Mục tiêu của Dự án nhằm hỗ trợ các nước tham gia phối hợp cùng nhau giảm thiểu những tác động tiêu cực đến môi trường và sức khoẻ của con người do tình trạng ô nhiễm nguồn nước từ chăn nuôi. Đặc biệt là trước thực trạng những tác động này đang gia tăng nhanh ở các vùng chăn nuôi tập trung gần các nguồn nước. Lợi ích cho môi trường toàn cầu mà Dự án đem lại là giảm thiểu ô nhiễm đất, ô nhiễm môi trường ở vùng Biển Đông và Vịnh Thái Lan.
Trong khuôn khổ thực hiện Dự án, LWMEA hỗ trợ Việt Nam xây dựng các mô hình trình diễn xử lý chất thải vật nuôi bằng hầm biogas và tăng cường nâng cao nhận thức cho cộng đồng về bảo vệ môi trường ở huyện Thường Tín, Hà Nội và huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai.
Ở Việt Nam, Biogas được nghiên cứu và ứng dụng từ những năm đầu của thập niên 60. Kết quả nghiên cứu đã được đưa ra thử nghiệm và bước đầu thu được nhiều thành quả đáng khích lệ, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường chăn nuôi nước ta. Tuy nhiên, đây là công nghệ cao, đòi hỏi nguồn kinh phí lớn nên tỷ lệ ứng dụng trong chăn nuôi nông hộ còn rất thấp. Do đó, ở nhiều nơi, bà con vẫn lựa chọn phương pháp ủ yếm khí cổ truyền.
Được sự hỗ trợ của Dự án LWMEA, tháng 1 năm 2008, 03 mô hình biogas (hệ thống cộng đồng, hệ thống 03 hộ gia đình và hệ thống 01 hộ gia đình) đã được triển khai xây dựng tại thôn Tử Dương, xã Tô Hiệu, huyện Thường tín, TP. Hà Nội. Các mô hình xử lý được lựa chọn dựa trên quy mô trang trại chăn nuôi. Với quy mô chăn nuôi cộng đồng, hệ thống xử lý được xây dựng 06 hầm biogas cỡ trung bình, dung tích mỗi hầm 65 m3, được xây dựng theo kiểu cải tiến của Đài Loan; hệ thống 03 hộ gia đình, xây dựng 01 hầm biogas cỡ lớn, dung tích 280 m3, theo kiểu hồ yếm khí (Covered lagoon); hệ thống 01 hộ gia đình, xây dựng 01 hầm cỡ nhỏ 15 m3, theo mô hình biogas hình tròn cho hộ gia đình nhỏ. Đến tháng 12 năm 2008, các hệ thống công trình đã hoàn thiện và đi vào hoạt động. Bên cạnh việc cải thiện môi trường cho thôn Tử Dương, các hệ thống còn cung cấp gas phục vụ sinh hoạt cho các hộ gia đình. Quan trọng là 03 hệ thống này đã giải quyết được mùi hôi thối từ chất thải của các hộ chăn nuôi giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường cho thôn Tử Dương.
Xử lý chất chất thải vật nuôi bằng hầm biogas được tiến hành qua hai giai đoạn: giai đoạn xử lý yếm khí và giai đoạn xử lý hiếu khí.
Ở giai đoạn xử lý yếm khí: từ trại chăn nuôi, toàn bộ chất hữu cơ trong phân lợn được xả thải vào hầm biogas, ở đây chất thải được xử lý yếm khí, tạo ra khí NH4, CO2, H2O và các chất khoáng NH3, C2O5, N2, K2O, v.v… Theo tính toán, giai đoạn này đã làm giảm hàm lượng BOD, COD xuống 80-90%, chuyển 85-90% hàm lượng các chất hữu cơ trong chất thải thành các chất vô cơ dễ tiêu, chúng được tận dụng làm phân bón cho các loại cây hoa màu. Ngoài ra, còn tạo ra gas để đun nấu và thắp sáng.
Giai đoạn xử lý hiếu khí: phần chất thải dư thừa sau khi chưa được xử lý triệt để ở giai đoạn xử lý yếm khí được đưa ra ngoài ao, hồ. Ở đây, chúng được xử lý hiếu khí, lúc này trứng giun chìm xuống đáy và hầu hết các vi trùng gây bệnh cho người và gia súc bị tiêu diệt (có thể đến 99,6%). Nước sau xử lý có thể dùng cho ao cá, tưới tiêu cho cây trồng, v.v…
Sau một thời gian vận hành thử nghiệm, toàn bộ 03 hệ thống hầm biogas đều vận hành tốt, ổn định. Ngày 26/5/2009, Ban quản lý Dự án LWMEA đã bàn giao các hệ thống này cho thôn Tử Dương, xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín để sử dụng, quản lý. Đồng thời tăng vai trò, trách nhiệm của địa phương về việc sử dụng, quản lý và duy trì hoạt động của các hệ thống này.
Trên cơ sở những thành công đã đạt được qua thí điểm trên địa bàn Hà Nội. Trong thời gian tới, Dự án sẽ tiếp tục triển khai xây dựng 01 mô hình ở Thanh Oai, Hà Nội; 04 mô hình ở huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai; và một số mô hình ở Sơn Tây, Hà Nội nhằm hoàn thiện và nhân rộng công nghệ xử lý chất thải vật nuôi bằng hầm biogas đến người dân trong cả nước.
Cùng với việc hỗ trợ xây dựng các hệ thống biogas, Dự án còn hỗ trợ xây dựng Chiến lược áp dụng và nhân rộng công nghệ xử lý chất thải vật nuôi đến năm 2020 và một số chính sách về bảo vệ môi trường trong chăn nuôi.
Để hỗ trợ việc tuyên truyền, giáo dục cộng đồng về việc áp dụng và nhân rộng công nghệ xử lý chất thải vật nuôi bằng biogas, Ban Quản lý Dự án đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, giới thiệu về công nghệ tại các huyện Thường Tín, Thanh Oai và Sơn Tây. Trong thời gian tới, Ban Quản lý Dự án sẽ tổ chức các lớp tập huấn tại các tỉnh tập trung nhiều trại chăn nuôi lợn lớn như Hà Nội, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, v.v… nhằm phổ biến kiến thức cho người dân về công nghệ xử lý chất thải vật nuôi và nâng cao nhận thức cộng đồng về quy chế bảo vệ môi trường và các chính sách liên quan đến môi trường đối với ngành chăn nuôi./.
Ban Quản lý dự án LWMEA