TIN TỨC-SỰ KIỆN

Muốn hưởng lợi từ WTO, phải đẩy mạnh cải cách hành chính

Ngày đăng: 03 | 04 | 2008

Tiến sĩ Võ Trí Thành, Trưởng ban Nghiên cứu chính sách hội nhập kinh tế, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư nói, nếu Việt Nam chỉ đơn thuần thực hiện các cam kết gia nhập WTO mà không xúc tiến cải cách trong nước, đặc biệt là cải cách thể chế, hành chính, thì lợi ích thu được sẽ rất nhỏ, chỉ khoảng 20%, còn lại đối tác nước ngoài sẽ hưởng hết.

TS Thành đã khẳng định như vậy tại Diễn đàn quốc tế về chuyển đổi kinh tế 2008 diễn ra sáng nay tại Hà Nội với sự tham dự của khoảng 100 đại biểu từ các cơ quan chính phủ, các chuyên gia chính sách và nghiên cứu từ các cơ quan tổ chức như Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế T.Ư (CIEM), Viện Cải cách và Phát triển Trung Quốc (CIRD), Tổ chức Hợp tác kỹ thuật Đức (GTZ) cùng với các nhà hoạch định chính sách cao cấp và các nhà nghiên cứu từ Trung Quốc, Lào, Mông Cổ, Uzbekistan.

Cải cách thể chế chậm khiến dự báo rõ nguy cơ lạm phát lúng túng

TS Thành cho rằng, bên cạnh những thành tựu về kinh tế - xã hội đạt được trong năm qua, thì chính việc cải cách thể chế, hành chính diễn ra chậm là một nguyên nhân khiến các cơ quan chức năng không nhận thức rõ được nguy cơ lạm phát sẽ như hiện nay để có biện pháp ngăn chặn từ trước.

Theo nhận định của TS Thành, hiện nay, Việt Nam có đầy đủ tín hiệu rủi ro tài chính của Thái-lan năm 1996, tuy nhiên có hai điểm khác biệt là Việt Nam chưa mở cửa tài khoản vốn và trong tay Nhà nước vẫn còn rất nhiều các doanh nghiệp nhà nước lớn. Nhưng cũng chính hai điểm khác biệt này, theo TS Đinh Văn Ân, Viện trưởng CIEM, sẽ giúp Việt Nam hầu như không có khả năng bị rơi vào khủng hoảng như Thái-lan năm 1996.

Về đánh giá đầy đủ tác động của việc gia nhập WTO đối với Việt Nam sau hơn một năm, theo TS Thành, là không đơn giản vì một năm là khoảng thời gian quá ngắn và tác động còn là kết quả của sự kết hợp nhiều nhân tố khác như các cam kết khu vực…

Năm 2007, Việt Nam đạt tăng trưởng kinh tế 8,5%, xuất khẩu giữ đà tăng trưởng 26% (không tính dầu thô), thu hút hơn 20,3 tỷ USD vốn cam kết đầu tư trực tiếp nước ngoài và lượng vốn đã giải ngân là 4,8 tỷ USD, trong đó tập trung vào khu vực dịch vụ và lĩnh vực xuất khẩu. Hiện xuất khẩu của Việt Nam do khu vực nước ngoài dẫn dắt. Một số khía cạnh thể chế chuyển biến khá rõ nét.

Tuy nhiên, năm qua cũng xuất hiện những rủi ro bất ổn kinh tế vĩ mô. Lạm phát tới 12,6%, cao nhất kể từ năm 1997, gây áp lực xã hội, khiến đời sống của những người thu nhập thấp gặp thêm nhiều khó khăn. Thâm hụt thương mại tăng mạnh hơn 12 tỷ USD trong khi đó năng lực sản xuất, kết cấu hạ tầng tạo ra nhờ nhập khẩu máy móc thiết bị chưa cao. Tỷ lệ tiết kiệm có xu hướng chựng lại và khoảng cách tiết kiệm đầu tư doãng ra (tỷ lệ đầu tư/GDP hơn 40% và khoảng một nửa tổng đầu tư xã hội thuộc đầu tư nhà nước). Tuy tỷ lệ nghèo giảm nhưng khoảng cách giàu nghèo tăng.

Nhiều chuyên gia tham dự diễn đàn cho rằng, khi Việt Nam gia nhập WTO, dòng vốn nước ngoài đổ vào tăng mạnh và thực tế năm qua đã cho thấy các cơ quan chức năng có những lúng túng trong điều hành chính sách tiền tệ và can thiệp thị trường.

Theo TS Thành, hiện có hai mâu thuẫn lớn trong nền kinh tế Việt Nam. Thứ nhất là nhu cầu và khả năng hiện thực đạt tốc độ tăng trưởng cao mâu thuẫn với năng lực quản trị phát triển (xử lý các vấn đề xã hội, quy hoạch, phát triển kết cấu hạ tầng, ổn định vĩ mô, môi trường). Thứ hai là hoạt động kinh doanh sôi động, đa dạng gắn với cơ hội "tạo lợi nhuận" nhanh chóng mâu thuẫn với sự bất cập trong quản trị rủi ro của doanh nghiệp (cả định chế tài chính) và năng lực giám sát tài chính (khuôn khổ pháp lý, kỹ năng và sự phối hợp tổ chức bộ máy).

TS Thành cho rằng, sự kết hợp và tận dụng hội nhập để thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế (theo định hướng thị trường cùng với việc hoàn thiện chức năng nhà nước) chính là nhân tố quan trọng nhất tạo niềm tin và qua đó thúc đẩy đầu tư kinh doanh phát triển.

Chìa khóa của cải cách toàn diện tại Trung Quốc

Chia sẻ quan điểm này của TS Thành, Giáo sư Chi Fulin, Viện trưởng Viện Cải cách và Phát triển Trung Quốc (CIRD) nói, kinh tế Trung Quốc đã có những bước phát triển mạnh sau 30 năm mở cửa, tuy nhiên khoảng cách giàu nghèo cũng mở rộng, và Trung Quốc vẫn tiếp tục tập trung cải cách hành chính theo yêu cầu của mô hình chuyển đổi cơ cấu kinh tế và coi cải cách hành chính trong giai đoạn mới là ưu tiên và là chìa khóa của cải cách toàn diện.

Giáo sư Chi Fulin cho biết, hiện Trung Quốc cũng đang nỗ lực giải quyết năm mâu thuẫn trong giai đoạn mới của cải cách và phát triển, đó là: Mâu thuẫn giữa tiếp tục cải cách kinh tế nhanh và những cản trở do thiếu nguồn lực và bảo vệ môi trường; Mâu thuẫn lớn giữa tiềm năng tăng trưởng kinh tế nhanh và thiếu hụt hệ thống và các cơ chế cho tăng trưởng kinh tế; Mâu thuẫn giữa mở rộng quy mô của nền kinh tế/tăng trưởng sự giàu có về mặt vật chất và khoảng cách giàu nghèo và nông thôn – thành thị; Mâu thuẫn giữa tăng trưởng nhanh về nhu cầu của toàn xã hội đối với dịch vụ công và thiếu khả năng cung cấp đủ dịch vụ công cơ bản; Mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế / tiến bộ xã hội và phát triển chậm của quản trị công.

Bên lề Diễn đàn, Giáo sư Chi Fulin cho biết, giá cả bắt đầu leo thang tại Trung Quốc vào giữa năm ngoái. Theo số liệu của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, lạm phát trong tháng 2 vừa qua đã lên mức 8,7% so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất trong gần 12 năm qua, chủ yếu do giá dầu mỏ trên thế giới tăng và giá lương thực, thực phẩm trong nước tăng vọt (tăng 23,3%) vì cung không đủ cầu, đặc biệt là hai mặt hàng thịt lợn và ngũ cốc.

Để đối phó với lạm phát, Chính phủ Trung Quốc đã trợ cấp cho những người có thu nhập thấp, và trợ cấp cho nông dân để khuyến khích họ tăng cường sản xuất nông nghiệp và nuôi thêm lợn. Trung Quốc có đủ khả năng tài chính để thực hiện việc trợ cấp này. Trung Quốc cũng áp đặt hạn chế về xuất khẩu gạo nhằm tăng nguồn cung tại thị trường trong nước, đồng thời tăng cường quản lý, giám sát, ngăn chặn tình trạng đầu cơ tăng giá.

Giáo sư Chi Fulin nói, dự kiến, sáu tháng cuối năm, giá lương thực, thực phẩm tại Trung Quốc sẽ giảm do các biện pháp nói trên phát huy hiệu quả, và qua đó sức ép lạm phát cũng giảm.

Diễn đàn quốc tế về chuyển đổi kinh tế là diễn đàn thường niên, được sáng lập từ Thỏa thuận về tổ chức Diễn đàn Cải cách kinh tế Việt – Trung giữa CIRD và CIEM tháng 1 – 2004. Diễn đàn được tổ chức dựa trên nhận thức về sự tương đồng và điểm xuất phát cũng như cách tiếp cận của Trung Quốc và Việt Nam đối với quá trình cải cách kinh tế và các vấn đề khó khăn tương ứng. Mục tiêu của Diễn đàn là thông qua đối thoại và chia sẻ kinh nghiệm để đẩy mạnh tốc độ của các quá trình cải cách và bảo đảm tính bền vững của quá trình này.

Năm nay, Diễn đàn diễn ra trong hai ngày 2 và 3 – 4, tập trung vào bốn chủ đề chính: Tăng trưởng và phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế: Các cải cách gần đây, thách thức và triển vọng đối với các nền kinh tế chuyển đổi; Cải cách thể chế và phát triển bền vững; Cải cách hành chính và cải thiện môi trường kinh doanh; Các vai trò mới của nhà nước trong cung cấp dịch vụ công.

(Nguồn: Nhân Dân)

NỘI DUNG KHÁC

Con đường trở thành đại biểu nông dân của thành phố lớn nhất Trung Quốc

3-4-2008

Trương Hùng Vĩ nói, "Tôi là lao động nông dân thế hệ đầu tiên của Trung Quốc, đích thân cảm nhận cả quá trình thay đổi to lớn của lao động nông dân." Anh cho rằng, lao động nông dân có thể trở thành đại biểu Quốc hội chứng tỏ cánh cửa tham gia dân chủ của Trung Quốc đang không ngừng mở rộng, ngày càng nhiều người có thể tham gia vào quá trình quyết sách chính trị, từ đó gây ảnh hưởng tích cực đối với tính công bằng và hợp lý của việc quyết sách của chính phủ và nhà nước.

Đánh giá tác động 5 năm triển khai Hiệp định thương mại song phương Việt Nam – Hoa Kỳ đối với cơ cấu kinh tế, thương mại và đầu tư của Việt Nam

3-4-2008

Bản báo cáo “Đánh giá tác động 5 năm triển khai Hiệp định thương mại song phương Việt Nam – Hoa Kỳ đối với cơ cấu kinh tế, thương mại và đầu tư của Việt Nam” do Bộ kế hoạch và đầu tư phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thực hiện chỉ ra rằng việc thực hiện BTA đã có tác động to lớn đối với xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Mỹ.

Bảo hiểm nông nghiệp: Doanh nghiệp tháo chạy

2-4-2008

AGROINFO - Có lẽ bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) ở Việt Nam sẽ mãi là khái niệm mơ hồ nếu đợt rét kỷ lục vừa qua không làm đàn gia súc chết hàng loạt. Từ đây, người nông dân mới lờ mờ hiểu rằng: để hạn chế thiệt hại thì phải mua bảo hiểm cho cây trồng, vật nuôi của mình.

Chính thức ra mắt Đoàn TNCS HCM Viện CS&CL PTNNNT

2-4-2008

AGROINFO – Sáng 28/3/2008, tại Hội trường Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển NNNT đã diễn ra lễ công bố quyết định của Ban thường vụ Đoàn TNCQ Bộ NN & PTNT thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Viện CS&CL PTNNNT. Đến dự buổi lễ có lãnh đạo Viện, đại diện của Ban thường vụ Đoàn TNCQ Bộ NN & PTNT, đại diện BCH Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp cùng toàn thể cán bộ, đoàn viên, thanh niên trong Viện. Buổi lễ ra mắt được tổ chức trang trọng, đúng vào dịp kỉ niệm 77 năm ngày thành lập Đoàn TN CS HCM.

Thấy gì từ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam?

31-3-2008

Nghiên cứu về sự đóng góp của các yếu tố đối với tăng trưởng kinh tế có ý nghĩa về nhiều mặt, không những xác định vị trí của từng yếu tố để có kế hoạch khai thác, mà còn có ý nghĩa xác định được yếu tố tiềm ẩn gia tăng lạm phát.

Một văn bản, 90% số doanh nghiệp bị "xoá sổ"?

31-3-2008

Cả trăm doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thuốc thú y trên cả nước đang đối mặt với nguy cơ bị "xoá sổ" vào cuối năm 2008 vì chưa có chứng chỉ GMP theo quy định của Cục Thú y đồng nghĩa với việc hàng ngàn lao động mất việc trong bối cảnh giá cả tăng vọt hiện nay...

Triển vọng thị trường, chất lượng và cơ cấu ngành hàng cà phê 2008

31-3-2008

Ngày 26-3, tại Hà Nội, hội thảo triển vọng thị trường, chất lượng và cơ cấu ngành hàng cà phê 2008 do Viện chính sách và Chiến lược PTNNNT, Bộ NN&PTNT phối hợp với Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp tổ chức.

Công bố báo cáo "Cập nhật kinh tế Đông Á Thái Bình Dương"

1-4-2008

Do Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức

Đánh giá tác động WTO tới Việt Nam

2-4-2008

Do dự án hỗ trợ thương mại đa biên (MUTRAP) tổ chức.

Xây dựng Khu vực kinh tế Vịnh Bắc Bộ Quảng Tây thu hút sự quan tâm của mọi người

28-3-2008

Tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội Trung Quốc khoá 11 vừa bế mạc, những vấn đề như Trung Quốc hết sức coi trọng như phát triển khu vực duyên hải của Quảng Tây, xác định rõ Khu vực kinh tế Vịnh Bắc Bộ là khu vực trọng điểm trong Chiến lược phát triển miền tây cũng như mở cửa và hợp tác với ASEAN v v...đã thu hút sự quan tâm của các phương tiện truyền thông trong và ngoài nước

Các quy chế điều hành xuất khẩu của Trung Quôc

26-3-2008

B. Hàng cấm xuất khẩu Các hàng kê theo danh mục hàng cấm nhập khẩu. Các bản thảo, tài liệu, phim ảnh, băng đĩa có liên quan đến bí mật quốc gia. Cổ vật có giá trị. Động vật quý, hoang dã, thực vật (bao gồm cả các tiêu bản) cùng các giống cây, tài liệu có liên quan.

IPSARD tiếp đoàn công tác của Văn phòng Chính phủ Lào

26-3-2008

AGROINFO - Chiều ngày 24 tháng 3 năm 2008, tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (MARD), Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (IPSARD) đã có buổi làm việc với đoàn công tác do Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ Lào dẫn đầu.