ĐỐI THOẠI CHÍNH SÁCH

Ảnh hưởng do động đất và sóng thần ở Nhật Bản: Doanh nghiệp xuất khẩu thấp thỏm lo âu

Ngày đăng: 29 | 03 | 2011

Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam (sau Hoa Kỳ). Tuy nhiên, trận động đất và sóng thần xảy ra vừa qua ở đất nước này đã ảnh hưởng ít nhiều đến việc nhập khẩu của Nhật Bản. Điều này khiến các doanh nghiệp xuất khẩu lo lắng.

Nhiều mặt hàng bị tác động
Trong 2 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá sang Nhật Bản đạt hơn 1,2 tỷ USD, chiếm 10% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam với các mặt hàng chính là dệt may, thủy sản, dây điện - dây cáp điện, than đá, phương tiện vận tải - phụ tùng, hóa chất - sản phẩm hóa chất, cao su, giấy, sản phẩm điện tử - linh kiện,...
Cho tới thời điểm này, mặt hàng chịu tác động rõ nhất sau sóng thần tại Nhật Bản là cao su. Tuy cao su Việt Nam chủ yếu xuất sang Trung Quốc, nhưng các nhà xuất khẩu trong nước đang nhấp nhổm do giá giảm gần 30%. Ông Hà Văn Chảy, chuyên viên phân tích giá và thị trường, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam cho biết: “Mặc dù Nhật Bản chỉ chiếm thị phần khá nhỏ nhưng trận động đất, sóng thần xảy ra đã tác động mạnh đến giá cao su xuất khẩu của Việt Nam. Hiện giá đã giảm từ 5.740 USD/tấn xuống còn 4.200USD/tấn”. Theo ông Chảy, mặc dù giá giảm nhưng lúc này mọi giao dịch ngưng trệ, không ai dám mua bán vì chưa rõ tín hiệu thị trường những ngày tới sẽ thế nào.
Ngoài ra, các doanh nghiệp trong ngành xuất khẩu thuỷ, hải sản cũng đang chịu ảnh hưởng trực tiếp từ thảm hoạ động đất, sóng thần tại Nhật Bản. Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Hồ Xuân Hùng, năm 2010, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đạt 19,5 tỷ USD, trong đó, thị trường Nhật Bản đạt 1,5 tỷ USD, tăng hơn 18% so với năm 2009. Điều này cho thấy, đây là thị trường xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản tương đối lớn của Việt Nam. Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, VASEP đang theo dõi biến động của các đơn hàng xuất khẩu thủy sản sang Nhật nhưng chắc chắn sẽ có ảnh hưởng bởi đây là thị trường tiêu thụ tôm, hải sản lớn của Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Kịch, Tổng giám đốc Công ty Cafatex (trụ sở chính ở TP.Hồ Chí Minh) cho hay, có đến hơn 60% sản lượng sản phẩm của Cafatex vào thị trường Nhật, trong đó chủ yếu xuất trực tiếp vào hệ thống siêu thị 7 Eleven và ItoYokado. “Đến thời điểm này, các hợp đồng xuất khẩu của công ty vẫn diễn ra bình thường”, ông Kịch tiết lộ. Trong khi đó, theo ông Huỳnh Quang Đấu, Tổng giám đốc Công ty Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp Antesco (An Giang), đơn vị này đang xuất khẩu bốn loại nông sản chế biến gồm đậu bắp, khóm (dứa), ngô bao tử và khoai lang tím sang Nhật. Hiện việc xuất khẩu ít nhiều bị tác động do vận chuyển hàng khó khăn hơn.
Cùng chia sẻ khó khăn
Trong khi nhiều mặt hàng bị tác động thì gỗ và hồ tiêu đến thời điểm này vẫn chưa bị ảnh hưởng, do tiêu thụ chủ yếu ở các thành phố lớn của Nhật. Ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho hay, các tỉnh vừa bị động đất, sóng thần ở Nhật không nằm trong thị trường xuất khẩu gỗ của Việt Nam, nên mặt hàng này chắc chắn sẽ không có biến động lớn. Một số doanh nghiệp xuất khẩu mây tre đan cho hay, không ít đơn hàng đã bị hoãn lại và doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn chấp nhận để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp nước bạn.
Xuất khẩu mang tính chất thăm dò thị trường với kế hoạch dự kiến khoảng 1 triệu USD trong năm nay, ông Nguyễn Lộc, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Dây cáp điện Việt Nam (Cadivi) cho biết, chưa rõ ảnh hưởng của thảm hoạ động đất và sóng thần tới việc xuất khẩu của công ty trong bao lâu, nhưng trước mắt, công ty phải tạm hoãn giao hàng một tháng. “Khi khách hàng đề nghị hoãn thời gian giao hàng, chúng tôi cũng có chút thiệt thòi nhưng giá trị không đáng kể. Trong tình cảnh như vậy, cần có sự chia sẻ với nhau”, ông Lộc nói.
Có thể thấy, trước mắt, việc giao thương Việt Nam - Nhật Bản ít nhiều bị ảnh hưởng, song về lâu dài, Nhật Bản vẫn là thị trường xuất khẩu hết sức quan trọng của Việt Nam. Các doanh nghiệp của Việt Nam sẵn sàng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp Nhật Bản và tin rằng, với sự kiên cường, thông minh, sáng tạo của người dân Nhật Bản, nền kinh tế nước này sẽ sớm hồi phục.
AGROINFO – Theo Báo Kinh tế nông thôn

Nguồn: http://www.kinhtenongthon.com.vn/Story/kinhte-thitruong/2011/3/27669.html

NỘI DUNG KHÁC

ĐBSCL: Giữ giá lúa để nông dân đạt lợi nhuận 30%?

29-3-2011

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) vừa điều chỉnh giá sàn xuất khẩu theo hướng tăng lên, song giá lúa ở ĐBSCL tiếp tục giảm xuống dưới mức 5.000 đồng/kg. Dù trúng mùa, nông dân không khỏi lo lắng, nhiều địa phương nhốn nháo kiến nghị các giải pháp giữ giá lúa.

TPHCM: Cam kết đủ lương thực theo giá bình ổn

29-3-2011

Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) sẽ tiếp tục thực hiện việc bình ổn giá mặt hàng gạo. Đây là cam kết của Vinafood 2 với UBND TP.HCM.

DN nước ngoài thu mua cà phê XK: "Ôm" tiền trái luật

25-3-2011

Nhiều DN XK cà phê VN đang kêu trời vì bị DN cà phê nước ngoài cố tình giữ tiền không trả dù họ đã nhận hàng. Cùng với “chiêu” tổ chức mạng lưới mua gom hàng trực tiếp trong dân trái luật (NNVN đã phản ánh), giờ đây các DN cà phê nước ngoài tiếp tục tạo ra làn sóng “ôm” tiền bất hợp pháp nhằm làm tê liệt sức lực của DN cà phê VN…

Việt Nam đã xuất khẩu gạo đồ

25-3-2011

Từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã xuất khẩu được trên 8 ngàn tấn gạo đồ. Như vậy, bắt đầu từ năm nay, Việt Nam đã chính thức tham gia vào phân khúc gạo đồ trên thị trường gạo thế giới.

Mỹ gia hạn áp thuế chống bán phá giá mặt hàng tôm: Doanh nghiệp có thể kiện?

23-3-2011

Theo Cục Cạnh tranh (Bộ Công thương), Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (ITC) đã chính thức bỏ phiếu thông qua quyết định cuối cùng là sẽ tiếp tục lệnh áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Brazil...

Các tỉnh ĐB.SCL xuất khẩu trên một triệu tấn gạo

23-3-2011

Theo ngành thương mại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh trong vùng vừa xuất 150.000 tấn gạo, nâng tổng lượng gạo xuất khẩu từ đầu năm đến nay trên 1 triệu tấn; tổng giá trị đạt trên 480 triệu USD. Từ nay đến cuối năm, các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long có kế hoạch xuất thêm 4,4 triệu tấn gạo.

TP.Cần Thơ: Doanh nghiệp xuất khẩu kêu khó!

23-3-2011

Trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế hiện nay, lãnh đạo TP.Cần Thơ vừa tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình hoạt động của các doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu trên địa bàn, để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh xuất khẩu và tiêu thụ nông - thủy sản…

Đằng sau các cuộc đấu giá gỗ cao su

21-3-2011

Ít ai biết, trong các cuộc đấu giá gỗ cao su thanh lý với diện tích trên dưới 100 ha nhưng có mặt hàng trăm khách hàng tham gia đấu giá. Người tham gia để phục vụ SX thì ít mà “chân gỗ” thì nhiều. Tại sao lại như vậy?

Giúp điều vượt khó

18-3-2011

Năm 2010, cả nước xuất khẩu được 198 ngàn tấn điều nhân các loại với kim ngạch xuất khẩu 1,135 tỷ USD (tăng 12% so 2009), trong đó tăng 11,8% về lượng và tăng 34% về giá so năm 2009. Như thế, năm 2010 được xem là năm đầu tiên trong lịch sử ngành điều gia nhập nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD chỉ sau 11 tháng đầu năm 2010.

Tranh mua cà phê và những nỗi lo

18-3-2011

Giám đốc một công ty xuất khẩu cà phê ở Daklak vẫn chưa hết “bức bối”, khi 100 héc ta cà phê mà công ty ông bỏ vốn đầu tư cho nông dân đã bị các công ty nước ngoài vào mua hết...Câu chuyện tranh mua cà phê xuất khẩu đã “nóng” lên trong thời gian qua, nhưng để tìm lối ra cho ngành cà phê xuất khẩu của Việt Nam, không chỉ đơn thuần là việc tranh mua.

Kết quả cuối cùng thuế CBPG cá tra lần 6: DN thở phào

17-3-2011

Tuy Bộ Thương mại Mỹ (DOC) chưa có công bố chính thức, nhưng VASEP và các doanh nghiệp Việt Nam đã có được những thông tin kết luận cuối cùng của DOC về đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá cá tra lần 6 (POR6), do các luật sư đại diện cho phía Việt Nam gửi về.

Giá XK gạo: Thế giới tăng, vì sao Việt Nam thất thường?

17-3-2011

Doanh nghiệp không tìm ra đơn hàng xuất khẩu mới khi bị đứt hợp đồng tập trung ở một số thị trường. Từ đầu năm 2010 đến nay, ngoài hơn hai triệu tấn gạo bán sang Indonesia, Malaysia, Bangladesh và Cuba theo hợp đồng tập trung cấp chính phủ, hầu như doanh nghiệp chưa ký thêm được bất cứ đơn hàng xuất khẩu nào lớn.