1. Cơ sở khoa học của ngành, lĩnh vực thực hiện KTTH
Trong phạm vi quản lý Nhà nước, ngành, lĩnh vực được áp dụng nhằm phân cấp quản lý phù hợp giữa Chính phủ với các Bộ, cơ quan ngang Bộ và giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ với UBND cấp tỉnh trên cơ sở phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của từng cấp, từng cơ quan trong hệ thống tổ chức hành chính Nhà nước. Cụ thể, Nghị quyết số 99/CQ-CP ngày 24/6/2020 về đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ với UBND cấp tỉnh đối với các ngành, lĩnh vực, ví dụ: Ngành, lĩnh vực tài nguyên và môi trường, gồm: Biển và hải đảo; ngành, lĩnh vực khoa học và công nghệ, gồm: Hoạt động khoa học và công nghệ. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 6/7/2018 về ban hành hệ thống ngành kinh tế Việt Nam, theo đó Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam gồm 5 cấp (1,2,3,4,5), cụ thể tại Bảng 1.
Bảng 1. Phân ngành kinh tế

Nguồn: Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 6/7/2018
Phạm vi của nghiên cứu này sẽ đề xuất áp dụng thực hiện KTTH dựa trên hệ thống phân ngành kinh tế được quy định tại Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg. Việc phân ngành, lĩnh vực ưu tiên đòi hỏi sự nhận diện về thực trạng, tính sẵn sàng và nhu cầu chuyển đổi của từng ngành, từng lĩnh vực trong phạm vi rộng. Theo Báo cáo “Ngành ưu tiên trong KTTH” của Liên minh châu Âu, việc xác đính tính ưu tiên của ngành, lĩnh vực lựa chọn KTTH dựa trên chỉ tiêu nghề nghiệp, mức độ tăng trưởng KTTH tại từng quốc gia trong khu vực và mức độ đóng góp của các ngành cho nền kinh tế. Việc phân ngành, lĩnh vực ưu tiên trong triển khai thực hiện KTTH sẽ mang lại những thuận lợi cụ thể như sau:
Thực hiện theo lộ trình áp dụng KTTH đề ra tại Điều 139 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP về hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật BVMT năm 2020;
Vai trò kiến tạo của nhà nước thể hiện trong việc tạo ra một môi trường để KTTH phát triển. Đó là môi trường với hệ thống luật pháp rõ ràng, lộ trình phù hợp, có các hình thức khuyến khích (ưu đãi về cơ chế và thủ tục hành chính, về tài chính, về tiếp cận các nguồn lực) và chế tài rõ ràng, minh bạch. Do đó, việc phân ngành, phân lĩnh vực sẽ tạo thuận lợi phân cấp quản lý, giảm sát thực hiện hiệu quả áp dụng mô hình KTTH hoặc chuyển đổi sang mô hình KTTH;
Tiết kiệm nguồn lực phân bổ trong triển khai các mô hình KTTH. Phạm vi của KTTH là rất rộng có thể triển khai ở hầu hết các ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế, do đó việc tập trung nguồn lực để áp dụng mô hình KTTH đối với một số ngành, lĩnh vực ưu tiên sẽ tiết kiệm nguồn lực phân bổ của quốc gia;
Ưu tiên đối với các ngành, lĩnh vực có tác động lớn trong nền kinh tế, có tính sẵn sàng trong việc áp dụng, có tính phù hợp về mặt thể chế của Việt Nam và hài hòa hóa với thông lệ quốc tế do KTTH vẫn là một khái niệm mới được đưa vào Việt Nam, luật hóa từ năm 2020. Việc học hỏi kinh nghiệm quốc tế trong việc triển khai, áp dụng là vô cùng cần thiết.
2. Kinh nghiệm quốc tế áp dụng KTTH theo ngành, lĩnh vực
2.1. Liên minh châu Âu
Ủy ban châu Âu đã thông qua kế hoạch hành động KTTH mới (CEAP) vào tháng 3 năm 2020. Đây là một trong những nền tảng chính của Thỏa thuận Xanh châu Âu, một chương trình nghị sự mới của châu Âu về tăng trưởng bền vững. Việc EU chuyển đổi sang KTTH sẽ giúp làm giảm áp lực lên tài nguyên thiên nhiên, hướng đến tăng trưởng bền vững tạo ra thêm việc làm. Đây cũng là điều kiện tiên quyết để đạt được mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu năm 2050 của EU và ngăn chặn sự mất đi của đa dạng sinh học.
Các biện pháp sẽ được áp dụng trong kế hoạch hành động mới tập trung vào các lĩnh vực sử dụng nhiều tài nguyên nhất và có tiềm năng tuần hoàn cao như: Điện tử, công nghệ thông tin và truyền thông, pin, xe cộ, bao bì, nhựa, dệt may, xây dựng, thực phẩm và nước.
EU sẽ thực hiện tất cả 35 hành động được liệt kê trong kế hoạch hành động. Với các lĩnh vực chính sách chính, bao gồm: Hóa chất; KTTH; KTTH ở cấp độ toàn cầu; Công nghiệp; Ngành nhựa; Phát triển bền vững; Chất thải và tái chế.
2.2. Hà Lan
Để áp dụng KTTH, Hà Lan triển khai Chương trình cấp Chính phủ với tên gọi “Nền KTTH ở Hà Lan vào năm 2050” - đây là một Chương trình toàn Chính phủ về KTTH nhằm phát triển một nền KTTH ở Hà Lan vào năm 2050. Tham vọng của Nội các là cùng với nhiều bên liên quan hiện thực hóa mục tiêu (tạm thời) là giảm 50% sử dụng các nguyên liệu thô sơ cấp (khoáng sản, hóa thạch và kim loại) vào năm 2030. “Nền KTTH ở Hà Lan vào năm 2050” bao gồm các bước đi hiện tại và thiết lập ra lộ trình cho các bước tiếp theo để hiện thực hóa mục tiêu KTTH đến năm 2050.
Với chương trình này, Chính phủ Hà Lan chịu trách nhiệm đưa ra các hành động nhằm đạt được mục tiêu này. Ngoài vai trò là cơ quan quản lý thị trường và đối tác mạng, Nội các muốn thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế vòng tròn với tầm nhìn về triển vọng đầy hứa hẹn và cách tiếp cận hệ thống. Đặc biệt sẽ chú trọng đến việc tổ chức khóa học sẽ được thực hiện, về quản lý và trách nhiệm của mọi người.
Năm lĩnh vực chính mà Chính phủ Hà Lan ưu tiên để áp dụng KTTH, bao gồm: Sinh khối và thức ăn; Nhựa; Công nghiệp sản xuất; Xây dựng; Hàng tiêu dùng.
2.3. Ôxtrâylia
Năm 2019, Cơ quan Khoa học Quốc gia Ôxtrâylia ban hành lộ trình quốc gia về nền KTTH đối với nhựa, thủy tinh, giấy và lốp xe. Lộ trình thực hiện tập trung vào đổi mới và tập hợp các bên có liên quan để nghiên cứu các cơ hội thực hiện KTTH của Ôxtrâylia. Chi tiết lộ trình đặt ra cho 4 loại chất thải phổ biến trong nền kinh tế của Ôxtrâylia được trình bày tại Bảng 2.
Bảng 2. Lộ trình thực hiện KTTH của Ôxtrâylia đối với nhựa, thủy tinh, giấy và lốp xe

Nguồn: CRIRO, 2021
Lộ trình thực hiện KTTH của Ôxtrâylia xác định các cơ hội, phân tích các yếu tố thúc đẩy cho phép phát triển và thực hiện các giải pháp và các chiến lược nhằm hỗ trợ việc ra quyết định của Chính phủ và các ngành trong ứng dụng triển khai KTTH.
2.4. Nhật Bản
Cách tiếp cận thực hiện KTTH Nhật Bản có thể được coi là một điển hình của cách tiếp cận ở cấp độ quốc gia. Kể từ năm 1991, Nhật Bản đã bắt đầu thực hiện KTTH bằng việc xây dựng các quy định pháp lý nhằm đưa nước này trở thành một “xã hội dựa trên việc tái chế”. Trọng tâm là Luật Cơ bản cho việc thành lập một xã hội dựa trên tái chế (The Basic Law for Establishing a Recycling-Based Society), có hiệu lực năm 2002, đã đưa ra các mục tiêu định lượng về tái chế và phi vật chất hóa trong dài hạn cho xã hội Nhật Bản. Nhờ vậy, nước này đã nhanh chóng đạt được tỷ lệ tái chế cao hàng đầu thế giới. Trong năm 2007, chỉ có 5% chất thải của Nhật Bản phải xử lý bằng chôn lấp, so với 48% của Vương quốc Anh vào năm 2008.
Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp (METI) công bố Tầm nhìn KTTH 2020 của Nhật Bản vào tháng 5/2020. Nhằm khuyến khích các công ty Nhật Bản phát huy thế mạnh của mình trong trung và dài hạn để nâng cao năng lực cạnh tranh công nghiệp bằng cách thúc đẩy nỗ lực của họ cho chương trình 3Rs, METI đã biên soạn Tầm nhìn Kinh tế Tuần hoàn 2020 với ba quan điểm khác nhau: [i] chuyển đổi sang các mô hình kinh doanh mới với tính tuần hoàn cao hơn; [ii] nhận được sự đánh giá phù hợp từ thị trường và xã hội; [iii] sớm hình thành một hệ thống lưu thông tài nguyên linh hoạt cung ấp đầu vào cho các định hướng chính sách cơ bản của Nhật Bản cho nền KTTH.
Bảng 3. Các lĩnh vực ưu tiên trong tầm nhìn KTTH 2020 của Nhật Bản

Nguồn: Jica, 2022
3. Đề xuất các lĩnh vực ưu tiên thực hiện KTTH tại Việt Nam
Dựa trên kết quả rà soát kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các quốc gia, khu vực đã xây dựng chính sách KTTH, trên cơ sở đánh giá thực tiễn ở Việt Nam bao gồm: chủ trương, chính sách, quy định pháp luật hiện hành, các định hướng trong các chiến lược, kế hoạch hành động có liên quan đến KTTH… đối chiếu với các biện pháp, chính sách của thế giới cho thấy, Việt Nam đã chuẩn bị được điều kiện cần để khởi động cho tiến trình chuyển đổi sang KTTH. Căn cứ theo hệ thống phân ngành kinh tế được chia theo các cấp độ khác nhau (có thể hiểu là nhóm ngành, ngành hoặc đa ngành, đơn ngành). Các ngành, lĩnh vực ưu tiên đề xuất thực hiện KTTH tại Việt Nam, bao gồm:
Bảng 4. Đề xuất các ngành lĩnh vực ưu tiên áp dụng KTTH

Nguồn: Tập thể tác giả (2023)
4. Khuyến nghị thúc đẩy áp dụng KTTH cho các ngành, lĩnh vực ưu tiên tại Việt Nam
Để thúc đẩy áp dụng KTTH cho từng hợp phần của nền kinh tế cần thiết phải thực hiện các hoạt động sau:
Thứ nhất, rà soát đánh giá tính phù hợp của việc áp dụng KTTH đối với từng ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế. Rà soát các quy định pháp luật, các chiến lược, chương trình, đề án các Bộ, ngành, địa phương đã và đang xây dựng hướng tới áp dụng triển khai áp dụng KTTH nhằm tạo thuận lợi trong quá trình triển khai.
Thứ hai, dự báo xu hướng phát triển KTTH trong từng ngành, lĩnh vực hướng tới mục tiêu giảm khai thác tài nguyên thiên nhiên, kéo dài thời gian sử dụng vật liệu, thiết bị và giảm lượng chất thải phát sinh.
Thứ ba, xác định các sản phẩm có tiềm năng áp dụng KTTH thông qua phương pháp phân tích dòng vật chất (Material Flow Analysis) đối với từng ngành, lĩnh vực. Dựa trên kết quả phân tích dòng nguyên liệu đầu vào, đầu ra của mỗi ngành, lĩnh vực để xác định các sản phẩm trong ngành, lĩnh vực cần ưu tiên áp dụng KTTH thông qua đánh giá các tác động của sản phẩm đó trong nền kinh tế - xã hội.
Thứ tư, xây dựng và hoàn thiện Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện KTTH trên cơ sở đồng thuận, ủng hộ cao của các bên liên quan. Để chuyển đổi thành công từ mô hình tuyến tính sang mô hình KTTH, cần có sự tham gia của tất cả các bên liên quan từ các cơ quan Chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân. Do đó, với quan điểm Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, cung cấp thông tin, dữ liệu; doanh nghiệp là động lực trọng tâm; quyền và lợi ích của người tiêu dùng là động lực dẫn dắt thực hiện KTTH. Các nhiệm vụ, hành động đề ra trong Kế hoạch hành động sẽ là cơ sở để các bên liên quan thực hiện KTTH trong các ngành, lĩnh vực được lựa chọn.
Thứ năm, xây dựng tiêu chí, chỉ tiêu đánh giá KTTH đối với từng ngành, lĩnh vực ví dụ như ngành xây dựng là tỷ lệ (%) thời gian sử dụng được kéo dài của các công trình dân dụng/thời gian sử dụng theo thiết kế các công trình dân dụng; Định mức sử dụng tài nguyên của từng ngành, lĩnh vực (ha)/đơn vị sản phẩm thu được. Các tiêu chí, chỉ tiêu hỗ trợ quá trình đánh giá mức độ đáp ứng mục tiêu KTTH của từng ngành, lĩnh vực và năng.
Thứ sáu, xây dựng tài liệu hướng dẫn, quy trình giám sát quá trình triển khai áp dụng KTTH đối với từng ngành, lĩnh vực, kết hợp xây dựng chế độ báo cáo, chia sẻ thông tin, công bố kết quả thực hiện KTTH ở các ngành, lĩnh vực và địa phương đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ.
Lời cảm ơn: Bài viết này dựa trên nghiên cứu của đề tài khoa học và công nghệ cấp cơ sở “Nghiên cứu cơ sở lý luận, kinh nghiệm quốc tế nhằm đề xuất xây dựng kế hoạch hành động quốc gia thực hiện KTTH ở Việt Nam”, mã số CS.2023.19, do Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường chủ trì thực hiện.
TS. Lại Văn Mạnh, ThS. Nguyễn Thế Thông, ThS. Nguyễn Trọng Hạnh, ThS. Nguyễn Thu Trang
Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường
(Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 7/2023)
Tài liệu tham khảo
1. Luật BVMT năm 2020;
2. Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 về hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật BVMT năm 2020;
3. Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 07/6/2022 phê duyệt đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam;
4. Chỉ thị số 33/CT-TTg về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa;
5. Quyết định số 1746/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 4/12/2019 về Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030;
6. Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 về phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;
7. Quyết định số 1520/QĐ-TTg Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045;
8. Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;
9. Quyết định 1643/QĐ-TTg năm 2022 phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Dệt May và Da Giầy Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 đưa ra mục tiêu đến năm 2035;
10. Quyết định số 1266/QĐ-TTg ngày 18/8/2020 phê duyệt Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050.
11. Australian Circular Economy Hub (2020), CSIRO’s new circular economy roadmap defines a plan of action for Australia, [online] Truy cập từ: https://acehub.org.au/news/csiros-new-circular-economy-roadmap-defines-a-plan-of-action-for-australia;
12. Center for Strategy and Competitiveness Stockholm School of Economics (2017), Priority Sector Report: Circular Economy;
13. CSIRO. (n.d). Circular Economy. [online] Truy cập từ: https://www.csiro.au/en/research/natural-environment/circular-economy;
14. European Commission (2020), A new Circular Economy Action Plan, [online] Truy cập từ: https://eur-lex.europa.eu/legal-content/EN/TXT/?qid=1583933814386&uri=COM:2020:98:FIN;
15. Government of Japan. (1998). Home Appliance Recycling Law. https://www.meti.go.jp/policy/recycle/main/english/law/home.html;
16. Government of Japan. (2010). Establishing a sound material-cycle society: Milestone toward a sound material-cycle society through changes in business and life styles.
17. Government of Nertherlands (2020), Circular Dutch economy by 2050, [online] Truy cập từ: https://www.government.nl/topics/circular-economy/circular-dutch-economy-by-2050;
18. WEEE Forum. (2012). The challenge of transposing WEEE II into national law. http://www.weee-forum.org/news/the-challenge-of-transposing-weee-ii-into-national-law.