TIN TỨC-SỰ KIỆN

Đắk Lắk bán thành công gần 17 tấn carbon trên cây lúa

Ngày đăng: 16 | 09 | 2024

Doanh nghiệp đã thu mua gần 17 tấn carbon trên cây lúa với giá 20 USD/tấn, trở thành địa phương đầu tiên tại Việt Nam bán được tín chỉ carbon.

Sáng 10/9, Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Công ty Cổ phần Net Zero Carbon tổ chức tọa đàm về quy trình khép kín “Lúa sạch hơn, xanh hơn, tăng năng suất, đo lường và bao tiêu giảm phát thải khí nhà kính”.

Tiết kiệm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận

Mô hình thí điểm giải pháp lúa xanh giảm phát thải và tăng năng suất được triển khai trong vụ đông xuân 2023 - 2024 trên diện tích 4,2ha tại xã Bình Hòa (huyện Krông Ana).

Đây là mô hình được áp dụng giải pháp kết hợp quy trình canh tác lúa ướt - khô xen kẽ của Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế (IRRI), kết hợp sử dụng chế phẩm Nano composite của Công ty Cổ phần BSB Nanotech và áp dụng quy trình báo cáo xác nhận giảm phát thải của Công ty Cổ phần Net Zero Carbon.

Ông Trần Minh Tiến, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Net Zero Carbon phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Quang Yên.

Sau hơn 3 tháng thực hiện, mô hình này đã mang lại kết quả tích cực. Năng suất trung bình đạt gần 11,7 tấn/ha, tăng hơn 0,93 tấn/ha so với mô hình đối chứng; chi phí đầu tư giảm được 2.891.800 đồng (giảm 9,44%) so với đối chứng.

Trong đó, chi phí về giống giảm được 675.000 đồng/ha (tương đương 21,43%), phân bón giảm được 785.000 đồng/ha (tương đương 6,20%), bảo vệ thực vật giảm được 1.431.000 đồng/ha (tương đương 24,03%). Lợi nhuận ròng của mô hình đạt gần 94,8 triệu đồng, tăng trên 15,5 triệu đồng so với mô hình đối chứng (tương đương 19,55%).

Đặc biệt, mô hình này giúp nông dân thay đổi phương pháp canh tác truyền thống, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cải tạo đất lúa. Đồng thời, mô hình giúp giảm phát thải được gần 4 tấn/ha khí nhà kính (CO2e), góp phần bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, sử dụng ít nước tưới, lúa sạch hơn, năng suất cao hơn, sản xuất an toàn hơn, đảm bảo sản lượng không giảm so với phương pháp canh tác kiểu truyền thống, giảm chi phí đầu tư của bà con nông dân.

Ông Lê Như Hùng (ngụ xã Bình Hòa, huyện Krông Ana) cho biết, tham gia mô hình đã giúp gia đình tiết kiệm được lượng phân bón trên cây lúa khoảng 30%. Đối với lượng nước tưới giảm được 50%. Đặc biệt năng suất của gia đình cao hơn so với bình quân chung của huyện.

Doanh nghiệp mua gần 17 tấn carbon của người dân tại Đắk Lắk. Ảnh: Quang Yên.

“Gia đình giảm được chi phí đầu tư, năng suất cao hơn bình quân đã giúp tăng thu nhập. Đặc biệt năm nay gia đình có thêm hơn 8 triệu đồng tiền bán tín chỉ carbon, nhờ vậy thu nhập tốt hơn rất nhiều. Trong vụ tới, gia đình sẽ tiếp tục tham gia mô hình của công ty”, ông Hùng nói.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu cho rằng, nông nghiệp được xem là ngành gây phát thải rất lớn, do vậy giảm mạnh phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp gắn với việc công nhận chứng chỉ carbon sẽ trở thành định hướng của ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk trong thời gian tới, nhằm gia tăng giá trị, phát triển ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế.

Cam kết mua 20 USD/1 tấn tín chỉ carbon

Tại Đắk Lắk, diện tích gieo trồng lúa ổn định với khoảng hơn 100 nghìn ha, chiếm khoảng 35% diện tích gieo trồng cây hàng năm của tỉnh. Sản xuất lúa của Đắk Lắk đứng đầu khu vực Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên; năng suất bình quân của tỉnh đạt 69,50 tạ/ha, năm 2023 sản lượng ước đạt khoảng 800.000 tấn/năm.

Ông Nguyễn Văn Hà, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk cho biết, nông nghiệp là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất của biến đổi khí hậu.

Đắk Lắk có diện tích lúa lớn, phù hợp với triển khai sản xuất giảm phát thải. Ảnh: Quang Yên.

Trong đó, đối với ngành trồng trọt, canh tác lúa, những tác động rõ thấy là diện tích đất canh tác suy giảm, tình trạng hạn hán, sâu bệnh, vấn nạn xâm nhập mặn đang diễn ra ở khu vực Đồng bằng sông Cửu long… gây áp lực lớn đến năng suất cây trồng, sinh kế của người nông dân và cơ hội thương mại nông sản.

Theo kết quả nghiên cứu, một số lĩnh vực sản xuất nông nghiệp có lượng phát thải lớn đã được ghi nhận bao gồm: Riêng khí CO2, theo thống kê, mỗi năm, sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam thải ra môi trường khoảng 80 triệu tấn, chiếm trên 30% tổng lượng khí CO2 toàn quốc. Trong đó, gần 70% phát thải CO2 đến từ các hoạt động trồng trọt. Sản xuất lúa nước chiếm 50% tổng lượng phát thải trong nông nghiệp. Có nhiều nguyên nhân làm tăng phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa, bao gồm sử dụng nước kém hiệu quả, mật độ gieo sạ cao, tỷ lệ bón phân chưa hiệu quả, thu hoạch rơm rạ chưa đúng cách…

Để giảm phát thải khí nhà kính trong trồng lúa nước cần thực hiện đồng bộ các biện pháp như chế độ tưới nước chủ động khô và ngập nước thay vì để các ruộng lúa ngập nước trong suốt cả mùa vụ, từ đó giúp giảm phát thải khí metan. Tuy nhiên, với giải pháp này cần xây dựng hệ thống thủy lợi chủ động để áp dụng công nghệ phù hợp và cũng đòi hỏi chi phí đầu tư tương đối lớn.

Tiêu dùng xanh hiện nay là một xu thế, sản phẩm ngoài việc cung cấp dinh dưỡng còn phải chứng minh phát triển bền vững, đảm bảo môi trường. Vì thế, ngành nông nghiệp các địa phương phải thay đổi cách tiếp cận hướng tới nền nông nghiệp xanh, sản xuất lúa gạo giảm phát thải khí nhà kính.

Bộ NN-PTNT đã xây dựng Đề án sản xuất bền vững lúa chuyên canh chất lượng cao, giảm phát thải khí nhà kính. Theo đó, trồng lúa chất lượng cao sẽ phải áp dụng các quy trình canh tác bền vững hơn, sử dụng nguyên liệu đầu vào theo hướng giảm phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, giống…

“Nông nghiệp được xem là ngành gây phát thải rất lớn, do vậy giảm mạnh phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp gắn với việc công nhận chứng chỉ carbon sắp tới cũng sẽ trở thành định hướng mà nông nghiệp Đắk Lắk mong muốn đạt được. Việc  tạo được sản phẩm đầu ra chất lượng tốt hơn, tạo thương hiệu nông sản thân thiện môi trường, tạo thu nhập ổn định cho nông dân và chuẩn bị tư thế sẵn sàng tham gia vào thị trường tín chỉ carbon một khi thị trường này được hoạt động vào năm 2028.

Có thể thấy, sản xuất theo hướng giảm phát thải khí CO2 không chỉ phù hợp với xu thế tiêu dùng mới, mà quan trọng hơn đây sẽ là cơ hội để nông dân Việt Nam bán tín chỉ khí CO2 nhờ vào việc canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính”, ông Hà thông tin.

Công ty Cổ phần Net Zero Carbon cam kết thu mua 20 USD/1 tấn carbon. Ảnh: Quang Yên.

Ông Trần Minh Tiến, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Net Zero Carbon cho biết, doanh nghiệp cam kết đồng hành cùng nông dân.

Theo ông Tiến, doanh nghiệp cam kết khi tham gia mô hình năng suất của nông dân sẽ bằng hoặc cao hơn so với bình quân năng suất tại địa phương. Đối với mô hình thấp hơn năng suất bình quân tại địa phương doanh nghiệp sẽ bù sản lượng.

“Hiện nay doanh nghiệp mới ra được báo cáo giảm phát thải, tuy đây chưa phải là tín chỉ nhưng doanh nghiệp vẫn thu mua. Trong vụ này doanh nghiệp sẽ thu mua 20 USD/tấn carbon.

Để tính được giá mua 20 USD thì doanh nghiệp dựa vào công sức của bà con nông dân là chính. Hiện nay doanh nghiệp làm tất cả không thu một đồng nào của người dân. Chi phí cho một tấn carbon cao hơn 20 USD rất nhiều”, ông Tiến thông tin.

Ông Tiến cho biết thêm, trong thời gian tới, doanh nghiệp có hợp đồng ràng buộc với HTX, người dân. Theo đó, nông dân khi tham gia chương trình thì phải tham gia ít nhất 5 năm. “Khi đã đăng ký thửa ruộng này với tổ chức quốc tế, nếu dừng sẽ bị gạt ra khỏi hệ thống, còn đăng ký lại sẽ rất khó”, ông Tiến nhấn mạnh.

Đây là mô hình có năng suất và hiệu quả kinh tế cao, kết quả đáng tin cậy. Vì vậy, nhiều HTX, ngành nông nghiệp các địa phương mong muốn được tiếp cận và áp dụng trên diện rộng. Đặc biệt trong dịp này, Công ty Cổ phần Net Zero Carbon mua gần 17 tấn khí thải CO2e của mô hình, với giá 20 USD/tấn, đồng thời tặng Chứng nhận giảm phát thải cho Sở NN-PTNT Đắk Lắk. Đây là chứng nhận CO2e đầu tiên trên lúa của Việt Nam được bán thành công.

https://nongnghiep.vn/tri-thuc-nong-dan/dak-lak-ban-thanh-cong-gan-17-tan-carbon-tren-cay-lua-d399309.html

NỘI DUNG KHÁC

Diễn đàn Vì sự tiến bộ của phụ nữ trong nông nghiệp

6-9-2024

Ngày 12/8/2024, Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Đại sứ quán Hoa Kỳ tổ chức Diễn đàn "Vì sự tiến bộ của phụ nữ trong nông nghiệp". Diễn đàn là sự kiện hưởng ứng việc Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết vào tháng 5/2024 tuyên bố năm 2026 là “Năm quốc tế nữ nông dân”

Xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2024: Cầm chắc trong tay 54 - 55 tỷ USD

6-9-2024

Với kết quả hơn 40 tỷ USD trong 8 tháng năm 2024, xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2024 cầm chắc trong tay 54 -55 tỷ USD.

Hệ thống đổi mới sáng tạo là gì? Góc nhìn từ ngành nông nghiệp

5-9-2024

Hoạt động Đổi mới sáng tạo được nhấn mạnh trong rất nhiều chính sách của Đảng và Nhà nước trong thời gian gần đây. Những văn bản này đều khẳng định tầm quan trọng không thể thiếu của đổi mới sáng tạo trong việc phát triển toàn diện các ngành, lĩnh vực của đất nước.

Tiếp tục thúc đẩy hợp tác đầu tư theo phương thức đối tác công - tư nhằm gia tăng giá trị của nông sản Việt Nam

5-9-2024

Thời gian qua, việc triển khai các nhóm công tác đối tác công - tư ngành hàng nông nghiệp đã và đang mang lại kết quả tích cực, đáng khích lệ, góp phần nâng cao giá trị gia tăng của một số mặt hàng nông sản, mở rộng thị trường tiêu thụ và cải thiện đời sống người nông dân. Tuy nhiên, để gia tăng hơn nữa giá trị của nông sản Việt Nam trong thời gian tới, cần tiếp tục có giải pháp đồng bộ thúc đẩy hợp tác đầu tư theo phương thức đối tác công - tư.

Triển vọng ngành hàng lúa gạo thế giới tháng 8/2024

28-8-2024

Sản lượng gạo thế giới niên vụ 2024/2025 dược dự báo đạt mức cao kỷ lục 527,7 triệu tấn, giảm 464.000 tấn so với mức dự báo trong tháng 7/2024 nhưng tăng 7,3 triệu tấn so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng gạo được dự báo giảm tại Việt Nam, Hoa Kỳ và Ukraina nhưng tăng tại Nga và Kazakhstan.

Xuất khẩu hồ tiêu của Brazil giảm do mất mùa

27-8-2024

Sáu tháng đầu năm 2024, xuất khẩu hồ tiêu của Brazil đạt 37.181 tấn, giảm 6% so với cùng kỳ năm 2023. Năm 2024, tổng sản lượng hồ tiêu của Brazil được dự đoán sẽ giảm khoảng 20 – 30% do hạn hán.

Bốn mươi năm đổi mới chính sách phát triển ngành thuỷ sản

27-8-2024

Việt Nam là quốc gia ven biển Đông, biển đảo với lợi thế địa lý, đa dạng sinh học và các hệ sinh thái cung cấp lợi thế về trữ lượng hải sản vô cùng to lớn. Ra đời từ sớm, thuỷ sản những năm giữa thế kỷ trước vẫn mang đậm dấu ấn của hoạt động kinh tế tự nhiên, “nghề cá” chỉ được xem là nghề phụ trong nông nghiệp. Sau 40 năm đổi mới, tỷ trọng ngành thuỷ sản trong khối nông lâm ngư nghiệp tăng nhanh qua các năm, từ 5,66% năm 1986 lên đến 21,97% năm 2021(4). Ngành thủy sản đã trở thành ngành kinh tế quan trọng, góp phần chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp nông thôn, tham gia xoá đói giảm nghèo, cải thiện cuộc sống của cộng đồng cư dân không chỉ vùng nông thôn ven biển mà cả ở các vùng núi, trung du và Tây nguyên.

Bức tranh kinh tế mới được biến đổi khí hậu vẽ ra ở lưu vực sông Mêkông

27-8-2024

Giờ đây những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BĐKH) đã rõ rệt hơn sau mỗi năm, thậm chí có thể là sau một vài tháng. Trước bối cảnh đó, người ta tự hỏi các hoạt động kinh tế sẽ thay đổi như thế nào?

Tạo dòng tài chính mới từ thị trường carbon

23-8-2024

Chiều 22/8, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp cho ý kiến hoàn thiện dự thảo Đề án phát triển thị trường carbon tại Việt Nam.

Trung Quốc ăn sầu riêng nhiều nhất thế giới, phát thải ra lượng CO2 khổng lồ

14-8-2024

Người dân Trung Quốc đang ăn sầu riêng nhiều nhất thế giới. Cũng bởi vậy, Trung Quốc đang phải đối mặt với vấn đề tăng phát thải khí nhà kính khi cây sầu riêng và sản phẩm vỏ sầu riêng tạo ra lượng CO2 khổng lồ.

Với Việt Nam, EVFTA chắc chắn là thành công lớn

13-8-2024

Những tiêu chuẩn cao của EVFTA giúp nền kinh tế Việt Nam mở rộng thương mại, đạt được lợi thế rõ rệt trong việc tăng khả năng cạnh tranh trong thương mại toàn cầu. Trao đổi với phóng viên Báo Thế giới & Việt Nam, GS. TS. Andreas Stoffers, chuyên gia nghiên cứu về kinh tế Việt Nam hiện đang sống tại Đức nhận định, các số liệu kinh tế của Việt Nam trong năm 2024 đã chứng minh lợi ích từ “hiệp định lịch sử” với Liên minh châu Âu (EU).

Vùng chuyên canh lúa - tôm đầu tiên của Việt Nam nhận chứng nhận BAP

22-8-2024

Đây là chứng nhận quốc tế thứ 2 và là chứng nhận BAP đầu tiên của Việt Nam được trao cho vùng chuyên canh tôm lúa ở tỉnh Cà Mau.