Ngày đăng:
08 | 07 | 2009
“Năm 2009 là năm bản lề của kế hoạch 5 năm 2006-2010, đặt nền tảng cho 5 năm tới. Đặt khâu đột phá năm 2009 là năm kế hoạch tài chính,
Bộ đề nghị các đơn vị tiếp tục nghiên cứu, triển khai Nghị quyết số 27 của Chính phủ Về một số giải pháp cấp bách trong công tác quản lý Nhà nước về TN&MT, coi đây là kim chỉ nam cho hoạt động không chỉ trong 6 tháng tới mà còn về lâu dài...”, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên đã nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2009.
Hội nghị diễn ra ngày 8/7, nối cầu truyền hình với Văn phòng đại diện của Bộ tại TP. Hồ Chí Minh, đã đánh giá toàn diện tình hình thực hiện nhiệm vụ chung và kết quả trên 7 lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ 6 tháng đầu năm, thống nhất định hướng, các giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm.
* Triển khai nhiệm vụ trên diện rộng và sâu
Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ đều nhất trí nhận định: Trong 6 tháng đầu năm 2009, Bộ đã quyết liệt chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ của đơn vị ngay từ những ngày đầu tháng đầu của năm. Đặc biệt đã triển khai tốt việc giao kế hoạch và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2009. Triển khai quyết liệt chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2009. Hoàn thiện cơ bản công tác tổ chức cán bộ của các đơn vị trực thuộc Bộ, đặc biệt đối với các đơn vị mới thành lập. Bộ đang tích cực chỉ đạo hoàn thành dự thảo Đề án kinh tế hóa ngành TN&MT, dự thảo Chiến lược phát triển ngành TN&MT giai đoạn 2011-2020.
Ngay quý I, Lãnh đạo Bộ đã bố trí làm việc với hầu hết các đơn vị trực thuộc Bộ về định hướng, giải pháp thực hiện kế hoạch nhiệm vụ năm 2009 và những năm tiếp theo. Bên cạnh đó, Bộ cũng tăng cường làm việc với các Bộ, ngành và địa phương để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.
Việc chỉ đạo tập trung thực hiện tốt công tác kiểm toán ngân sách sự nghiệp môi trường; rà soát, bổ sung các trạm quan trắc TN&MT; chi 1% ngân sách sự nghiệp môi trường; kiến nghị xử lý các vấn đề nổi cộm ở địa phương và đề xuất các giải pháp bảo đảm sử dụng có hiệu quả nguồn chi này cho công tác bảo vệ môi trường tại địa phương, đặc biệt tổ chức tốt các Hội nghị giao ban vùng theo các khu vực Bắc, Trung, Nam phương châm hiệu quả, tiết kiệm thời gian và chi phí đã góp phần nâng cao vai trò quản lý Nhà nước của Bộ trên cả 7 lĩnh vực của ngành.
Công tác quản lý, nghiên cứu, triển khai và ứng dụng khoa học và công nghệ đã đổi mới phương thức triển khai, từ dàn trải sang có trọng điểm. Đã ban hành danh mục các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp Bộ mở mới năm 2009. Tổ chức triển khai thực hiện 49/49 đề tài khoa học và công nghệ. Tổ chức nghiệm thu, đánh giá 24 đề tài, tổng hợp các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Nhà nước và cấp Bộ năm 2010...
Tuy nhiên, do khối lượng công việc lớn, tổ chức bộ máy chưa hoàn toàn đi vào hoạt động ổn định; trong khi nguồn nhân lực và cơ sở vật chất còn hạn chế nên nhiều văn bản, công việc xử lý còn chậm, chất lượng chưa đảm bảo. Đội ngũ lãnh đạo đã có cố gắng nhưng chưa được hoàn thiện, còn đang trong quá trình tiếp tục phải được kiện toàn.
Mặc dù tổ chức bộ máy của các đơn vị trực thuộc Bộ cơ bản đã hoàn thiện và đi vào hoạt động ổn định, việc bổ nhiệm cán bộ được thực hiện đúng quy trình, bảo đảm tiêu chuẩn, nhưng những giải pháp hiệu quả để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các đơn vị sự nghiệp phục vụ quản lý nhà nước do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập vẫn chưa được đề xuất. Trách nhiệm kiểm tra các Sở TN&MT thực hiện các quy định về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức... chưa tiến hành.
* Quyết liệt chỉ đạo các đơn vị thực hiện nhiệm vụ bám sát chủ trương kinh tế hóa ngành TN&MT
Chủ trì Hội nghị sơ kết, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên đã thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại của các đơn vị trong 6 tháng đầu năm, như phê duyệt chậm các đề án, dự án dẫn tới “bức tranh” giải ngân cũng chậm so với yêu cầu. Một số công việc khác tồn đọng, trong đó có công tác tổ chức, cũng chậm được triển khai giải quyết.
“Ngay cả tiến độ xây dựng văn bản cũng không thể chủ quan. Tầm nhìn về quản lý Nhà nước đang là một hạn chế đòi hỏi đội ngũ lãnh đạo và cán bộ nói chung cần nâng cao năng lực cả về chuyên môn và tính quyết liệt trong công việc. Cần bám đuổi đến cùng để đạt mục tiêu đề ra”, Bộ trưởng nêu rõ.
Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Văn Đức cũng lưu ý các đơn vị khi lập kế hoạch 2010 phải dựa trên cơ sở đòi hỏi của ngành, chứ không phải trên những gì sẵn có. “Đặc biệt cần lưu ý định hướng chủ trương đẩy mạnh kinh tế hóa, thị trường hóa và thương mại hóa ngành TN&MT lập kế hoạch. Một dự án, một đề án nếu lồng ghép được nhiều nhiệm vụ mới đạt được yêu cầu kinh tế hóa, bảo đảm tiết kiệm chi phí và tăng nguồn lực”.
Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cho rằng để đạt được mục tiêu năm 2009, đột phá thành công khâu kế hoạch tài chính, trong 6 tháng cuối năm, các đơn vị cần tiếp tục chỉ đạo sát sao, đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế ngành, trong đó, tập trung chỉ đạo quyết liệt các giải pháp trọng tâm như: Đảm bảo phê duyệt các dự án đúng tiến độ; nghiên cứu sâu để triển khai Nghị quyết số 27 của Chính phủ Về một số giải pháp cấp bách trong công tác quản lý Nhà nước về TN&MT, hoàn thành dự thảo kế hoạch 2010-2015 trong năm nay.
“Cần hạ quyết tâm trong tháng 7 này, các dự án, đề án của các đơn vị phải được phê duyệt xong. Nếu không sẽ đề nghị dừng lại. Công tác đấu thầu sẽ thực hiện đến hết tháng 8”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Các lĩnh vực quản lý chuyên ngành cần theo dõi sát tình hình thực tiễn, nâng cao năng lực quản lý Nhà nước, đổi mới và từng bước hiện đại hóa công tác thông tin, nâng cao năng lực đội ngũ và chất lượng dự báo nhằm dự báo đúng và kịp thời tình hình diễn biến hoạt động TN&MT ở các địa phương, từ đó đề xuất các giải pháp phù hợp, phục vụ sát sự chỉ đạo điều hành kinh tế - xã hội của Chính phủ.
Các đơn vị cần sâu sát địa phương, tích cực đôn đốc kiểm tra, giám sát việc thực hiện, kịp thời nắm bắt và giải quyết các vướng mắc, khó khăn, xác định rõ trách nhiệm của từng cấp, từng đơn vị ở cơ sở. “Có thể cuối năm nay và sang năm, hoạt động khoáng sản sẽ “nở rộ” như tình trạng sân golf lan tràn. Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam phải chủ động trong công tác quản lý Nhà nước, tăng cường thanh tra, kiểm tra, kịp thời ra văn bản đối với những địa phương buông lỏng quản lý công tác này”, Bộ trưởng lưu ý.
Bộ trưởng yêu cầu từ nay đến cuối năm, cần nâng công tác tuyên truyền báo chí của Bộ lên một tầm mới. Vụ Thi đua Khen thưởng và các đơn vị cần chủ động kịp thời cung cấp thông tin chính xác cho báo chí, nhất là về chủ trương kinh tế hóa, tài chính hóa của ngành. “Cần tiếp tục coi các cơ quan thông tin truyền thông là nối dài cánh tay của Bộ. Từ nay trở đi, sau các buổi họp quan trọng như sơ kết, tổng kết của Bộ nên tiến hành họp báo luôn. Đặc biệt khi có những vấn đề được công luận quan tâm, Bộ cần tiến hành họp báo nhằm thống nhất nhận thức và quyết tâm cao, tạo sự đồng thuận xã hội”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng cũng ghi nhận sự vào cuộc tích cực của các đơn vị trong 6 tháng đầu năm, bám sát phê duyệt kế hoạch của lãnh đạo Bộ, triển khai tích cực trên diện rộng và sâu. Thời gian tới, các đơn vị cần tiếp tục có sự phối hợp đa chiều, đa diện với các Vụ trong Bộ, giữa Bộ với các Bộ, ban, ngành và địa phương, từng bước thực hiện cải cách hành chính, qua giao lưu trực tuyến và giao ban, nâng cao vị thế của Bộ.
Thu Phương - Nhật Tân
Tặng Bằng khen của Bộ TN&MT cho 15 đơn vị
đại diện các lĩnh vực của Bộ
 | Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên trao Bằng Khen | | Bộ trưởng Bộ TN&MT Phạm Khôi Nguyên đã ký Quyết định khen thưởng, tặng 500 Bằng khen Bộ, 36 chiến sĩ thi đua ngành, 31 Cờ Thi đua xuất sắc, 27 Chiến sĩ thi đua cơ sở, 128 tập thể Lao động xuất sắc và 232 tập thể và cá nhân đạt danh hiệu Lao động tiên tiến thuộc khối cơ quan Bộ. Tại Hội nghị, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên và Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Văn Đức đã trao Quyết định và tặng hoa cho 15 đơn vị đại diện, trong đó có Văn phòng đại diện phía Nam của Báo TN&MT. Bộ sẽ chuyển Quyết định khen thưởng còn lại về đơn vị để các đơn vị tổ chức trao tặng, động viên phong trào thi đua phát triển sâu rộng và hiệu quả. PV |