Ngày 1/8/2017, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường tổ chức Hội đồng Tư vấn cấp cơ sở tư vấn xét duyệt thuyết minh đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ Nghiên cứu, xây dựng Bộ Chỉ số đánh giá mức độ tác động của các dự án đầu tư phát triển đến hệ sinh thái rừng phục vụ công tác thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường do ThS Phan Thị Kim Oanh – Phó Trưởng ban Tổng hợp và Dự báo chiến lược (ISPONRE) làm chủ nhiệm. Việc đề xuất và hướng dẫn thực hiện Bộ Chỉ số đánh giá mức độ tác động của các dự án đầu tư phát triển đến hệ sinh thái rừng, phục vụ công tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, thực hiện theo Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

ThS Phan Thị Kim Oanh – Phó Trưởng ban Tổng hợp và Dự báo chiến lược - Chủ nhiệm đề tài
Rừng có vai trò rất quan trọng trong duy trì cân bằng sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế - xã hội. Căn cứ vào mục đích sử dụng, rừng được phân thành ba loại, bao gồm rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất. Mỗi loại rừng có các chức năng và đặc tính khác nhau, vì vậy yêu cầu về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng cũng khác nhau. Trong đó, rừng phòng hộ và rừng đặc dụng có các chức năng đặc biệt quan trọng trong bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn thiên nhiên, nguồn gen, bảo vệ di tích lịch sử, văn hoá, bảo vệ và chống xói mòn đất, duy trì nguồn nước... Chính vì vậy, chúng ta cần phải có những nhìn nhận, đánh giá đầy đủ để quản lý, bảo vệ nhằm đảm bảo duy trì những chức năng cơ bản của rừng, phục vụ cuộc sống của con người.
Qua nghiên cứu tổng quan tài liệu trong nước và quốc tế, có thể thấy nhiều nước trên thế giới đã quan tâm đến chất lượng công tác đánh giá báo cáo ĐTM, tuy nhiên hiện nay vẫn chưa có nghiên cứu nào về Bộ chỉ số đánh giá tác động của các dự án đầu tư phát triển đến hệ sinh thái rừng. Trên thực tế, Việt Nam chưa có căn cứ, tiêu chí kinh tế nào để xác định mức độ tác động của các dự án đầu tư phát triển tới hệ sinh thái rừng, nhằm làm cơ sở cho việc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Khi đánh giá tác động cần phải đặt dự án trong một bối cảnh tổng thể để đánh giá toàn diện các tác động trực tiếp, tác động gián tiếp, tác động tích lũy và tác động cộng dồn. Chúng ta cần phải xác định được các giá trị mà hệ sinh thái rừng mang lại và cố gắng đánh giá được giá trị kinh tế của hệ sinh thái đó để quy ra tiền. Tuy nhiên, những giá trị sử dụng gián tiếp như các dịch vụ điều tiết, dịch vụ văn hoá… hay các giá trị lựa chọn như giá trị chưa được biết đến của nguồn gen, các loài động vật hoang dã… rất khó định giá đúng. Chính vì vậy, đề tài sẽ cố gắng sử dụng nhiều phương pháp khác nhau để đánh giá tối đa các giá trị kinh tế của dịch vụ môi trường rừng, các giá trị không thể định lượng được sẽ đánh giá định tính và tiêu chuẩn hoá để quy ra cùng đơn vị. Bộ chi số đánh giá mức độ tác động của các dự án đầu tư phát triển chính là đánh giá được các giá trị mất đi của rừng. Vì vậy, Bộ chỉ số sẽ tập trung vào việc đánh giá mức độ những tổn thất, mất mát đối với các giá trị môi trường và dịch vụ môi trường rừng, bao gồm: giá trị phòng hộ đầu nguồn; giá trị bảo tồn đa dạng sinh học, giá trị hấp thụ các bon và điều hoà khí hậu; giá trị cảnh quan cho du lịch và giải trí; giá trị lựa chọn và tồn tại. Trong khi đó, tùy thuộc vào tính chất, loại hình dự án; vị trí triển khai dự án; đặc tính, thực trạng từng loại rừng; diện tích rừng bị mất... mà mức độ tác động của dự án đối với rừng khác nhau, vì thế mà mức độ tổn thất, mất mát đối với các giá trị môi trường và dịch vụ môi trường rừng trong từng trường hợp cũng khác nhau.

GS.TS Nguyễn Ngọc Lung - Phản biện 1

PGS.TS Nguyễn Danh Sơn - Phản biện 2
Hiện tại, Luật Bảo vệ môi trường 2014 và Nghị định 18/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược và kế hoạch bảo vệ môi trường đã quy định danh mục các dự án sử dụng đất rừng phải thực hiện ĐTM.
Nhu cầu sử dụng tài nguyên thiên nhiên cho quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa là rất lớn, nhiều dự án đầu tư phải sử dụng đất rừng và không thể tránh khỏi những tổn thất về rừng nói chung và rừng tự nhiên nói riêng. Thông tư số 27/2015/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và môi trường quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược và kế hoạch bảo vệ môi trường mới chỉ yêu cầu chung là trong nội dung báo cáo ĐTM phải có nội dung “Đánh giá tác động của hoạt động giải phóng mặt bằng (phát quang thảm thực vật, san lấp tạo mặt bằng và hoạt động khác)”, chưa có quy định pháp lý rõ ràng cũng như chưa có những tiêu chí, chỉ số cụ thể để trả lời câu hỏi “tổn hại ở mức độ nào là có thể chấp nhận?”. Sự thiếu rõ ràng này đã và đang gây khó khăn cho các chủ dự án trong việc thực hiện ĐTM cũng như cho cơ quan chức năng trong quá trình thẩm định, ra quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM.
Do vậy, việc nghiên cứu xây dựng bộ chỉ số đánh giá mức độ tác động đối với các dự án đầu tư phát triển đến hệ sinh thái rừng là rất cấp thiết.

An Bình