Lý giải về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Văn Đức cho rằng, nguyên nhân thì có nhiều, nhưng chủ yếu là liên quan đến vấn đề vốn, công nghệ và nguồn nhân lực. Đặc biệt, chúng ta chưa nhận thức rõ ràng về việc xây dựng một hình ảnh quốc gia Việt Nam biển chưa sâu sắc, chưa đúng tầm. Những cái tên thương hiệu biển cho các sản phẩm biển của Việt Nam chưa nhiều, chưa đi sâu vào tiềm thức của người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Nói cách khác, chúng ta chưa chuẩn bị tốt và đồng bộ cho việc xây dựng thương hiệu quốc gia, thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu cho các sản phẩm biển và chỉ dẫn địa lý biển của Việt Nam.
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) đã nêu rõ, quy mô kinh tế biển nước ta còn nhỏ bé, phương thức khai thác kinh tế biển chủ yếu vẫn là sản xuất nhỏ, ngành nghề chưa hợp lý, mới phát triển một phần ở vùng biển quốc gia, chưa chuẩn bị điều kiện để vươn ra vùng biển quốc tế...
Theo kết quả thăm dò của Viện Chiến lược phát triển (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đến nay, vùng biển và thềm lục địa Việt Nam có nhiều bể trầm tích có triển vọng dầu khí, trữ lượng được đánh giá khoảng 3-4 tỷ m3 dầu quy đổi. Bờ biển có nhiều khu vực có thể xây dựng cảng, trong đó một số nơi có khả năng xây dựng cảng nước sâu như: Cái Lân và một số điểm ở khu vực vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, Nghi Sơn, Vũng Áng, Hòn La, Chân Mây, Đà Nẵng, Dung Quất, Vân Phong, Cam Ranh, Vũng Tàu, Thị Vải...
Dọc bờ biển có hơn 120 bãi biển có thể phát triển du lịch, trong đó có khoảng trên 20 bãi biển đạt quy mô và tiêu chuẩn quốc tế. Nguồn lợi hải sản của vùng biển Việt Nam được đánh giá vào loại phong phú trong khu vực. Ngoài cá biển là nguồn lợi chính còn nhiều loại đặc sản khác có giá trị kinh tế cao như tôm, cua, mực, hải sâm, rong biển… Riêng cá biển đã phát hiện hơn 2.000 loài khác nhau, trong đó trên 100 loài có giá trị kinh tế với tổng trữ lượng hải sản khoảng 3-4 triệu tấn, khả năng cho phép khai thác 1,5-1,8 triệu tấn/năm. Đến nay, Viện Chiến lược phát triển đã xác định được 15 bãi cá lớn quan trọng, trong đó 12 bãi cá phân bố ở vùng ven bờ và 3 bãi cá ở các gò nổi ngoài khơi. Ven bờ biển có trên 37 vạn ha mặt nước các loại có khả năng nuôi trồng thủy sản nước mặn-lợ, nhất là nuôi các loại đặc sản xuất khẩu như tôm, cua, rong câu…Theo đánh giá sơ bộ, tiềm năng diện tích để phát triển đồng muối vùng ven biển nước ta từ 50 đến 60 ngàn ha.
Nhờ đó, kinh tế thủy sản nước ta đã tăng trưởng liên tục, nhanh và khá ổn định cả về sản lượng (tăng bình quân hàng năm là 5-7%) và giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản (tăng hơn 250 lần so với năm 1981). Năm 2006, tổng sản lượng thuỷ sản đạt gần 3,7 triệu tấn, chủ yếu khai thác từ biển (khoảng 1,8 triệu tấn) và nuôi trồng thủy sản nuớc lợ (trên 1 triệu tấn). Kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản vững trong tốp đứng đầu đất nước về kim ngạch xuất khẩu và tiếp tục giữ vững vị trí 10 nước xuất khẩu thủy sản đứng đầu thế giới. Ngoài ra, trong lòng biển còn có các khoáng sản quan trọng và có tiềm năng lớn như than, sắt, titan, cát thuỷ tinh và các loại vật liệu xây dựng khác.
Biển nước ta khá giàu về nguồn lợi, phong phú về chủng loại, đã và đang có đóng góp to lớn cho quốc kế, dân sinh, nhưng những nguồn lợi ấy đang bị “mai một”, thậm chí đang bị “lãng quên”. Bởi hiện nay nhiều người trong nước và cộng đồng quốc tế vẫn chưa hiểu hết về biển, chưa biết nên làm thế nào, làm từ đâu để nó mang lại giá trị và lợi ích thiết thực cho cuộc sống và làm giàu từ biển.
Nguồn: Monre