Cũng tương tự như đối với các hoạt động về quan trắc tài nguyên nước quy định tại Điều 28, phòng, chống sạt, lở bờ, bãi sông quy định tại Điều 63, chỉ quy định trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND các tỉnh trong hoạt động quan trắc về số lượng, chất lượng nguồn nước liên tỉnh, nội tỉnh và bảo vệ lòng bờ, bãi sông. Tuy nhiên, hiện nay, với tình trạng thiếu thông tin, số liệu quan trắc các nguồn nước, số liệu điều tra cơ bản để phục vụ công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước, phục vụ hỗ trợ ra quyết định; suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm các dòng sông đang là vấn đề nổi cộm, cần được giải quyết sớm và triệt để; vấn đề bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, khôi phục cảnh quan, phát triển nguồn sinh thủy cũng rất cần thiết và cấp bách; cũng như các yêu cầu bảo đảm tiến độ, chất lượng trong khâu thẩm định cấp giấy phép tài nguyên nước là hết sức quan trọng. Tuy nhiên, nếu chỉ phụ thuộc vào nguồn lực, ngân sách của nhà nước để triển khai thực hiện các nhiệm vụ nêu trên thì không thể bảo đảm các yêu cầu về quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước bền vững trước điều kiện thực tế về nguồn lực còn hạn chế của nước ta hiện nay và trong khoảng 10 năm tới, đặc biệt là với sự phát triển vượt bậc của nền tảng công nghệ số ở trên thế giới cần phải có sự tham gia của các tổ chức, cá nhân có nguồn lực về kinh tế, nguồn lực về con người, cơ sở hạ tầng, công nghệ mới có thể đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao trong công tác quản trị tài nguyên nước.
Có thể đưa ra ví dụ về việc phải đầu tư nguồn lực liên quan đến công tác phục hồi những dòng sông đang bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm hiện nay ở các nước trên thế giới như sau: theo kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới (Hàn Quốc, Nhật Bản…), để bảo đảm tính hiệu quả về mặt môi trường - kinh tế - xã hội, việc phục hồi các dòng sông bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm không chỉ đơn thuần xem xét các vấn đề về cải thiện chất lượng nước, lưu thông dòng chảy mà còn phải kết hợp thống nhất với việc khôi phục, phát triển hệ sinh thái, hành lang bảo vệ nguồn nước, đảm bảo tính đa mục tiêu, đồng bộ với việc phát triển kinh tế - xã hội, không gian sống ven sông trên cơ sở phát huy tối đa giá trị tiềm năng của nguồn nước và các đối tượng ven sông... Do đó, các dự án phục hồi dòng sông bị ô nhiễm, cạn kiệt đòi hỏi sự tham gia của nhiều bên liên quan, lộ trình, kế hoạch rõ ràng và nguồn kinh phí đầu tư lớn.
Tại Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 15 tháng 01 năm 2019 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế cũng đã xác định rõ tầm quan trọng của việc đa dạng hóa các nguồn lực và thúc đẩy xã hội hóa: “...đa dạng hóa các hình thực huy động và sử dụng nguồn lực; thúc đẩy xã hội hóa, thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước; áp dụng nguyên tắc thị trường trong quản lý, khai thác, sử dụng các nguồn lực cho phát triển; sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách để khơi thông, giải phóng tối đa và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực hiện có, phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa...”.
Đổi mới thể chế, chính sách theo hướng xã hội hóa ngành nước là cần thiết và thiết yếu, góp phần quan trọng công tác quản lý, bảo vệ và phát triển tài nguyên nước thông qua huy động các nguồn vốn, nguồn lực của các tổ chức, cá nhân, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước và bảo đảm các chính sách về tài nguyên nước được thực thị một cách hiệu quả, đồng bộ. Quy định chính sách xã hội hoá để tạo hành lang pháp lý cho các tổ chức, cá nhân tham gia vào các hoạt động nêu trên; xây dựng được chính sách minh bạch, rõ ràng, tạo cơ chế, điều kiện thuận lợi, hấp dẫn khuyến khích được các nhà đầu tư tham gia. Trên cơ sở đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất bổ sung một số điều của Luật Tài nguyên nước năm 2012 theo hướng xây dựng được cơ chế, chính sách minh bạch, rõ ràng, tạo cơ chế, điều kiện thuận lợi, hấp dẫn, khuyến khích các nguồn lực xã hội (tài chính, con người, công nghệ) của các thành phần kinh tế, các tổ chức chính trị - xã hội nhằm nâng cao tính hiệu quả, hiệu lực trong thực thi tài nguyên nước, giảm áp lực chi ngân sách nhà nước, cụ thể: a) Sửa đổi, bổ sung nội dung về liên quan đến đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động quan trắc tài nguyên nước; phục hồi các dòng sông bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm; các hoạt động bảo vệ tài nguyên nước, bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, khôi phục cảnh quan, phát triển nguồn sinh thủy. b) Sửa đổi, bổ sung chi tiết nội dung liên quan đến cơ chế, tổ chức thực hiện và phương thức huy động nguồn lực của các tổ chức, cá nhân, các tổ chức chính trị xã hội trong hoạt động điều tra cơ bản, hoạt động quan trắc tài nguyên nước, phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm và hoạt động bảo vệ tài nguyên nước, bảo vệ lòng bờ, bãi sông. c) Bổ sung quy định coi sản phẩm nước là hàng hóa thiết yếu, quản lý, vận hành theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước nhằm khuyến khích, thu hút các nguồn lực xã hội, các thành phần kinh tế đầu tư vào ngành nước.
(Theo monre.gov.vn)