Ngày đăng:
08 | 07 | 2009
Trong những năm gần đây, công tác xây dựng pháp luật của Chính phủ đã đạt được những thành tựu rất quan trọng, đáp ứng yêu cầu ngày càng tăng về số lượng và từng bước nâng cao chất lượng các dự án luật, pháp lệnh trình Quốc hội, UBTVQH.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, công tác này vẫn còn một số hạn chế, chưa đáp ứng thật tốt yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn. Mức độ thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh chưa cao, nhiều dự án phải điều chỉnh, hoãn hoặc rút ra khỏi chương trình; việc soạn thảo còn chậm. Tuy chất lượng các dự án luật, pháp lệnh đã được cải thiện nhiều nhưng vẫn có những dự án chưa được chuẩn bị kỹ, tồn tại những quy định không khả thi, mang tính chủ quan, cục bộ, vẫn còn tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy định trong hệ thống phát luật. Đặc biệt, nhiều quy định còn dừng lại ở nguyên tắc, chung chung, thiếu cụ thể dẫn đến việc cơ quan quản lý nhà nước phải ban hành nhiều văn bản quy định chi tiết thi hành ở nhiều cấp độ khác nhau, làm chậm trễ việc đưa luật vào cuộc sống và làm tăng thêm thủ tục hành chính trong quá trình thực hiện.
Những hạn chế trên có nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan, trong đó có thể kể đến như: chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm chưa thật sát với yêu cầu thực tiễn; sự phối kết hợp giữa các cơ quan có lúc, có nơi chưa thực sự hiệu quả; năng lực của đội ngũ cán bộ soạn thảo còn yếu...
Tăng thời lượng thảo luận dự án luật tại các phiên họp Chính phủ
Để khắc phục cơ bản những hạn chế trên, Chính phủ sẽ dành nhiều thời gian hơn nữa cho công tác xây dựng pháp luật, đặc biệt là tăng thời lượng thảo luận các dự án luật tại phiên họp Chính phủ.
Các Bộ, ngành cần khắc phục tình trạng chủ quan, thiếu nghiên cứu sâu sắc, đầy đủ trong việc lập đề nghị về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Chính phủ; đồng thời, thực hiện đúng quy trình soạn thảo và trình các dự án luật, pháp lệnh. Bên cạnh đó, nghiên cứu đổi mới quy trình, thủ tục soạn thảo và trình các dự án để loại bỏ những thủ tục rườm rà không cần thiết...
Theo các giải pháp nâng cao chất lượng xây dựng các dự án luật, Chính phủ xác định, trong kiểm điểm, đánh giá cần đề cao trách nhiệm cá nhân. Bộ nào, cơ quan nào để xảy ra tình trạng nợ đọng hoặc vi phạm quy trình, thủ tục thì người đứng đầu phải nghiêm túc kiểm điểm và có ngay giải pháp xử lý, khắc phục.
Đặc biệt, để nâng cao chất lượng các dự án luật, pháp lệnh, cần tăng cường khảo sát, tổng kết thực tiễn để đưa ra những quy phạm pháp luật phù hợp. Đồng thời, cần có đánh giá tác động và dự báo khả năng thực thi để đảm bảo tính ổn định tương đối của luật, pháp lệnh sau khi được thông qua, tránh trường hợp mới ban hành đã phải sửa đổi, bổ sung. Tranh thủ tối đa sự tham gia của các chuyên gia, cán bộ khoa học và sự đóng góp ý kiến của nhân dân vào quá trình soạn thảo.
Phương Mai