ĐỐI THOẠI CHÍNH SÁCH

Chính sách tài chính về tài nguyên nước

Ngày đăng: 06 | 02 | 2023

Gồm: Bổ sung quy định liên quan đến tính đúng, tính đủ giá trị của nước; Bổ sung quy định liên quan đến phân bổ nguồn thu cho các đối tượng thụ hưởng từ hoạt động bảo vệ nguồn sinh thủy.

Bổ sung quy định liên quan đến tính đúng, tính đủ giá trị của nước

Trong Luật Tài nguyên nước năm 2012, liên quan đến tài chính về tài nguyên nước kết cấu 02 điều liên quan đến Nguồn thu ngân sách nhà nước từ hoạt động tài nguyên nước (điều 64) và Tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước (điều 65).

Điều 64 quy định các nguồn thu gồm: (i) Thuế tài nguyên nước và các khoản thuế khác theo quy định của pháp luật về thuế; (ii) Các loại phí, lệ phí theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí; (iii) Tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước và (iv) Tiền bồi thường thiệt hại cho Nhà nước, tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước theo quy định của pháp luật. Trên thực tế cho thấy, các doanh nghiệp cũng đã hoạch toán giá tổng giá thành sản xuất và kinh doanh cho sản phẩm bán ra, trong đó đã tính đến các loại thuế, phí và chi phí liên quan về tài nguyên môi trường dưới dạng sau khi tính giá thành sản xuất kinh doanh sẽ cộng thêm các thành phần này vào thêm trước hoặc sau khi xuất hóa đơn tùy từng lĩnh vực.

Theo số liệu của Tổng cục Thuế, tổng số tiền thuế tài nguyên nước thu được từ năm 2013 đến tháng 7/2021 khoảng 48.000 tỷ đồng, trong đó riêng thủy điện đóng góp khoảng 43.600 tỷ đồng (chiếm 91%). Đối với tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, theo quy định của Nghị định số 82/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 của Chính phủ quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước thì tiền cấp quyền là một loại chi phí được xác định trong giá thành sản xuất, theo thống kê thì tính đến ngày 30/7/2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phê duyệt được 772 công trình tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước với tổng số tiền khoảng 11.500 tỷ đồng và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương vào khoảng 540 tỷ đồng. Tuy nhiên quy định này mới dừng lại ở phạm vi tiền cấp quyền khai thác nước, trong khi đó liên quan về các vấn đề an toàn, bảo vệ, phát triền nguồn nước khai thác cần phải có các chi phí nhất định.

Đối với quy định về giá nước sạch, tại Thông tư số 44/2021/TT-BTC ngày 18/6/2021 của Bộ Tài Chính quy định khung giá, nguyên tắc, phương pháp xác định giá nước sạch sinh hoạt đã quy định nguyên tắc xác định giá nước sạch và về cơ bản đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh nước sạch đã tính đúng, tính đủ các yếu tố chi phí sản xuất hợp lý, hợp lệ trong quá trình sản xuất khai thác, phân phối, tiêu thụ. Các chi phí như thuế tài nguyên, phí dịch vụ môi trường rừng, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước… cơ bản đã đều được đưa vào tính giá nước sinh hoạt, nhưng nước đầu vào để sản xuất nước sạch vẫn không có giá để có thể kết cấu là nguyên liệu đầu vào.

Tuy nhiên, đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khác không sử dụng nước từ các cơ sở, nhà máy sản xuất, cung ứng nước sạch mà trực tiếp đầu tư xây dựng công trình khai thác nước trên các sông, suối, hồ… để xử lý và tự cung, tự cấp nguồn nước sạch cho hoạt động sản xuất của mình lại là vấn đề hoàn toàn khác. Do chưa có hành lang pháp lý để các tổ chức, đơn vị này triển khai thực hiện khi hạch toán giá thành sản xuất đối với sản phẩm có sử dụng tài nguyên nước nên mặc dù hiện nay các ngành cũng đã có những quy định riêng trong tính toán tổng giá thành sản phẩm kinh doanh nhưng mới dừng lại ở quy định chung về chi phí nguyên liệu đầu vào (chi phí vật tư trực tiếp, chi phí nhân công, chi phí quản lý kinh doanh, chi phí sản xuất trực tiếp, chi phí bán hàng…). Điều này dẫn đến các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp chưa tính toán đủ giá thành sản phẩm (một phần do chưa tính đúng, tính đủ giá trị của nước kết cấu trong sản phẩm) dẫn đến “bán rẻ hoặc cho không”, không phản ánh đúng chi phí bỏ ra, làm triệt tiêu động lực phát triển, không kêu gọi được các nhà đầu tư ở các thành phần kinh tế tham gia vào công tác bảo vệ và phát triển tài nguyên nước. Điều này là nguyên nhân chính dẫn đến việc sử dụng nước không tiết kiệm, thất thoát, lãng phí nước và gây thất thu ngân sách nhà nước. Trong khi đó, Hiến pháp năm 2013 đã quy định tài nguyên nước là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.

Do đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị bổ sung quy định về yêu cầu, căn cứ tính đủ, đúng giá trị của nước trong kết cấu giá thành sản xuất đối với sản phẩm có sử dụng tài nguyên nước của các đơn vị, tổ chức, cá nhân tự khai thác và sử dụng nước. Việc bổ sung quy định chủ yếu là dưới dạng nguyên tắc xác định giá theo điều kiện, loại hình và mức độ đáp ứng của nguồn nước, không quy định cụ thể về tính toán, mức giá trong Luật tài nguyên nước, bảo đảm không phát sinh mâu thuẩn, chồng chéo với Luật giá.

Bổ sung quy định liên quan đến phân bổ nguồn thu cho các đối tượng thụ hưởng từ hoạt động bảo vệ nguồn sinh thủy

Trong nội dung của Luật Tài nguyên nước năm 2012 cũng đã có các quy định liên quan đến bảo vệ và phát triển nguồn sinh thủy. Tuy nhiên, các chính sách mới chỉ dừng lại ở quan điểm, định hướng là chính mà chưa được triển khai một cách toàn diện và phù hợp với thực tế, đặc biệt là chưa có chính sách cụ thể, rõ ràng về sử dụng và phân bổ nguồn thu cho hoạt động bảo vệ nguồn sinh thủy.

Hiện nay, phí chi trả dịch vụ môi trường rừng được đưa về Quỹ bảo vệ và phát triển rừng ở cấp địa phương mà không đưa vào nguồn thu ngân sách nhà nước, dẫn đến việc phân bổ chưa hợp lý, trả tiền dịch vụ môi trường rừng phân cho các địa phương chưa hợp lý dẫn đến không thúc đẩy phát triền kinh tế các vùng miền, đặc biệt là không bố trí đầy đủ kinh phí hoặc nhiều địa phương không có quỹ đất để trồng rừng thay thế đã giảm giảm ý nghĩa chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, sử dụng tiền chưa thực sự đúng mục tiêu dẫn đến giảm động lực tham gia đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong bảo vệ, phát triển rừng và các hoạt động tạo nguồn sinh thuỷ.

Chính sách liên quan đến phân bổ nguồn thu từ khai thác sử dụng nước ở các địa phương hạ nguồn để chi trả cho các địa phương thượng nguồn trong bảo vệ, phát triển rừng, vùng sinh thủy còn chưa được chú trọng. Ví dụ như, Bắc Kạn, Tuyên Quang là địa phương ở thượng nguồn hệ thống sông Hồng, đứng đầu cả nước về mật độ che phủ rừng, bảo vệ rừng đầu nguồn, nguồn sinh thủy, tuy nhiên nguồn thu từ nước lại rất thấp, kinh phí hỗ trợ trồng và bảo vệ rừng không được phân bổ, điều tiết lại từ các địa phương hưởng lợi ở hạ lưu.

Vì vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị bổ sung quy định liên quan đến phân bổ lại nguồn thu cho các đối tượng thụ hưởng từ hoạt động bảo vệ nguồn sinh thủy, theo hướng: thu hết tiền trả dịch vụ môi trường rừng vào ngân sách nhà nước; trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho các địa phương theo diện tích rừng và mức chi trả theo loại rừng của từng địa phương; dành một phần tiền thu được để chi cho công tác phát triển nguồn nước xuyên biên giới, công tác trồng rừng trên cả nước.

(Theo monre.gov.vn)

NỘI DUNG KHÁC

Chính sách về bảo vệ tài nguyên nước

7-2-2023

Để có biện pháp, chính sách quản lý, bảo vệ tài nguyên nước hiệu quả đối với các vùng hạn chế khai thác; hoàn thiện các quy định của pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả trong các hoạt động bảo vệ nguồn sinh thủy và phát triển nguồn nước, cũng như nhằm tăng cường chức năng, tính hiệu lực, hiệu quả về bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, phù hợp với yêu cầu thực tế. Đề xuất một số nội dung cần sửa đổi, bổ sung liên quan đến nội dung bảo vệ tài nguyên nước quy định tại Chương 3 của Luật Tài nguyên nước năm 2012.

Chính sách về phòng chống tác hại do nước gây ra

7-2-2023

Trong những năm qua, dưới sự tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu đã xuất hiện nhiều hình thế thời tiết cực đoan, trong đó mưa, lũ thất thường với quy mô và mức độ ngày càng gia tăng đã và đang gây thiệt hại nghiêm trọng đến các hoạt động kinh tế - xã hội, trong đó nghiêm trọng hơn là gây ra tình trạng ngập lụt ở các đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và cả các đô thị ở khu vực trung du và miền núi như Hà Giang, Lào Cai… Một trong những nguyên nhân chính là việc xuất hiện ngày càng nhiều đô thị mới, chung cư, nhà cao tầng dẫn đến quá trình thấm tự nhiên suy giảm nên dòng chảy mặt sinh ra thường lớn hơn so với lưu vực tự nhiên.

Kiểm soát chặt hoạt động nhập khẩu phế liệu

7-2-2023

Để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Việt Nam đã đưa ra chủ trương cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu (NKPL). Tuy nhiên, khi thực hiện đã có không ít tổ chức, cá nhân không tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường (BVMT) khi NKPL làm nguyên liệu sản xuất, nhất là lợi dụng NKPL để đưa rác thải vào nước ta.

Đề xuất các nội dung chính sách mới trong sửa đổi Luật Tài nguyên nước

7-2-2023

Trên cơ sở tổng kết thi hành Luật Tài nguyên nước năm 2012, rà soát những bất cập, chồng chéo với các luật khác có liên quan, nghiên cứu các kinh nghiệm quốc tế và để bảo đảm việc sửa đổi Luật Tài nguyên nước có tính đột phá, hiệu quả, hiệu lực trong thi hành, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất sửa đổi Luật Tài nguyên nước với các chính sách, nội dung chính.

Luật hoá quy định liên quan đến chế độ sử dụng đất bãi bồi ven sông, ven biển

8-2-2023

​​​​​​​Tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất luật hoá một số quy định liên quan đến chế độ sử dụng đất bãi bồi ven sông, ven biển.

Xây dựng Luật Địa chất và Khoáng sản: Tập trung giải quyết 5 chính sách lớn

9-2-2023

Tại Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 27/9/2022 của Chính phủ về Phiên họp Chính phủ chuyên đề tháng 9 năm 2022, Chính phủ đã cơ bản thống nhất về sự cần thiết, mục tiêu xây dựng Luật Khoáng sản (sửa đổi) và thống nhất với đề xuất đổi tên dự án Luật này thành Luật Địa chất và Khoáng sản. Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan có liên quan tập trung hoàn thiện đề nghị xây dựng luật với 5 chính sách lớn.

Góp ý những quy định về giá đất trong dự thảo Luật đất đai (sửa đổi)

24-2-2023

Các quy định về giá đất trong Luật Đất đai luôn là vấn đề thu hút sự quan tâm của xã hội bởi nó liên quan thiết thực đến quyền lợi và nghĩa vụ của người sử dụng đất. Vì vậy các vấn đề pháp lý điều chỉnh về giá đất và định giá đất cần phải có cơ sở khoa học và phù hợp với thực tiễn.

Hydro xanh - Nguồn năng lượng sạch cho tương lai

3-3-2023

Trong những năm gần đây, hydro đã thu hút sự chú ý trên toàn cầu như một nguồn năng lượng sạch tiềm năng vì nó cháy mà không tạo ra khí thải gây hại cho khí hậu. Tuy nhiên, các phương pháp sản xuất hydro truyền thống có lượng khí thải carbon đáng kể, trong khi những phương pháp sạch hơn rất tốn kém cũng như phức tạp về mặt kỹ thuật.

Quyền bề mặt - một nội dung cần hoàn thiện trong pháp luật đất đai

15-3-2023

Sự gia tăng dân số và tốc độ đô thị hóa cao dẫn đến nhu cầu sử dụng đất cho các mục đích ngày càng gia tăng trong khi quỹ đất là cố định, đòi hỏi việc khai thác đất đai không chỉ dừng lại ở trên mặt đất mà cần mở rộng ra các khoảng không gian phía trên mặt đất cũng như dưới lòng đất. Ra đời từ thời kì La Mã, chế định quyền bề mặt được duy trì, hoàn thiện theo thời gian, được kế thừa và ghi nhận vào pháp luật của nhiều quốc gia trên thế giới bởi ý nghĩa quan trọng của nó trong việc điều chỉnh quan hệ của chủ thể có quyền đối với bề mặt đất, mặt nước đối với tài sản thuộc sở hữu của người khác. Cùng với sự tiến bộ trong lịch sử lập pháp, Bộ luật dân sự Việt Nam năm 2015 đã lần đầu tiên ghi nhận và bảo vệ quyền bề mặt với tư cách là một quyền khác đối với tài sản.

Sửa đổi, bổ sung Luật Khoáng sản 2010: Rà soát nội dung về chiến lược, quy hoạch khoáng sản

20-3-2023

​​​​​​​Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường về xây dựng dự án Luật Địa chất và Khoáng sản, Cục Khoáng sản Việt Nam vừa rà soát và tổng hợp các nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Khoáng sản năm 2010. Trong đó, có nhiều nội dung liên quan đến chiến lược, quy hoạch khoáng sản.

Vấn đề liên kết sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường trong xây dựng các quy hoạch vùng

6-4-2023

Để có thể phát huy và thực thi các chiến lược, chính sách một cách hiệu quả, cần phải có những quy hoạch, kế hoạch cụ thể. Luật Quy hoạch 2017 được ban hành nhằm đảm bảo tính liên tục, kế thừa, ổn định, thứ bậc trong hệ thống quy hoạch, hài hòa lợi ích của quốc gia, các vùng, các địa phương và lợi ích của người dân; đảm bảo tính khoa học, khả thi, tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn lực của đất nước, tính khách quan, công khai, minh bạch, tính bảo tồn.