TIN TỨC-SỰ KIỆN

Giải bài toán nhập siêu để không ’lệch vai’ nền kinh tế

Ngày đăng: 07 | 01 | 2008

Cán cân thương mại 2007 đã “nghiêng vai” về phía nhập siêu, do tốc độ tăng trưởng xuất khẩu thấp hơn tốc độ tăng trưởng nhập khẩu. Trong năm thứ 2 Việt Nam gia nhập WTO, giải bài toán nhập siêu là một trong số những nhiệm vụ hàng đầu của nền kinh tế.

Làm gì để tránh xuất “thô”, nhập “tinh”?

Xuất khẩu năm 2007 chưa kịp hết vui mừng với con số 48,3 tỷ USD (tăng 21,8% so với năm trước) thì có ngay một con số đối trọng bên cạnh.

Kim ngạch nhập khẩu vọt lên 60,83 tỷ USD (tăng 33,1%), nâng mức nhập siêu lên 12,4 tỷ USD.

Dự báo lạc quan của Bộ Thương mại trước đây (nay là Bộ Công thương) về việc chấm dứt nhập siêu vào năm 2010 (do 3 năm trước đây tỷ lệ nhập siêu giảm liên tiếp) đã hoàn toàn chấm dứt.

Nền kinh tế hiện tại, đặc biệt là năm 2008 lại tiếp tục giải bài toán nhập siêu để cân bằng cán cân thương mại, trong khi biện pháp duy nhất là tăng xuất khẩu (như năm 2007) đã cho thấy những minh chứng cụ thể về việc không giảm bớt được nhập siêu.

Nhập siêu là một trong những triệu chứng cơ bản để “bắt mạch” nền kinh tế và dù nhiều ý kiến tỏ ra chưa thật lo ngại về tình trạng này vì nguồn ngoại tệ có thể cân đối được nhằm bù đắp thiếu hụt thì có thể dẫn ra đây những ví dụ ngược lại.

Việt Nam là nước xuất khẩu dầu thô nhưng lại nhập khẩu gần như 100% sản phẩm xăng dầu cho nhu cầu trong nước và dĩ nhiên giá xăng dầu thế giới,lập tức điều chỉnh ngay giá xăng dầu trong nước tăng lên.

Năm 2007, chúng ta đã phải nhập khẩu khoảng 12 triệu tấn dầu tinh (tương đương 18 đến 20 triệu tấn dầu thô). Trong khi sản lượng dầu thô xuất khẩu của Việt Nam cùng năm mới chỉ khoảng 15,4 triệu tấn.

Nếu có chút lời lãi nào nhờ dầu thô lên giá thì lại bị lỗ nặng khi xăng dầu nhập khẩu cứ tăng giá theo. Năm 2007, con số mà Viện Kinh tế Thương mại (Bộ Tài chính) đưa ra là nhà nước phải bù lỗ giá dầu khoảng 12.300 tỷ đồng và bù lỗ giá xăng khoảng 1.100 tỷ đồng.

Thế nhưng ngân sách chỉ dành 2.000 tỷ đồng để bù lỗ giá dầu (mặt hàng này sẽ chấm dứt hoàn toàn việc bù lỗ từ năm 2008). Còn 10.000 tỷ đồng chưa có nguồn để bù lỗ.

Xăng dầu là yếu tố đầu vào của hầu hết các ngành kinh tế khác nên chưa cần tính đến các yếu tố  khác, khó có thể lạc quan khi trông chờ vào khả năng bù đắp thiếu hụt vì không có nền kinh tế nào đủ sức gồng gánh cán cân thương mại cứ tiếp tục lệch về phía kim ngạch nhập khẩu với những tác động dây chuyền của nó.

Nhập siêu ở nước ta hiện nay là căn bệnh nội tại của nền kinh tế, chứ không phải cơn bùng phát tức thời và ngắn hạn trong năm đầu tiên Việt Nam gia nhập WTO.

Chỉ có thể nói rằng, càng gia nhập WTO sâu rộng hơn nữa với việc cạnh tranh gay gắt, cùng với những “lực đẩy” và “lực kéo” từ bên ngoài, nhập siêu sẽ càng có “đất” để phát triển, nếu không nhận thức một cách đầy đủ.

Một ví dụ về ngành công nghiệp sản xuất ô tô trong nước. Khi chỉ có 11 liên doanh sản xuất ô tô thì có tới 160 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp, sửa chữa ô tô  mà đầu vào nguyên liệu chủ yếu là nhập khẩu linh kiện. Các doanh nghiệp ngành ô tô ở Việt Nam hiện trông chờ vào  lắp ráp (công đoạn lắp ráp trong nước chỉ chiếm 3 đến 5% giá thành sản phẩm).

Trong khi ấy, việc ba lần giảm thuế nhập khẩu ô tô càng làm cho dòng ô tô nhập về Việt Nam tăng cao. Và cách nào thì cách, giá trị của nhập siêu không thể dừng lại được.

Ngành thép cũng đang đau đầu với bài toán nhập phôi. Khi chỉ có 8/21 doanh nghiệp sản xuất thép trong nước là tự sản xuất phôi và chỉ đủ đáp ứng 40% nhu cầu sản xuất nên năm 2007 ngành này đã phải móc hầu bao đến 4,9 tỷ USD để nhập khẩu phôi - nguyên liệu đầu vào cho ngành thép.

Thị trường mà ngành thép nhập khẩu nhiều nhất là Trung Quốc lại liên tục có những chính sách điều chỉnh về thuế xuất khẩu phôi (dự kiến tăng từ 20% đến 25% từ ngày 1/1/2008). Chỉ có đồng ngoại tệ mới đủ bù đắp cho cơn tăng giá này và nói cách khác đi, nó là cách làm tăng giá trị nhập siêu.

Đừng thua ngay trên sân nhà

Bộ Công thương dự báo rằng năm 2008, nhập siêu có thể ở mức 15 tỷ USD, cao hơn năm nay khi mà chỉ tiêu xuất khẩu đã tăng đến 59 tỷ USD nhưng kim ngạch nhập khẩu sẽ tăng đến 74 tỷ USD.

Nhập siêu không thể coi là dấu hiệu đáng mừng của nền sản xuất phát triển, đòi hỏi sự gia tăng đầu vào về nguyên vật liệu. Bởi nền kinh tế Việt Nam hiện tại còn là nền kinh tế phụ thuộc và công nghiệp chỉ trông chờ vào gia công, lắp ráp, cạnh tranh bằng nhân công giá rẻ.

Vấn đề cốt tử để giải quyết bài toán nhập siêu là phát triển công nghiệp nguyên liệu và công nghiệp phụ trợ khi chúng ta chưa đủ sức “khép kín” tất cả các quy trình sản xuất.

Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Phạm Chí Cường đã thừa nhận nhà nước đã không quản lý đầu tư ngành thép theo đúng định hướng nên tác động của giá thế giới, giá nhập khẩu tất yếu đẩy giá thép trong nước và người dân tất yếu phải gánh chịu cơn tăng giá, tức là gánh hậu quả của nhập siêu.

Quy hoạch chiến lược cho ngành thép đến 2015 mới được phê duyệt cách đây vài tháng khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất thép phải luyện phôi rồi mới được cán thép (hầu hết các doanh nghiệp trước đây đều chỉ đầu tư cán thép).

Ngay cả khi doanh nghiệp đầu tư sản xuất thép thứ 22 chuẩn bị khởi công (China Steel đầu tư) thì việc luyện phôi cũng chưa đưa vào quy định bắt buộc.

Thêm vào đó lại có những khúc mắc chưa thể giải quyết được giữa các ngành về  nhập khẩu nguyên liệu để luyện phôi (thép phế bị coi là rác thải) thì việc sản xuất nguyên liệu còn gặp nhiều lúng túng. Tới khi nào nguồn phôi trong nước đáp ứng được nhu cầu sản xuất, thì bài toán nhập siêu sẽ có lời giải.

Theo các chuyên gia kinh tế, một hình thức khác để hạn chế nhập siêu trong năm tới là tìm cách sử dụng đồng vốn có hiệu quả.

Khi nguồn vốn FDI tiếp tục đổ về Việt Nam và các nguồn đầu tư khác được mở rộng liên tục từ các liên doanh nước ngoài và các nhà đầu tư trong nước, mặt tốt của nó là thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế thì mặt trái của nó là khiến cho nhu cầu nhập khẩu tăng mạnh vì nền kinh tế là phụ thuộc vào nguyên liệu từ bên ngoài.

Không thể hạn chế đầu tư, vậy giải pháp đưa ra chỉ có thể là cân đối đầu tư theo định hướng một cách có hiệu quả, thay vì chấp nhận đầu tư ồ ạt.

Một cách khác nữa là các nhà hoạch định chính sách vĩ mô phải đưa ra được những dự báo về thị trường đúng thời điểm, góp phần tăng xuất khẩu và giảm nhập khẩu; đồng thời cải cách  được một số thủ tục hành chính, môi trường kinh doanh.

Một ví dụ so sánh giữa dệt may và dầu thô. Dù dệt may vượt qua kim ngạch xuất khẩu của dầu thô năm 2007 nhưng chưa có gì đảm bảo chuyện này sẽ kéo dài sang năm 2008, khi ngành dệt may cạnh tranh bằng gia công giá rẻ sẽ phải đối đầu với cuộc cạnh tranh vốn không cân bằng từ lâu với dệt may Trung Quốc và nước này lại có thêm lợi thế khi EU, thị trường quan trọng của Việt Nam bãi bỏ hạn ngạch dệt may cho Trung Quốc.

Trong khi ấy, dầu thô chỉ cần tăng lượng xuất khẩu thêm 5,3% so với năm trước nhưng trông chờ vào những thời điểm xuất khẩu có lợi (giá dầu tăng) là đã có thêm 13,1% về trị giá.

Vì thế, xét cho cùng, lời giải cho bài toán nhập siêu vẫn phải trông chờ vào điều hành chính sách vĩ mô từ nhà nước, không thể dồn cho các doanh nghiệp hay người tiêu dùng hứng chịu được.

NỘI DUNG KHÁC

Báo cáo phát triển thế giới năm 2008: Tăng cường nông nghiệp cho phát triển nông thôn

4-1-2008

Báo cáo phát triển thế giới 2008 đã được Ngân hàng Thế giới chính thức công bố ngày 19/10/2007 tại Washington DC và được công bố tại Việt Nam ngày 11/12/2007. Với tiêu đề “Tăng cường nông nghiệp cho phát triển”, bản báo cáo cảnh báo rằng mục tiêu toàn cầu nhằm giảm tỉ lệ nghèo xuống còn một nửa vào năm 2015 sẽ không thể thực hiện được trừ khi tránh được tình trạng đã tồn tại trong vòng 20 năm qua: nông nghiệp và nông thôn bị lãng quên và đầu tư thấp.

Chính sách nông thôn, nông dân và nông nghiệp mới ở Trung Quốc

4-1-2008

AGROINFO - Vấn đề nông thôn, nông nghiệp và nông dân đang nhận được sự quan tâm sâu sắc của các học giả, các nhà khoa học. Những kinh nghiệm quý báu trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến tam nông của Trung Quốc sẽ là những gợi ý quý báu cho Việt Nam. AGROINFO xin trích đăng bài viết của GS.VS Đào Thế Tuấn viết riêng cho IPSARD với nội dung về các chính sách nông thôn, nông dân và nông nghiệp của Trung Quốc với nhiều thông tin mới hơn, đa chiều hơn. Mặc dù tác giả không trực tiếp đề cập đến những gợi ý cho Việt Nam, nhưng những thông tin này, tự chúng, đã cho phép liên hệ tới thực tiễn tại Việt Nam.

Chính thức tái cơ cấu Bộ NN&PTNT

4-1-2008

Ngày 3/1/2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 01 về quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Bộ NN&PTNT (mới) sau khi được sáp nhập với Bộ Thuỷ sản (cũ). Bộ NN & PTNT mới sau khi sáp nhập sẽ quản lý ở 6 lĩnh vực chính. Ngoài ra, tại Nghị định vừa được Chính phủ ban hành, Bộ này sẽ có thêm nhiều Cục chuyên ngành mới.

Hội thảo thường kỳ tại Viện Nghiên cứu Phát triển

18-1-2008

Nội dung: "Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam: có bằng chứng nào về tác động lan tỏa công nghệ - FDI in Vietnam: Is there any evidence of technological sillover effects?"

Hội thảo thường kỳ tại Viện Nghiên cứu Phát triển

4-1-2008

Nội dung: GS. Tương Lai trình bày về một số vấn đề nông thôn và nông dân nhìn từ khía cạnh xã hội học.

10 mẹo làm việc hiệu quả với PowerPoint (Phần cuối)

3-1-2008

PowerPoint là một phần mềm trình diễn mạnh, nhưng không phải ai trong chúng ta cũng thường xuyên sử dụng Powerpoint đủ để nắm được hết các mẹo sử dụng sao cho tiết kiệm thời gian nhất. Thật vui là bạn không cần phải trở thành chuyên gia để khám phá hết các đặc tính của PowerPoint.

Nông nghiệp Việt Nam: Chống chọi với WTO

2-1-2008

Năm 2007 được đánh giá là một năm khá thành công của xuất khẩu (XK) nông nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên ngành này vẫn đang phải đối mặt với cuộc cạnh tranh khốc liệt, trên thị trường xuất khẩu và ngay tại sân nhà.

Cơ giới hoá nông nghiệp: Khi nào qua bước khởi động?

2-1-2008

Nếu ví sản xuất nông nghiệp hàng hoá là một bình hoa đẹp thì cơ giới hoá nông nghiệp là lượng nước không thể thiếu để giữ hoa tươi lâu. Muốn phát triển cơ giới hoá, phải thực hiện “cuộc cách mạng” thay đổi phương thức sản xuất nhằm hiện đại hoá nền nông nghiệp. Tuy nhiên, một lần nữa chúng ta “vấp” phải quá nhiều lý do: ruộng đồng manh mún, chia cắt; máy móc chưa phù hợp; chính sách hỗ trợ nhiều bất cập; sự liên kết giữa các “nhà” lỏng lẻo...

Lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp chế biến trong sự phát triển ngành điều Việt Nam

2-1-2008

Trong những năm vừa qua, sản xuất và tiêu thụ điều thế giới có những bước tăng trưởng mạnh mẽ. Trong sản xuất, đã sớm hình thành các khu vực sản xuất điều thô và chế biến nhân điều lớn. Xu hướng thị trường điều thế giới được dự báo sẽ tăng mạnh, tốc độ tăng bình quân về sản lượng khoảng 7.2%/năm trong giai đoạn 2005 – 2010 (USAID, 2006; Bộ NN và PTNT, 2006), lượng tiêu thụ điều nhân thế giới năm 2010 là 409.000 tấn, chủ yếu tại các nước như Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc, Canada và EU. Thị trường điều hữu cơ thế giới tăng trưởng mạnh với khoảng 20%/năm.

Những thay đổi lớn từ 1/1/2008

2-1-2008

Khung giá đất tăng 20% bắt đầu có hiệu lực ngay từ ngày đầu năm; hàng chục nghìn người sẽ khó khăn hơn khi phương tiện mưu sinh là xe tự chế bị xóa xổ. Song cũng từ ngày 1/1 giới công chức, những người hưởng lương từ ngân sách lại có niềm vui tăng lương tối thiểu.

"Dịch vụ mang lại lợi ích cho nông dân" của tỉnh Giang Tô

31-12-2007

Lấy xây dựng "Trung tâm dịch vụ công cộng thôn" làm điểm bắt tay, lấy "dịch vụ mang lại lợi ích cho nông dân" làm mặt bằng, thúc đẩy các yếu tố tập trung cho nông thôn, tài chính công che phủ nông thôn, văn minh thành phố vươn tới nông thôn, xây dựng xã hội hài hòa tại nông thôn.

Những ghi chú về kinh tế Việt Nam trong sổ tay

31-12-2007

Tôi đã định viết một bài nhằm đánh giá chất lượng nền kinh tế của Nhà nước hiện nay. Nhưng rồi thấy đề tài như thế cần nhiều số liệu thống kê mà hệ thống quản lý nhà nước vẫn chưa làm hoặc có làm nhưng chưa công bố đầy đủ, vậy chỉ có thể trình bày các ghi chú.