Ngày đăng:
06 | 08 | 2009
Chiều 5/8, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Xuân Cường đã làm việc với Tổng cục Môi trường về tình hình thực hiện Quyết định 64 xử lý triệt để ô nhiễm tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; tiến độ triển khai công việc bảo vệ lưu vực sông Cầu, sông Nhuệ - sông Đáy và sông Đồng Nai.
Theo báo cáo của Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Bùi Cách Tuyến; hiện nay Hà Nội mới hoàn thành xử lý 17 cơ sở, 1 cơ sở tạm ngừng hoạt động từ năm 2007, còn 7 cơ sở đang tiếp tục triển khai và theo dự kiến sẽ hoàn thành xử lý triệt để vào cuối năm 2009.
Ngoài nguyên nhân khách quan do vướng mắc về thủ tục liên quan đến giao đất, thuê đất, dự án đầu tư mới, cơ chế hỗ trợ đền bù đối với vị trí đất cũ, việc các cơ sở chưa thực hiện đúng tiến độ xử lý ô nhiễm triệt để còn do nhiều nguyên nhân chủ quan thuộc về các cấp chính quyền và các Bộ, ngành. Điển hình là bãi rác Kiêu Kỵ (Phường Ngọc Lâm, quận Long Biên). Theo QĐ 64, bãi rác phải hoàn thành xây dựng hệ thống xử lý nước rác vào năm 2006. Thực tế năm 2007 bãi rác mới đầu tư xây dựng Nhà máy Xử lý rác hữu cơ và chính thức hoạt động đầu năm 2009; nhưng đến nay UBND huyện Gia Lâm vẫn chưa thẩm định dự án (!). Bệnh viện Phụ sản Hà Nội và Bệnh viện Đống Đa lẽ ra phải xây dựng xong trạm xử lý nước thải vào năm 2006. Nhưng năm 2005, Sở Y tế Hà Nội mới có kế hoạch xây dựng, năm 2009 hai dự án này mới được phê duyệt Báo cáo kinh tế kỹ thụât và phê duyệt Kế hoạch đấu thầu, hiện vẫn chưa tổ chức triển khai.
TP. Hồ Chí Minh là địa phương được đánh giá triển khai tốt nhất QĐ 64, đã có 28 cơ sở hoàn thành xử lý ô nhiễm; còn 9 cơ sở chậm di dời công đoạn sản xuất gây ô nhiễm, đã đầu tư hệ thống xử lý chất thải nhưng chưa triệt để. TP đã thành lập Ban Chỉ đạo công tác di dời cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng, ban hành danh sách 17 ngành nghề sản xuất, kinh doanh di dời ra khỏi nội thành; ban hành Đề án thực hiện Chương trình di dời và một số chính sách hỗ trợ tài chính cho việc di dời…đến nay đã đưa được 630 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ra khỏi nội thành.
Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp trên địa bàn TP do TW quản lý, qui mô sản xuất lớn, công nghệ lạc hậu, việc di dời rất khó khăn, còn phụ thuộc vào định hướng phát triển của từng ngành. Nhiều doanh nghiệp khi di dời thiếu vốn vì trong quá trình di dời các doanh nghiệp đều kết hợp đổi mới máy móc thiết bị, mở rộng nhà xưởng.
Triển khai chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp ngày 10/6/2009 đối với việc thực hiện tiến độ QĐ 64 đối với hai thành phố trên, Tổng cục Môi trường đã phối hợp với Bộ Y tế làm việc với Văn phòng Chính phủ về việc xây dựng Đề án tổng thể bảo vệ môi trường chất thải y tế; thống nhất giao Bộ Y tế chủ trì xây dựng Đề án tổng thể xử lý chất thải rắn và nước thải cho các bệnh viện, cơ sở y tế thuộc khu vực công, do Nhà nước quản lý, từ TW đến cấp huyện. Đã tổ chức các đoàn kiểm tra, thanh tra các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở thuộc QĐ64 (theo kế hoạch năm nay sẽ kiểm tra 93 cơ sở thuộc QĐ 64). Tổng cục làm việc với Bộ Tài chính để xây dựng các cơ sở tài chính đặc thù cho việc xử lý ô nhiễm môi trường của khu vực nội đô, khu vực tập trung đông dân cư và cơ chế tài chính cho việc xử lý chất thải rắn. Đồng thời làm việc với Sở TN&MT Hà Nội về việc không cấp phép đầu tư đối với 17 ngành nghề nhạy cảm về môi trường trên địa bàn; hiện đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo này.
Sau khi nghe ý kiến của các đơn vị liên quan, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, việc triển khai xử lý các cơ sở ô nhiễm thuộc QĐ 64 là rất chậm. Cùng với các công việc và đề xuất của Tổng cục Môi trường, Thứ trưởng yêu cầu Tổng cục phối hợp với các đơn vị , Bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo quyết liệt vấn đề này. Trong đó lưu ý việc tiến hành rà soát các văn bản chính sách, lấy ý kiến các địa phương về các vướng mắc thực tế, để cùng Bộ Tài chính tháo gỡ khai thông nguồn tài chính. Trong tháng 8/2009, phối hợp làm việc với TP. Hồ Chí Minh đúc rút những bài học kinh nghiệm thực tế, phổ biến cho các địa phương khác áp dụng.
Đối với 3 lưu vực sông, Thứ trưởng yêu cầu Tổng cục hoàn thiện bộ máy Văn phòng cho cả 3 lưu vực, chuẩn bị tốt nội dung làm việc cho từng phiên họp của các lưu vực; trong đó ưu tiên số 1 cho việc xây dựng cơ sở quan trắc; lựa chọn các vấn đề bức xúc nhất trên từng lưu vực để giải quyết; đồng thời xây dựng trên mỗi lưu vực một mô hình địa phương có nhiều nỗ lực chủ động giải quyết các vấn đề bảo vệ cảnh quan môi trường... có như vậy môi trường các lưu vực sông mới được bảo vệ, cải thiện dần từng bước. "Không nên để xảy ra tình trạng các dòng sông vẫn chết dần cùng với sự tồn tại của các UB Bảo vệ lưu vực sông" Thứ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Nguyễn Trình