Đề tài “Nghiên cứu, xây dựng chương trình bồi dưỡng, tăng cường năng lực phân tích chính sách quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường” của ThS. Trịnh Thị Hải Yến – Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin, Tư vấn và Đào tạo (ISPONRE)

TS Nguyễn Thắng - Phó Viện trưởng ISPONRE (thứ 2 từ trái sang) chủ trì Hội đồng xét duyệt thuyết minh đề tài KH&CN cấp cơ sở năm 2017
Nhà nước quản lý xã hội thông qua công cụ chính sách. Các công ty, tổ chức phi chính phủ, các định chế quốc tế phát triển tổ chức của mình cũng thông qua chính sách. Chính vì vậy, có rất nhiều định nghĩa về khái niệm “chính sách”. Trong đề tài này, chúng tôi sử dụng khái niệm “chính sách” được định nghĩa trong Từ điển Bách khoa Việt Nam, đó là: “những chuẩn tắc cụ thể để thực hiện đường lối, nhiệm vụ; chính sách được thực hiện trong một thời gian nhất định, trên những lĩnh vực cụ thể nào đó. Bản chất, nội dung và phương hướng của chính sách tùy thuộc vào tính chất của đường lối, nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội… Muốn định ra chính sách đúng phải căn cứ vào tình hình thực tiễn trong từng lĩnh vực, từng giai đoạn, phải vừa giữ vững mục tiêu, phương hướng được xác định trong đường lối, nhiệm vụ chung, vừa linh hoạt vận dụng vào hoàn cảnh và điều kiện cụ thể”.
Trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, các công trình nghiên cứu về phân tích chính sách chưa nhiều. Ngoài ra,nhóm tác giả chưa thấy có công trình nghiên cứu nào hướng tới mục tiêu xây dựng một chương trình bồi dưỡng, tăng cường năng lực phân tích chính sách quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường cho đội ngũ nhân lực của ngành tài nguyên và môi trường.
Để đạt được các mục tiêu và nội dung nghiên cứu đã đề ra của đề tài thì việc vận dụng cả hai cách tiếp cận từ trên xuống (top down) và từ dưới lên (bottom up) sẽ góp phần giải quyết hài hòa giữa nhu cầu chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nâng cao năng lực quản lý, hoạch định chính sách, dự báo tác động chính sách cho các cán bộ công tác trong ngành TNMT và nhu cầu thực tiễn về nâng cao trình độ, hiểu biết liên quan đến phân tích chính sách TNMT của các cán bộ làm công tác hoạch định chính sách nhằm hiểu đúng, thực thi đúng và giải thích đúng chính sách, từ đó góp phần giảm thiểu những hậu quả tiêu cực và tạo nên đồng thuận trong xã hội.

ThS. Trịnh Thị Hải Yến – Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin, Tư vấn và Đào tạo (ISPONRE) thuyết minh đề tài
Các vấn đề về tài nguyên và môi trường đều có sự liên quan và tác động đa ngành, đa lĩnh vực, nên cách tiếp cận liên ngành cũng được áp dụng xuyên suốt trong toàn bộ quá trình nghiên cứu đề tài. Ngoài ra, đề tài cũng nghiên cứu một cách toàn diện, có hệ thống về chính sách công và phân tích chính sách công, chương trình đào tạo và bồi dưỡng về phân tích chính sách công, chính sách quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường ở trong và ngoài nước, từ đó xây dựng Dự thảo Khung chương trình bồi dưỡng, nâng cao năng lực phân tích chính sách quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Đề tài “Nghiên cứu, xây dựng Khung định hướng Chiến lược tuyên truyền, nâng cao nhận thức về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu” của Nghiên cứu viên Phạm Kim Long - Trung tâm Thông tin, Tư vấn và Đào tạo (ISPONRE)

Nghiên cứu viên Phạm Kim Long - Trung tâm Thông tin, Tư vấn và Đào tạo (ISPONRE) thuyết minh đề tài
Hoạt động tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức của xã hội nói chung và nâng cao nhận thức về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu nói riêng diễn ra thường xuyên tại phần lớn các quốc gia dưới nhiều hình thức và phương tiện khác nhau, tuy nhiên những nghiên cứu về nội dung này lại không phong phú như những hoạt động diễn ra trên thực tế. Trong quá trình nghiên cứu, nhóm thực hiện chỉ phát hiện ra một số ít công trình nghiên cứu liên quan đến tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thời gian qua, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường cũng đã đạt được những kết quả nhất định. Các Bộ, ngành đã triển khai thực hiện công tác tuyên truyền dưới nhiều hình thức phong phú, sáng tạo, điển hình là: cuộc thi ý tưởng sáng tạo mô hình sinh thái đa mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu (phòng chống giảm nhẹ thiên tai, sử dụng hiệu quả tài nguyên, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường); làm phim tài liệu truyền hình, xây dựng chuyên mục điểm trên báo in, phát thanh, truyền hình. Đặc biệt, đến nay Chương trình biên soạn tài liệu lồng ghép, tích hợp các nội dung giáo dục về biến đổi khí hậu và ứng phó với biến đổi khí hậu vào các môn học chính khóa của cấp học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, các trường trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng hiện đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai xây dựng.
Ở nhiều địa phương đã thực hiện các hoạt động tuyên truyền phổ biến kiến thức về biến đổi khí hậu nhân dịp tổ chức Giờ Trái đất, Ngày khí tượng và nước thế giới, Ngày môi trường thế giới. Các chủ trương, giải pháp của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về bảo vệ tài nguyên đã được tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng đến toàn thể nhân dân.

Đề xuất xây dựng Khung định hướng Chiến lược tuyên truyền, nâng cao nhận thức về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm nâng cao hiểu biết và tạo ra đồng thuận xã hội về những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của nhà nước, các điều ước quốc tế Việt Nam đã ký kết về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường nhằm: Xác định rõ vai trò quan trọng của công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong việc tạo ra đồng thuận xã hội về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường hiện nay ở nước ta; Xây dựng Khung định hướng Chiến lược tuyên truyền, nâng cao nhận thức về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Chính vì vậy việc thực hiện nhiệm vụ “Nghiên cứu, xây dựng Khung định hướng Chiến lược tuyên truyền, nâng cao nhận thức về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu” là hết sức cấp thiết cả về mặt lý luận và thực tiễn.
Trung tâm, Thông tin Tư vấn và Đào tạo