ĐỐI THOẠI CHÍNH SÁCH

Cơ sở lý luận về huy động nguồn lực của khu vực tư nhân trong hoạt động giảm phát thải khí nhà kính

Ngày đăng: 02 | 08 | 2023

Hiện nay, Biến đổi khí hậu (BĐKH) được coi là một trong những  mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với nhân loại, tác động tới mọi mặt kinh  tế, xã hội và môi trường. Trong đó, Ủy ban Liên chính phủ về BĐKH (IPCC) đã xác định nguyên nhân chủ yếu của BĐKH toàn  cầu là do phát thải khí nhà kính (KNK) của con người. Đặc biệt, xu hướng gia tăng khí thải có khả năng sẽ dẫn đến BĐKH ở mức nguy hiểm.

Thỏa  thuận Paris theo Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH đã thống nhất  hạn chế mức độ nóng lên toàn cầu tới 2oC so với thời kỳ tiền công nghiệp và phương án lý tưởng hơn là không quá 1,5oC. Nhưng trong năm 2016, chúng ta  đã vượt qua mức 1oC và có thể sẽ dẫn mức độ nóng lên khoảng 3oC nếu không thực hiện cắt giảm KNK đúng như cam kết của các quốc gia. Phát thải KNK đã tăng lên kể từ thời kỳ tiền công nghiệp, chủ yếu do tăng trưởng kinh tế, tăng dân số và hiện nay đang ở mức cao hơn bao giờ hết. Nồng độ trong khí quyển của các loại khí CO2, CH4 và N2O đạt tới mức cao chưa từng có trong ít nhất 800.000 năm qua và đều có mức tăng lớn kể từ năm 1750, tương ứng là 40%, 150% và 20%. Tổng lượng KNK do con người thải ra trong giai đoạn 2000-2010 là cao nhất trong lịch sử nhân loại và đạt 49 (± 4.5) GtCO2eq /năm trong năm 2010 (Nguồn: IPCC, Fifth Assessment Synthesis Report, Approved Summary for Policymakers, 11/2014).

Trong bối cảnh đó, đầu tư tư nhân được coi là một động lực quan trọng cho công việc giảm phát thải KNK. Khái niệm tư nhân tham gia bảo vệ  môi trường không chỉ là đầu tư cho bảo vệ môi trường của doanh nghiệp mà còn bao gồm các hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường của xã hội nói chung, trong đó có hoạt động giảm phát thải. Tại châu Âu, khi đầu tư từ ngân sách nhà nước cho bảo vệ môi trường giảm 5,2% thì đầu tư tư nhân tăng 3,2% trong giai đoạn 2006-2014. Tới năm 2014, đầu tư tư nhân đã chiếm 58% tổng đầu tư trong lĩnh vực này trên toàn châu Âu. Tuy nhiên tại Việt Nam, nhiều nghiên cứu điểm nhận định rằng đầu tư tư nhân trong lĩnh vực bảo vệ môi trường của nước ta còn rất thấp, chưa tương xứng với đầu tư từ ngân sách nhà nước. 

1. Bản chất của ứng phó với biến đổi khí hậu và vai trò của hoạt động giảm phát thải khí nhà kính

Ứng phó với BĐKH là thách thức lớn nhất đối với nhân loại hiện nay. Ứng phó với BĐKH có thể được thực hiện thông qua hai phương thức chính đó là thích ứng và giảm nhẹ. Trong đó, thích ứng với BĐKH là sự điều chỉnh hệ thống tự nhiên hoặc con người đối với hoàn cảnh hoặc môi trường thay đổi, nhằm mục đích giảm khả năng bị tổn thương vào nguy cơ BĐKH hiện hữu hoặc tiềm tàng và tận dụng cơ hội do BĐKH mang lại. Thích ứng ở đây thường được hiểu là một quá trình mà qua đó xã hội tăng khả năng ứng phó với BĐKH. Giảm nhẹ BĐKH là sự thay đổi công nghệ nhằm giảm nguồn đầu vào để giảm phát thải KNK tính trên một đơn vị đầu ra. Các hoạt động này bao gồm việc thực hiện các chính sách để giảm phát thải KNK và nâng cao khả năng dự trữ cac-bon. Hay nói các  khác, giảm nhẹ BĐKH bao gồm những hành động làm chậm hoặc hạn chế BĐKH.

Đối với cách tiếp cận thích ứng: Dựa theo đặc điểm của thích ứng, các chiến lược thích ứng được xây dựng theo các nhóm khác nhau (Hình 1), bao gồm: biểu hiện của BĐKH (gia tăng nhiệt độ, thay đổi giáng thuỷ, mực nước biển dâng), quy mô thích ứng (vĩ mô hoặc vi mô), thời gian (thích ứng trước mắt và thích ứng lâu dài), tác động của BĐKH đến ngành/lĩnh vực kinh tế - xã  hội (nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch...), bản chất của chiên lược thích ứng (chiến lược tăng cường năng lực, chiến lược chính sách thể chế, chiến lược khoa học và công nghệ, chiến lược giáo dục - truyền thông, chiến lược đầu tư cơ sở hạ tầng, chiến lược bảo vệ sinh thái...) và một số cách phân loại khác. Các nhóm giải pháp này có thể được thực hiện độc lập hoặc kết hợp với nhau nhằm tối đa hoá hiệu quả thích ứng.

2 8 23 2

Hình 1: Phân loại các cách thích ứng với BĐKH

Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường (2017). Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia 2017: Chuyên đề Quản lý chất thải. Hà Nội, NXB Tài nguyên - Môi trường và Bản đồ Việt Nam

             Đối với cách tiếp cận giảm nhẹ BĐKH: Năm 2000, IPCC đã xây dựng một báo cáo đặc biệt về các kịch bản phát thải KNK trong tương lai dựa trên các kịch bản phát triển dân số, công nghệ, sử dụng năng lượng và các kịch bản giảm phát thải KNK trong tương lai để giảm nhẹ BĐKH. Phát thải KNK do con người là nguyên nhân quan trọng hàng đầu dẫn đến BĐKH. Do đó, các biện pháp để giảm nhẹ BĐKH cũng chính là các biện pháp để giảm phát thải KNK. Hiện nay, nhiều chính sách, chiến lược giảm nhẹ BĐKH được đưa ra trong các lĩnh vực khác nhau (xây dựng công trình và dịch vụ, giao thông, công nghiệp, nông nghiệp và quản lý chất thải, năng lượng). Theo đó, các dạng chính của hành động giảm nhẹ thường bao gồm: Kiểm kê khí thải nhà kính, bảo vệ hệ thống tự nhiên, sử dụng tiết kiệm năng lượng và phát triển nguồn năng lượng tái tạo, quản lý chất thải, Sử dụng tiết kiệm năng lượng (Sử dụng tiết kiệm năng lượng còn bao hàm cả việc những ứng dụng công nghệ tiên tiến nhằm tăng hiệu suất năng lượng hóa thạch, hiệu suất sử dụng điện)… Để thực hiện các hành động giảm nhẹ một cách hiệu quả, ba nhân tố có tác động quan trọng, bao gồm: Năng lực kinh tế, yếu tổ thể chế, và năng lực công nghệ. Cụ thể:

Năng lực kinh tế: bao gồm ba yếu tố thu nhập, chi phí kiểm soát (chi phí chống ô nhiễm) và chi phí cơ hội.

- Yếu tố thể chế: bao gồm tính hiệu quả của các quy định Chính phủ, quy tắc thị trường rõ ràng, lực lượng lao động có tay nghề và nhận  thức của cộng đồng. Trong đó, việc một thị trường cần có các quy tắc rõ ràng để áp dụng các cơ chế kinh tế cho việc giảm nhẹ một cách hiệu quả là vô cùng quan trọng. Nếu không tồn tại thị trường cạnh tranh cho các loại hàng hóa và dịch vụ hàng ngày, thì các biện pháp chính sách như thuế và giao dịch sẽ không thể tồn tại về lý thuyết. Sự tham gia về giao dịch khí thải yêu cầu các thể chế pháp lý nhằm đảm bảo sự an toàn trong giao dịch và các chế tài pháp lý. Bên cạnh đó, thị trường sẵn có cho các loại hàng hóa khác sẽ đảm bảo thị trường vốn tại chỗ và tín dụng sẵn có. Nhìn chung, thị trường mạnh thì năng lực giảm nhẹ sẽ cao hơn.

- Năng lực công nghệ: bao gồm năng lực tiếp nhận các công nghệ thân thiện với môi trường và năng lực sáng tạo.

Giảm nhẹ không thể ngăn chặn sự xuất hiện của BĐKH và chính sách giảm nhẹ hiệu quả cần phải bao gồm các chiến lược thích ứng liên quan tương  ứng. Trong khi đó, thích ứng có chọn lọc có thể tận dụng các tác động tích cực của BĐKH cũng như giảm nhẹ các tác động bất lợi. Ngược lại, giảm nhẹ trong BĐKH sẽ giảm cả các tác động tiêu cực và có khả năng giảm sự cần thiết của thích ứng. Thích ứng và giảm nhẹ là các hành động bổ trợ cần thiết mà sự tích hợp của chúng sẽ tăng khả năng ngăn cản gia tăng của BĐKH và những rủi ro đặt ra cho cộng đồng.

2. Cơ sở lý luận về khu vực tư nhân và nguồn lực của khu vực tư nhân

Khu vực tư nhân hay còn được gọi là khu vực kinh tế tư nhân hiện thường được hiểu là khu vực phi nhà nước (nghĩa là không thuộc sở hữu hoặc điều hành bởi chính phủ), có chiến lược và sứ mệnh cốt lõi là tham gia vào  các hoạt động kinh tế để tìm kiếm lợi nhuận bằng nhiều hình thức khác nhau, bao gồm sản xuất hàng hóa, cung cấp dịch vụ, thương mại. Khu vực này bao gồm các tổ chức tài chính và trung gian, doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, các tập đoàn lớn, tập đoàn đa quốc gia, các hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã, các cá nhân hoạt động ở các khu vực kinh tế chính thức và kinh tế phi chính thức (Không bao gồm các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức xã hội dân sự). Đặc trưng mang tính bản chất của khu vực tư nhân là họ sử dụng nguồn vốn của chính họ dựa trên nguyên tắc: tự bỏ vốn, tự tổ chức, tự chủ trong kinh doanh và tự bù lỗ. Đây là điểm khác biệt quan trọng giữa khu vực tư nhân và khu vực nhà nước trong các nền kinh tế. Khu vực tư nhân là khu vực rất nhạy cảm với những đặc trưng của kinh tế thị trường, có tiềm lực lớn trong việc nâng cao năng lực nội sinh của đất nước, tăng trưởng kinh tế.

Tại Việt Nam, Nghị quyết số 14-NQ/TW ngày 18/3/2002, Hội nghị Trung ương 5 Khóa IX xác định kinh tế tư nhân gồm kinh tế cá thể, tiểu chủ và kinh tế tư bản tư nhân, hoạt động dưới hình thức hộ kinh doanh cá thể và các loại hình doanh nghiệp của tư nhân.

Như vậy, hiểu một cách khái quát nhất, khu vực tư nhân trong giảm phát thải KNK được coi là khu vực phi nhà nước. Tức là chủ thể tham giam hoạt động giảm phát thải KNK là các chủ thể tham gia vào hoạt động kinh tế mà không phải là cơ quan nhà nước, doanh nghiệp thuộc sở hữu của nhà nước. Do đó, xét theo chủ thể, khu vực tư nhân có hai chủ thể chủ yếu tham gia vào giảm phát thải KNK, gồm: cá nhân, hộ kinh doanh cá thể và các tổ chức. Thực chất việc vận động khu vực tư nhân tham gia vào hoạt động giảm phát thải KNK là vận động các tổ chức kinh tế (các doanh nghiệp). Bởi vì, các tổ chức kinh tế là chủ thể gây ô nhiễm môi trường, phát thải KNK lớn. Đồng thời đây là các chủ thể có thể biến thách thức giảm phát thải KNK thành các cơ hội để tìm kiếm lợi nhuận tốt nhất.

Từ phân tích trên, nguồn lực của khu vực tư nhân cần được hiểu theo  nghĩa rộng, là tổng hợp các nguồn lực của cá nhân, tổ chức tham gia vào hoạt động kinh tế mà không mang quyền lực nhà nước. Cụ thể, nguồn lực của khu vực tư nhân có thể bao gồm nguồn lực tài chính (financial resources), nguồn lực con người (human resources), nguồn lực tài sản (capital resources/goods), nguồn lực công nghệ (technology resources)... Do đó, việc huy động nguồn lực của khu vực này bao gồm: huy động nguồn tài chính cho giảm phát thải  KNK; huy động đầu tư sản xuất theo hướng giảm phát thải, tham gia vào các ngành phát thải ít KNK hoặc làm giảm phát thải KNK; huy động thực hiện chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực liên quan tới giảm phát thải KNK…        

Theo quan điểm nguồn lực của khu vực tư nhân, chúng ta phân loại như sau:

Nguồn lực về tài chính: Nguồn lực tài chính của khu vực tư nhân được  sử dụng một cách linh hoạt thông qua hai hình thức cơ bản đó là: Họ buộc  phải chi trả cho những hành vi gây tác động tiêu cực tới môi trường (Ví dụ: mỗi cá nhân, hộ gia đình phải trả tiền dịch vụ vệ sinh môi trường theo tháng); hoặc thông qua các hoạt động của mình họ vừa tạo ra sự phát triển kinh tế cho xã hội đồng thời thực hiện việc cắt giảm khí thải nhà kính (Ví dụ: Các doanh nghiệp thông qua hoạt động sản xuất, kinh doanh những sản phẩm thân thiện với môi trường đã vừa tạo ra được giá trị vật chất cho xã hội và góp phần đáng kể vào việc giảm phát thải KNK, bảo vệ môi trường).

Nguồn lực nhân lực: Nguồn lực về năng lực là khả năng của các cá nhân, tổ chức trong xã hội góp phần giảm phát thải KNK. Năng lực ở đây có thể là trí tuệ hoặc sức khỏe. Ví dụ: người nông dân thông qua hoạt động canh tác nông nghiệp khoa học, hạn chế phân hóa học sẽ góp phần đáng kể vào việc giảm phát thải KNK trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng, cho toàn xã hội nói chung. Hoặc, các chủ đầu tư những dự án thân thiện với môi trường, thông qua năng lực lãnh đạo, quản lý của mình đã thúc đẩy mạnh mẽ phát triển lĩnh vực kinh tế xanh, giảm phát thải KNK;

Nguồn lực khác: Bên cạnh hai nguồn lực kể trên, khối tư nhân còn có những nguồn lực khác có thể vận động vào việc giảm phát thải. Ví dụ: nhiều chủ thể trong xã hội sẵn sàng hiến đất để xây dựng những công trình bảo vệ môi trường, giảm phát thải KNK. Hoặc, có nhiều người trong xã hội tình nguyện tham gia vận động các hộ gia đình, các cá nhân và cộng đồng thực hiện những hoạt động bảo vệ môi trường, giảm phát thải KNK.

Dựa vào lĩnh vực mà khu vực tư nhân tham gia, chúng ta cũng có thể phân loại các nguồn lực tư nhân như sau:

- Nguồn lực cho giảm phát thải KNK trong lĩnh vực năng lượng. Trong lĩnh vực này, nguồn lực tư nhân được thể hiện chủ yếu dưới góc độ họ là các chủ đầu tư cho các dự án phát triển năng lượng tái tạo hoặc họ là chủ đầu tư của những dự án sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.

- Nguồn lực cho giảm phát thải KNK trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong hoạt động này, khối tư nhân tham gia với tư cách là chủ thể tham gia canh tác sản xuất nông nghiệp và áp dụng các biện pháp khoa học, công nghệ nhằm giảm thiểu khí thải nhà kính. Hoặc họ là những người áp dụng việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để ứng phó, thích ứng với BĐKH.

- Nguồn lực cho giảm phát thải KNK trong lĩnh vực công nghiệp và tiêu dùng. Khối tư nhân tham gia vào hoạt động này với tư cách là chủ thể áp dụng những tiến bộ khoa học công nghệ để giảm khí thải nhà kính. Hoặc  họ sản xuất những sản phẩm thân thiện với môi trường.

- Nguồn lực trong các lĩnh vực khác. Ví dụ: Người dân thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình sẽ góp phần giảm tình trạng tăng dân số ồ ạt, gây áp lực với các nguồn tài nguyên thiên nhiên và các ngành kinh tế.

          3. Vai trò của việc huy động nguồn lực của khu vực tư nhân

Những nỗ lực hiện tại để giảm thiểu KNK vẫn chưa đủ để hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 2oC so với giai đoạn tiền công nghiệp. Trong vài năm qua, các giải pháp ngày càng tập trung vào tiềm năng của khu vực tư nhân. Khu vực này có vai trò quan trọng trong nỗ lực giảm mức phát thải KNK khi khu vực này chiếm 85% tổng đầu tư trên toàn thế giới, 90% người dân ở các nước đang phát triển phụ thuộc vào thu nhập của khu vực tư nhân và chiếm gần 75% dòng tài chính khí hậu toàn cầu.

Trong bối cảnh các vấn đề môi trường ngày càng trở nên khó kiểm soát và ngân sách của nhiều quốc gia đang suy giảm, khu vực này được coi là một động lực quan trọng cho công tác bảo vệ môi trường trên thế giới nói chung  và công tác giảm phát thải KNK nói riêng. Hiện nay, khái niệm tư nhân tham gia bảo vệ môi trường không chỉ là đầu tư cho bảo vệ môi trường của doanh nghiệp mà còn bao gồm các hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường của xã hội nói chung, trong đó có hoạt động giảm phát thải. Trên phạm vi toàn cầu, tài chính cho BĐKH từ khu vực tư nhân có xu hướng tăng trong giai đoạn 2011-2016. Theo đó, năm 2011, khu vực này đóng góp 55 tỷ USD (chiếm 56,7%). Năm 2016, tổng nguồn tài chính từ khu vực này đã tăng lên 230 tỷ USD (chiếm 50,5%). Đầu tư toàn cầu vào năng lượng sạch là một ví dụ điển hình về giảm nhẹ BĐKH với sự tham gia của khu vực tư nhân. Những kết quả trên là nhờ các biện pháp đồng bộ và liên tục của các quốc gia trong việc huy động nguồn lực của khu vực này.

Tại Việt Nam, để giảm phát thải KNK từ kịch bản phát triển thông thường (BAU) sang kịch bản phát thải các-bon thấp (LCD) ước tính cần khoảng 2 tỷ USD mỗi năm trong giai đoạn 2010-2030, tương đương khoảng 1,0% GDP hàng năm (chưa bao gồm nguồn tài chính để thích ứng với BĐKH). Theo số liệu của Bộ Tài chính, tổng chi cho các nhiệm vụ bảo vệ môi trường nói chung trong giai đoạn 2013-2018 đạt 72.422 tỷ đồng (tương đương 0,5 tỷ USD/năm). Trong hoạt động ứng phó với BĐKH, nguồn kinh phí phân bổ vẫn tập trung vào các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn để tăng cường năng lực chống chịu. Ngân sách đầu tư cho hoạt động giảm phát thải KNK chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Do đó, ngoài nguồn lực từ nhà nước, cần phải có các biện pháp huy động nguồn lực của các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân. Sự tham gia tích cực của khối tư nhân đóng vai trò hết sức quan trọng vì các lý do:

Thứ nhất, khối tư nhân cũng là chủ thể chịu tác động mạnh mẽ của BĐKH. Bởi vậy, việc giảm phát thải KNK vừa là quyền và nghĩa vụ của họ. Bên cạnh đó, khối tư nhân cũng là đối tượng quan trọng trực tiếp tham gia, chuyển các thách thức thành cơ hội từ tác động của BĐKH và tạo ra nguồn lực để thúc đẩy công tác ứng phó với BĐKH, triển khai nội dung kế hoạch, góp phần giảm phát thải KNK, thúc đẩy tăng trưởng xanh.

Thứ hai, với các giải pháp, lĩnh vực ưu tiên xác định trong thực hiện Kế  hoạch Paris và cam kết NDC tại Việt Nam, nhiều cơ hội cũng được tạo ra cho khối tư nhân, đó là các cơ hội cho nghiên cứu, sáng tạo và đầu tư vào các hoạt động giảm nhẹ phát thải KNK. Đây đều là lĩnh vực khối tư nhân có thế mạnh để tham gia đầu tư, phát triển, mở rộng thị trường, tạo nhiều cơ hội kinh doanh mới.

Thứ ba, khối tư nhân có đủ năng lực để tham gia giảm phát thải KNK. Họ chiếm lực lượng đông đảo trong xã hội. Họ có năng lực và khả năng tài chính để tham gia và các hoạt động giảm phát thải. Vì thế, nếu không vận động khối tư nhân vào việc giảm phát thải KNK là chúng ta đang lãng phí một nguồn lực đáng có trong xã hội.

Thứ tư, việc vận động khối tư nhân tham gia giảm phát thải KNK thể hiện trách nhiệm của nhà nước trong việc đảm bảo thực hiện quyền tham gia sát của người dân trong công tác bảo vệ môi trường. Khi khối tư nhân được tham gia vào các hoạt động giảm phát thải KNK, chính bản thân họ sẽ nhận thức rõ rệt hơn trách nhiệm của bản thân họ. Thông qua đó, họ sẽ hạn chế những hành vi có tác động tiêu cực tới môi trường.

Nguyễn Hoàng Nam và cộng sự

(Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, 2021)

 

 

 

 

 

NỘI DUNG KHÁC

Các yếu tố ảnh hưởng đối với sự phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường  làng nghề Việt Nam

4-8-2023

Để cải thiện ô nhiễm môi trường ở các làng nghề một cách căn cơ, đòi hỏi sự nỗ lực vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, nhất là chính quyền cơ sở và bản thân người dân các làng nghề. Theo đó, công tác bảo vệ môi trường tại các làng nghề phải được quan tâm chú trọng và đầu tư đúng mức, đặc biệt là đối với những làng nghề ô nhiễm và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Việc đánh giá thực trạng các yếu tố ảnh hưởng đối với sự phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường làng nghề hiện nay là một bước quan trọng nhằm góp phần đề xuất và thực thi giải pháp phù hợp, hiệu quả trong công cuộc bảo vệ môi trường ở các làng nghề Việt Nam.

Xu hướng của các hệ sinh thái Việt Nam

10-8-2023

Diện tích và độ che phủ rừng của Việt Nam có xu hướng tăng chủ yếu là rừng trồng mới; hệ sinh thái (HST) sông, suối, hồ, hồ chứa và vùng cửa sông bị suy thoái và suy giảm mức đa dạng sinh học (ĐDSH); đầm lầy than bùn bị suy giảm về diện tích và độ dày tầng than bùn; thảm cỏ biển bị suy giảm về diện tích; rạn san hô ở biển Việt Nam đang suy giảm về diện tích và độ phủ san hô sống; số lượng loài bị đe dọa tăng lên; số lượng cá thể các loài nguy cấp bị suy giảm hoặc đã lâu không thấy xuất hiện.

Nghiên cứu kinh nghiệm của Trung Quốc về đối tác công tư trong ngành nước và một số khuyến nghị cho Việt Nam

11-8-2023

Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Public Private Partnership - sau đây gọi tắt là PPP) không chỉ có lịch sử phát triển lâu dài ở các quốc gia phát triển mà còn được triển khai ở các nền kinh tế mới nổi. Phương thức này đã chứng tỏ được tính hiệu quả trong việc chia sẻ rủi ro, gánh nặng tài chính với khu vực công; tiết kiệm thời gian, chi phí; tận dụng kỹ năng chuyên môn và chuyển giao công nghệ trong quá trình thiết kế, mua sắm, thi công, vận hành công trình; đổi mới việc cung cấp dịch vụ công cộng và góp phần cải thiện mạnh mẽ hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội. Nhiều quốc gia ở châu Á đã áp dụng tương đối thành công mô hình này trong đầu tư các dịch vụ trong ngành nước, trong đó điển hình là Trung Quốc. Đây là quốc gia có nhiều nét tương đồng với Việt Nam khi bắt đầu triển khai áp dụng mô hình PPP. Việc nghiên cứu kinh nghiệm của Trung Quốc khi áp dụng PPP có thể cung cấp một số bài học cho Việt Nam trong việc giải quyết các thách thức về vốn ngày càng gia tăng trong đầu tư phát triển hạ tầng trong ngành nước.

Quyền tiếp cận thông tin trong lập và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

14-8-2023

Ở Việt Nam hiện nay, quyền tiếp cận thông tin được ghi nhận tại Điều 25, Hiến pháp năm 2013; Luật Tiếp cận thông tin năm 2016. Tuy nhiên, trên thực tế việc thực hiện quyền này chưa được bảo đảm ở một số lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực đất đai. Quyền tiếp cận thông tin trong lĩnh vực đất đai là quyền mà người sử dụng đất cần được tiếp cận nhằm bảo đảm các nhu cầu hợp pháp của mình và để thực hiện các quyền cơ bản khác của người sử dụng đất mà pháp luật ghi nhận [4]. Việc thiếu minh bạch về thông tin đất đai khiến cơ hội tham nhũng gia tăng, làm giảm hiệu quả sử dụng nguồn lực khiến công dân, các doanh nghiệp phải tăng chi phí nỗ lực tìm kiếm thông tin. Vì vậy, việc tìm hiểu các quy định của pháp luật về quyền tiếp cận thông tin đất đai cũng như trong quá trình triển khai thực hiện nhằm đưa ra một số giải pháp hoàn thiện chính sách, đảm bảo thực hiện tốt quyền tiếp cận thông tin đất đai nói chung và tiếp cận thông tin trong lập và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nói riêng.

Từ kinh nghiệm quốc tế, đề xuất các ngành, lĩnh vực ưu tiên thực hiện kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam

15-8-2023

  Kinh tế tuần hoàn (KTTH) đang được xem là xu thế tất yếu của thời đại, được đồng thuận toàn cầu và được các nước trên thế giới coi là cuộc cách mạng công nghiệp xanh của thế kỷ 21, là cơ hội để cộng đồng toàn cầu chung tay thực hiện cam kết quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, nhằm mục tiêu phát triển bền vững vì sức khỏe của người dân, môi trường thiên nhiên và Trái đất. Xác định ngành, lĩnh vực ưu tiên trong thực hiện KTTH đóng vai trò vô cùng quan trọng lộ trình thực hiện, áp dụng KTTH tại nhiều quốc gia trên thế giới. Thông qua tổng hợp kinh nghiệm quốc tế về các chính sách thúc đẩy và các lĩnh vực ưu tiên thực hiện KTTH, nghiên cứu sẽ đề xuất các ngành, lĩnh vực trọng tâm cần thiết triển khai áp dụng KTTH tại Việt Nam trong thời gian tới.

Gắn kết phát triển kinh tế tuần hoàn và kinh tế số ở Việt Nam

16-8-2023

Bài viết góp bàn về mối quan hệ gắn kết phát triển kinh tế tuần hoàn và kinh tế số ở nước ta trên 3 phương diện: Gắn kết phát triển kinh tế tuần hoàn và kinh tế số như là cách thức tất yếu để phát triển bền vững và xanh; Các vấn đề đặt ra trong gắn kết phát triển kinh tế tuần hoàn và kinh tế số ở nước ta; Những gợi ý chính sách về gắn kết phát triển kinh tế tuần hoàn và kinh tế số ở nước ta.

Khung chính sách và tổ chức quản lý đa dạng sinh học và hệ sinh thái - các tác động, khoảng trống và một số đề xuất nhằm tăng chất lượng hệ sinh thái

18-8-2023

Hệ thống pháp luật về đa dạng sinh học (ĐDSH) vẫn tồn tại những bất cập và chồng chéo nhất định. Các luật hiện hành như Luật ĐDSH, Luật Lâm nghiệp và Luật Thủy sản chưa thống nhất về một số quy định hoặc còn thiếu một số quy định hoặc chưa hoàn thiện. Vì vậy, cần bổ sung, sửa đổi một số nội dung liên quan tới bảo tồn ĐDSH để hoàn thiện khung chính sách pháp luật, phù hợp với tình hình hiện nay.

Những động lực và áp lực làm thay đổi các dịch vụ hệ sinh thái và tác động của chúng đối với kinh tế và xã hội

21-8-2023

Những động lực làm thay đổi trạng thái và xu hướng của các dịch vụ hệ sinh thái bao gồm các yếu tố sau: (i) những thay đổi về dân số học làm tăng nhu cầu sử dụng các nguồn tài nguyên; (ii) phát triển kinh tế; (iii) sự chồng chéo về chức năng và quản lý về ĐDSH giữa các cơ quan có liên quan; (iv) chính sách và quản trị về bảo tồn ĐDSH; (v) truyền thông, nhận thức và giáo dục; (vi) phát triển khoa học và công nghệ; và (vii) nguồn lực hạn chế cho bảo tồn/đầu tư ĐDSH. Những động lực này là yếu tố cơ bản tạo thành những áp lực tác động tới khả năng cung cấp các loại sản phẩm mang tính hàng hóa và dịch vụ khác của hệ sinh thái.

Các điều kiện cần thiết cho việc huy động nguồn lực của khu vực tư nhân tham  gia vào hoạt động giảm phát thải khí nhà kính

22-8-2023

Ngay từ những năm 1990, nhà nghiên cứu Panayotou đã chỉ ra vai trò của tư nhân đối với một cách tiếp cận phát triển mới, nhưng đã rất được quan tâm bấy giờ, đó là phát triển bền vững. Panayotou phân tích các nhược điểm khách quan của khối các doanh nghiệp công trong tình hình mới, ngay  cả trong những lĩnh vực vốn được coi là nên có sự tham gia của nhà nước, và so sánh với sự vận động linh hoạt cùng tiềm năng lớn của các doanh nghiệp tư nhân. Sau đó, De Vries, Sally, và Inocencio đã phân tích sâu hơn về những cơ hội đối tác các nhà đầu tư tư nhân trong lĩnh vực môi trường, cũng như khả năng huy động nguồn lực tư nhân bằng chính sách của các nhà quản lý. Theo thời gian, các vấn đề về phát triển bền vững và môi trường ngày càng cho thấy mối liên hệ mật thiết.

Mối quan hệ giữa độ mở cửa thương mại và phát thải khí CO2 ở Việt Nam

23-8-2023

Thương mại ảnh hưởng xấu hay tốt đến môi trường là vấn đề mà các nhà kinh tế môi trường vẫn tiếp tục đi tìm câu trả lời nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu đang trở thành xu thế tất yếu. Các nghiên cứu thực nghiệm trước đó về vấn đề này còn gây nhiều tranh cãi và không hoàn toàn nhất quán với nhau. Mục đích của bài viết này nhằm nghiên cứu mối quan hệ giữa mở cửa thương mại và ô nhiễm môi trường.

Phát triển ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thúc đẩy chuỗi giá trị sản xuất đồ gỗ xuất khẩu

23-8-2023

​​​​​​​Bài viết trình bày một số kết quả nghiên cứu tổng hợp về: i) thực trạng về mối quan hệ giữa ngành chế biến gỗ và kinh tế tuần hoàn (KTTH), qua đó khẳng định ngành công nghiệp chế biến gỗ là ngành kinh tế sinh thái, ngành KTTH. Sự phát triển của ngành đáp ứng được các mục tiêu của KTTH về phát triển kinh tế, xã hội và môi trường; ii) mô hình tổng quát về KTTH trong ngành chế biến gỗ, thể hiện sự liên kết giữa các lĩnh vực từ trồng rừng, khai thác, chế biến gỗ, hệ sinh thái các ngành công nghiệp phụ trợ; iii) mô hình KTTH sử dụng phụ phẩm trong nhà máy chế biến gỗ, trong đó nêu hiệu quả của mô hình KTTH sử dụng phụ phẩm tại Công ty Cổ phần Phú Tài, Bình Định; iv) kiến nghị một  số nội dung để phát triển KTTH trong lĩnh vực chế biến gỗ.

Phát triển đô thị tăng trưởng xanh ở Việt Nam

24-8-2023

 Khu vực đô thị hiện là nơi sinh sống của hơn 55% dân số thế giới và dự báo sẽ  tăng lên 62,5% vào năm 2035, đạt tỷ lệ 68% vào năm 2050. Khu vực châu Á dự báo  sẽ đạt khoảng 2.999 triệu dân (tỷ lệ đô thị đạt 59,2%); đô thị hóa sẽ diễn ra mạnh mẽ  ở các quốc gia có thu nhập trung bình (tỷ lệ đô thị khoảng 61,5% vào năm 2035) (UN Habitat, 2021). Đô thị hóa là xu hướng tất yếu của quá trình phát triển của mỗi quốc gia; đô thị hóa mang lại nhiều cơ hội về kinh tế, việc làm, giáo dục và chăm sóc y tế nhưng ngược lại đô thị hoá thiếu bền vững tạo ra những áp lực về không gian sinh sống, nhu cầu tiêu dùng năng lượng và tài nguyên lớn, chứa đựng nhiều rủi ro về ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn giao thông, tội phạm, gia tăng chất thải và tác động đến môi trường sinh thái, đa dạng sinh học do đó tác động đến đến an ninh phi truyền thống, làm suy giảm tính bền vững về môi trường, gia tăng lượng phát thải khí nhà kính và tác động ngược lại đối với thành công về kinh tế (UN Habitat, 2021).