Trong khuôn khổ hợp tác với Quỹ Hanns Seidel Foundation (HSF) của Cộng hòa Liên bang Đức, ngày 27/09/ 2017, tại Hà Nội, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE) tổ chức Hội thảo với chủ đề “Tiêu chí kinh tế xanh trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu: nhu cầu và khả năng áp dụng tại Việt Nam”. Bộ tiêu chí, chỉ số KTX áp dụng trong lĩnh vực quản lý tài nguyên và môi trường là một bộ chỉ số quan trọng cho Việt Nam. Bộ chỉ số không những giúp giám sát, đánh giá, phân hạng mức độ xanh của quốc gia mà còn làm đầu vào dữ liệu quan trọng trong việc lập kế hoạch, quy hoạch, phân bổ nguồn lực và cảnh báo sớm sự suy giảm tài nguyên và môi trường. Hội thảo do TS. Nguyễn Trung Thắng - Phó Viện trưởng ISPONRE chủ trì.

TS. Nguyễn Trung Thắng - Phó Viện trưởng ISPONRE phát biểu khai mạc Hội thảo

Toàn cảnh Hội thảo
Khái niệm “Kinh tế xanh” được chính thức đề cập lần đầu tiên bởi một nhóm các nhà kinh tế môi trường gồm David Pearce, Anil Markandya và Edward Barbier trong một báo cáo gửi chính phủ Anh năm 1989. Tới năm 2008, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu, UNEP đã nhắc lại khái niệm này và coi việc xây dựng nền kinh tế xanh là một lối thoát quan trọng để đưa các quốc gia ra khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế. Cho đến nay, định nghĩa của UNEP được coi là định nghĩa chính xác và đầy đủ nhất, cụ thể, kinh tế xanh là“nền kinh tế vừa mang lại hạnh phúc cho con người và công bằng xã hội, vừa giảm thiểu đáng kể các nguy cơ về môi trường và suy giảm sinh thái. Đó là nền kinh tế ít phát thải cacbon, sử dụng hiệu quả tài nguyên và đảm bảo công bằng xã hội” .
Theo cách hiểu phổ biến nhất, Tiêu chí là các yếu tố về tính chất, dấu hiệu đặc trưng để nhận biết, đo lường, phân loại hoặc kiểm tra, giám sát một sự vật, hiện tượng, quy trình cần đạt được phù hợp với mục đích đề ra. Mỗi tiêu chí có thể bao gồm một hoặc nhiều chỉ số đánh giá khác nhau. Và các Chỉ số là công cụ đo lường một khía cạnh cụ thể của tiêu chí, được thể hiện bằng con số, tỷ lệ, tỷ số, tỷ suất… Các chỉ số giúp đo lường và chỉ ra mức độ chất lượng đạt được của tiêu chí, hoặc để phản ánh những thay đổi, các chỉ số có thể mang tính định lượng và/hoặc định tính.
Về mặt phân loại chỉ số, có thể chia chỉ số thành 4 loại: chỉ số đo lường đầu vào, quá trình, đầu ra và kết quả. Chỉ số đầu vào đo lường các nguồn tài nguyên, cả về tự nhiên, kinh tế và con người, dành cho một chương trình hoặc hoạt động cụ thể (ví dụ, sản lượng gỗ được khai thác), hoặc thể hiện tính chất của các nhóm đối tượng mục tiêu (như Mức độ suy thoái đất nông nghiệp). Các chỉ số quá trình đo lường cách thức mà các hàng hoá và dịch vụ được cung cấp. Các chỉ số đầu ra đo lường chất lượng của hàng hoá và dịch vụ được cung cấp và hiệu quả của sản xuất (ví dụ Lượng nước thải được xử lý an toàn hay Hiệu suất sử dụng năng lượng). Chỉ số kết quả đo lường các thành quả đạt được rộng hơn thông qua việc cung cấp các hàng hoá và dịch vụ. Các chỉ số kết quả đo lường sự thay đổi một cách gián tiếp từ tác động của các can thiệp khác.

TS Nguyễn Trung Thắng - Phó Viện trưởng ISPONRE và Ông Moritz Michel - Phó trưởng đại diện Quỹ HSF tại Việt Nam chủ trì Hội thảo


PGS.TS Nguyễn Danh Sơn (Khoa Kinh tế học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam)

Ông Jiri Dusisk, Cố vấn kỹ thuật cao cấp, UNDP

TS Nguyễn Hoàng Nam, Nghiên cứu viên ISPONRE

ThS Nguyễn Thị Yến, Nghiên cứu viên ISPONRE






Các đại biểu thảo luận tại Hội thảo
Việt Nam sau 05 năm thực hiện các nỗ lực nhằm hướng đến nền kinh tế xanh đã có những thành tựu nhất định, bên cạnh những hạn chế, thiếu sót. Tuy nhiên, do thiếu một công cụ đánh giá định lượng về mức độ xanh của nền kinh tế dẫn đến việc khó khăn trong đánh giá lại các thành quả đạt được, hiệu quả của các chính sách kinh tế xanh. Vì vậy, một bộ tiêu chí, chỉ số kinh tế xanh toàn diện là điều hết sức quan trọng hiện nay.
An Bình