TIN TỨC-SỰ KIỆN

Công điện khẩn của Bộ Nông nghiệp và PTNT về phòng chống dịch cúm gia cầm

Ngày đăng: 04 | 06 | 2007

Ngày 30 tháng 5 năm 2007, Bộ trưởng Bộ NN & PTNT có Công điện khẩn số 21 BNN/CĐ gửi Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, lãnh đạo các Bộ, ngành về việc khẩn cấp áp dụng các biện pháp đồng bộ phòng, chống bệnh cúm gia cầm

Toàn văn Công điện như sau:

Từ đầu tháng 5 năm 2007 đến nay, 10 tỉnh, thành phố đã phát hiện các ổ dịch cúm trên gia cầm, đặc biệt đã có một trường hợp nhiễm vi rút cúm H5N1 trên người. Các ổ dịch gần đây chủ yếu trên đàn thuỷ cầm chưa được tiêm phòng vắc xin. Hiện nay diễn biến dịch rất phức tạp, nguy cơ dịch tiếp tục phát triển và lây lan diện rộng là rất cao.

Để nhanh chóng dập tắt dịch đồng thời chủ động ngăn chặn dịch lây lan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm đề nghị các đồng chí Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, lãnh đạo các Bộ, ngành thành viên Ban chỉ đạo quốc gia khẩn trương chỉ đạo thực hiện các nội dung sau:

1/ Khôi phục và chấn chỉnh hoạt động của Ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp theo tinh thần "chống dịch khẩn cấp", các Ban chỉ đạo phải họp giao ban hàng tuần để thảo luận, thống nhất các biện pháp phòng, chống dịch tại địa phương; phải tổ chức kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch tại cấp cơ sở.

2/ Giao trách nhiệm cụ thể cho cấp uỷ, chính quyền cơ sở, các ban, ngành và tổ chức đoàn thể của địa phương về giám sát phát hiện dịch, tổ chức thực hiện Quyết định số 17/2007/QĐ-BNN quy định về điều kiện ấp trứng và chăn nuôi thuỷ cầm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng thời triển khai ngay các biện pháp phòng chống dịch tổng hợp khác.

3/ Mở chiến dịch thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống cúm trên gia cầm, áp dụng các biện pháp phòng lây nhiễm vi rút cúm cho con người.

4/ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân công cán bộ các đơn vị thuộc Bộ xuống hỗ trợ, đôn đốc công tác chống dịch tại các địa phương có dịch; kiên quyết không để phát sinh thêm địa phương có dịch.

5/ Ngoài các nội dung trên, đề nghị các địa phương khẩn trương chỉ đạo thực hiện các biện pháp kỹ thuật như sau:

- Khẩn trương tiến hành việc giám sát sau tiêm phòng theo sự hướng dẫn của Cục Thú y để đánh chính xác hiệu quả tiêm phòng; triển khai đồng bộ các biện pháp phòng dịch tổng hợp, trong đó đặc biệt chú trọng công tác tiêm phòng vắc xin bổ sung cho đàn gia cầm còn bỏ sót trong đợt tiêm vừa qua và gia cầm mới phát sinh để đảm bảo mức bảo hộ cần thiết đối với đàn gia cầm trên địa bàn; riêng đối với đàn vịt phải tiêm phòng 100%; công tác tiêm phòng phải đúng quy định kỹ thuật và phải trung thực;

- Giám sát chặt chẽ đàn gia cầm giống, đàn gia cầm bố mẹ tại các cơ sở ấp trứng; tăng cường kiểm tra các cơ sở ấp nở gia cầm, đóng cửa các cơ sở ấp nếu không đảm bảo các quy định về vệ sinh thú y, không chấp hành việc tiêm phòng, sử dụng trứng để ấp không có nguồn gốc rõ ràng;

- Phát động và tổ chức thực hiện "Tháng hành động vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường toàn quốc" trong tháng 6/2007;

- Chỉ đạo các lực lượng chức năng tham gia kiểm soát, xử lý việc nhập lậu, vận chuyển trái phép đàn gia cầm.

6/ Các Bộ thành viên Ban chỉ đạo Quốc gia, tuỳ theo chức năng nhiệm vụ, chỉ đạo ngành triển khai các biện pháp phòng chống dịch theo quy định./.

Bộ trưởng Cao Đức Phát (đã ký)

NỘI DUNG KHÁC

Bài 7. Quản lý hoạt động khoa học công nghệ của Úc và Newzealand

30-5-2007

Qua mô hình quản lý khoa học được coi là tiên tiến hàng đầu thế giới của NEW ZEALAND, chúng ta có thể tìm được phần nào lời giải đáp cho những vấn đề tốn rất nhiều công sức tranh cãi trong quá trình đổi mới cơ chế, chính sách họat động KH&CN ở Việt Nam.

Bài 6. Mô hình Viện trưởng kiêm Chủ tịch HĐQT công ty ở Trung Quốc.

30-5-2007

Giáo sư Lý Bình, Viện trưởng Viện nghiên cứu lúa Tư Xuyên (TQ) vừa tới thăm toà soạn NNVN. Ông là chuyên gia hàng đầu về lúa lai ở Trung Quốc, đồng tác giả giống lúa nổi tiếng D.ưu 527 đang được gieo cấy phổ biến tại mièn bắc Việt Nam. Thế nhưng, câu chuyện của chúng tôi với GS Lý Bình lần này không phải việc nghiên cứu, chọn tạo giống lúa lai mà là cơ chế, kinh nghiệm tổ chức, phát triển khoa học nông nghiệp của Trung Quốc.

Bài 5. “115 không bắt tất cả các nhà khoa học đi kinh doanh”

30-5-2007

Trước những khó khăn của các tổ chức khoa học công nghệ thuộc Bộ NN&PTNT trong quát rình thực hiện Nghị định 11, NNVN đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với TS Nguyễn Quân, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Khoa học và Công nghệ), thành viên BCĐ đề án 115.

Bài 4: 115 trong quán cà phê.

30-5-2007

Trong gần 500 cán bộ, nhân viên của Viện Khoa học Kĩ thuật Nông nghiệp (KHKTNN) miền Nam có khoảng 5% “sống khoẻ” và thêm 5% nữa sống khá. Không kể những cây đa, cây đề”, những người “sống khoẻ” phần lớn có độ tuổi trên 45, đều có thu nhập chính từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tư vấn riêng lẻ, mà những hoạt động ấy đều gắn với những lĩnh vực chuyên môn của mình.

Bài 3: Từ chối thực hiện đề tài tiền tỷ.

30-5-2007

Viện trưởng Viện nghiên cứu thiết kế chế tạo máy nông nghiệp (viết tắt là RIAM, thuộc Bộ Công nghiệp) – TS, Nguyễn Tường Vân thẳng thắn bày tỏ: chúng tôi quyết định dừng không thực hiện đề tài “Hoàn thiện thiết bị làm thức ăn viên cho bò sữa” vì biết rằng sản phẩn làm ra không có thị trường.

Bài 2: Một đề tài 9 chữ ký.

30-5-2007

Đó là thực tế trong công tác quản lý khoa học nông nghiệp hiện nay. Tại hội nghị triển khai kế hoạch khoa học – công nghệ năm 2007 của ngành NN – PTNT, hàng loạt yêu cầu đã được đưa ra đối với các nhà khoa học . Trong đó, vấn đề sống còn là phải trả lời được câu hỏi: Chúng ta làm được gì cho nông dân khi tiêu cả trăm tỉ đồng mỗi năm.