá tôm tăng kèm theo xuất khẩu tôm cũng tăng trưởng khá ở các thị trường Mỹ và EU.

Cũng theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhập khẩu vật tư, phân bón phục vụ sản xuất nông, lâm, thủy sản quý 1/2011 ước đạt 3,3 tỷ USD, giảm gần 6% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, ngành nông nghiệp nhập siêu khoảng 2,1 tỷ USD trong quý đầu năm 2011.
AGROINFO – Theo VnEconomy

NỘI DUNG KHÁC

Giữ ổn định đất lúa để đảm bảo an ninh lương thực

1-4-2011

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) có kế hoạch tăng 1 triệu tấn lúa trong năm 2011, chủ yếu là vùng Đồng bằng sông Cửu Long, để dự phòng bù lại phần thiệt hại do thiên tai mất mùa ở các tỉnh miền Bắc và miền Trung.

Sâu bệnh hại lúa đang có diễn biến phức tạp

1-4-2011

Bộ NN&PTNT cho biết, hiện tình hình sâu bệnh hại lúa đang có diễn biến phức tạp. Các địa phương đang đẩy mạnh các giải pháp để phòng, trừ sâu bệnh hại lúa.

Bảo hiểm nông nghiệp: Còn thiếu cơ chế hỗ trợ

31-3-2011

"Ngoài tiền hỗ trợ từ Nhà nước, chúng ta phải xây dựng được một cơ chế bảo hiểm cho ngành nông nghiệp một cách phù hợp", chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh nói.

Ngư dân "chết lặng"!

31-3-2011

"Tui như chết lặng khi nghe giá dầu tăng đến gần 3 nghìn đồng/lít" - một ngư dân cho chúng tôi hay. Không khí ngột ngạt trải khắp những làng chài ven biển nơi chúng tôi đi qua. Trên bến, dưới thuyền, nhiều ngư phủ đang lục tục tháo gỡ ngư cụ...

Mưa trái mùa tác động nhiều mặt đến đời sống và sản xuất

31-3-2011

Mùa khô năm nay, ở Nam Bộ khí hậu bất thường hơn mọi năm. Liên tục cả tuần nay, trời nhiều mây và mưa rải rác khắp nhiều tỉnh thành. Mưa trái mùa với lượng mưa khá nhiều đã làm cho khí hậu trong vùng dịu mát, hàng chục ngàn ha lúa xuân hè, rau màu đã tránh được hạn, mặn xâm nhập nhưng bên cạnh đó cũng không ít hộ dân phải rơi vào cảnh trắng tay vì mưa.

Cách giảm tưới nước cà phê mùa khô

31-3-2011

Để đáp ứng yêu cầu canh tác bền vững, việc tạo lập hệ cây che bóng tầng cao hợp lý trong các vườn cà phê là điều cần thiết.

Tây Nguyên: “Mưa vàng” giải đại hạn

31-3-2011

Liên tiếp từ giữa tháng 3 đến nay, mưa “vàng” liên tiếp xuất hiện trên diện rộng ở Tây Nguyên, nhiều nơi lượng mưa đo được lên đến 177,4mm. Những cơn mưa này đã giải đại hạn cho người trồng cà phê.

Kỳ vọng nền nông nghiệp ít rủi ro: Bài học lớn từ quá khứ

31-3-2011

Dự kiến, ngày 1.7 tới, bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) sẽ được triển khai thí điểm tại 21 tỉnh thành theo Quyết định số 315/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Thúc đẩy phát triển tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn

30-3-2011

Với hàng loạt chính sách hỗ trợ mang tính dài hạn đối với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn thời gian qua, hoạt động khuyến công tại nhiều địa phương trên cả nước đã thu được nhiều kết quả tích cực, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người dân nông thôn.

Hà Nội: Tăng cường bán hàng bình ổn ở khu công nghiệp, vùng nông thôn

30-3-2011

Sở Công Thương Hà Nội vừa đưa ra Dự thảo kế hoạch bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu năm 2011 để UBND TP. Hà Nội phê duyệt. Theo đó, có những điểm mới nhằm phát huy hơn nữa hiệu quả bình ổn các mặt hàng thiết yếu, đồng thời tăng cường các điểm bán tại các khu công nghiệp, vùng nông thôn.

Philippin mua 200.000 tấn gạo Việt Nam với giá 445 USD/tấn

30-3-2011

Philippine rất hài lòng khi đạt được giá tốt với 200.000 tấn gạo lần này nhập của Việt Nam và dự kiến sẽ mua nhiều hơn gạo của chúng ta trong quý 2.

Từ 15/5, miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp

29-3-2011

Chính phủ vừa ban hành Nghị định ra ngày 23/3, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Nghị quyết ra ngày 24/11/2010 của Quốc hội về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp.