THỊ TRƯỜNG

Cá tra giống thiếu về lượng - bất ổn về chất

Ngày đăng: 10 | 03 | 2011

Việc kiểm soát chất lượng con giống còn thả nổi trong khi thị trường cá tra giống đang “nóng” và con giống có dấu hiệu suy thoái.

Cung không đủ cầu
Theo thống kê của Tổng cục Thủy sản (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), số lượng cơ sở sản xuất cá tra giống hiện nay đã giảm 82% so với năm 2009, chỉ có 175 cơ sở. Mặt khác, các cơ sở này cũng thu hẹp về diện tích so với các năm trước nên sản lượng cá tra giống sụt giảm nghiêm trọng. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do lợi nhuận hoạt động sản xuất cá tra giống trong thời gian qua không còn hấp dẫn nông dân.
Ông Phan Văn Hai – nông dân chuyên ương và kinh doanh cá giống tại huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang cho biết: “Mấy năm trước, cơ sở tôi chủ yếu ương và kinh doanh cá tra giống do chất lượng cá bột tốt, hiệu quả kinh tế cao. Từ năm 2008-2010, giá cá tra giống bấp bênh, tỷ lệ ương đạt thấp, kinh doanh không còn hiệu quả nên tôi phải chuyển sang kinh doanh các loại cá giống khác như: cá trôi, cá trắng…”.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp, toàn tỉnh có 1 trung tâm giống của tỉnh, 5 trại của huyện và gần 40 cơ sở sản xuất trong dân, hằng năm cung cấp khoảng 1,3 tỉ con giống ra thị trường. Trong đó, chỉ khoảng 25% cơ sở có đăng ký kinh doanh, tổ chức sản xuất thường xuyên với diện tích lớn, sản lượng nhiều. Còn phần lớn các cơ sở còn lại sản xuất không ổn định, khi nào giá cá giống cao thì họ làm, còn khi giá cá giống thấp thì nghỉ. Riêng tại Tiền Giang, năm nay chỉ có 01 trại sản xuất cá tra bột (thuộc trung tâm giống của tỉnh) và khoảng 200 cơ sở ương cá tra giống với diện tích ương là 70 ha, giảm gần 40% so với năm 2008...
 
Việc thiếu hụt nguồn cá giống hiện nay sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sản lượng cá tra trong thời gian tới, bởi nếu bắt đầu nuôi vỗ cá bố mẹ ngay tại thời điểm này thì phải đến tháng 8 tới mới có nguồn giống cung cấp cho thị trường. Ông Phan Hữu Hội, nông dân sản xuất và ương cá tra giống ở xã Long Định, huyện Châu Thành (Tiền Giang) cho biết: “Dù đã dự báo được tình hình giá cá tra giống nhưng đến nay tôi vẫn chưa có cá giống để bán. Hiện nay, cá của tôi chỉ khoảng 0,8 cm với hơn 1 tháng nuôi, vì vậy phải gần 2 tháng nữa thì mới có cá bán ra thị trường”.
Do nguồn cá tra giống trên thị trường khan hiếm nên để tranh thủ có giống thả vào ao nuôi của mình, các nông dân nuôi cá tra đã tự nâng giá lên và bất chấp chất lượng giống như thế nào. Điều này, đã vô tình làm cho cá tra giống vốn đã “cung không kịp cầu” lại càng thêm “khan hiếm”, và khả năng dịch bệnh trên cá tra xảy ra sẽ càng cao.
 
Sốt giá nhưng vẫn lo
 
Gần 1 tháng nay, giá cá tra nguyên liệu trên thị trường liên tục được đẩy lên cao nên đã hấp dẫn người nuôi cá tra thả giống. Thêm vào đó, các doanh nghiệp chế biến cá tra có vùng nguyên liệu riêng cũng tranh thủ vụ nuôi mới để có nguồn nguyên liệu chế biến kịp cho các đơn hàng đã ký, nên mấy ngày qua thị trường cá tra giống vùng ĐBSCL sôi động trở lại. Mặt khác, thời gian dài trước đây giá cá tra giống giảm mạnh và không có người mua nên nhiều cơ sở ương giống đã tạm ngừng hoạt động, hoặc chuyển sang sản xuất các loại cá giống khác nên nguồn cá tra giống không còn nhiều. Vì thế khi người nuôi cá tra thịt đổ xô nuôi trở lại, chuyện thiếu con giống và giá tăng cao là điều tất yếu.
 
Theo kết quả khảo sát tại các cơ sở kinh doanh cá tra giống ở Tiền Giang, cá giống cỡ từ 1,2-1,5 cm có giá từ 1.000-1.500 đồng/con, cá cỡ từ 1,5-2,0 cm có giá từ 1.500-2.000 đồng con. Đó là mức giá giống “cực nóng” ở vùng này, tuy nhiên đối với các tỉnh được xem là “vương quốc giống cá tra” thì giá cả cũng tăng nhanh không kém. Tại Đồng Tháp, cá cỡ 1,0-1,2cm có giá 450 - 500 đồng/con, tăng khoảng 80% so với tháng trước. Còn ở An Giang, giá còn tăng nóng hơn với cá cỡ 1,5-1,8cm có giá 1.200 đồng/con, cá loại 2cm lên đến 1.700 đồng/con.
 
Mặc dù, giá cá tra đang sốt từng ngày và thị trường khan hiếm, nhưng dường như các cơ sở sản xuất cá tra bột, ương giống không mặn mà lắm. Ông Nguyễn Thanh Liêm, chủ cơ sở ương cá tra giống ở thị trấn Cai Lậy (Tiền Giang) cho biết: “Giá cá tra giống hiện nay rất cao và hút hàng. Tuy nhiên, tôi cũng như những hộ ương cá tra giống khu vực này chưa dám đầu tư mạnh trở lại. Bởi đầu ra vẫn bấp bênh, phụ thuộc vào thương lái, trong khi đó chi phí đầu vào như: chi phí cải tạo ao, thức ăn cho cá, vốn vay, chi phí vận chuyển… tăng từng ngày”.
 
Đồng tình ý kiến trên, một cán bộ ngành nông nghiệp Tiền Giang nói : “Chi phí đầu vào liên tục tăng, chu kỳ đồng vốn sản xuất, ương cá tra giống kéo dài tới 3-5 tháng. Đó là chưa kể kiểu sản xuất “hên xui”, vì hiện nay chưa có kênh thông tin nào có thể dự báo chính xác tình hình thị trường để nông dân mạnh dạn đầu tư”.
 
Chất lượng cá giống – nhiều điều đáng lo!
 
Trước đây, nhiều nhà chuyên môn đã từng cảnh báo cá tra giống ở ĐBSCL đang bị suy giảm về chất lượng với những hiện tượng như: cận huyết, có “vấn đề” về sắc tố da (da trắng, da hồng), tỉ lệ sống từ cá bột lên cá giống thấp (dưới 12%)... từ đó làm cá nuôi thịt chậm lớn, giảm sức đề kháng, gia tăng cơ hội nhiễm một số loại bệnh phổ biến như xuất huyết, trắng mang, trắng gan và nhất là bệnh gan, thận mủ... 
 
 
 
Do đó, với tình trạng cá tra giống sốt giá và khan hàng như hiện nay thì vấn đề chất lượng cá tra giống càng có nhiều điều đáng lo, bởi khi nhu cầu cá tra giống tăng đột biến thì không chỉ những cơ sở giống nhỏ lẻ, làm ăn chụp giựt mà cả những cơ sở có thương hiệu vì lợi nhuận họ cũng sẵn sàng thu gom cá giống ở mọi nơi mà họ không biết và không thể kiểm soát về chất lượng để bán nông dân nuôi cá.
Ông Nguyễn Minh Tâm - một thương lái cá giống ở huyện Cai Lậy (Tiền Giang) tiết lộ: “Nhiều cơ sở kinh doanh cá tra giống yêu cầu chỉ cần chỉ họ nguồn cá tra giống là họ trả huê hồng rất hậu, không cần phải ràng buộc yêu cầu chất lượng như trước đây”.
 
Theo các nhà khoa học, vấn đề này rất đáng lo ngại, là một cản ngại lớn cho sự phát triển của nghề nuôi cá tra. Người nuôi gặp nguồn giống chất lượng thấp sẽ dẫn đến hao hụt nhiều, cá chậm lớn, chi phí tăng cao và dịch bệnh lan rộng.
 
Vấn đề này càng đáng lo ngại hơn, khi hệ thống kiểm soát chất lượng con giống thủy sản của cơ quan thú y các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc kiểm dịch con giống thủy sản chỉ mang tính hình thức, chưa thực sự kiểm tra được chất lượng con giống tại các cơ sở kinh doanh cũng như lưu thông trên thị trường, đặc biệt là từ khi chức năng kiểm dịch thủy sản được chuyển từ cơ quan quản lý thủy sản sang cơ quan thú y.
 
Điển hình như tại Tiền Giang, theo phản ánh của nhiều chủ cơ sở kinh doanh cá giống trên địa bàn tỉnh, tuỳ theo từng cơ sở kinh doanh, cán bộ thú y có thể định kỳ hàng tuần hay hàng tháng đến cấp giấy chứng nhận kiểm dịch cho các lô cá giống đang lưu giữ tại cơ sở. Việc kiểm tra chỉ bằng “cảm quan”, hoàn toàn không có một phương tiện hỗ trợ như: kính hiển vi, kính lúp… như đối với cơ quan quản lý thủy sản trước đây.
 
Nghề nuôi cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng bộc lộ nhiều điểm yếu, từ sự cạnh tranh thiếu lành mạnh ở thị trường xuất khẩu, khủng hoảng thiếu thừa nguyên liệu… giờ đây lại tới vấn đề kiểm soát chất lượng con giống. Vì vậy, để phát triển bền vững nghề nuôi cá tra xuất khẩu, ngay từ bây giờ các cơ quan chức năng cần có những giải pháp thật hiệu quả để giải quyết những bất cập còn tồn đọng, mà đặc biệt hiện nay là vấn đề kiểm soát chất lượng con giống và nâng cao chất lượng dần cá bố mẹ.
 
Trong 3 năm từ 2010 - 2012, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn triển khai dự án với kinh phí 350 tỉ đồng để phát triển 100.000 con cá tra, basa bố mẹ, cung cấp khoảng 5 tỉ con giống đạt tiêu chuẩn quốc gia, đáp ứng đủ cho ngành nuôi cá tra, cá basa tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
 
Hiện nay, Viện nghiên cứu Thủy sản 2 đang gấp rút xây dựng bộ tiêu chuẩn quốc gia về giống cá tra, cá basa để chuyển đến các các Chi cục Thủy sản các tỉnh, đồng thời cho nhân giống đàn cá bố mẹ hậu bị - cá bố mẹ có thể sinh sản được ngay sau khi được chuyển giao cho các trại giống.
 
Cụ thể khoảng giữa năm 2011, Viện Thủy sản 2 sẽ chuyển giao cho các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Bạc Liêu, Vĩnh Long trước 50.000 cá bố mẹ hậu bị và chuyển giao tiếp 50.000 con nữa vào năm 2012.
 
AGROINFO - Theo Báo VOV News

Nguồn:http://vovnews.vn/Home/Ca-tra-giong-thieu-ve-luong--bat-on-ve-chat/20113/168686.vov

NỘI DUNG KHÁC

Vào mùa thu hoạch nhưng giá lúa gạo rục rịch tăng

8-3-2011

Ngay sau khi Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) triển khai kế hoạch thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo, Công ty Lương thực Tiền Giang đã tiến hành thu mua 25 ngàn tấn gạo theo chỉ tiêu phân bố của VFA. Theo đó, giá lúa gạo trên thị trường Tiền Giang đã “nhích” lên so với tháng trước.

Xuất khẩu nông sản 2011: Những việc phải thay đổi

7-3-2011

Theo báo cáo của Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu 2010 đạt 71,6 tỷ USD Mỹ, tăng 25,5% so với năm 2009 và 17% so với kế hoạch (60 tỷ USD Mỹ), gấp 3 lần chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Trong 2 tháng đầu năm 2011, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 12,3 tỷ USD Mỹ, tăng 40,3% so với cùng kỳ năm trước, gấp 4 lần chỉ tiêu kế hoạch đã được Quốc hội thông qua (10%).

Lúa đông xuân trúng mùa, trúng giá: Nông dân phấn khởi !

7-3-2011

Hiện nay, nông dân ở TP Cần Thơ bước vào thu hoạch lúa đông xuân 2010-2011. Năm nay, thời tiết thuận lợi ít sâu bệnh, nông dân tăng cường ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên hầu hết các diện tích lúa đông xuân trúng mùa. Niềm vui của người nông dân được nhân đôi khi giá lúa đang ở mức cao và dễ tiêu thụ...

Nhiều giải pháp nâng cao năng suất, sản lượng tôm nuôi ở Cà Mau

7-3-2011

Từ đầu năm 2011 đến nay, tỉnh Cà Mau đã đề xuất, ban hành nhiều giải pháp nhằm phát triển, nâng cao năng suất, sản lượng tôm nuôi, trong đó đặc biệt chú ý đến mô hình nuôi tôm công nghiệp.

Chăn nuôi bò sữa, bò thịt theo quy mô công nghiệp

4-3-2011

Số liệu thống kê của Cục Chăn nuôi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy: Trong năm 2010, tổng đàn bò sữa của Việt Nam là 137 nghìn con, tăng 22 nghìn con so với năm 2009, trong khi đó phát triển chăn nuôi bò thịt những năm gần đây có chiều hướng giảm về số lượng (năm 2010, tổng đàn bò thịt cả nước còn 5,9 triệu con, giảm 3% so với năm 2009). Tuy nhiên theo đánh giá, chất lượng giống được cải thiện đáng kể và tổng sản lượng sữa, sản lượng thịt vẫn tăng đều hàng năm.

Mua tạm trữ 2 triệu tấn lúa đông xuân: Thị trường lúa gạo sôi động

3-3-2011

Chương trình thu mua tạm trữ 2 triệu tấn lúa vụ đông xuân đã chính thức bắt đầu từ 01/03. Dù động thái thu mua của một số doanh nghiệp khá chậm, nhưng giá lúa gạo cũng đã có những tín hiệu khả quan và tăng nhẹ.

Thế giới sốt càphê nguyên liệu

3-3-2011

Hôm qua (1/3), giá càphê nhân xô thị trường Việt Nam đã lập kỷ lục với 45.800đ/kg – tăng cao gấp đôi so với cùng kỳ 2010. Theo nhận định của CLB Càphê Việt Nam, việc các doanh nghiệp nước ngoài đổ xô vào mua trực tiếp càphê của bà con với mức cao là bởi nguồn cung càphê trên thế giới đang thiếu trầm trọng.

Xuất khẩu gạo, không dễ bán giá cao

2-3-2011

Chỉ tính riêng hai tháng đầu năm nay, sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam ước đạt gần 1,2 triệu tấn, trị giá hơn 600 triệu USD, tăng 63% về lượng và 50% về giá trị so cùng kỳ năm 2010. Tuy nhiên, xuất khẩu gạo năm nay đang đứng trước thách thức là một số thị trường nhập khẩu truyền thống trước đây chuyển đổi cách thức mua gạo, trong khi chi phí đầu vào năm nay tăng vọt.

Xuất khẩu gỗ: Cần tận dụng tối đa nguyên liệu trong nước

2-3-2011

Bước qua những tháng đầu năm 2011, các doanh nghiệp xuất khẩu ngành gỗ chưa kịp hưởng trọn vẹn niềm vui với hàng loạt đơn hàng thì những biến động mạnh về tỷ giá và các chi phí đầu vào không ngừng gia tăng, gây không ít khó khăn cho hoạt động sản xuất của ngành này.

Năm 2011, ngành gỗ tiếp đà tăng trưởng

1-3-2011

Năm 2010, ngành gỗ Việt Nam đã xuất sắc vượt qua nhiều khó khăn để đạt mức tăng trưởng 25% so với cùng kỳ. Vậy sang năm 2011, ngành gỗ Việt Nam có tiếp được đà tăng trưởng này hay không? Để giải đáp câu hỏi này phóng viên báo Kinh tế Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tôn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam.

Cá tra trước 2 nỗi lo lớn

1-3-2011

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) vừa công bố dự thảo Luật Thanh tra và Phân loại cá da trơn nội địa và nhập khẩu. Việc này cho thấy USDA đã bắt đầu bắt tay vào nắm việc thanh tra cá da trơn, vốn trước đây chỉ do Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đảm nhiệm.

Ngành chăn nuôi “méo mặt” vì tỷ giá

1-3-2011

Ngành nông nghiệp nước ta mấy năm gần đây chủ yếu phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. Chính vì vậy, sau mỗi lần tỷ giá tăng, cả người nông dân lẫn doanh nghiệp ngành chăn nuôi đều phải “oằn mình” đối phó.