TIN TỨC-SỰ KIỆN

Thông báo kết quả nghiên cứu tính chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2009

Ngày đăng: 14 | 07 | 2009

Trong nhiều năm qua, để đánh giá tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp hàng tháng, Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tính toán và công bố chỉ tiêu “Giá trị sản xuất công nghiệp theo giá cố định”

(viết tắt là GTSXCN giá CĐ) và đã đạt được kết quả nhất định trong việc cung cấp những thông tin nhanh phục vụ cho Đảng, Nhà nước, các nhà nghiên cứu hoạch định chủ trương, chính sách phát triển ngành công nghiệp một cách kịp thời. Vì chỉ tiêu GTSXCN giá CĐ được nghiên cứu, thu thập thông tin và áp dụng tính toán trong nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, nên đến nay không còn phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và so sánh quốc tế.
Với sự hỗ trợ kỹ thuật của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI), Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nghiên cứu khái niệm, nguồn thông tin và phương pháp tính chỉ tiêu “Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp” (viết tắt là chỉ số IIP) để thay thế chỉ tiêu GTSXCN giá CĐ trong những năm tới.
Ngày 31/12/2008, tại Hội nghị họp báo công bố số liệu về tình hình kinh tế - xã hội cả năm 2008, Tổng cục Thống kê đã giới thiệu kết quả nghiên cứu tính toán dãy số liệu về chỉ số IIP của hai năm 2007 và 2008. Từ tháng 1 năm 2009, trong quá trình tính toán chỉ số IIP, Tổng cục Thống kê đồng thời thu thập thông tin và tính “chỉ số tồn kho” của các sản phẩm công nghiệp chủ yếu.
Ngày 01/7/2009, tại Hội nghị họp báo công bố tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2009, Tổng cục Thống kê tiếp tục giới thiệu kết quả tính chỉ số IIP và giới thiệu thêm chỉ số tồn kho của 6 tháng đầu năm 2009 - Một chỉ tiêu thống kê quan trọng. Chỉ số tồn kho cùng với chỉ số IIP và chỉ số tiêu thụ phản ánh chu trình sản xuất, tiêu thụ và tồn kho của hoạt động sản xuất công nghiệp, cung cấp bức tranh toàn diện hơn và cũng là chỉ tiêu kinh tế nhằm dự báo hoạt động sản xuất trong thời kỳ tiếp theo của nền kinh tế.
 1. Kết quả sản xuất công nghiệp qua chỉ số IIP 6 tháng đầu năm 2009
Tốc độ tăng trưởng sản xuất quí I năm 2009 so với cùng kỳ năm trước của toàn bộ khu vực công nghiệp tính theo chỉ số IIP tăng ở mức thấp 1,5%. Trong toàn ngành công nghiệp, công nghiệp khai thác (chiếm 30,7% giá trị tăng thêm) tăng cao nhất với 7,7%; công nghiệp điện, ga, nước (chiếm 9,1% giá trị tăng thêm) tăng 3,4%; trong khi đó ngành công nghiệp chế biến chiếm 60,2% giá trị tăng thêm) lại giảm 1,6%.
Sản xuất công nghiệp đã tăng khá nhanh trong quý II năm 2009, làm cho tốc độ tăng của ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm đạt mức 4,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, công nghiệp khai thác tăng 10,4% (do dầu thô khai thác tăng gần 18%); công nghiệp chế biến đã phục hồi và có tăng trưởng dương đạt mức 1,5%; ngành điện, ga và nước tăng 6,7%.
Một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có quy mô sản xuất công nghiệp khá lớn có tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước cao hơn tốc độ tăng chung cả nước như: Thanh Hóa tăng 8,2%; Thừa Thiên Huế tăng 10%; Khánh Hòa tăng 6,2%; và đặc biệt là Bà Rịa Vũng Tàu tăng 12,3% (do dầu thô khai thác tăng nhanh). Ngược lại, có nhiều tỉnh, thành phố có quy mô sản xuất công nghiệp lớn, nhưng 6 tháng đầu năm 2009 tăng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ năm trước như: Vĩnh Phúc giảm 13,5% (do công nghiệp lắp ráp ô tô, xe máy giảm mạnh); Đà Nẵng giảm 4,7%; TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội chỉ tăng thấp ở mức 0,4% và 2,7%.
Trong 6 tháng đầu năm 2009, sản xuất công nghiệp có tốc độ tăng trưởng tháng sau cao hơn tháng trước. Đây là tín hiệu tốt, cho thấy ngành công nghiệp nước ta đang dần phục hồi, đi vào phát triển ổn định để vượt qua thời kỳ khó khăn, suy giảm chung hiện nay. Điều này được thể hiện qua thông tin về chỉ số tồn kho của ngành giảm dần qua các tháng trong năm. Chỉ số tồn kho chung của ngành công nghiệp chế biến tại thời điểm 01 hàng tháng kể từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2009 so với cùng kỳ 2008 giảm dần là: 170,7%; 170,5%; 164,6%; 152,4%; 137,6%; và 134,6%.
 2. So sánh tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp qua chỉ tiêu giá trị sản xuất theo giá cố định và chỉ số IIP của 6 tháng đầu năm 2009
Kết quả số liệu tính tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp quí I và 6 tháng đầu năm 2009 theo chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp và chỉ số GTSXCN theo giá CĐ cho thấy, tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp quí I và 6 tháng so với cùng kỳ năm trước tính theo IIP là 1,5% và 4,5%, trong khi đó tốc độ tăng tính theo GTSXCN giá CĐ là 2,5% và 4,8%.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc chỉ số GTSXCN giá CĐ tăng cao hơn chỉ số IIP là do GTSXCN giá CĐ là chỉ tiêu tính toàn bộ kết quả sản xuất, bao gồm các yếu tố chi phí trung gian (chủ yếu là nguyên, nhiên vật liệu, phụ tùng) và giá trị tăng thêm, do vậy chỉ tiêu này có sự tính trùng kết quả của các ngành công nghiệp. Khi sản xuất công nghiệp càng phát triển, mức độ chuyên môn hóa sản xuất trong nền kinh tế càng cao thì mức độ tính trùng càng lớn. Trong khi đó, chỉ số IIP sử dụng quyền số là giá trị tăng thêm nên đã giảm thiểu mức độ tính trùng kết quả sản xuất giữa các ngành công nghiệp. Hiện nay ngành công nghiệp của nước ta đang phát triển theo hướng tăng nhanh các ngành có tỷ lệ chi phí trung gian cao, giá trị tăng thêm thấp như: Lắp ráp ô tô, xe máy, đồ dùng gia đình (Tivi, tủ lạnh, máy giặt, điều hòa,…), đóng tàu, chế biến thực phẩm, đồ uống, may gia công, sản xuất các sản phẩm bằng kim loại nên mức độ tính trùng lại càng lớn.
Chỉ tiêu GTSXCN giá CĐ được tính bằng cách lấy khối lượng sản phẩm sản xuất của thời kỳ tính toán nhân với đơn giá của sản phẩm đó của năm gốc (năm 1994). Với cách tính này, nhiều sản phẩm mới xuất hiện trong nền kinh tế nhưng không có giá của năm gốc, vì vậy việc tính toán không loại trừ hết được yếu tố tăng giá, dẫn tới chỉ tiêu GTSXCN giá CĐ thường tính cao hơn so với thực tế. Điều này cho thấy, chỉ số tăng trưởng công nghiệp tính theo GTSXCN giá CĐ kém sát thực hơn so với chỉ số IIP.
Tổng cục Thống kê tính toán chỉ số IIP sẽ cung cấp cho đông đảo người sử dụng các thông tin phong phú hơn, chi tiết và đa dạng hơn theo ngành kinh tế, theo sản phẩm/mặt hàng về kết quả sản xuất công nghiệp hàng tháng. Chỉ số IIP tổng hợp tới ngành chi tiết cấp 4 với gần 200 sản phẩm/mặt hàng có giá trị lớn nhất của ngành công nghiệp, trong khi chỉ số GTSXCN giá CĐ hàng tháng không tổng hợp được theo ngành, hàng quí chỉ  tổng hợp tới ngành cấp I.
Tổng cục Thống kê áp dụng phương pháp tính chỉ số IIP theo chuẩn mực quốc tế nên đảm bảo tính so sánh về kết quả sản xuất công nghiệp với các nước trong khu vực và trên thế giới. Đồng thời, quá trình thu thập thông tin tính chỉ số IIP cho phép tính chỉ số tiêu thụ và chỉ số tồn kho, với bộ 3 chỉ số này sẽ cung cấp thông tin khá đầy đủ để đánh giá toàn diện hơn chu kỳ và xu hướng sản xuất - tiêu thụ - tồn kho của ngành công nghiệp.
Hiện nay, chỉ tiêu GTSXCN giá CĐ là chỉ tiêu pháp lệnh, được dùng trong xây dựng kế hoạch phát triển ngành công nghiệp của nước ta thời kỳ 2006-2010. Từ nay đến hết năm 2010, Tổng cục Thống kê tiếp tục tính chỉ tiêu GTSXCN giá CĐ dùng để đánh giá kết quả sản xuất hằng tháng và đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch năm và thời kỳ 2006-2010, đồng thời cũng tính và công bố chỉ số IIP như một chỉ tiêu tham khảo. Từ năm 2010, Tổng cục Thống kê sẽ tính và công bố để tham khảo thêm hai chỉ tiêu mới hàng quí là “Chỉ số tiêu thụ” và “Chỉ số tồn kho” ngành công nghiệp. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ra quyết định sử dụng chỉ số IIP thay thế chỉ tiêu GTSXCN giá CĐ từ năm 2011 trở đi./.

Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

NỘI DUNG KHÁC

Bộ TN&MT họp báo thường kỳ, Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Văn Đức:Sẽ có họp báo chuyên đề về đất đai, môi trường, khí tượng thủy văn..

16-7-2009

Gần hai giờ họp báo vào sáng 14/7 của Bộ TN&MT, do Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Văn Đức chủ trì đã có nhiều thông tin về kết quả thực hiện nhiệm vụ của ngành trong 6 tháng đầu năm, kế hoạch 6 tháng cuối năm và một số câu hỏi của phóng viên được giải đáp.

Sớm đưa các kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ áp dụng vào thực tiễn

16-7-2009

Từ đầu năm đến nay, các hoạt động quản lý Nhà nước về khoa học và công nghệ (KH&CN) của các đơn vị thuộc Bộ TN&MT đã triển khai đồng bộ. 49/49 đề tài KH&CN đã tổ chức triển khai thực hiện, phê duyệt thuyết minh và ký hợp đồng; 24 đề tài chuyển tiếp đã hoàn thành nghiệm thu đánh giá.

Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường tổ chức Hội nghị sơ kết thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và kế hoạch nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2009

17-7-2009

Sáng ngày 14 tháng 7 năm 2009, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE) đã tổ chức Hội nghị sơ kết thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2009. Viện trưởng Nguyễn Văn Tài đã chủ trì Hội nghị sơ kết.

Khung hướng dẫn xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010

19-7-2009

Thực hiện Chỉ thị số 756/CT-TTg ngày 05 tháng 6 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2010. Bộ Kế hoạch và Đầu tư xin thông báo về Khung hướng dẫn xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010.

Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Văn Đức: Các đề án, dự án mở mới hướng tới giải quyết vấn đề cấp thiết

20-7-2009

Từ nay đến cuối tháng 7, các đơn vị cần hoàn thành việc xây dựng kế hoạch 2010 và định hướng kế hoạch 2011-2015. Các đề án, dự án mở mới cần hướng tới giải quyết vấn đề cấp thiết trong quản lý Nhà nước về TN&MT. Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Văn Đức yêu cầu các đơn vị tại cuộc họp giao ban ngày 20/7.

Kết quả kiểm kê quỹ đất năm 2008 của các tổ chức đang quản lý, sử dụng được Nhà nước giao đất, cho thuê đất theo Chỉ thị 31 của Thủ tướng Chính phủ: Bài 1: Hơn 250.000 ha đất bị bỏ hoang hóa

20-7-2009

“Tính đến 1/4/2008, cả nước có 144.485 tổ chức đang quản lý, sử dụng đất được Nhà nước giao, cho thuê, trong đó có 141.812 tổ chức sử dụng đúng mục đích được giao, được thuê với diện tích 7.148.536,47 ha, chiếm 91,26%; 3.311 tổ chức sử dụng không đúng mục đích được giao, được thuê với diện tích 25.587,82ha, ngoài ra còn cho thuê, cho mượn, chuyển nhượng trái phép...”.

Công nghệ xử lý chất thải vật nuôi bằng hầm biogas

21-7-2009

Dự án Quản lý chất thải vật nuôi ở Đông Á (Livestock Waste Management in East Asia Project - LWMEA) do Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF) tài trợ thông qua Ngân hàng Thế giới. Ở Việt Nam, LWMEA được giao cho Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện từ tháng 9 năm 2006 đến tháng 6 năm 2010.

Xây dựng kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015

21-7-2009

Định hướng phát triển, đồng thời nhiệm vụ chủ yếu của kế hoạch là phấn đấu GDP bình quân 5 năm 2011-2015 tăng 7-8% mỗi năm.

Kết quả kiểm kê quỹ đất năm 2008 của các tổ chức đang quản lý sử dụng được Nhà nước giao đất, cho thuê đất theo Chỉ thị 31 của Thủ tướng Chính phủ: Bài 2: Phát hiện nhiều trường hợp “vênh” diện tích giữa quyết định giao và giấy chứng nhận quyền sử dụ

22-7-2009

Qua kiểm kê, cụ thể là tình hình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức, đã phát hiện nhiều trường hợp các tổ chức được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng hiện đang có sự chênh lệch diện tích giữa quyết định giao, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và hiện trạng đang sử dụng đất. Mặt khác, tiến độ cấp giấy chứng nhận cho các tổ chức nhìn chung còn chậm, mới chỉ đạt gần 40% diện tích cần cấp.

Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt "Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025

22-7-2009

Ngày 20/7/2009, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã ký Quyết định số 1030/QĐ-TTg Phê duyệt  “Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025.

Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển: Cần xây dựng cụ thể hơn những mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia khai thác, sử dụng bền vững và bảo vệ tài nguyên nước

22-7-2009

“Sau 10 năm nữa, nguồn tài nguyên nước của Việt Nam sẽ ra sao, cần làm gì để quản lý, khai thác và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên quý giá này. Những điều này phụ thuộc rất lớn vào việc xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia khai thác, sử dụng bền vững và bảo vệ tài nguyên nước của chúng ta”, Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển chủ trì Hội thảo “Xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia khai thác, sử dụng bền vững và bảo vệ tài nguyên nước” (dự thảo lần 2) đã đặt vấn đề như vậy. Hội thảo do Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ngân hàng châu Á và Đại sứ quán Hà Lan tổ chức ngày 22/7 tại Hà Nội.

Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đa dạng sinh học

23-7-2009

Thực hiện Quyết định số 95/QĐ-BTNMT ngày 20 tháng 1 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc phê duyệt Chương trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2009 thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường được giao nhiệm vụ soạn thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đa dạng sinh học