
TS Chu Ngọc Kiên – Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Tài nguyên và Môi trường làm chủ nhiệm đề tài
Bộ Tài nguyên và Môi trường là Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực; thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước trên 09 lĩnh vực, bao gồm: đất đai; tài nguyên nước; tài nguyên khoáng sản, địa chất; môi trường; khí tượng thủy văn; biến đổi khí hậu; đo đạc và bản đồ; quản lý tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo, viễn thám. Đây là các lĩnh vực có tính phức tạp, nhạy cảm, liên quan trực tiếp đến quyền lợi của nhân dân, doanh nghiệp, tổ chức, có tác động lớn đến bảo đảm an ninh, quốc phòng, sự phát triển kinh tế, xã hội và sự phát triển bền vững của đất nước. Đây cũng là ngành điều tra cơ bản gắn liền với nghiên cứu, phát triển khoa học - công nghệ.
Về mặt tổ chức bộ máy, hiện nay, Bộ có 23 tổ chức giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước. Về đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường có khoảng 1.200 công chức đang công tác tại các đơn vị quản lý nhà nước và khoảng 11.000 viên chức, người lao động làm việc trong các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp. Đội ngũ công chức, viên chức của ngành tại địa phương có khoảng 33.600 người, trong đó, cấp tỉnh có: 12.600 người, cấp huyện có: 9.000 người và cấp xã có: 12.000 người; riêng công chức có khoảng 20.200 người, trong đó, cấp tỉnh có: 4.000 người, cấp huyện có: 5.200 người và cấp xã có: 11.000 người. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về tài nguyên môi trường vẫn còn thiếu về số lượng, chưa đáp ứng về chất lượng, cơ cấu đội ngũ cán bộ chưa phù hợp. Trình độ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức không đồng đều, nhất là ở địa phương; một số lĩnh vực có sự hụt hẫng về đội ngũ công chức, viên chức có trình độ cao, chuyên môn sâu; ở địa phương, đội ngũ công chức, viên chức về tài nguyên và môi trường, đặc biệt các lĩnh vực địa chất khoáng sản, tài nguyên nước, khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu đang thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, cơ cấu đội ngũ chưa hợp lý. Ngoài ra, phần lớn số công chức, viên chức được đào tạo về các chuyên ngành kỹ thuật, thiếu kỹ năng quản lý. Số công chức, viên chức, chuyên gia được đào tạo trình độ cao ở các nước tiên tiến trên thế giới trước đây đã nghỉ hưu hoặc chuẩn bị nghỉ hưu nhưng chưa có đủ đội ngũ chuẩn bị thay thế.

Hiện nay, công tác quản lý tài nguyên và môi trường vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế; nhiều lĩnh vực phát sinh những vấn đề “nóng”, phức tạp, gây bức xúc trong xã hội; một số cơ chế, chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường đã bộc lộ bất cập, chưa theo kịp và phù hợp với thực tiễn; cơ chế phối hợp giữa các đơn vị thuộc Bộ, giữa Bộ với các ban, bộ, ngành, địa phương liên quan còn thiếu đồng bộ, hiệu quả; tư duy về quản lý nhà nước trong một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chậm đổi mới.
Từ những vấn đề thực tiễn nêu trên đòi hỏi ngành tài nguyên môi trường phải có chiến lược phát triển phù hợp, có tầm nhìn, đánh giá đúng xu thế phát triển kinh tế - xã hội, đưa ra chiến lược phát triển lâu dài của ngành. Đó là kiện toàn tổ chức bộ máy, phát triển nguồn nhân lực quản lý môi trường thông qua đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực quản lý, trình độ chuyên môn, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật đảm bảo đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ quản lý nhà nước trong tình hình mới.
Do vậy, việc tổ chức thực hiện Đề tài “Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn, đề xuất giải pháp tăng cường năng lực đội ngũ công chức, viên chức ngành tài nguyên và môi trường đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” là rất cần thiết, có ý nghĩa thiết thực, đáp ứng được những đòi hỏi cả về phương diện lý luận và thực tiễn trong giai đoạn hiện nay để từng bước năng cao năng lực đội ngũ công chức, viên chức ngành tài nguyên và môi trường.
An Bình