Ngày đăng:
16 | 07 | 2009
Gần hai giờ họp báo vào sáng 14/7 của Bộ TN&MT, do Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Văn Đức chủ trì đã có nhiều thông tin về kết quả thực hiện nhiệm vụ của ngành trong 6 tháng đầu năm, kế hoạch 6 tháng cuối năm và một số câu hỏi của phóng viên được giải đáp.
“Tới đây họp báo của Bộ sẽ tiến hành thường kỳ hàng quý và sau những cuộc giao ban quan trọng, sẽ có họp báo chuyên đề về một số lĩnh vực nhạy cảm... Với việc lãnh đạo Bộ và lãnh đạo các đơn vị trực tiếp trao đổi với nhà báo, giải đáp ngay những vướng mắc và đưa ra các giải pháp, các hoạt động của Bộ sẽ được báo chí phản ánh chính xác, toàn diện hơn”, Thứ trưởng nói.
Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Văn Đức cho biết, trong 6 tháng đầu năm, Bộ TN&MT đã triển khai quyết liệt chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, từng bước hoàn thiện, bổ sung sửa đổi các Thông tư, Nghị định liên quan đến quản lý Nhà nước về TN&MT, đề xuất cơ chế hoạt động và phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Bộ, biến TN&MT thực sự trở thành nguồn lực cho mục tiêu phát triển bền vững, động viên mọi thành viên bảo vệ tốt TN&MT. Công tác tổ chức cán bộ của các đơn vị được củng cố, hoàn thiện.
Hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản, điều tra cơ bản xây dựng cơ sở dữ liệu về các lĩnh vực TN&MT phục vụ cho việc quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền đất nước cũng tích cực được triển khai.
Về một số nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm, Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng Lê Văn Hợp cho biết: Bộ sẽ tăng cường công tác kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo; tăng cường mối quan hệ trong thanh tra, kiểm tra giữa Bộ và các Sở TN&MT; cải tiến phương thức tiếp công dân bảo đảm đúng người, đúng việc, dứt điểm; tăng cường hướng dẫn, kiểm tra việc thực thi công vụ ở các địa phương. Đồng thời tiếp tục công tác quản lý, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; triển khai có hiệu quả Đề án 30 bảo đảm tiến độ và chất lượng.
Bảy lĩnh vực quản lý Nhà nước của ngành gồm đất đai, tài nguyên nước, địa chất và khoáng sản, môi trường, khí tượng thủy văn (KTTV) và biến đổi khí hậu, đo đạc và bản đồ, biển và hải đảo, đều có những mục tiêu cụ thể trong rà soát, bổ sung, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường hoạt động kiểm tra giám sát; đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền giáo dục và hợp tác quốc tế.
Trả lời các câu hỏi của phóng viên về chất lượng bản tin dự báo KTTV của Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương, cụ thể đối với cơn bão số 4 vừa qua và đợt mưa lớn gây lũ quét tại Bắc Kạn trước đó, vấn đề đang được dư luận quan tâm, Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Văn Đức khẳng định Bộ TN&MT và Trung tâm KTTV Quốc gia với Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương đã có hệ thông máy tính nối mạng trực tiếp, kênh liên lạc này luôn thông suốt, bảo đảm việc cung cấp thông tin giữa hai bên, đúng quy trình truyền thông tin dự báo theo Quy chế báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ ban hành theo Quyết định số 245/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Thực tế, trong đợt mưa lớn gây lũ quét ở Bắc Kạn vừa qua, Trung tâm KTTV Quốc gia đã truyền bản tin dự báo tới cả các Ban Chỉ đạo cấp địa phương.
Vẫn theo Thứ trưởng, đối với bản tin dự báo cơn bão số 4 mới đây, thông tin về về lượng mưa, cường độ, đường đi của bão đều sát với thực tế. Tất nhiên, cần nhấn mạnh đây là những dự báo mang tính cảnh báo, nhấn mạnh tới nguy cơ hậu bão là lớn do còn hậu quả của đợt mưa trước để lại. Hiện Chính phủ đã đầu tư cho Bộ TN&MT xây dựng hệ thống quan trắc KTTV nhằm cải thiện chất lượng dự báo cả về công nghệ và thông tin, giảm thiểu thiệt hại gây ra ở mức thấp nhất.
“Dù bản tin dự báo và ý kiến chỉ đạo của cấp trên có kịp thời và chính xác đến mấy, nhưng người dân không chủ động và không chuẩn bị từ trước thì thiệt hại vẫn có thể xảy ra. Ngược lại dù bản tin dự báo có thể chưa chính xác, nhưng nếu người dân chủ động hoàn toàn thì thiệt hại có thể chưa chắc đã xảy ra”, Phó Tổng Giám đốc kiêm người phát ngôn của Trung tâm KTTV Quốc gia Trần Văn Sáp nhấn mạnh.
Về câu hỏi liên quan tới trách nhiệm xây dựng hệ thống cảnh báo lũ quét, Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Văn Đức cho biết, Viện KTTV và Môi trường thuộc Bộ TN&MT đã và đang tiếp tục xây dựng, những sản phẩm (bản đồ phân vùng lũ quét và hệ thống thiết bị cảnh báo lũ quét) hoàn thành ở khu vực sẽ chuyển giao kịp thời.
Về các câu hỏi liên quan tới việc đền bù thiệt hại do Công ty Vedan gây ra, Phó Tổng cục trưởng phụ trách kiêm người phát ngôn Tổng cục Môi trường Bùi Cách Tuyến cho biết: Tháng 6, Tổng cục Môi trường đã có Văn bản gửi UBND TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu về việc tổng hợp các thiệt hại của nhân dân để yêu cầu Công ty Vedan có trách nhiệm chi trả, bồi thường thiệt hại hoặc hỗ trợ theo quy định của pháp luật. Mới đây, ngày 8/7, Tổng cục tiếp tục đôn đốc UBND 3 tỉnh nói trên khẩn trương thực hiện việc tổng hợp thiệt hại.
Vụ trưởng Vụ Thi đua Ken thưởng Lê Văn Hợp cho biết về tình hình công tác của Bộ (Ảnh: ĐG)
Ông Tuyến cho biết, hiện Tổng cục đang phối hợp với Viện Môi trường và Tài nguyên thuộc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tổ chức điều tra, khảo sát và xây dựng “Báo cáo đánh giá tác động môi trường và thiệt hại về kinh tế, môi trường do hành vi gây ô nhiễm môi trường của Công ty Vedan và các doanh nghiệp trên lưu vực sông Thị Vải” để làm căn cứ đòi bồi thường thiệt hại nếu như không thỏa thuận được mức bồi thường hoặc hỗ trợ người dân với Công ty Vedan theo quy định của pháp luật. Đề nghị UBND chỉ đạo Sở TN&MT thực hiện và phần thống kê thiệt hại về kinh tế và môi trường thuộc trách nhiệm của Ủy ban.
Đối với kết quả kiểm tra một số doanh nghiệp gây ô nhiễm ở tỉnh Phú Thọ như Công ty Miwon, Công ty Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, Tổng Công ty Giấy Việt Nam, ông Tuyến cho biết các doanh nghiệp đã có những nỗ lực rất đáng ghi nhận trong việc khắc phục hậu quả vi phạm và đã cải tiến thiết bị, công nghệ nhằm đảm bảo hạn chế phát thải gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, cần tiếp tục khắc phục những hậu quả còn đang gây ô nhiễm như chất xỉ thải, việc xả nước ra hồ...
Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Văn Đức, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ (Tổng cục Quản lý đất đai) Đỗ Đức Đôi đã trả lời một số câu hỏi liên quan tới đất đai. Thứ trưởng cho biết, liên quan tới đất đai cũng như một số lĩnh vực nhạy cảm khác như môi trường, KTTV, các đơn vị thuộc Bộ sẽ tổ chức họp báo chuyên đề để đề cập sâu hơn các vấn đề được quan tâm.
Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Văn Đức cảm ơn sự có mặt của các cơ quan thông tấn báo chí và mong muốn tới đây sẽ tiếp tục có sự cộng tác, phối hợp chặt chẽ hơn, sao cho báo chí thực sự là cánh tay nối dài của Bộ, góp phần để Bộ TN&MT thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý Nhà nước về TN&MT.
Thu Phương