Ngày đăng:
16 | 05 | 2017
Ngày 16/5/2017, tại Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE), TS Mai Thanh Dung - Phó Viện trưởng ISPONRE chủ trì Hội đồng xét duyệt thuyết minh đề tài KH&CN cấp cơ sở năm 2017 “Nghiên cứu tác động của hợp tác kinh tế ASEAN đối với chính sách khai thác khoáng sản ở Việt Nam” của Nghiên cứu viên Nguyễn Hữu Đạt thuộc Ban Kinh tế Tài nguyên và Môi trường (ISPONRE). Thành viên Hội đồng là các nhà khoa học, chuyên gia đã và đang công tác trong lĩnh vực nghiên cứu liên quan đến vấn đề mà đề tài đưa ra.

TS Mai Thanh Dung - Phó Viện trưởng ISPONRE chủ trì Hội đồng
Tài nguyên thiên nhiên trong đó có tài nguyên khoáng sản có vai trò thiết yếu đối với con người, là nền tảng bàn đạp phát triển của kinh tế - xã hội, là hàng hóa đặc biệt, đảm bảo sự tiến bộ và công bằng ở mỗi quốc gia. Với hơn 5000 mỏ, điểm quặng của 60 loại khoáng sản khác nhau, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng về khoáng sản.

Nghiên cứu viên Nguyễn Hữu Đạt thuộc Ban Kinh tế Tài nguyên và Môi trường (ISPONRE)
Chủ nhiệm đề tài
Trước sự đòi hỏi và những nhu cầu ngày càng cao của phát triển kinh tế - xã hội đặc biệt trong bối cảnh hội nhập, với sự liên kết ngày càng chặt chẽ ảnh hưởng và tương tác nhiều hơn đến hoạt động khai thác nguồn tài nguyên. Sự tranh giành các nguồn tài nguyên thiên nhiên trên thế giới giữa các quốc gia và các vùng lãnh thổ đặc biệt là các loại tài nguyên khoảng sản, những nguồn lực có giá trị diễn ra ngày càng gay gắt, gây ra nhiều cuộc khủng hoảng dẫn đến các cuộc xung đột vũ trang, ảnh hưởng đến sự phát triển ổn định và hòa bình thế giới. Tham gia vào cộng đồng ASEAN trong đó có AEC với việc hợp tác trong khu vực nội khối sẽ trở nên toàn diện và gắn kết trên nhiều lĩnh vực sẽ đặt ra những yêu cầu mới cho công tác quản lý. Kế hoạch tổng thể AEC được các lãnh đạo ASEAN thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 13 tổ chức tại Singapore vào tháng 11/2007 đã đưa ra hướng dẫn để phát triển ASEAN trở thành một khu vực kinh tế cạnh tranh thông qua các hoạt động phát triển cơ sở hạ tầng trong lĩnh vực khoáng sản và năng lượng; đặc biệt chú trọng mở rộng thương mại, đầu tư, tăng cường hợp tác và nâng cao năng lực trong lĩnh vực địa chất và khoáng sản để phát triển ngành công nghiệp khai khoáng một cách bền vững về mặt xã hội và môi trường.
Những nghiên cứu về tác động của sự hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN đến chính sách khai thác khoáng sản ở Việt Nam vẫn là một vấn đề còn rất mới mẻ và chưa có các nghiên cứu chuyên sâu ở Việt Nam, mới chỉ xuất hiện và gợi mở ở một số báo cáo, bài báo, bài tham luận hội thảo… Tuy nhiên, có thể thấy những nghiên cứu trong nước liên quan trực tiếp hoặc nội hàm của tác động của sự hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN đến chính sách khai thác khoáng sản của Việt Nam tuy đã có nhưng chưa đi sâu làm rõ việc phân tích các cơ hội và thách thức đối với Việt Nam để đưa ra các giải pháp khuyến nghị quản lý phù hợp cho Việt Nam nhằm nâng cao hiệu quả từ quá trình hình thành Cộng đồng ASEAN nói chung và AEC nói riêng. Do vậy, việc thực hiện nhiệm vụ nói trên là cần thiết và có ý nghĩa thực tiễn.
Trung tâm Thông tin, Tư vấn và Đào tạo