Đề tài “Nghiên cứu cơ sở lý luận và kinh nghiệm quốc tế nhằm đề xuất áp dụng thực hiện 3Rs (Recharge, Retention and Reuse: Bổ sung, Duy trì và Tái sử dụng) trong quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên nước ở Việt Nam” – ThS Nguyễn Thị Mỹ Hạnh – Ban Khoáng sản và Tài nguyên Nước (ISPONRE)

ThS Nguyễn Thị Mỹ Hạnh – Ban Khoáng sản và Tài nguyên Nước (ISPONRE) thuyết minh đề tài
Cơ quan Quản lý nước Bắc Floria (Mỹ) đã có các chính sách về bảo tồn nước, trong đó, 3Rs được coi là một công cụ trong quản lý và sử dụng nước và được phục vụ cho các mục đích khác nhau như: (i) hộ gia đình; (ii) phát triển mới như bổ sung nước cho các cảnh quan thông quan các đường ống dẫn nước được tái chế từ quận Walton bổ sung cho vịnh Choctawhatchee, hay trước nhu cầu đặt ra nhà máy xử lý nước thải mới được xây dựng tại quận Lion của bang này; (iii) bổ sung nước phục vụ cho tưới tiêu trong nông nghiệp; (iv) sản xuất công nghiệp và kinh doanh.
Tại Diễn đàn 3Rs lần thứ 6 khu vực Châu Á và Thái Bình Dương từ 16-19/8 năm 2015, Bộ Năng lượng và Môi trường, Bộ Du lịch của Maldives và Bộ Môi trường Nhật Bản đã báo cáo về 3Rs trong an ninh nguồn nước. Trong đó, nhấn mạnh an ninh nguồn nước và phát triển bền vững, thách thức trong an nình nước sạch cho cuộc sống, cũng như tái chế, tái sử dụng nước thải và cách thức bổ sung nước cho các ngành/đối tượng sử dụng nước và vai trò quan trọng của khoa học công nghệ tái chế, tái sử dụng. Báo cáo tại Diễn đàn cũng đánh giá việc áp dụng thực hiện 3Rs là một trong những giải pháp cần thiết và cấp bách trong bối cảnh an ninh nguồn nước hiện tại và tương lai.
Có thể nhận thấy, an ninh nguồn nước Việt Nam đang chịu sức ép rất lớn từ những thách thức mang tính khách quan và chủ quan. Nước là yếu tố cơ bản không thể thiếu trong việc duy trì sự sống và mọi hoạt động của con người. Việc đáp ứng nhu cầu về nước đảm bảo cả về chất lượng và số lượng là một điều kiện tiên quyết để phát triển bền vững. Do đó, để phát triển bền vững, Việt Nam bắt buộc phải thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm bảo vệ tài nguyên nước. Đối với những vùng khan hiếm nước, giải pháp quan trọng được các nhà khoa học và cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước đưa ra là: bảo đảm duy trì dòng chảy tối thiểu cho các con sông; bổ cập nước ngầm; tái sử dụng nước thải (coi nước thải là một nguồn nước tiềm năng cần đưa vào khai thác, sử dụng). Trong vài năm trở lại đây, hệ thống pháp lý và các cơ chế quản lý tài nguyên nước của Việt Nam cũng đã quan tâm đến các giải pháp nêu trên (các giải pháp đã được quy định trong các Nghị định và Luật Tài nguyên nước). Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện các giải pháp trên còn gặp rất nhiều vướng mắc, từ cơ chế chính sách đến kỹ thuật, công nghệ áp dụng. Hiện các công trình nghiên cứu phần lớn tập trung vào một trong ba nội dung chính của 3Rs là tái sử dụng nước thải. Cách nghiên cứu mới chỉ trên quy mô thử nghiệm, chưa được áp dụng rộng rãi, gặp rất nhiều khó khăn khi đưa vào thực hiện trong thực tiễn.

Như vậy, xuất phát từ điều kiện và nhu cầu về tài nguyên nước Việt Nam, nhóm tác giả nhận thấy việc nghiên cứu sâu hơn và học hỏi kinh nghiệm quốc tế từ các quốc gia và các tổ chức trên thế giới về sáng kiến 3Rs (Recharge, Retention and Reuse: Bổ sung, Duy trì và Tái sử dụng) từ đó rút ra bài học trong quản lý, khai thác và sử dụng nước cho Việt Nam là hoàn toàn phù hợp, có tính khả thi và cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Đề tài “Nghiên cứu các luận cứ khoa học của cơ chế liên kết địa phương trong sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu” ThS Nguyễn Thị Lý – Ban Đất đai (ISPONRE)

Sau hơn 30 năm Đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế, tăng trưởng đạt mức cao trong thời gian dài, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, nhiều khu công nghiệp được hình thành, cơ cấu đã có những bước chuyển dịch cơ bản và tích cực... Tuy vậy, Việt Nam vẫn phải đương đầu với nhiều thách thức, nhất là thách thức trong vấn đề khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường. Nhìn nhận được vấn đề đó, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã có những chủ trương kịp thời để giải quyết những vấn đề cấp bách về tài nguyên và môi trường. Tuy nhiên, việc triển khai, thực hiện và thực thi chính sách tại các địa phương là độc lập nhau trong sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, do vậy hiệu quả còn chưa cao, chưa giải quyết triệt để các vấn đề hiện tại. Bên cạnh đó, trong thời gian qua, công tác ứng phó với biến đổi khí hậu còn bị động, lúng túng. Sự chênh lệch mức độ phát triển giữa các vùng tiếp tục gia tăng, với đặc điểm địa lý – xã hội của Việt Nam, tác động của biến đổi khí hậu cũng rất đa dạng theo từng khu vực, vùng, miền. Trong khi đó, tồn tại các đặc thù mô hình sản xuất, hoạt động kinh tế và sinh kế theo địa phương là khá rõ, nhưng quy mô, phạm vi ảnh hưởng của biến đổi khí hậu sẽ vượt quá khả năng ứng phó độc lập của từng địa phương riêng lẻ.
Một trong những nguyên nhân quan trọng của các hạn chế trên là công tác quản lý nhà nước và việc phân công, phân cấp, phối hợp giữa các bộ, ban, ngành, địa phương còn thiếu chặt chẽ. Đặc biệt, mối quan hệ giữa các địa phương trong vùng và ngoài vùng còn chưa được quan tâm một cách thỏa đáng... Các địa phương hầu như độc lập triển khai các hoạt động ứng phó trong phạm vi địa phương mình. Chính sách vùng của Việt Nam chưa được quan tâm đúng mức nên việc liên kết phát triển giữa các địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Vấn đề hợp tác, liên kết giữa các địa phương trong mỗi vùng và giữa các vùng trong quản lý bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai vẫn còn là vấn đề bỏ ngỏ, các thể chế, chính sách liên kết cũng như hệ thống giải pháp và các hình thức tổ chức quản lý trên phương diện vùng và liên vùng chưa được quan tâm nghiên cứu nhiều. Việc thiếu liên kết giữa các địa phương không những làm lãng phí nguồn lực mà thậm chí còn xuất hiện hiện tượng chính sách của địa phương này có thể làm triệt tiêu chính sách của địa phương lân cận. Vì vậy sự liên kết, phối hợp giữa các địa phương và vùng miền là rất cần thiết trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam.
Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường là cơ quan trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, một trong những chức năng, nhiệm vụ của Viện là “Nghiên cứu, đề xuất việc kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước ngành tài nguyên và môi trường; cơ chế phối hợp liên ngành, liên vùng; cơ chế giải quyết tranh chấp, xung đột; cơ chế huy động và sử dụng nguồn lực để quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường” (trích Quyết định 2468/QĐ-BTNMT ngày 09/12/2013) và là đơn vị được giao xây dựng Đề án thuộc Chương trình số 28-CTr/BCSĐTNMT.

ThS Nguyễn Thị Lý – Ban Đất đai (ISPONRE) lắng nghe những góp ý xây dựng đề tài của hội đồng
Để xác lập được các luận cứ khoa học cơ bản của cơ chế liên kết địa phương trong sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm góp phần thực hiện nhiệm vụ “Tăng cường liên kết giữa các địa phương, vùng trong sử dụng hiệu quả tài nguyên bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu” của Nghị quyết số 63/NĐ-CP ngày 22 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ, việc thực hiện Nghiên cứu các luận cứ khoa học của cơ chế liên kết địa phương trong sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu là cần thiết.
Trung tâm, Thông tin Tư vấn và Đào tạo