(sau đây gọi là dự thảo Nghị định). Triển khai nhiệm vụ được giao, Viện phối hợp với Vụ Pháp chế của Bộ thành lập Ban Soạn thảo và Tổ Biên tập, bao gồm các đại diện của các bộ, cơ quan có liên quan và một số nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực đa dạng sinh học; tổ chức hội thảo, tham vấn ý kiến các bên liên quan và nhận được ý kiến đóng góp bằng văn bản của 18 Bộ, cơ quan ngang bộ và 35 tỉnh, thành phố; ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp. Tiếp thu các ý kiến đóng góp, dự thảo Nghị định đã được chỉnh sửa và hoàn thiện nhiều lần. Ngày 30 tháng 6 năm 2009, Bộ trưởng Bộ Tai nguyên và Môi trường đã ký trình Chính phủ dự thảo Nghị định để Chính phủ xem xét và phê duyệt.
Luật Đa dạng sinh học được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 13 tháng 11 năm 2008 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2009, giao Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành 6 nội dung chính, bao gồm: quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học; khu bảo tồn thiên; bảo tồn và phát triển bền vững các loài sinh vật; bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên di truyền; quản lý rủi ro của sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền của sinh vật biến đổi gen; và dịch vụ môi trường liên quan đến đa dạng sinh học.
Tuy nhiên, quản lý rủi ro của sinh vật biến đổi gen và mẫu vật di truyền của sinh vật biến đổi gen đối với đa dạng sinh học và dịch vụ môi trường liên quan đến đa dạng sinh học là các vấn đề mới, phức tạp cần có thời gian nghiên cứu thêm. Vì vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, các vấn đề này sẽ được quy định trong các Nghị định khác sẽ nghiên cứu ban hành sau.
Phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đa dạng sinh học về quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học; khu bảo tồn; bảo tồn và phát triển bền vững các loài sinh vật; bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên di truyền. Bên cạnh đó, một số vấn đề quy định trong Luật Đa dạng sinh học cần được quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành bổ sung như việc chuyển tiếp các khu bảo tồn thiên nhiên khi Luật Đa dạng sinh học có hiệu lực và một số vấn đề khác cũng được đưa vào dự thảo Nghị định.
Dự thảo Nghị định được kết cấu thành 21 điều. Một số nội dung cơ bản của dự thảo được quy định như sau:
1. Về quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học, dự thảo Nghị định quy định cụ thể về trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước; trình tự, thủ tục lập, thẩm định và thông qua quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; lập và phê duyệt quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học thuộc phạm vi quản lý của Bộ, cơ quan ngang bộ; và trình tự, thủ tục điều chỉnh quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học. Trong đó, quy định rõ trách nhiệm của các bên liên quan trong việc tổ chức lập, thẩm định, điều chỉnh và trình Chính phủ phê duyệt quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học.
2. Về khu bảo tồn, quy định cụ thể về tiêu chí chủ yếu của khu bảo tồn cấp tỉnh, bao gồm khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài - sinh cảnh, khu bảo vệ cảnh quan; trách nhiệm của các bên liên quan trong việc lập, thẩm định dự án thành lập và quản lý khu bảo tồn; quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân sinh sống hợp pháp trong khu bảo tồn; chuyển tiếp các khu bảo tồn đang họat động trước khi Luật Đa dạng sinh học có hiệu lực. Theo đó, các khu bảo tồn không đáp ứng các tiêu chí chủ yếu của khu bảo tồn theo quy định của Luật Đa dạng sinh học thì phải thành lập dự án chuyển đổi để xem xét và phân cấp lại nhằm có kế hoạch đầu tư và quản lý phù hợp. Dự thảo cũng quy định rõ trách nhiệm của các bên liên quan trong việc lập dự án chuyển đổi khu bảo tồn.
3. Về bảo tồn và phát triển bền vững các loài sinh vật, quy định chi tiết về tiêu chí xác định các loài nguy cấp, quý hiếm thuộc danh mục được ưu tiên bảo vệ, bao gồm loài động vật, thực vật hoang dã, giống cây trồng, vật nuôi, vi sinh vật và nấm; chế độ quản lý, bảo vệ các loài được ưu tiên bảo vệ. Theo đó, quy định về tổ chức điều tra, kiểm kê và đánh giá tình trạng, lập hồ sơ và bảo tồn các loài được ưu tiên bảo vệ; trình tự, thủ tục thẩm định hồ sơ đề nghị đưa vào hoặc đưa ra khỏi danh mục các loài được ưu tiên bảo vệ, trong đó quy định trách nhiệm thẩm định và thời hạn thẩm định của các bên liên quan; thẩm quyền, trình tự, thủ tục đưa các loài được ưu tiên bảo vệ vào cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học và thả ra môi trường tự nhiên; điều kiện nuôi, trồng, công tác cứu hộ, bảo quản nguồn gen và mẫu vật di truyền của các loài được ưu tiên bảo vệ; đăng ký, cấp, thu hồi giấy chứng nhận cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học.
4. Về bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên di truyền, quy định về trình tự, thủ tục tiếp cận nguồn gen và thẩm quyền cấp giấy phép tiếp cận nguồn gen; quản lý và chia sẻ lợi ích thu được từ việc tiếp cận nguồn gen, trong đó quy định các hình thức chia sẻ lợi ích cho các bên liên quan; cung cấp, chia sẻ và công khai thông tin về nguồn gen. Theo đó, quy định trách nhiệm của các bên liên quan trong việc cung cấp thông tin, dữ liệu về nguồn gen cho Bộ chủ quản để xây dựng, quản lý thống nhất cơ sở dữ liệu quốc gia về nguồn gen.
Mặc dù, còn một số vấn đề không lớn cần phải xây dựng văn bản hướng dẫn cụ thể thêm như việc xác định các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng quốc tế, quốc gia, cấp tỉnh, hệ sinh thái đặc thù hoặc đại diện cho vùng sinh thái và hệ sinh thái của địa phương; xác định các loài có giá trị đặc biệt về khoa học, sinh thái, cảnh quan, môi trường, văn hoá - lịch sử; việc quản lý sử dụng các lợi ích được chia sẻ từ việc tiếp cận nguồn gen do Nhà nước quản lý. Tuy nhiên, dự thảo Nghị định đã quy định rõ, chi tiết và toàn diện các hoạt động về bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học; quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước, quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan về bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học, đáp ứng các yêu cầu của Luật Đa dạng sinh học giao Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành.
Luật Đa dạng sinh học đã có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2009. Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đa dạng sinh học rất cần được phê duyệt sớm để kịp thời hỗ trợ đưa các quy định của Luật Đa dạng sinh học đi vào cuộc sống./.
Ths. Huỳnh Thị Mai
Ban Quản lý tài nguyên và đa dạng sinh học