Ngày đăng:
01 | 07 | 2017
Ngày 01/7/2017, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường tổ chức Hội thảo “Cơ sở khoa học và thực tiễn về lượng giá và quy trình kết chuyển các giá trị của tài nguyên và môi trường vào hệ thống tài khoản kinh tế - môi trường (SEEA)”, nhằm tham vấn các ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý về các vấn đề lý luận, thực tiễn và cách tiếp cận thực hiện đề tài. Đây là một trong những nội dung của đề tài KHCN cấp Nhà nước trong Chương trình KHCN về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và môi trường.
Biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và suy giảm đa dạng sinh học là những vấn đề lớn, mang tính toàn cầu, đã và đang làm thay đổi các hệ sinh thái tự nhiên, đời sống kinh tế - xã hội trên toàn thế giới, trở thành một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ XXI. Ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường có ý nghĩa sống còn, là những nhân tố quyết định đến sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia, dân tộc.

PGS.TS Nguyễn Thế Chinh - Viện trưởng chủ trì Hội thảo
Để hỗ trợ cho các nhà hoạch định, nhà quản lý quản lý giải quyết được các vấn đề tài nguyên và môi trường với phát triển kinh tế, trong những năm vừa qua rất nhiều công cụ hỗ trợ cho việc đưa ra các quyết định chính sách đã được nghiên cứu và phát triển trong những năm gần đây như: các công cụ kỹ thuật, các công cụ phân tích đánh đổi, các công cụ kinh tế... Đáng chú ý nhất là sự phát triển của các công cụ, kỹ thuật nhằm hỗ trợ quá trình đánh giá, đo lường các giá trị của TN&MT; và hệ thống hạch toán tài khoản quốc gia mới – tích hợp kinh tế với môi trường (SEEA) đã được Liên Hợp quốc phê chuẩn năm 2012 và đang được triển khai áp dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Việc thực hiện lượng giá và hạch toán tích hợp kinh tế - môi trường là rất phù hợp với các quan điểm và chủ trương, chính sách của Đảng như: trong Nghị quyết số 24/NQ-TW tại Hội nghị lần thứ 7 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XI và tiếp tục được khẳng định trong Văn Kiện Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XII của Đảng là “tài nguyên là tài sản quốc gia, là nguồn lực, nguồn vốn tự nhiên đặc biệt quan trọng để phát triển đất nước. Tài nguyên phải được đánh giá đầy đủ các giá trị, định giá, hạch toán trong nền kinh tế, được quản lý, bảo vệ chặt chẽ, khai thác, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả, bền vững, gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh tài nguyên...”.
Để thực hiện được hệ thống hạch toán mới SEEA này phụ thuộc rất nhiều vào thể chế, khả năng tiếp cận các dữ liệu của mỗi quốc gia và phải phù hợp với đặc trưng của từng dạng tài nguyên, môi trường. Đối chiếu với thực tiễn hiện nay cho thấy, việc thực hiện đề tài “Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn xác lập phương pháp lượng giá và quy trình kết chuyển các giá trị của tài nguyên và môi trường vào hệ thống hạch toán tài khoản quốc gia mới ở Việt Nam” là phù hợp, cần thiết.





Toàn cảnh Hội thảo
An Bình (Bài và ảnh)