Ngày đăng:
20 | 07 | 2009
“Tính đến 1/4/2008, cả nước có 144.485 tổ chức đang quản lý, sử dụng đất được Nhà nước giao, cho thuê, trong đó có 141.812 tổ chức sử dụng đúng mục đích được giao, được thuê với diện tích 7.148.536,47 ha, chiếm 91,26%; 3.311 tổ chức sử dụng không đúng mục đích được giao, được thuê với diện tích 25.587,82ha, ngoài ra còn cho thuê, cho mượn, chuyển nhượng trái phép...”.
Đây là kết quả kiểm kê quỹ đất năm 2008 của các tổ chức đang quản lý, sử dụng được Nhà nước giao đất, cho thuê đất theo Chỉ thị 31 của Thủ tướng Chính phủ, vừa được Bộ TN&MT báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Việc kiểm kê đã xác định rõ diện tích đất mà các tổ chức đang quản lý, sử dụng; diện tích đất lấn chiếm, diện tích bị lấn chiếm; diện tích sử dụng sai mục đích; diện tích đất chuyển nhượng, cho thuê trái phép; diện tích đất chưa đưa vào sử dụng. Đây chính là số liệu quan trọng để đánh giá đúng thực trạng tình hình và đề xuất các biện pháp quản lý sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả đối với quỹ đất đã giao cho các tổ chức sử dụng.
Theo đó, trên 90% các loại hình tổ chức sử dụng đất đúng mục đích, đạt hiệu quả trong sử dụng. 6 vùng có tỷ lệ đạt trên 90% là Tây Bắc, Đông Bắc, đồng bằng sông Hồng, duyên hải Nam Trung Bộ, Tây nguyên và đồng bằng Cửu Long. 2 vùng đạt tỷ lệ thấp là Đông Nam Bộ và Bắc Trung Bộ.
Tình trạng sử dụng vào mục đích khác hay còn gọi là sử dụng không đúng mục đích được giao, được thuê xảy ra ở hầu hết các loại hình tổ chức, trong đó chủ yếu là các tổ chức sử dụng đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp với 1.527 tổ chức trên diện tích 21.499,68 ha, chiếm 84,02%. Có 1.828 tổ chức sử dụng làm nhà ở với diện tích 4.088,24 ha, trong đó phần lớn là xây nhà cho cán bộ công nhân viên.
Có 1.205 tổ chức sử dụng đất cho thuê trái phép với diện tích 2.918,65 ha, tập trung lớn nhất ở vùng đồng bằng sông Cửu Long với 271 tổ chức trên diện tích 1.756,59 ha, sau đó tới vùng Đông Bắc, vùng Đông Nam Bộ. Cho thuê trái phép xảy ra ít nhất ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên.
Có 1.647 tổ chức sử dụng đất để cho mượn với diện tích cho mượn 6.740,76 ha, tập trung lớn nhất ở vùng Đông Bắc với 653 tổ chức, rồi tới vùng đồng bằng sông Cửu Long với 478 tổ chức, vùng Đông Nam Bộ 141 tổ chức. 188 tổ chức sử dụng đất chuyển nhượng trái phép với 375,28 ha đất chuyển nhượng trái phép. Trong đó tập trung chủ yếu tại vùng đồng bằng sông Cửu Long với 43 tổ chức và diện tích chuyển nhượng trái phép là 163,79 ha, tập trung nhiều nhất tại Long An với diện tích 97,72 ha, Kiên Giang với diện tích 55,7 ha.
Tổng diện tích để bị lấn chiếm là 254.033,19 ha do 3.915 tổ chức đang quản lý. Trong đó 397 tổ chức là cơ quan Nhà nước, 34 tổ chức chính trị, 22 tổ chức xã hội, 25 tổ chức chính trị xã hội, 14 tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp. Đông nhất phải kể tới 1.458 tổ chức sự nghiệp công, 965 tổ chức kinh tế, 712 UBND xã...
Theo Tổng cục Quản lý Đất đai, diện tích đất bị lấn chiếm có nguyên nhân chủ yếu là do tình trạng sử dụng không hiệu quả, sử dụng chưa hết diện tích được giao, quản lý lỏng lẻo ở hầu hết các loại hình tổ chức, trong đó tập trung chủ yếu ở loại hình tổ chức sự nghiệp công, UBND xã, tổ chức kinh tế, quốc phòng, an ninh, nông, lâm trường. Thiếu kiểm tra thường xuyên, chưa quan tâm đến việc lập hồ sơ và lưu giữ đầy đủ các giấy tờ để theo dõi, quản lý nên không quản lý được mốc ranh khu đất đã được giao, chưa xây dựng tường rào hoặc cắm mốc giới để phân định với đất của dân, của các tổ chức khác.
Mặt khác, thời gian giao đất trước đây đã quá lâu, thủ tục không đầy đủ, thay đổi thủ trưởng đơn vị nhiều lần và không bàn giao cho người sau để tiếp tục quản lý..., nên trong suốt quá trình sử dụng đất để cho người dân hoặc tổ chức lấn, chiếm. Cá biệt có tổ chức không biết ranh giới đất của đơn vị mình, nên khi kiểm kê hiện trạng rất khó khăn, phải mất nhiều thời gian mới xác định được diện tích đất được giao.
Đất do các nông, lâm trường quản lý bị lấn chiếm, có nguyên nhân khách quan là do diện tích lớn, lại thường ở khu vực vùng sâu vùng xa đi lại khó khăn trong khi lực lượng cán bộ công tác tại các nông lâm trường lại mỏng, trong địa bàn quản lý có dân cư sinh sống xen kẽ. Về chủ quan, các cấp chính quyền địa phương, Ban quản lý nông, lâm trường và cán bộ quản lý tại đây thiếu tính chủ động, làm ngơ trước tình trạng lấn chiếm của người dân địa phương.
Đất của các tổ chức đang có tranh chấp, lấn chiếm cũng là vấn đề đáng quan tâm bởi có diện tích không nhỏ, trên 313.969 ha, trong đó tranh chấp trên 34.200 ha và lấn chiếm trên 25.700 ha. Đất bị chiếm lên tới trên 254.000 ha với 3.915 tổ chức, chủ yếu xảy ra ở tổ chức kinh tế, quốc phòng, an ninh, nông, lâm trường, UBND xã, tổ chức sự nghiệp công. Nguyên nhân phải kể đến là khi thực hiện giao đất cho các tổ chức, hồ sơ lập chưa đầy đủ, không chặt chẽ, mô tả ranh giới, mốc giới không rõ ràng cụ thể. Một số khu đất đã có mốc giới nhưng quá trình xây dựng các công trình đã làm thất lạc mốc hoặc dịch chuyển vị trí ngoài ý muốn. Việc giải quyết khi có tranh chấp vì thế rất khó khăn.
Diện tích đất chưa đưa vào sử dụng của các tổ chức được giao, thuê cũng lên tới trên 299.719 ha, trong đó diện tích còn để hoang hóa là trên 250.862 ha do 2.455 tổ chức quản lý. Diện tích đầu tư, xây dựng chậm cũng lên tới trên 48.888 ha, tập trung chủ yếu là các trường học và những dự án phát triển đô thị mới, dự án xây dựng khu công nghiệp.
Diện tích đất chưa sử dụng tập trung chủ yếu tại Bắc Trung Bộ chiếm 56,1% tổng diện tích đất chưa sử dụng (Nghệ An 73,23% diện tích của vùng); Tây Nguyên chiếm 16,9% (Gia Lai 90,17%), duyên hải Nam Trung Bộ chiếm 15,8% (Ninh Thuận chiếm 83,78%).
Thu Phương