1. Công nghệ, trang thiết bị
Phần lớn làng nghề Việt Nam đều áp dụng các công nghệ truyền thống và chủ yếu là lao động thủ công được truyền lại từ đời này qua đời khác thông qua các thế hệ con cháu. Do trình độ học vấn ở các vùng nông thôn, đặc biệt là ở các vùng xa xôi hẻo lánh còn thấp nên sự phát triển các công nghệ này đều dựa vào kinh nghiệm là chủ yếu. Tính chất thô sơ, đơn giản và lạc hậu thể hiện qua sự tiêu hao nguyên liệu, năng lượng và sủc lao động cho một đơn vị sản phẩm như mặt hàng vải thổ cẩm, gạch ngói thủ công... Hiệu suất sử dụng nguyên liệu không cao, nhiều loại vật liệu chưa được tận dụng có hiệu quả.
Cùng với sự áp dụng các công nghệ đơn giản và lạc hậu, các làng nghề cũng sử dụng phần lớn các trang thiết bị cũ kỹ, lạc hậu. Theo điều tra của Viện Khoa học và Công nghệ môi trường về số lượng và chủng loại các làng nghề cũng như hiện trạng thiết bị được sử dụng, hiện nay cả hầu hết các thiết bị để sản xuất của các làng nghề này đều được chế tạo từ những năm 1950-1960 và chủ yếu đều được mua lại từ các doanh nghiệp nhà nước đã thanh lý. Ngoài ra, rất nhiều các thiết bị sản xuất được chính các xưởng cơ khí địa phương chế tạo theo đơn đặt hàng của các nhà quản lý xưởng cho phù hợp với nhu cầu sản xuất. Công nghệ sản xuất lạc hậu không chỉ làm hạn chế năng suất, chất lượng sản phẩm của các cơ sở ngành nghề mà còn trực tiếp gây ra các hệ quả xấu về môi trường. Sở dĩ việc sử dụng các trang thiết bị cũ hoặc tự chế tạo là do đặc thù của các làng nghề. Hầu hết các cơ sở sản xuất đi lên từ sản xuất nhỏ, ban đầu sản xuất chủ yếu phục vụ cho nhu cầu của gia đình, họ đã phải tự chế tạo các thiết bị để sản xuất là chính để vừa làm vừa đầu tư. Khi nhu cầu về hàng hoá ngày một gia tăng, họ mở rộng sản xuất phục vụ thôn xóm, cộng đồng rồi cho toàn xã hội. Việc mở rộng sản xuất khiến họ phải đầu tư các thiết bị lớn hơn và nhiều hơn. Nhưng điều mâu thuẫn là nguồn tài chính eo hẹp nên đã buộc họ phải mua các thiết bị cũ kỹ, lạc hậu về sửa chữa lại và cải tiến thêm đôi chỗ rồi đưa vào hoạt động. Mặt khác, do trình độ nhận thức của người lao động không cao nên cũng không thể sử dụng được các loại máy móc hay trang thiết bị hiện đại nên thiết bị càng thô sơ đơn giản, càng dễ cho người sử dụng chúng. Ngoài ra, yêu cầu về chất lượng sản phẩm của làng nghề không cao và phải bán với giá thấp cho phù hợp với túi tiền của người dân nên họ cũng không cần đầu tư các thiết bị hiện đại và quá nhiều tiền. Hậu quả đương nhiên và tất yếu là nhiều hộ sản xuất đã bỏ qua hoặc không tính đến, bất chấp các tác động xấu về môi trường do hoạt động sản xuất nghề gây ra.
2. Lao động
Đa số lao động trong các hộ gia đình, hộ ngành nghề ở nông thôn nói chung cũng như ở các làng nghề, trình độ học vấn và chuyên môn, kỹ thuật thấp, kiến thức nghề nghiệp không toàn diện. Mặc dù tỷ lệ lao động có trình độ học vấn phổ thông trung học và lao động có chuyên môn, kỹ thuật ở các hộ chuyên ngành nghề cao hơn đáng kể so với các hộ kiêm ngành nghề và hộ thuần nông nhưng số lao động không có chuyên môn, kỹ thuật vẫn còn chiếm tỷ lệ cao. Đối với các làng nghề truyền thống, quan hệ sản xuất gắn bó với nhiều quan hệ làng xã, dòng tộc, hương ước nên việc “cha truyền con nối” đã được duy trì qua nhiều thế hệ. Việc truyền nghề, đào tạo nghề, truyền bá kỹ năng, kỹ xảo, hướng dẫn công nghệ kỹ thuật tại chỗ cho người lao động đã và đang được nhiều hộ coi trọng, thúc đẩy. Điều này xuất phát từ yêu cầu thực tế về nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của thị trường; mặt khác là do yêu cầu mở mang ngành nghề mới và/ hoặc đổi mới công nghệ, kỹ thuật sản xuất để nâng cao năng suất và hiệu quả sản xuất kinh doanh của các hộ/ cơ sở ngành nghề.
Thực tế cho thấy, phần lớn các hoạt động kinh tế nói chung và hoạt động sản xuất kinh doanh ngành nghề nói riêng được tổ chức bởi các hộ gia đình; do các hộ, lao động và thành viên trong hộ thực hiện. Mặc dù ở nhiều làng nghề đã xuất hiện các cơ sở/ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh ngành nghề dưới nhiều hình thức khác nhau (tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn,...), song hộ gia đình vẫn là hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh chủ yếu, tỷ lệ hộ có hoạt động ngành nghề, quy mô, mức độ hoạt động ngành nghề của các hộ ở các xã/ làng nghề có thể rất khác nhau.
Việc tổ chức sản xuất kinh doanh dưới hình thức hộ gia đình cho phép các hộ chủ động, nâng động trong việc lựa chọn các ngành nghề, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, lao động và các nguồn lực sản xuất khác, tạo ra sự phát triển đa dạng của các ngành nghề, làng nghề. Tuy nhiên, sự phát triển của kinh tế hộ gia đình cũng bộc lộ không ít những hạn chế, trở ngại và tồn tại nhất định, kể cả đối với phát triển kinh tế cũng như đối với quản lý bảo vệ môi trường ở các làng nghề. Mâu thuẫn lớn nhất hiện nay là ở chỗ: sản xuất kinh doanh của các hộ gia đình càng phát triển thì tình trạng (và nguy cơ) phát thải ô nhiễm, suy thoái môi trường càng gia tăng; và ngược lại, sự gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường đang (và sẽ) là một trở ngại lớn đe doạ đến sự phát triển kinh tế của các hộ cũng như của các làng nghề.
3. Cơ sở hạ tầng, điều kiện lao động
Thực tế cho thấy, đối với các hộ sản xuất kinh doanh ở làng nghề, nhà ở và nhà xưởng sản xuất liền kề nhau với mật độ dầy đặc, phần lớn các họ không đủ khả năng tài chính để đầu tư cho các điều kiện sản xuất, đa số các hộ sản xuất kinh doanh ngay trên diện tích đất ở, nhà ở; mặt bằng sản xuất chật hẹp. Nhà xưởng sản xuất cũng thô sơ, nhà tạm hoặc bán kiên cố, nhiều hộ sử dụng cả nhà ở và công trình phụ để sản xuất, hoặc làm kho chứa vật tư, nguyên liệu và sản phẩm.
Một số ngành nghề sử dụng nhà ở, sân, vườn làm nơi sản xuất hoặc chứa vật tư, nguyên liệu, nhiên liệu, sản phẩm, thậm chí cả chất thải. Quy mô sản xuất của các hộ càng mở rộng, mật độ lò xưởng càng cao thì sự cộng hưởng phát thải ô nhiễm càng gia tăng. Việc tận dụng triệt để đất ở của các hộ và đất đai trong khu dân cư để làm nhà xưởng sản xuất, bãi chứa vật tư nguyên liệu... cũng làm suy thoái môi trường đất, môi trường cảnh quan và điều kiện vệ sinh của chính các hộ cũng như của các khu dân cư nói chung trong làng. Sự thiếu hụt, yếu kém của hệ thống thoát nước thải của các hộ và khu dân cư làm cho tình trạng ô nhiễm, suy thoái này trở nên trầm trọng hơn.
Đằng sau tồn tại này không chỉ là những trở ngại về quy hoạch đất ở, đất sản xuất của các làng nghề mà còn có những trở ngại về kinh tế, tài chính của các hộ gia đình. Việc mở rộng mặt bằng sản xuất và xây dựng nhà xưởng thường đòi hỏi chi phí đầu tư khá lớn, trong khi đất đai, mặt bằng sản xuất ở các làng nghề ngày càng trở nên khan hiếm, giá trị tăng cao. Do đó, phẫn lớn các hộ không đủ khả năng tài chính cho việc thuê, mua thêm mặt bằng sản xuất trong làng và đầu tư cho xây dựng nhà xưởng kiên cố, đảm bảo tiêu chuẩn môi trường.
Sự phát triển kinh tế hộ đã tạo việc làm cho tuyệt đại đa số lao động và dân cư có khả năng lao động ở các làng nghề. Nhiều làng nghề còn tạo ra việc làm thu hút hàng nghìn lao động làm thuê từ các vùng lân cận. Tuy nhiên, phần lớn lao động trong các hộ là lao động thủ công nặng nhọc, môi trường lao động ô nhiễm, độc hại (nóng, bụi, tiếng ồn, hơi hoá chất,...). Nhiều hộ chưa có phương tiện bảo hộ cho người lao động hoặc có trang bị bảo hộ nhưng người lao động chưa có ý thức, thói quen sử dụng trong hoạt động sản xuất. Người lao động cũng chưa có ý thức và thói quen thường trực về kỷ luật lao động, về vệ sinh môi trường nơi làm việc cũng như về bảo vệ môi trường nói chung; thậm chí không ít lao động tỏ ra “thích ứng” hoặc không mấy quan tâm đến tình trạng độc hại, ô nhiễm, mất vệ sinh và an toàn lao động trong quá trình sản xuất.
Cường độ làm việc (mức độ nặng nhọc, mức độ tiêu hao sức lực) của lao động trong hộ gia đình ở các làng nghề thường cao hơn so với lao động nói chung ở nông thôn, trong khi môi trường và điều kiện lao động của nhiều hộ, ở nhiều làng nghề thường trong tình trạng thấp kém, ô nhiễm và độc hại. Đặc biệt là ở các hộ, các làng làm nghề đúc đồng, chì, đúc cán thép, mạ, sơn, nhuộm vải sợi, thuộc da...
Phần lớn các hộ chuyên ngành nghề sử dụng lao động thường xuyên và đảm bảo được việc làm thường xuyên cho người lao động (kể cả lao động trong gia đình và lao động làm thuê). Số tháng sử dụng lao động (làm việc thường xuyên) của nhóm hộ này bình quân tới gần 11 tháng/ năm và số ngày làm việc lên tới 25-26 ngày/ tháng. Mức độ và thời lượng sử dụng lao động của nhóm hộ kiêm ngành nghề cũng tương tự như vậy, song do hoạt động ngành nghề ở nhóm hộ này không ổn định thường xuyên nên tính chất thời vụ của lao động và sử dụng lao động (làm việc) ở nhóm hộ này còn khá cao. Tỷ lệ lao động thời vụ so với lao động thường xuyên ở nhóm hộ kiêm ngành nghề bình quân là 133,6% trong khi tỷ lệ này ở nhóm hộ chuyên ngành nghề chỉ khoảng 0,4 - 0,5%.
Việc quy hoạch xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng ở các làng nghề còn nhiều thiếu hụt, chậm trễ so với phát triển sản xuất và đời sống. Mặc dù ở nhiều làng nghề đã quan tâm phát triển các công trình kết cấu hạ tầng thiết yếu, quan trọng như thuỷ lợi, giao thông, điện, chợ, trường học, các công trình y tế, văn hoá... song nhiều hệ thống, công trình kết cấu hạ tầng như hệ thống thoát nước, bãi chứa rác thải, phế thải và các công trình vệ sinh môi trường... chưa được quy hoạch, đầu tư cải tạo và xây dựng một cách đồng bộ, kịp thời.
4. Vấn đề về tài chính và vốn đầu tư
Đây có thể là một trong những trở ngại lớn nhất đối với phát triển kinh tế cũng như đối với bảo vệ môi trường của hộ gia đình ở làng nghề hiện nay. Năng lực tài chính và đầu tư của phần đông các hộ gia đình ở các làng nghề hiện vẫn còn nhiều mặt hạn chế. Mặc dù các thể chế tín dụng, ngân hàng đã tạo thuận lợi hơn cho các hộ tiếp cận các nguồn vồn nhưng tình trạng thiếu vốn đầu tư vẫn tồn tại khá phổ biến. Số hộ thiếu vốn hoặc có nhu cầu vay vốn ở nhiều làng nghề chiếm tới 60-70%. Tuy nhiên, khả năng, nhu cầu và điều kiện về tài chính, vốn đầu tư của các hộ là rất khác nhau giữa các loại hình ngành nghề, giữa các làng nghề. Tình trạng thiếu vốn đầu tư trong khi khả năng tích luỹ sản xuất thấp đang gặp trở ngại lớn đối với phát triển kinh tế và cải thiện môi trường của các hộ, đặc biệt là đối với đầu tư cho xây dựng nhà xưởng, mở rộng mặt bằng sản xuất, đổi mới công nghệ kỹ thuật sản xuất, tạo lập các công trình và thiết bị giảm thiểu tác hại môi trường. Mặc dù thu nhập của hộ gia đình ở các làng nghề đạt mức khá cao (có nơi đạt thu nhập bình quân 3,5-4,5 triệu đồng/ người/ năm), song việc tích luỹ vốn cho tái đầu tư sản xuất của đa số các hộ còn ở mức thấp (nhất là ở các hộ có thu nhập trung bình và dưới trung bình). Nhiều hộ hầu như chưa có tích luỹ sản xuất. Khảo sát thực tế ở một số nơi cho thấy tỷ lệ tích luỹ tái đầu tư sản xuất của các hộ mới chiếm khoảng 20-25% trong tổng thu hàng năm, còn lại chủ yếu dành cho tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân và gia đình (như xây dựng, cải tạo nhà ở, mua sắm đồ dùng, tiêu dùng sinh hoạt và các chi phí khác...).
Khả năng huy động ngân sách và vốn đầu tư của các làng nghề là khá lớn và tương đối thuận lợi so với nhiều làng xã thuần nông, ngành nghề kém phát triển. Ở nhiều làng nghề, ngoài huy động đóng góp cho ngân sách Nhà nước, việc huy động ngân sách xã và huy động đóng góp của dân cư cho đầu tư phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội trên địa bàn đạt tới hàng tỷ đồng/năm. Thực tế cho thấy, ngoài việc đóng góp cho ngân sách nhà nước, thì khả năng và mức độ huy động cho ngân sách xã cũng như huy động đóng góp của dân cư của các làng nghề là khá lớn (nhiều xã đạt trên 1 tỷ đồng/ năm), gấp 2-3 lần mức huy động ngân sách của các xã nông nghiệp hay các xã ngành nghề kém phát triển. Nhiều địa phương và các làng nghề cũng đã xây dựng các quy chế, quy ước quy định mức đóng góp cho xây dựng các công trình công cộng và bảo vệ môi trưòng. Tuy nhiên, khả năng ngân sách xã và huy động đóng góp của nhân dân hiện vẫn rất hạn hẹp so với yêu cầu đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường của làng nghề.
Việc tiếp cận, huy động các nguồn vốn từ bên ngoài hiện vẫn còn nhiều bất cập. Các địa phương (tỉnh, huyện) chưa có và các làng nghề không có các thể chế tài chính chính thức cho việc hình thành Quỹ bảo vệ môi trường và nghĩa vụ tài chính bắt buộc, đủ mạnh (thuế, phí, lệ phí...) đối với các hộ sản xuất/cơ sở/doanh nghiệp sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường.
Hầu hết cấp quản lý ở các làng nghề đều thiếu kinh phí hoạt động, nguồn kinh phí này thông thường là do chính quyền xã phải tự trang trải, nguồn thu chủ yếu dựa vào việc các hộ sản xuất đóng thuế, nhưng huyện là đơn vị thu thuế trực tiếp chỉ trích lại cho xã. Ở nhiều địa phương, đã quy định hương ước văn hoá tại một số làng nghề, song cũng còn những quy định về nghĩa vụ đóng góp tài chính bắt buộc đối với các hộ, cơ sở gây ô nhiễm, thiệt hại về môi trường.
5. Nhân lực thực hiện công tác quản lý nhà nước về TNMT
Nhân lực quản lý môi trường ở cấp huyện, xã hiện nay còn yếu và thiếu người chuyên trách về môi trường ở các địa phương có làng nghề. Nhìn chung, cần thiết phải được đào tạo một cách bài bản. Hầu hết cán bộ QLMT ở cấp này chuyên môn về môi trường cũng như năng lực quản lý còn nhiều hạn chế. Thêm vào đó, số cán bộ này không được thưòng xuyên tập huân để nâng cao trình độ nghiệp vụ. Ngay tại một số làng nghề đã có tổ chức chuyên trách môi trường thì cũng chỉ tập trung làm công việc thu gom rác thải.
Ngoài ra, ý thức của cán bộ QLMT ở địa bàn còn mang nặng tính địa phương, quan niệm còn thiếu tính khoa học, chưa quan niệm đúng về việc bảo vệ môi trưòng tại các làng nghề, thường cho rằng việc người dân phát triển làng nghề thì quan trọng là mục tiêu phát triển kinh tế, và đặc biệt còn thiếu tính kiên quyết trong vấn đề giải quyết những mâu thuẫn trong làng nghề, thường là lấy tình làng nghĩa xóm để giải quyết.
Mặt khác, công tác tuyên truyền và giáo dục về môi trường chưa thực sự được chú trọng tại các làng nghề, các hình thức tuyên truyền thiếu tính sáng tạo về hình thức, chưa phong phú về nội dung, chưa kết hợp chặt chẽ với các đoàn thể khác như trường học, đoàn thanh niên, tổ chức công giáo...
Chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa các cấp tỉnh, huyện, xã, thôn để thường xuyên mở lớp tập huấn nghiệp vụ cũng như phổ biến các văn bản, chính sách, giúp cho cán bộ quản lý nắm chắc luật, chính sách của nhà nước.
6. Trình độ dân trí và tính cộng đồng của làng nghề
Thời gian gần đây, việc phổ cập văn hoá đã đạt được rất nhiều kết quả, tuy nhiên nhận thức về vấn đề môi trường của người dân vẫn còn hạn chế, một phần do tính bảo thủ cố hữu của người nông dân, một phần do quan niệm không đúng về sự phát triển kinh tế, mục đích đạt được cuối cùng là kinh tế. Người dân chưa thực sự hiểu và nắm bắt được chính xác về luật và những chính sách của nhà nước.
Tính cộng đồng ở làng nghề có ảnh hưởng rất lớn tới việc quản lý môi trường cũng như việc thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm của người dân đến môi trường.
Ở những nơi người dân có tính cộng đồng cao thì việc phối hợp và liên kết giữa các hộ sản xuất cũng thuận lợi hơn nhưng đôi khi cũng rất khó khăn trong việc phá bỏ những quan niệm lạc hậu. Ngược lại, ở những xã có tính cộng đồng thấp thì việc quản lý còn khó khăn hơn nhiều.
Ngoài ra, nguồn nhân lực chính lao động tại các làng nghề do đó ảnh hưởng không nhỏ tới khả năng quản lý hay tổ chức sản xuất của từng hộ gia đình. Trình độ quản lý của chủ hộ ảnh hưởng tới việc sắp xếp, bố trí mặt bằng sản xuất, sao cho phù hợp và đảm bảo vệ sinh môi trường. Thông thường các hộ gia đình thường không quan tâm tới vấn để này, tiện đâu làm đấy và tiện đâu thải đấy, họ chú trọng nhiều hơn đến việc làm sao để thuận lợi cho sản xuất.
7. Cơ sở vật chất, trang thiết bị và sự phối hợp, trao đổi thông tin chưa kịp thời
Hầu hết cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác quản lý môi trường của các cấp quản lý còn thiếu. Kinh phí Nhà nước cấp cho việc trang bị cơ sở vật chất và trang thiết bị còn hạn hẹp, một số tỉnh như Bình Định, Thái Nguyên... phải dựa vào nguồn tài trợ từ các dự án hợp tác với nước ngoài để trang bị máy móc phục vụ việc quản lý môi trường trong tỉnh. Tuy nhiên số lượng các tỉnh có đầy đủ trang thiết bị như vậy không nhiều.
Đối với cấp huyện, xã, trang thiết bị hầu như không có; việc thu thập số liệu, thông tin môi trường ở các làng nghề chủ yếu là phỏng đoán, điều tra và thống kê qua các cơ quan chuyên môn khác.
Sự phối hợp và trao đổi thông tin giữa đơn vị quản lý môi trường ở địa phương có làng nghề từ cấp xã/ thôn đến cấp tỉnh chưa thực sự mang tính hữu cơ chặt chẽ, việc trao đổi thông tin giữa các đơn vị này không thường xuyên và kịp thời, dẫn tới cấp cơ sở như xã/ thôn thiếu thông tin cụ thể về luật và các chính sách có liên quan cũng như thiếu kinh nghiêm trong công tác quản lý cũng như xử lý các vấn đề liên quan đến môi trường làng nghề, còn cơ quan quản lý cấp trên lại thiếu thông tin, số liệu thực tế tại làng nghề.
Vấn đề tiếp cận vốn đầu tư, nguồn vốn hỗ trợ hoặc nguồn khác còn hạn chế đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực ngành nghề thủ công ở nông thôn.
Phan Thị Thu Hương
(Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, 2022)