Ngày đăng:
08 | 07 | 2009
Đây là kiến nghị của Vụ Pháp chế tại Hội nghị Sơ kết. Khối lượng văn bản quy phạm pháp luật Bộ TN&MT xây dựng, ban hành cần hoàn thành trong 6 tháng cuối năm 2009 rất lớn, gồm 36 văn bản trong đó có 11 văn bản trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tiến độ và chất lượng văn bản phải được đảm bảo.
Tháng 6 vừa qua, Bộ đã có văn bản yêu cầu các đơn vị điều chỉnh Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2009 và xây dựng Chương trình năm 2010. Đề nghị Thủ trưởng các đơn vị chỉ đạo rà soát, đề xuất, kiến nghị bảo đảm sau khi điều chỉnh, không xảy ra tình trạng thực hiện chậm như 6 tháng đầu năm.
Chất lượng và tính thực tiễn của văn bản xây dựng, ban hành trong 6 tháng đầu năm đã được nâng cao hơn. Việc xây dựng và trình văn bản đã được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục được pháp luật quy định. Quan hệ phối hợp giữa các đơn vị chức năng trong và ngoài Bộ đã được tăng cường. Công tác xây dựng, ban hành văn bản, nhất là các văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã được Thủ trưởng các đơn vị chỉ đạo quyết liệt, bám sát tiến độ để đôn đốc thực hiện.
Tuy nhiên, để xảy ra tình trạng xây dựng và ban hành văn bản chưa đạt tiến độ đề ra có một số nguyên nhân. Mặc dù đã được rà soát, trao đổi kỹ lưỡng ngay từ giai đoạn xây dựng Chương trình, nhưng việc đề xuất để đưa vào Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2009 tính khả thi chưa cao.
Theo Vụ Pháp chế, đơn vị tổ chức thực hiện xây dựng pháp luật; thẩm định, rà soát, hệ thống hoá, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật... của Bộ, việc đề xuất xây dựng văn bản của các đơn vị còn dàn hàng ngang, chưa chú trọng đến thứ tự ưu tiên trong đề xuất, xây dựng văn bản. Công tác đánh giá, tổng kết việc thi hành trước khi soạn thảo và nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn để xây dựng văn bản chưa được chú trọng thực hiện.
Mặt khác, cơ chế phối hợp giữa đơn vị chủ trì soạn thảo với các đơn vị liên quan thuộc Bộ và của các Bộ, ngành chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Một số văn bản các đơn vị đã tích cực soạn thảo, để hoàn thành theo tiến độ, nhưng khi lấy ý kiến của các Bộ, ngành lại không tiếp tục theo dõi, đôn đốc nên để kéo dài thời gian. Bên cạnh đó, việc lấy ý kiến của quá nhiều Bộ, ngành trong đó có cả những Bộ, ngành không liên quan trực tiếp đến nội dung văn bản cũng gây kéo dài thời gian xử lý, thẩm định văn bản. Đội ngũ cán bộ chuyên môn có khả năng trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật còn hạn chế kể cả số lượng và chất lượng.
Để nâng cao tính khả thi của Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trong 6 tháng cuối năm, vấn đề đặt ra là sự phối hợp với Vụ Pháp chế của các đơn vị cần chặt chẽ hơn nữa, trong công tác thẩm định văn bản. Ngay cả thời điểm các đơn vị gửi Vụ Pháp chế thẩm định văn bản cũng phải bảo đảm để Vụ có đủ thời gian thẩm định, cũng như thời gian chỉnh sửa, bổ sung văn bản theo kết quả thẩm định.
Các đơn vị được giao chủ trì xây dựng văn bản cũng cần nâng cao hơn nữa tính chủ động và bám sát trong công tác lấy ý kiến các Bộ, ngành và lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp đối với văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; với các Bộ, ngành liên quan và đơn vị thuộc Bộ đối với văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ trưởng.
Vụ Pháp chế kiến nghị lãnh đạo Bộ cho tổ chức họp giao ban công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật 1 lần /tháng. Tại giao ban này, Vụ sẽ theo dõi, đôn đốc và có báo cáo cụ thể tình hình thực hiện công tác soạn thảo của các đơn vị trong tháng.
Nguồn: Monre