Đề tài “Nghiên cứu ứng dụng dự báo dài hạn (foresight) trong xây dựng chiến lược, chính sách quản lý tài nguyên và môi trường của Việt Nam” của ThS. Hoàng Thanh Hương – Phó trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế (ISPONRE)

ThS. Hoàng Thanh Hương – Phó Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế (ISPONRE) thuyết minh đề tài

Cách dự báo dài hạn theo cách tiếp cận foresight đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển với định hướng đầu tiên là đầu tư của Chính phủ cho mục tiêu phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ, sau đó cách tiếp cận này chuyển sang hướng lôi kéo sự tham gia của nhiều tầng lớp trong xã hội để có sự tương tác của nhiều tầng lớp cùng tham gia phản ánh tính chất mở của thị trường. Thực tế, cách tiếp cận này được sử dụng rất thành công trong hoạch định chính sách, là công cụ kế hoạch dài hạn (như Nhật Bản) và phổ biến hơn nhằm xác định hướng ưu tiên như các nước thuộc cộng đồng châu Âu (EU), Úc và Niu-di-lân.
Ông Terutaka Kuwahare, giám đốc Trung tâm foresight về khoa học và công nghệ của Nhật Bản đã đưa ra khái niệm về foresight “Foresight về bản chất không phải là một kỹ thuật hay phương pháp đơn lẻ thường được sử dụng trong dự báo mà là một cách tiếp cận, một quy trình dự báo đa phương pháp (multi-methodology), dựa trên quan niệm hoàn toàn mới về tương lai tích hợp trong nó cả các hoạt động ra quyết định, làm chính sách, xây dựng kế hoạch và tầm nhìn tương lai”.
Ở nước ta, vào khoảng cuối những năm 1960, công tác dự báo được áp dụng trong lĩnh vực kinh tế - xã hội, công tác dự báo được thể hiện nhiều hơn trong các nghị quyết của Đảng tại các kỳ họp Đại hội Đảng và có đóng góp trong xây dựng đường lối, chủ trưởng chính sách của Đảng và nhà nước trong thời gian qua. Tuy nhiên, cách tiếp cận dự báo truyền thống đã không theo kịp với xu thế phát triển hiện nay khi nước ta hội nhập kinh tế quốc tế và chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa, đặc biệt sự thiếu gắn kết trong thực hiện công tác dự báo nên dẫn đến các công việc còn chồng chéo, trùng lặp trong các lĩnh vực của nước ta, thậm chí cả ngay trong các cơ quan xây dựng chiến lược, chính sách.
Mục tiêu tổng quát của đề tài này là tăng cường công tác dự báo chiến lược dài hạn trong xây dựng chiến lược, chính sách quản lý tài nguyên và môi trường ở Việt Nam; Mục tiêu cụ thể là (i)Tổng hợp kinh nghiệm quốc tế về dự báo dài hạn (theo cách tiếp cận foresight) trong xây dựng và hoạch định chiến lược, chính sách (ii) Đề xuất khả năng ứng dụng dự báo dài hạn (theo cách tiếp cận foresight) trong xây dựng chiến lược, chính sách quản lý tài nguyên và môi trường của Việt Nam.


Đa số các thành viên trong hội đồng đều đánh giá cao và ủng hộ việc thực hiện đề tài của ThS. Hoàng Thanh Hương và đưa ra nhiều góp ý cụ thể để ThS. Hoàng Thanh Hương và nhóm nghiên cứu bổ sung, giới hạn, chỉnh sửa thực hiện đề tài đạt hiệu quả cao nhất và góp phần giải quyết được những vấn đề còn tồn tại trong thực hiện công tác dự báo.
Đề tài “Nghiên cứu xác định tiêu chí, chỉ số đánh giá chất lượng dịch vụ sự nghiệp công thực hiện đề tài khoa học và công nghệ của Bộ Tài nguyên và Môi trường” của ThS Trương Thị Hòa – Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường

ThS Trương Thị Hòa – Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường thuyết minh đề tài

Dịch vụ công bao gồm dịch vụ hành chính công và dịch vụ công cộng. Dịch vụ hành chính công liên quan đến việc phục vụ các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân và phục vụ hoạt động quản lý nhà nước, nên về cơ bản dịch vụ này do cơ quan nhà nước các cấp thực hiện. Còn dịch vụ công cộng là hoạt động phục vụ các nhu cầu chung thiết yếu của công dân (cá nhân, tổ chức) nên có thể do các cơ quan nhà nước thực hiện hoặc ủy nhiệm cho các tổ chức phi nhà nước. Chất lượng hàng hóa (hay dịch vụ) là toàn bộ những tính chất và đặc điểm của hàng hóa hoặc dịch vụ có liên quan đến khả năng thỏa mãn nhu cầu của khách hàng.
Đối với hầu hết các quốc gia, việc cung ứng dịch vụ công dựa trên nguyên tắc tất cả công dân được tiếp nhận bình đẳng các dịch vụ công. Nhà nước có trách nhiệm đảm bảo và giám sát tính hiệu quả trong cung ứng và tính công bằng trong thụ hưởng dịch vụ công. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển KT-XH, nhu cầu về dịch vụ công tăng nhanh dẫn đến tình trạng khoản phí cho các dịch vụ này vượt quá khả năng đáp ứng của ngân sách nhà nước.
Ở Việt Nam, hơn 15 năm qua, Nhà nước ta đã quan tâm nhiều đến việc cải thiện dịch vụ hành chính trong giải quyết mối quan hệ với tổ chức và công dân thông qua Chương trình tổng thể về cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, công khai, thuận tiện cho người dân.


Xây dựng được bộ chỉ số tiêu chí đánh giá chất lượng dịch vụ công sẽ góp phần làm căn cứ cho việc đánh giá kết quả nghiên cứu đề tài, giúp tư vấn tham mưu lãnh đạo vụ trong công tác quản lý khoa học công nghệ hiệu quả và bền vững. Xác định được đơn vị/cá nhân có năng lực thực hiện đề tài theo đúng trọng tâm nghiên cứu của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Trung tâm, Thông tin Tư vấn và Đào tạo