ĐỐI THOẠI CHÍNH SÁCH

Xu hướng của các hệ sinh thái Việt Nam

Ngày đăng: 10 | 08 | 2023

Diện tích và độ che phủ rừng của Việt Nam có xu hướng tăng chủ yếu là rừng trồng mới; hệ sinh thái (HST) sông, suối, hồ, hồ chứa và vùng cửa sông bị suy thoái và suy giảm mức đa dạng sinh học (ĐDSH); đầm lầy than bùn bị suy giảm về diện tích và độ dày tầng than bùn; thảm cỏ biển bị suy giảm về diện tích; rạn san hô ở biển Việt Nam đang suy giảm về diện tích và độ phủ san hô sống; số lượng loài bị đe dọa tăng lên; số lượng cá thể các loài nguy cấp bị suy giảm hoặc đã lâu không thấy xuất hiện.

1. Diện tích và độ che phủ rừng của VN có xu hướng tăng chủ yếu là rừng trồng mới

Năm 1990, diện tích rừng của Việt Nam chỉ còn 9.175.000 ha, độ phủ của rừng chỉ 27,8%. Nhờ phát triển trồng rừng mà tới năm 2020, Việt Nam có 14.677.215 ha đất có rừng. Trong đó, 10.279.185 ha là rừng tự nhiên và 4.398.030 ha là rừng trồng. Diện tích đất có rừng đủ tiêu chuẩn để tính tỷ lệ che phủ toàn quốc là 13.919.557 ha, tỷ lệ che phủ là 42,01 % (Bộ NN&PTNT, 2021). Theo Báo cáo của Chính phủ (2018), trong 3 năm 2016-2018, diện tích rừng giảm trung bình là 2.430 ha/năm. Theo thống kê của Bộ NN&PTNT (2021), từ 2010-2020 cho thấy rừng tự nhiên có xu hướng giảm từ 10.304.816 ha vào năm 2010 xuống 10.279.185 ha vào năm 2020. Diện tích rừng trồng tăng từ 3.083.300 vào năm 2010 lên 4.398.030 ha vào năm 2020.

Diện tích rừng nói chung tăng nhưng diện tích rừng tự nhiên bị giảm (hiện còn khoảng 300.000 ha). Diện tích rừng trồng tăng, thường thuần loài nên mức độ đa dạng các nhóm động vật sống trong rừng cũng kém đa dạng hơn nhiều so với rừng tự nhiên vốn là rừng nhiệt đới thường xanh nhiều tầng thực vật (Bộ TN&MT, 2019).

10 8 23 1

Hình 1. Diễn biến diện tích rừng tự nhiên và rừng trồng giai đoạn 2005-2020

(Nguồn: Bộ NN&PTNT, 2006-2021)

Diễn biến rừng ngập mặn (RNM) ven biển Việt Nam từ năm 1943 (408.500 ha) tới 2009 cho thấy xu thế giảm rất mạnh tới cực thấp vào năm 2003 (83.288 ha), tức là sau 60 năm, bị mất 4/5 diện tích RNM. Những năm gần đây, nhờ có chính sách trồng rừng nên diện tích RNM từ năm 2007 tới năm 2017 cho thấy có xu hướng tăng. 

10 8 23 2

Hình 2. Diễn biến diện tích RNM giai đoạn 2007-2017

(Nguồn:VNFOREST, 2007-2018)

2. HST sông, suối, hồ, hồ chứa và vùng cửa sông bị suy thoái và suy giảm mức ĐDSH

Sông, suối, hồ và hồ chứa là những HST ĐNN nội địa có mức ĐDSH cao. Trong đó sông, suối là nơi phát tán các quần thể động vật thủy sinh cho các thủy vực nước ngọt nội địa khác trên vùng lưu vực.Việt Nam hiện có khoảng 3.450 sông, suối có chiều dài hơn 10 km, phân bố ở 108 lưu vực sông, trong đó, 15 lưu vực có diện tích hơn 2.500 km2 và 10 lưu vực sông rộng hơn 10.000 km2 (Bộ TN&MT, 2015). Hai hệ thống sông quan trọng nhất là hệ thống sông Hồng và hệ thống sông Cửu Long (sông Kông). Hệ thống các sông suối hàng năm được bổ sung tới 310 tỷ m3 nước.

Việt Nam hiện có trên 100 hồ tự nhiên với diện tích mỗi hồ từ 10 ha trở lên, khoảng 7.000 hồ chứa cho thủy lợi và thủy điện. Trong đó, hồ chứa thủy điện với tổng dung tích khoảng 56 tỷ m3, chiếm khoảng 86% tổng dung tích của các hồ chứa trong cả nước. Diện tích các hồ tự nhiên bị thu hep do đô thị hóa và công nghiệp hóa. Vào đầu thế kỷ XIX, theo thống kê, riêng ở thành phố Hà Nội (cũ) có tới 602 hồ lớn nhỏ. Tuy nhiên, trải qua thời gian, con số này đã giảm đi đáng kể. Theo số liệu thống kê cho đến tháng 8/2012, trên địa bàn 9 quận nội thành Hà Nội chỉ còn 110 hồ với tổng diện tích hơn 1.000 ha.

Một đặc điểm đáng lưu ý là quá trình diễn thế sinh thái hồ chứa sẽ diễn ra. Đặc trưng cơ bản tác động đến diễn thế hình thái hồ là quá trình lắng đọng trầm tích, quá trình này theo thời gian tiến tới làm đầy dần lòng hồ. Khi đó, dung tích và diện tích mặt nước hồ giảm đi, hồ chứa tiến tới thành đầm lầy, thậm chí thành hệ sinh thái ở cạn (Đặng Ngọc Thanh, Hồ Thanh Hải và cs., 2002). Một thí dụ khác về diễn thế của đầm Trà Ổ (Bình Định): trong quá trình tương tác sông- biển và sự dịch chuyển cồn cát, đã làm thay đổi hình thái và vị trí của cửa đầm. Đặc biệt, thời gian gần đây, do tác động của con người trong việc cải tạo đầm, đã gia tăng tốc độ diễn thế của đầm Trà Ổ theo hướng trở thành đầm lầy than bùn và tiến tới sẽ thành vùng đất trũng. Hiện nay, nhân dân địa phương đã và đang khai thác than bùn ở phần phía Đông của đầm.

Việt Nam có 114 cửa sông, được phân bổ đều (cứ 25 km bờ biển có một cửa sông) trên khắp lãnh thổ của 24 tỉnh, thành phố ven biển, tạo ra các quần thể sinh vật vùng cửa sông đa dạng và phong phú gồm cả các nhóm thích ứng sinh thái nước ngọt, nước lợ và nước mặn. Hai cửa sông lớn nhất của Việt Nam là cửa sông Hồng và cửa sông Mê Kông. Ba Lạt - cửa sông chính của sông Hồng là nơi sinh sống của nhiều loài động vật, thực vật và là điểm dừng chân của nhiều loài chim nước có tầm quan trọng quốc tế trên con đường di cư của chúng. Định An - cửa sông lớn nhất trong các cửa sông Cửu Long cũng là nơi cư trú và sinh sản quan trọng của nhiều loài thủy sản di cư từ thượng nguồn sông Mê Kông (Lê Đức An và cs., 2011).

Quá trình đô thị hoá và công nghiệp hoá diễn ra nhanh chóng ở các vùng lưu vực sông, các vùng cửa sông và ven bờ biển đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến chế độ thủy, hải văn, lưu lượng nước, chất lượng nước, trầm tích của các dòng sông vùng hạ lưu. Đặc biệt thấy rõ do có quá nhiều các hồ đập thủy điện được xây dựng trên dòng chính Mê Kông ở vùng trung và thượng lưu cho nên lượng nước sông Mê Kông gồm cả dòng trầm tích tới đồng bằng sông Cửu Long đã suy giảm nhiều, mùa lũ ở đây đã giảm về mực nước lũ, thời gian lũ. Hiện tượng sói lở các vùng bờ của hệ thống sông Cửu Long gia tăng nghiêm trọng trong thời gian gần đây (Bộ TN&MT, 2019).

Nước thải sinh hoạt và công nghiệp không được xử lý được đổ vào các sông, hồ, và biển ven bờ không được kiểm soát chặt chẽ đã làm ô nhiễm môi trường, làm suy thoái các hệ sinh thái thủy vực, làm suy giảm ĐDSH: gây hiện tượng nở rộ thực vật nổi ở các hồ nước ngọt nội địa, thủy triều đỏ ở một số vùng biển ven bờ làm chết hàng loạt động vật thủy sinh, đặc biệt là (Bộ TN&MT, 2019).

3. Đầm lầy than bùn bị suy giảm về diện tích và độ dày tầng than bùn

Đầm lầy than bùn phân bố rải rác ở Việt Nam. U Minh Thượng (tỉnh Kiên Giang) và U Minh Hạ (tỉnh Cà Mau) được xem là 2 nơi lưu giữ một diện tích rừng tràm trên đất than bùn lớn nhất còn sót lại tại Việt Nam.Theo số liệu trước đây, năm 1950 khu vực rừng Tràm vùng U Minh có đến 400.000 ha, nhưng đến năm 1970 thì chỉ còn khoảng 200.000 ha. Năm 1976, Cục Khảo sát địa chất Việt Nam đã ghi nhận có 12.400 ha đất than bùn ở U Minh Thượng và 20.200 ha đất than bùn ở U Minh Hạ. Hiện nay, diện tích đất than bùn chỉ còn 2.800 ha ở U Minh Thượng và 7.500 ha ở U Minh Hạ với độ dày của các lớp than bùn dao động từ 0,4 m đến 1,2 m (Trần Triết, 2016).

4. Bãi triều tự nhiên bị tác động

Một diện tích lớn các bãi triều đã được sử dụng để nuôi trồng thủy sản ven biển. Việc khai thác và nuôi trồng thuỷ sản bừa bãi đã gây nhiều hậu quả nghiêm trọng về sinh thái như sự mất cân bằng của các hệ sinh thái khác nhau ở vùng triều. Ô nhiễm môi trường vùng triều đến từ việc nuôi trồng thủy sản thâm canh hoặc công nghiệp thiếu quản lý và các hoạt động kinh tế khác của con người diễn ra trên diện rộng ở đới ven bờ.

5. Đầm phá bị suy thoái ở các mức độ khác nhau

Tất cả 12 HST đầm hồ ven biển miền Trung đã bị suy thoái ở mức độ khác nhau khi cả cấu trúc và chức năng, diện tích phân bố và thể tích khối nước đầm đã bị suy giảm theo các bậc không gian và thời gian. Trong đó, HST đầm Nại bị suy thoái nặng (nghiêm trọng), đầm Thị Nại và Tam Giang - Cầu Hai bị suy thoái mức trung bình (Nguyễn Văn Quân và cs., 2015).

6. Rạn san hô ở biển Việt Nam đang suy giảm về diện tích và độ phủ san hô sống

Trong vùng biển Việt Nam, có thể phân biệt bốn vùng phân bố san hô chính: Vùng san hô quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; Vùng san hô ven biển miền Trung và các đảo Đông Nam Bộ; Vùng san hô phía Tây vịnh Bắc Bộ; và Vùng san hô biển Tây Nam Bộ. Trong các hệ sinh thái biển quan trọng, hệ sinh thái rạn san hô được xem là dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu.

Trong giai đoạn 2008-2010, tổng diện tích thật có của rạn san hô Việt Nam còn khoảng 14.130 ha (Viện Tài nguyên và Môi trường Biển). Theo dẫn liệu của Nguyễn Văn Long và Võ Sĩ Tuấn (2014), có 403 loài san hô cứng với tổng diện tích rạn san hô ở vùng biển Việt Nam là 13.355 ha, trong đó 9.179 ha trong KBT biển. Độ phủ san hô sống trên rạn ở các vùng ven bờ đang bị giảm dần theo thời gian. Chỉ khoảng 1% số rạn có độ phủ cao (với độ phủ >75%) trong khi số rạn có độ phủ thấp chiếm tới trên 31% (với độ phủ <25%), số rạn có độ phủ trung bình và khá lần lượt là 41% và 26% (Viện Hải dương học, 2008).

Các mối đe dọa đối với rạn san hô cũng được xác định bao gồm: khai thác quá mức, khai thác hủy diệt, lắng đọng trầm tích, ô nhiễm, sự bùng nổ của sinh vật địch hại như sao biển gai, cầu gai đen, xâm thực của hải miên, tai biến thiên nhiên như: nở hoa của tảo trên diện rộng ở vịnh Cà Ná vào năm 2002; bùng nổ sao biển gai ở các vịnh Nha Trang, Vân Phong và vùng biển Cù Lao Chàm (2002 - 2004); tác động tích lũy của nhiệt độ cao và độ muối thấp trong một giai đoạn ngắn ở Côn Đảo (2005); nước lũ từ đất liền ảnh hưởng đến rạn san hô vùng biển Cù Lao Chàm (2006); và sự tẩy trắng hàng loạt san hô ở vùng biển Phú Quốc (2010) (Võ Sĩ Tuấn và cs., 2005, 2013). Các nghiên cứu về hiện trạng nguồn lợi sinh vật rạn ở các vùng ven bờ Việt Nam cũng phản ảnh thực trạng quá nghèo nàn về thành phần loài của các nhóm cá, thân mềm, da gai, giáp xác (Võ Sĩ Tuấn và cs., 2008). Điều này cho thấy một thực trạng là rạn san hô vùng biển ven bờ Việt Nam đang có chiều hướng suy giảm nghiêm trọng do các hoạt động khai thác quá mức, sử dụng không hợp lý và ô nhiễm môi trường.

7. Thảm cỏ biển bị suy giảm về diện tích

Theo Nguyễn Văn Tiến (2013), diện tích thảm cỏ biển của Việt Nam là 18.130 ha. Theo số liệu thống kê sử dụng công nghệ viễn thám mới được công bố của Cao Văn Lượng và cộng sự (2012) thì diện tích thảm cỏ biển ven bờ Việt Nam vào khoảng 17.000 ha, phân bố rải rác trong các vịnh, ven các đảo và trong các đầm phá. Diện tích cỏ biển lớn nhất là ở vùng nước nông khu vực đảo Phú Quốc (trên 10,000 ha) với 9 loài (Tiến và cs., 2006). Cao Văn Lương và cộng sự (2012) đã chỉ ra rằng diện tích các thảm cỏ biển đã suy giảm đến 50% so với năm 1999, riêng thảm cỏ biển trong đầm Tam Giang - Cầu Hai đã giảm 60% diện tích so với năm 1999. Nguyên nhân suy giảm thảm cỏ biển chủ yếu từ các hoạt động của con người như đánh bắt cá, neo đậu thuyền, nuôi trồng thủy sản gây ô nhiễm môi trường cũng làm tăng độ đục của nước; các hoạt động xây dựng cảng, công trình phục vụ du lịch... (Bộ TN&MT, 2019).

8. Số lượng các loài bị đe dọa tăng lên

Trong Sách Đỏ Việt Nam 2007, tổng số các loài động vật, thực vật hoang dã trong thiên nhiên đang bị de dọa hiện nay là 882 loài (418 loài động vật và 464 loài thực vật), trong đó có tới 9 loài động vật được xem đã tuyệt chủng ngoài tự nhiên tại Việt Nam, cụ thể là: tê giác hai sừng (Dicerorhynus sumatrensis), bò xám (Bos sauveli), heo vòi (Tapirus indicus), cầy rái cá (Cynogale lowei), cá chép gốc (Procypris merus), cá chình nhật (Anguilla japonica), cá lợ thân thấp (Cyprinus multitaeniata), hươu sao (Cervus nippon), cá sấu hoa cà (Crocodylus porosus).

Số lượng loài nguy cấp tăng lên: trong phạm vi đề tài độc lập cấp nhà nước năm 2014-2017: “Điều tra, đánh giá các loài có nguy cơ tuyệt chủng cần được ưu tiên bảo vệ nhằm tu chỉnh Sách đỏ Việt Nam”, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật thuộc Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam là cơ quan chủ trì phối hợp với một số viện nghiên cứu khác đã đề xuất đưa vào Sách đỏ Việt Nam giai đoạn tới 1.211 loài với các bậc phân hạng mới, gồm: 600 loài thực vật và nấm; 611 loài động vật. Như vậy, so với Sách đỏ Việt Nam 2007 thì số lượng loài đề xuất vào Sách đỏ Việt Nam giai đoạn mới này tăng hơn nhiều (Bộ TN&MT, 2019).

9. Số lượng cá thể các loài nguy cấp bị suy giảm hoặc đã lâu không thấy

Đặc biệt, năm 2011, phân loài Tê giác việt nam (Rhinoceros sondaicus annamiticus) đã chính thức bị tuyệt chủng ở Việt Nam (Gersmann, 2011).Trong hệ thực vật, loài Lan hài Việt Nam (Paphiopedilum vietnamense) đã tuyệt chủng ngoài thiên nhiên.

Các kết quả quan trắc nhiều năm ở một số vùng chim quan trọng cho thấy số lượng cá thể các loài quý, hiếm, đặc biệt các loài chim di trú nguy cấp toàn cầu ở các KBT giảm dần, thậm chí một số loài nhiều năm nay không gặp lại.

Theo điều tra của Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (WWF) năm 2003, Phú Quốc và Côn Đảo là hai vùng biển còn lại của Việt Nam có bò biển (Dugong dugon) sinh sống, với số lượng không quá 100 con. Theo thông tin từ Ban quản lý KBT biển Phú Quốc (năm 2016) thì thời gian gần đây, bò biển không thấy xuất hiện ở vùng thảm cỏ biển thuộc KBT biển Phú Quốc nữa do bị săn bắt và suy giảm nơi cư trú.

Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường

NỘI DUNG KHÁC

Nghiên cứu kinh nghiệm của Trung Quốc về đối tác công tư trong ngành nước và một số khuyến nghị cho Việt Nam

11-8-2023

Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Public Private Partnership - sau đây gọi tắt là PPP) không chỉ có lịch sử phát triển lâu dài ở các quốc gia phát triển mà còn được triển khai ở các nền kinh tế mới nổi. Phương thức này đã chứng tỏ được tính hiệu quả trong việc chia sẻ rủi ro, gánh nặng tài chính với khu vực công; tiết kiệm thời gian, chi phí; tận dụng kỹ năng chuyên môn và chuyển giao công nghệ trong quá trình thiết kế, mua sắm, thi công, vận hành công trình; đổi mới việc cung cấp dịch vụ công cộng và góp phần cải thiện mạnh mẽ hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội. Nhiều quốc gia ở châu Á đã áp dụng tương đối thành công mô hình này trong đầu tư các dịch vụ trong ngành nước, trong đó điển hình là Trung Quốc. Đây là quốc gia có nhiều nét tương đồng với Việt Nam khi bắt đầu triển khai áp dụng mô hình PPP. Việc nghiên cứu kinh nghiệm của Trung Quốc khi áp dụng PPP có thể cung cấp một số bài học cho Việt Nam trong việc giải quyết các thách thức về vốn ngày càng gia tăng trong đầu tư phát triển hạ tầng trong ngành nước.

Quyền tiếp cận thông tin trong lập và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

14-8-2023

Ở Việt Nam hiện nay, quyền tiếp cận thông tin được ghi nhận tại Điều 25, Hiến pháp năm 2013; Luật Tiếp cận thông tin năm 2016. Tuy nhiên, trên thực tế việc thực hiện quyền này chưa được bảo đảm ở một số lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực đất đai. Quyền tiếp cận thông tin trong lĩnh vực đất đai là quyền mà người sử dụng đất cần được tiếp cận nhằm bảo đảm các nhu cầu hợp pháp của mình và để thực hiện các quyền cơ bản khác của người sử dụng đất mà pháp luật ghi nhận [4]. Việc thiếu minh bạch về thông tin đất đai khiến cơ hội tham nhũng gia tăng, làm giảm hiệu quả sử dụng nguồn lực khiến công dân, các doanh nghiệp phải tăng chi phí nỗ lực tìm kiếm thông tin. Vì vậy, việc tìm hiểu các quy định của pháp luật về quyền tiếp cận thông tin đất đai cũng như trong quá trình triển khai thực hiện nhằm đưa ra một số giải pháp hoàn thiện chính sách, đảm bảo thực hiện tốt quyền tiếp cận thông tin đất đai nói chung và tiếp cận thông tin trong lập và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nói riêng.

Từ kinh nghiệm quốc tế, đề xuất các ngành, lĩnh vực ưu tiên thực hiện kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam

15-8-2023

  Kinh tế tuần hoàn (KTTH) đang được xem là xu thế tất yếu của thời đại, được đồng thuận toàn cầu và được các nước trên thế giới coi là cuộc cách mạng công nghiệp xanh của thế kỷ 21, là cơ hội để cộng đồng toàn cầu chung tay thực hiện cam kết quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, nhằm mục tiêu phát triển bền vững vì sức khỏe của người dân, môi trường thiên nhiên và Trái đất. Xác định ngành, lĩnh vực ưu tiên trong thực hiện KTTH đóng vai trò vô cùng quan trọng lộ trình thực hiện, áp dụng KTTH tại nhiều quốc gia trên thế giới. Thông qua tổng hợp kinh nghiệm quốc tế về các chính sách thúc đẩy và các lĩnh vực ưu tiên thực hiện KTTH, nghiên cứu sẽ đề xuất các ngành, lĩnh vực trọng tâm cần thiết triển khai áp dụng KTTH tại Việt Nam trong thời gian tới.

Gắn kết phát triển kinh tế tuần hoàn và kinh tế số ở Việt Nam

16-8-2023

Bài viết góp bàn về mối quan hệ gắn kết phát triển kinh tế tuần hoàn và kinh tế số ở nước ta trên 3 phương diện: Gắn kết phát triển kinh tế tuần hoàn và kinh tế số như là cách thức tất yếu để phát triển bền vững và xanh; Các vấn đề đặt ra trong gắn kết phát triển kinh tế tuần hoàn và kinh tế số ở nước ta; Những gợi ý chính sách về gắn kết phát triển kinh tế tuần hoàn và kinh tế số ở nước ta.

Khung chính sách và tổ chức quản lý đa dạng sinh học và hệ sinh thái - các tác động, khoảng trống và một số đề xuất nhằm tăng chất lượng hệ sinh thái

18-8-2023

Hệ thống pháp luật về đa dạng sinh học (ĐDSH) vẫn tồn tại những bất cập và chồng chéo nhất định. Các luật hiện hành như Luật ĐDSH, Luật Lâm nghiệp và Luật Thủy sản chưa thống nhất về một số quy định hoặc còn thiếu một số quy định hoặc chưa hoàn thiện. Vì vậy, cần bổ sung, sửa đổi một số nội dung liên quan tới bảo tồn ĐDSH để hoàn thiện khung chính sách pháp luật, phù hợp với tình hình hiện nay.

Những động lực và áp lực làm thay đổi các dịch vụ hệ sinh thái và tác động của chúng đối với kinh tế và xã hội

21-8-2023

Những động lực làm thay đổi trạng thái và xu hướng của các dịch vụ hệ sinh thái bao gồm các yếu tố sau: (i) những thay đổi về dân số học làm tăng nhu cầu sử dụng các nguồn tài nguyên; (ii) phát triển kinh tế; (iii) sự chồng chéo về chức năng và quản lý về ĐDSH giữa các cơ quan có liên quan; (iv) chính sách và quản trị về bảo tồn ĐDSH; (v) truyền thông, nhận thức và giáo dục; (vi) phát triển khoa học và công nghệ; và (vii) nguồn lực hạn chế cho bảo tồn/đầu tư ĐDSH. Những động lực này là yếu tố cơ bản tạo thành những áp lực tác động tới khả năng cung cấp các loại sản phẩm mang tính hàng hóa và dịch vụ khác của hệ sinh thái.

Các điều kiện cần thiết cho việc huy động nguồn lực của khu vực tư nhân tham  gia vào hoạt động giảm phát thải khí nhà kính

22-8-2023

Ngay từ những năm 1990, nhà nghiên cứu Panayotou đã chỉ ra vai trò của tư nhân đối với một cách tiếp cận phát triển mới, nhưng đã rất được quan tâm bấy giờ, đó là phát triển bền vững. Panayotou phân tích các nhược điểm khách quan của khối các doanh nghiệp công trong tình hình mới, ngay  cả trong những lĩnh vực vốn được coi là nên có sự tham gia của nhà nước, và so sánh với sự vận động linh hoạt cùng tiềm năng lớn của các doanh nghiệp tư nhân. Sau đó, De Vries, Sally, và Inocencio đã phân tích sâu hơn về những cơ hội đối tác các nhà đầu tư tư nhân trong lĩnh vực môi trường, cũng như khả năng huy động nguồn lực tư nhân bằng chính sách của các nhà quản lý. Theo thời gian, các vấn đề về phát triển bền vững và môi trường ngày càng cho thấy mối liên hệ mật thiết.

Mối quan hệ giữa độ mở cửa thương mại và phát thải khí CO2 ở Việt Nam

23-8-2023

Thương mại ảnh hưởng xấu hay tốt đến môi trường là vấn đề mà các nhà kinh tế môi trường vẫn tiếp tục đi tìm câu trả lời nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu đang trở thành xu thế tất yếu. Các nghiên cứu thực nghiệm trước đó về vấn đề này còn gây nhiều tranh cãi và không hoàn toàn nhất quán với nhau. Mục đích của bài viết này nhằm nghiên cứu mối quan hệ giữa mở cửa thương mại và ô nhiễm môi trường.

Phát triển ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thúc đẩy chuỗi giá trị sản xuất đồ gỗ xuất khẩu

23-8-2023

​​​​​​​Bài viết trình bày một số kết quả nghiên cứu tổng hợp về: i) thực trạng về mối quan hệ giữa ngành chế biến gỗ và kinh tế tuần hoàn (KTTH), qua đó khẳng định ngành công nghiệp chế biến gỗ là ngành kinh tế sinh thái, ngành KTTH. Sự phát triển của ngành đáp ứng được các mục tiêu của KTTH về phát triển kinh tế, xã hội và môi trường; ii) mô hình tổng quát về KTTH trong ngành chế biến gỗ, thể hiện sự liên kết giữa các lĩnh vực từ trồng rừng, khai thác, chế biến gỗ, hệ sinh thái các ngành công nghiệp phụ trợ; iii) mô hình KTTH sử dụng phụ phẩm trong nhà máy chế biến gỗ, trong đó nêu hiệu quả của mô hình KTTH sử dụng phụ phẩm tại Công ty Cổ phần Phú Tài, Bình Định; iv) kiến nghị một  số nội dung để phát triển KTTH trong lĩnh vực chế biến gỗ.

Phát triển đô thị tăng trưởng xanh ở Việt Nam

24-8-2023

 Khu vực đô thị hiện là nơi sinh sống của hơn 55% dân số thế giới và dự báo sẽ  tăng lên 62,5% vào năm 2035, đạt tỷ lệ 68% vào năm 2050. Khu vực châu Á dự báo  sẽ đạt khoảng 2.999 triệu dân (tỷ lệ đô thị đạt 59,2%); đô thị hóa sẽ diễn ra mạnh mẽ  ở các quốc gia có thu nhập trung bình (tỷ lệ đô thị khoảng 61,5% vào năm 2035) (UN Habitat, 2021). Đô thị hóa là xu hướng tất yếu của quá trình phát triển của mỗi quốc gia; đô thị hóa mang lại nhiều cơ hội về kinh tế, việc làm, giáo dục và chăm sóc y tế nhưng ngược lại đô thị hoá thiếu bền vững tạo ra những áp lực về không gian sinh sống, nhu cầu tiêu dùng năng lượng và tài nguyên lớn, chứa đựng nhiều rủi ro về ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn giao thông, tội phạm, gia tăng chất thải và tác động đến môi trường sinh thái, đa dạng sinh học do đó tác động đến đến an ninh phi truyền thống, làm suy giảm tính bền vững về môi trường, gia tăng lượng phát thải khí nhà kính và tác động ngược lại đối với thành công về kinh tế (UN Habitat, 2021).

Kinh nghiệm quốc tế về một số điều kiện kinh doanh dịch vụ tài nguyên địa chất, khoáng sản

29-8-2023

 Theo Luật Đầu tư năm 2020, điều kiện đầu tư kinh doanh là điều kiện cá nhân, tổ chức phải đáp ứng khi thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Ở nhiều quốc gia trên thế giới, đây được coi là công cụ quản lý kinh tế hiệu quả đối với nhiều ngành, lĩnh vực, bao gồm cả lĩnh vực địa chất và khoáng sản.

Làng nghề tái chế nhựa trong bối cảnh thực thi EPR

29-8-2023

Quá trình đô thị hóa đã đặt ra nhiều thách thức đối với phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh việc mức sống, điều kiện sống của mọi người dân được cải thiện thì các mặt trái của quá trình phát triển cũng ngày càng bộc lộ rõ. Một trong những vấn đề nổi cộm trong các xã hội phát triển hiện nay là việc đối phó, xử lý với rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa. Phát triển kinh tế tuần hoàn đi kèm với thực thi chính sách EPR được xem là một giải pháp hiệu quả để vừa đảm bảo phát triển sản xuất - kinh doanh, vừa hài hòa được các vấn đề xã hội - môi trường.