Ngày đăng:
30 | 07 | 2009
Tại Hội thảo “Việt Nam ứng phó biến đổi khí hậu” do Văn phòng Chính phủ phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội và Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức hôm nay (31/7) tại TP cổ Hội An, các nhà lãnh đạo, chuyên gia ngành môi trường đã đưa ra các kịch bản biến đổi khí hậu tại Việt Nam và các phương án ứng phó.
Phát biểu khai mạc Hội nghị với sự tham gia của hơn 150 đại biểu là lãnh đạo, công chức các Văn phòng Trung ương, đại diện các Bộ, ngành, địa phương liên quan, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc cho biết, biến đổi khí hậu (BĐKH), với biểu hiện chính là sự nóng lên toàn cầu và mực nước biển dâng, là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ 21. Thiên tai dưới tác động của BĐKH ngày càng khốc liệt và cực đoan, gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn thế giới.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là 1 trong 5 nước sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng của BĐKH và nước biển dâng. Nếu đến cuối thế kỷ 21 này, mực nước biển dâng cao thêm từ 0,7-1m mà chúng ta không chuẩn bị tốt các giải pháp ứng phó, một phần diện tích của châu thổ đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng sẽ bị nước biển xâm lấn. Theo một dự báo, nếu mực nước biển dâng cao thêm 1 m thì khoảng 40 ngàn km2 đất sẽ bị chìm trong nước, ảnh hưởng đến 14 triệu người tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Theo một số nghiên cứu, ở Việt Nam, trong khoảng 50 năm qua, nhiệt độ trung bình tăng khoảng 0,7 độ C, mực nước biển đã dâng khoảng 20cm. Hiện tượng El-Nino, La-Nina ngày càng tác động mạnh mẽ đến Việt Nam. Vào năm 2100, nhiệt độ trung bình ở Việt Nam có thể tăng 3 độ C và mực nước biển có thể dâng 1m, có thể ảnh hưởng trực tiếp tới 10% dân số.
Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều tác động của BĐKH trong đó có một số lĩnh vực dễ bị tổn thương như phát triển nông nghiệp, an ninh lương thực, tài nguyên nước, sức khỏe, cấu trúc hạ tầng của vùng ven biển.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên: Chính phủ đã sớm có các hành động ứng phó BĐKH
Theo Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên, nhận thức rõ ảnh hưởng của BĐKH, Chính phủ đã sớm có các hành động ứng phó như tham gia và phê chuẩn Công ước khung của Liên Hợp Quốc về BĐKH và Nghị định thư Kyoto.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH vào cuối năm 2008. Chính phủ cũng đã cho công bố các kịch bản BĐKH ở Việt Nam để làm cơ sở cho các Bộ, ngành và địa phương xây dựng chương trình hành động ứng phó của mình.
Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cho biết, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt kịch bản sơ bộ ứng phó với BĐKH do Bộ này xây dựng.
Những nỗ lực của Việt Nam trong việc ứng phó với BĐKH đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Theo Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Peter Lysholt Hansen cho biết, Chính phủ Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ nhằm đối phó BĐKH để bảo vệ sự phát triển bền vững của đất nước và góp phần vào việc thực hiện nỗ lực của thế giới và Đan Mạch nước chủ nhà của Hội nghị của Liên Hợp Quốc về BĐKH vào cuối năm nay đã hỗ trợ tích cực cho Việt Nam trong việc thực hiện chương trình hành động ứng phó BĐKH.
Tuy nhiên, những cố gắng trên vẫn còn chưa đủ để đảm bảo chiến thắng của cuộc chiến chống BĐKH. Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Ứng phó tác động tiêu cực của BĐKH là nhiệm vụ quốc gia, là nhiệm vụ chung của các Bộ, ngành, địa phương và của mọi người”.
Đức Tuân