TIN TỨC-SỰ KIỆN

Đánh thuế xuất khẩu gạo - Tại sao không?

Ngày đăng: 07 | 04 | 2008

AGROINFO - Khủng hoảng lương thực trên thế giới và ở trong nước, thiên tai đe doạ tới an ninh lương thực quốc gia đã làm giá lúa gạo cao, càng gây áp lực lên lạm phát. Đó là lý do Chính phủ đã thắt chặt việc xuất khẩu gạo thông qua hạn ngạch. Ông Jonathan Pincus, chuyên viên kinh tế cao cấp của Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) tại Việt Nam, đã có ý kiến cho rằng Chính phủ nên đánh thuế xuất khẩu gạo để điều tiết giá gạo trong nước; vừa thu được thuế vừa có hiệu quả hơn so với hạn ngạch.

>>> Hạn chế xuất khẩu gạo: Nông dân thiệt - GS.TS Võ Xuân Tòng

Lợi cả đôi đường

Gạo là mặt hàng nằm trong rổ hàng hoá để tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam. Hơn hai năm qua, chỉ số giá tiêu dùng nhóm hàng lương thực, trong đó có gạo, luôn tăng mạnh hơn so với tốc độ tăng chung của CPI. Chính vì vậy, hơn 2 năm qua, Chính phủ đã áp dụng biện pháp chỉ tiêu sản lượng xuất khẩu gạo mà bản chất là hạn ngạch để điều tiết sản lượng gạo xuất khẩu, với mong muốn vừa kiểm soát được giá gạo trong nước không quá leo thang, vừa đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

Tuy nhiên, ông Pincus cho rằng đến nay, Việt Nam vẫn chưa tính toán được tác động của chính sách điều chỉnh giá gạo bằng hạn ngạch; nhưng một điều chắc chắn là Chính phủ Việt Nam không thu được thuế từ xuất khẩu gạo để góp phần làm giảm thâm hụt ngân sách. Trong khi đó, do khủng hoảng thiếu hụt lương thực trầm trọng trên thế giới, nhiều nước xuất khẩu gạo chính ở châu Á đang thắt chặt xuất khẩu gạo đã đẩy giá gạo tăng mạnh.

Từ đầu năm tới nay, giá lúa trong nước dao động ở mức cao, khoảng 4.000 - 5.000 đồng/kg, gạo thường hơn 6.000 đồng/kg, trên thực tế tại TPHCM loại gạo "bình dân" có giá bình quân 8.000 - 10.000 đồng. Còn gạo xuất khẩu giao tại cảng TPHCM có giá bình quân 530 đô la Mỹ/ tấn, tăng gần gấp đôi so với giá gạo xuất khẩu bình quân cả năm ngoái. Gạo Việt Nam hiện chào bán hơn 600 đô la Mỹ/ tấn cho thời hạn giao hàng sau tháng 6 và còn nhiều khả năng tăng hơn nữa.

Một số quốc gia như Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Ấn Độ đã quyết định hạn chế số lượng gạo xuất khẩu; còn Philippines đang đứng trước nguy cơ thiếu gạo trầm trọng. Tại Việt Nam, cùng với tác động của mưa lũ ở miền Trung vào cuối năm ngoái, rét đậm rét hại ở miền Bắc đầu năm nay, đã làm biến động giá gạo trong nước gần như hàng ngày.

Theo bà Nguyễn Thị Nguyệt, Tổng thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), đầu năm nay, hạn ngạch xuất khẩu gạo cho năm 2008 được dự kiến 4 - 4,5 triệu tấn, nhưng sau đó, Bộ Công Thương điều chỉnh giảm xuống còn 3,5 - 4 triệu tấn và mới đây nhất, theo yêu cầu của Chính phủ, hạn ngạch xuất khẩu gạo lại được điều chỉnh lần nữa. Thay vì tính bằng năm như mọi khi, nay chỉ trong 9 tháng đầu năm với chỉ tiêu 3,2 - 3,5 triệu tấn do tình hình lạm phát và khủng hoảng gạo trên thế giới.

“Với nông dân, áp dụng hạn ngạch xuất khẩu gạo hay thu thuế xuất khẩu gạo đều giống như nhau”, ông Pincus nói và cho rằng cả hai chính sách này đều nhằm mục tiêu điều chỉnh giá gạo nội địa để kiềm chế lạm phát.

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, thuế xuất khẩu gạo dễ dàng điều chỉnh và công bằng hơn cho doanh nghiệp. Khi giá gạo nội địa quá cao, Chính phủ có thể tăng thuế xuất khẩu để làm giảm lượng gạo xuất khẩu và ngược lại, khi giá gạo trong nước xuống thấp, có thể điều chỉnh giảm thuế để đẩy mạnh xuất khẩu, giúp tiêu thụ lúa gạo nội địa. “Thuế xuất khẩu gạo tác động trực tiếp tới lợi nhuận của các doanh nghiệp kinh doanh gạo một cách công bằng và gián tiếp điều chỉnh giá gạo thị trường trong nước”, ông Pincus khẳng định.

Trong phần thuyết trình của mình, ông Pincus đưa ra 3 nhóm giải pháp để kiềm chế lạm phát là chính sách tiền tệ, tài khoá và tỷ giá; trong đó, đánh thuế xuất khẩu gạo là một trong những biện pháp của nhóm giải pháp tài khoá của Chính phủ.

Doanh nghiệp đồng tình

“Khoa học hơn, hiệu quả hơn”, là nhận xét của bà Nguyễn Thị Nguyệt, Tổng thư ký VFA khi nói về việc áp dụng chính sách thuế xuất khẩu gạo thay cho áp dụng hạn ngạch.

Tuy nhiên bà cũng cho rằng, nếu Chính phủ áp dụng chính sách thuế xuất khẩu gạo thì nên áp dụng bắt đầu vào năm 2009; vì hiện tại, các nhà xuất khẩu gạo chưa tính tới phương án áp dụng chính sách thuế, nên nếu áp dụng ngay sẽ khiến việc kinh doanh bị chao đảo.

Một doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở ĐBSCL phàn nàn rằng, chính sách hạn ngạch xuất khẩu gạo hiện nay trên lý thuyết có vẻ đơn giản, chỉ cần đầu năm Chính phủ công bố hạn ngạch là xong, nhưng thực tế thì khá phiền phức. Bởi đi kèm với hạn ngạch sản lượng gạo là việc xác nhận hợp đồng của VFA, thủ tục công nhận lượng gạo còn trong kho của doanh nghiệp, rồi thời hạn giao hàng và nhiều thủ tục hành chính rối rắm khác.

Đó là chưa kể việc áp dụng hạn ngạch sẽ làm triệt tiêu phần nào động lực kinh doanh của nhà xuất khẩu. Chẳng hạn, doanh nghiệp ký hợp đồng xuất khẩu gạo có giá thấp hơn giá định hướng của hiệp hội là không được xác nhận để xuất khẩu, trong khi hợp đồng đó doanh nghiệp có những tính toán riêng. “Với chính sách thuế sẽ công bằng hơn vì doanh nghiệp nào cũng cố gắng ký hợp đồng bán gạo giá cao để có lợi nhuận nhiều hơn mà không cần tới giá định hướng của hiệp hội”, doanh nghiệp này nói với chúng tôi qua điện thoại.

Ngoài ra, một doanh nghiệp khác cho rằng áp dụng hạn ngạch nhưng điều chỉnh liên tục như hiện nay càng gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp, có khi phải hoãn giao hàng, mất uy tín với nhà nhập khẩu; còn chính sách thuế, việc điều chỉnh vừa dễ dàng và chỉ tác động tới lợi nhuận của doanh nghiệp xuất khẩu mà phía đối tác nước ngoài (nhà nhập khẩu) không cần phải biết.

Mặc dù xuất khẩu gạo trong năm ngoái chỉ có 1,5 tỉ đô la Mỹ, thua xa các mặt hàng khác như da giày, dệt may hay dầu thô; nhưng xuất khẩu gạo lại liên quan tới 80% dân số sống ở nông thôn, liên quan tới an ninh lương thực quốc gia và bây giờ là bài toán chống lạm phát của Chính phủ. Do vậy một chuyên viên của VFA (không muốn nêu tên), cho rằng Chính phủ nên áp dụng chính sách thuế để vừa điều tiết được giá gạo trong nước, vừa thu được thuế mà lại giảm bớt các thủ tục hành chính hơn nếu so với áp dụng chính sách hạn ngạch.

Một yếu tố khác cũng cần phải nhắc tới là Việt Nam sẽ mở cửa thị trường xuất khẩu gạo vào đầu năm tới, lúc đó các doanh nghiệp trong và ngoài nước đều công bằng trong việc xuất khẩu gạo. Liệu lúc đó, VFA làm thế nào buộc các doanh nghiệp khẩu gạo Việt Nam có vốn đầu tư nước ngoài (không phải là hội viên của VFA) thực hiện các quy chế của VFA được? Đó là câu hỏi lớn dành cho chính sách hạn ngạch.

Ngày 26-3, VFA đã ban hành quy chế đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo năm 2008. Theo đó, số lượng gạo trắng các loại mà mỗi doanh nghiệp được đăng ký xuất khẩu cho 6 tháng đầu năm 2008 không quá 50% số lượng xuất khẩu trực tiếp bình quân hai năm 2006-2007. Khi đăng ký hợp đồng, doanh nghiệp phải kèm báo cáo tồn kho tối thiểu 50% số lượng đăng ký (không kể hợp đồng tập trung và gạo nếp, gạo thơm). Tổng khối lượng gạo xuất khẩu của các doanh nghiệp không vượt quá cân đối định hướng từng quý của Bộ Công Thương, trên chỉ tiêu do Chính phủ công bố. Giá gạo xuất khẩu trong hợp đồng phải phù hợp với giá công bố của hiệp hội tại thời điểm ký hợp đồng và thời hạn giao hàng không quá 2 tháng kể từ ngày ký hợp đồng.

Quy chế này cũng nêu rõ, các doanh nghiệp Việt Nam thuộc mọi thành phần kinh tế được phép đăng ký hợp đồng xuất khẩu; ngoại trừ việc đăng ký hợp đồng thương mại bán cho các thương nhân đã ký các hợp đồng tập trung với Việt Nam (gồm NFA - Philippines; Bulog - Indonesia; Alimport - Cuba; Bernas - Malaysia). Trong vòng 3 ngày, kể từ ngày ký hợp đồng xuất khẩu, doanh nghiệp phải gửi hợp đồng đã ký cho VFA để đăng ký hợp đồng hợp lệ trong vòng một ngày (8 giờ làm việc), kể từ ngày nhận được hợp đồng để doanh nghiệp làm thủ tục giao hàng.

Riêng các trường hợp doanh nghiệp đăng ký hợp đồng với số lượng xuất khẩu gạo lớn ảnh hưởng cân đối cung cầu, gây tác động bất lợi đến thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu, hệp hội sẽ tham vấn ý kiến Bộ Công Thương trước khi trả lời doanh nghiệp.

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn

NỘI DUNG KHÁC

Tìm định nghĩa, tìm cơ chế

4-4-2008

Tại Hội thảo "Góp ý xây dựng đề án trình Hội nghị TƯ7 (khóa X) về Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế" do Ban Tuyên giáo TƯ cùng Bộ KH&CN tổ chức, phần lớn ý kiến đều cho rằng muốn "xây dựng đội ngũ trí thức", trước hết phải bắt đầu từ "định nghĩa trí thức"...

80 nghìn nông dân công tỉnh Vân Nam- Trung Quốc đã có Bảo hiểm dưỡng lão

4-4-2008

Theo thông tin của Chủ tịch hội nghị Công nông dân tỉnh Vân Nam, năm nay các phòng công nông các cấp trong toàn tỉnh đang ra sức xây dựng và hoàn thiện chế độ tài chính thu chi bảo đảm lương cho công nông dân, tăng số số lượng nông dân công được hưởng bảo hiểm thương tật và bảo hiểm khám chữa bệnh, từ nay về sau, các cơ quan sử dụng lao động nếu có ác ý nợ và kéo dài thời hạn trả lương cho nông dân công sẽ chịu sự xử phạt của Bảo hiểm lao động, ngành Công thương và cơ quan tài chính.

Văn hoá Google

4-4-2008

Google, một công ty kỳ lạ, một thứ văn hóa kỳ lạ, cách kiếm tiền kỳ là, trở nên giàu có nhanh chóng. Chỉ trong vòng vài năm Google đã giúp con người ở bất kỳ đâu đều có thể tiếp cận thông tin.

Muốn hưởng lợi từ WTO, phải đẩy mạnh cải cách hành chính

3-4-2008

Tiến sĩ Võ Trí Thành, Trưởng ban Nghiên cứu chính sách hội nhập kinh tế, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư nói, nếu Việt Nam chỉ đơn thuần thực hiện các cam kết gia nhập WTO mà không xúc tiến cải cách trong nước, đặc biệt là cải cách thể chế, hành chính, thì lợi ích thu được sẽ rất nhỏ, chỉ khoảng 20%, còn lại đối tác nước ngoài sẽ hưởng hết.

Con đường trở thành đại biểu nông dân của thành phố lớn nhất Trung Quốc

3-4-2008

Trương Hùng Vĩ nói, "Tôi là lao động nông dân thế hệ đầu tiên của Trung Quốc, đích thân cảm nhận cả quá trình thay đổi to lớn của lao động nông dân." Anh cho rằng, lao động nông dân có thể trở thành đại biểu Quốc hội chứng tỏ cánh cửa tham gia dân chủ của Trung Quốc đang không ngừng mở rộng, ngày càng nhiều người có thể tham gia vào quá trình quyết sách chính trị, từ đó gây ảnh hưởng tích cực đối với tính công bằng và hợp lý của việc quyết sách của chính phủ và nhà nước.

Đánh giá tác động 5 năm triển khai Hiệp định thương mại song phương Việt Nam – Hoa Kỳ đối với cơ cấu kinh tế, thương mại và đầu tư của Việt Nam

3-4-2008

Bản báo cáo “Đánh giá tác động 5 năm triển khai Hiệp định thương mại song phương Việt Nam – Hoa Kỳ đối với cơ cấu kinh tế, thương mại và đầu tư của Việt Nam” do Bộ kế hoạch và đầu tư phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thực hiện chỉ ra rằng việc thực hiện BTA đã có tác động to lớn đối với xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Mỹ.

Bảo hiểm nông nghiệp: Doanh nghiệp tháo chạy

2-4-2008

AGROINFO - Có lẽ bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) ở Việt Nam sẽ mãi là khái niệm mơ hồ nếu đợt rét kỷ lục vừa qua không làm đàn gia súc chết hàng loạt. Từ đây, người nông dân mới lờ mờ hiểu rằng: để hạn chế thiệt hại thì phải mua bảo hiểm cho cây trồng, vật nuôi của mình.

Chính thức ra mắt Đoàn TNCS HCM Viện CS&CL PTNNNT

2-4-2008

AGROINFO – Sáng 28/3/2008, tại Hội trường Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển NNNT đã diễn ra lễ công bố quyết định của Ban thường vụ Đoàn TNCQ Bộ NN & PTNT thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Viện CS&CL PTNNNT. Đến dự buổi lễ có lãnh đạo Viện, đại diện của Ban thường vụ Đoàn TNCQ Bộ NN & PTNT, đại diện BCH Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp cùng toàn thể cán bộ, đoàn viên, thanh niên trong Viện. Buổi lễ ra mắt được tổ chức trang trọng, đúng vào dịp kỉ niệm 77 năm ngày thành lập Đoàn TN CS HCM.

Thấy gì từ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam?

31-3-2008

Nghiên cứu về sự đóng góp của các yếu tố đối với tăng trưởng kinh tế có ý nghĩa về nhiều mặt, không những xác định vị trí của từng yếu tố để có kế hoạch khai thác, mà còn có ý nghĩa xác định được yếu tố tiềm ẩn gia tăng lạm phát.

Một văn bản, 90% số doanh nghiệp bị "xoá sổ"?

31-3-2008

Cả trăm doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thuốc thú y trên cả nước đang đối mặt với nguy cơ bị "xoá sổ" vào cuối năm 2008 vì chưa có chứng chỉ GMP theo quy định của Cục Thú y đồng nghĩa với việc hàng ngàn lao động mất việc trong bối cảnh giá cả tăng vọt hiện nay...

Triển vọng thị trường, chất lượng và cơ cấu ngành hàng cà phê 2008

31-3-2008

Ngày 26-3, tại Hà Nội, hội thảo triển vọng thị trường, chất lượng và cơ cấu ngành hàng cà phê 2008 do Viện chính sách và Chiến lược PTNNNT, Bộ NN&PTNT phối hợp với Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp tổ chức.

Công bố báo cáo "Cập nhật kinh tế Đông Á Thái Bình Dương"

1-4-2008

Do Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức