TIN TỨC-SỰ KIỆN

Giải bài toán giảm giá thịt lợn: Vừa nhập khẩu vừa tái đàn

Ngày đăng: 27 | 03 | 2020

Bất chấp các chỉ đạo, khuyến nghị, kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NNPTNT về việc áp dụng các biện pháp giảm giá thịt lợn, song hơn 1 tháng qua giá lợn hơi vẫn neo ở mức cao, từ 75.000 - 85.000 đồng/kg. Điều này khiến miếng thịt lợn đến tay người tiêu dùng hầu như không giảm, dao động từ 130.000 - 200.000 đồng/kg tùy loại.

Ngoài các nguyên nhân như giá thành sản xuất thịt lợn tăng lên, khâu trung gian ăn chênh lệch quá lớn, thói quen người tiêu dùng thích ăn thịt lợn hơn thịt gia cầm, thủy sản… thì mấu chốt của chuyện giá thịt lợn cao, vẫn là do chưa cân đối được cung-cầu.

Tăng thịt lợn nhập khẩu: Không dễ

Bộ NNPTNT cho biết, năm 2019, Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 280.000 tấn thịt các loại (tăng 17%), trong đó thịt lợn hơn 67.000 tấn (tăng 63% so với năm 2018). Trong 2 tháng đầu năm 2020, các đơn vị của Cục Thú y đã làm thủ tục nhập khẩu vào nội địa cho khoảng 399 tấn thịt lợn các loại và mới đây nhất, Cục Thú y đã làm xong thủ tục kiểm dịch cho gần 1.500 tấn thịt lợn nhập khẩu từ Liên bang Nga.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Long - Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, do số lượng thịt lợn nhập khẩu còn ít nên hầu như không bán trong siêu thị, chưa tiếp cận rộng rãi với người tiêu dùng mà chủ yếu cung cấp cho các đơn đặt hàng đặt trước, hoặc các khu công nghiệp, nhà hàng đã ký hợp đồng.

Ngoài 50.000 tấn thịt lợn dự kiến sẽ nhập khẩu từ Liên bang Nga trong năm nay, thời gian qua các doanh nghiệp của Việt Nam chủ yếu nhập thịt lợn và các sản phẩm thịt lợn từ các nước: Đức, Ba Lan, Brazil, Canada, Mỹ. Giá các sản phẩm thịt lợn nhập khẩu về tới Việt Nam trong năm 2019 dao động từ 28.000 - 36.000 đồng/kg.

Hiện Việt Nam không giới hạn định mức (không cấp quota) về số lượng thịt lợn nói riêng, cũng như các sản phẩm động vật được phép nhập khẩu và dự kiến sản lượng thịt lợn nhập khẩu trong năm nay sẽ tăng cao hơn nhiều so với năm 2019, với 150 doanh nghiệp tham gia nhập khẩu thịt lợn và sản phẩm thịt lợn (tăng 50 doanh nghiệp so với năm 2018).

Tuy nhiên, việc nhập khẩu thịt lợn hiện nay cũng không phải dễ dàng gì. Theo Bộ NNPTNT, thông tin từ các doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn cho thấy, do dịch tả lợn châu Phi xảy ra ở nhiều nước, cộng với tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên nguồn cung đang gặp khó khăn; nhiều quốc gia đang tạm thời ngừng giao thương để phòng chống dịch bệnh. Trong khi đó, các nhà xuất khẩu thường sản xuất dựa trên kế hoạch và hợp đồng đã ký trước đó tối thiểu từ 3-5 tháng.

Do đó, dù các doanh nghiệp Việt Nam có muốn tăng nhập khẩu thịt lợn về bán cũng không dễ gì mua được, nhất là Trung Quốc cũng đang có nhiều doanh nghiệp sẵn sàng mua thịt lợn nhập khẩu với giá cao hơn 20 - 30% so với các doanh nghiệp Việt Nam. Họ cũng thường mua với số lượng rất lớn.

Nguyên nhân là do thị trường Trung Quốc đang thiếu thịt lợn do dịch tả lợn châu Phi bùng phát từ 2018-2019, giá lợn hơi tại nước này đang rất cao, khoảng 130.000 đồng/kg.

Chưa kể, thời gian vận chuyển thịt lợn nhập khẩu từ châu Âu, châu Mỹ hay từ Nga về Việt Nam bằng đường biển sẽ mất khoảng 30 - 45 ngày. Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp đã làm ảnh hưởng lớn đến các hoạt động thương mại, đàm phán, giao thương của các doanh nghiệp. Việc tìm kiếm thị trường mới cũng gặp rất nhiều khó khăn vì do lệnh cấm hoặc hạn chế đi lại khiến các nhà nhập khẩu nước ta hầu như "án binh bất động".

Vừa tái đàn vừa... run

Theo Bộ NNPTNT, để tăng nguồn cung thịt lợn ra thị trường, nhiều doanh nghiệp chăn nuôi lớn như C.P, Dabaco, Jafa, Greenfeed đã tăng số lượng tổng đàn lợn thịt từ 5 - 15%, trong đó có nhiều địa phương đã nuôi tái đàn thành công như: Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định, Thanh Hóa, Bình Định, Đồng Nai...

Tuy nhiên, theo người chăn nuôi ở các tỉnh Đồng Nai, Long An, Hà Nam, TP.Hà Nội…, mặc dù giá lợn hơi đang ở mức cao, nông dân có lãi đậm nhưng không phải ai cũng dám tái đàn. Hiện, giá lợn giống đã tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba so với thời điểm trước khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi (từ 2,2-2,5 triệu đồng/con), muốn mua được con giống tốt cũng rất khó do hầu hết các doanh nghiệp, trang trại giữ giống lại để nuôi.

Bà Nguyễn Thị Thảo, hộ chăn nuôi lợn tại xã Tân An (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) có hơn 30 con lợn gần đến tuổi xuất chuồng. Tuần trước, thương lái đã trả giá mua lợn hơi với giá 78.000 đồng/kg, trừ chi phí bà Thảo có thể lãi hơn 2 triệu đồng/con. Tuy nhiên, số lời này theo bà Thảo, vẫn không đủ bù cho khoản tiền gia đình bà thiệt hại vì lứa lợn tái đàn trước đó mất trắng do bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Bà Thảo chia sẻ: “Tôi mới bắt thêm lứa lợn giống mới hơn 50 con, nhưng cũng lo lắm vì giá lợn giống hiện nay đã đội lên khoảng 3 triệu đồng/con, chưa kể tiền cám, tiền thuốc men, hao hụt... Tính ra tổng chi phí nuôi được con lợn nặng 100kg trong 4 tháng sẽ vào khoảng 5,5-6 triệu đồng. Nếu tới lúc lợn đủ trọng lượng xuất bán, giá không còn được như bây giờ thì người chăn nuôi lại chịu thiệt”.

Trong khi đó, ông Phạm Văn Cảnh - Giám đốc HTX Chăn nuôi Hợp Lực (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) mới đây đã liều đầu tư hơn 3 tỷ đồng để mua 250 con lợn nái hậu bị về nuôi. Số lợn hậu bị này, ông Cảnh vừa nhằm thay thế dần đàn nái cũ, vừa nhằm tăng đàn lợn thịt lên gần 3.000 con.

“Muốn tái đàn lợn nái, trang trại phải mua lợn hậu bị với giá hơn 11 triệu đồng/con, nuôi gần 1 năm nữa mới có lứa lợn con mới, trong khi thức ăn chăn nuôi liên tục tăng, dịch bệnh không ngừng đe doạ, nhất là giá lợn hơi lên xuống thất thường, không ai dám chắc “canh bạc” này của chúng tôi thắng hay thua, cứ liều thôi”- ông Cảnh nói.

Theo Bộ NNPTNT, từ tháng 1/2020 (sau khi dịch qua giai đoạn cao điểm vào tháng 7/2019, các địa phương bắt đầu tổ chức tái đàn) đã có sản phẩm của lợn nuôi tái đàn với tổng đàn lợn hiện tại gần 24 triệu con (tăng hơn 2 triệu con so với tháng 12/2019).

Tổng đàn lợn nái sinh sản có 2,62 triệu con (không bao gồm gần 110.000 con lợn ông bà và cụ kỵ), dự kiến tăng trưởng đàn nái là 0,5%/tháng (6%/năm), đến cuối năm 2020 đạt khoảng 2,9 triệu con, trung bình tổng đàn nái cả năm 2020 là 2,76 triệu con.

Với khả năng sản xuất bình quân 18 lợn con cai sữa/nái/năm, tỷ lệ lợn nuôi sống đến xuất chuồng là 90% và trọng lượng lợn hơi xuất chuồng bình quân 86kg/con.

Tổng sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng cả năm 2020 là 3,9 triệu tấn (tăng 18,4% so với năm 2019 và tăng 2,1% so với năm 2018).

Các doanh nghiệp chăn nuôi lớn (17 doanh nghiệp) có tổng đàn lợn giống ông bà tăng trung bình 8,24%; tổng đàn lợn thịt, lợn choai của các doanh nghiệp trong quý I/2020 dự kiến là 3,82 triệu con, tăng 17% so với số lượng lợn vào tháng 12/2018.

Theo Nông thôn ngày nay

NỘI DUNG KHÁC

Dịch COVID-19: Nhiều nước dừng xuất khẩu lương thực, đe dọa nguồn cung toàn cầu

25-3-2020

Một số nước đang thực thi các biện pháp bảo đảm nguồn cung lương thực trong nước tại thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, hãng tin Bloomberg cho biết.

FAO: Phong tỏa, mua sắm hoảng loạn có thể đẩy thế giới vào tình trạng lạm phát giá thực phẩm

25-3-2020

Các nhà phân tích tại FAO cho biết thế giới hiện có nguồn cung ngũ cốc, hạt có dầu ở mức cao nhưng hành vi mua sắm hoảng loạn của các nhà nhập khẩu lớn có thể đẩy giá ngũ cốc, hạt có dầu lên cao không kiểm soát. Giá dầu giảm sẽ gây thiệt hại cho các nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu dầu thô. Các nhà chế biến ngũ cốc không dự đoán được về nhu cầu thực khi tiêu dùng tại các nhà hàng suy giảm.

Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc ấm dần sau cao điểm dịch COVID-19 ở Vũ Hán

25-3-2020

Theo Bộ NN&PTNT, sau giai đoạn cao điểm bị dịch Covid-19 ở Vũ Hán, xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc ấm dần, dự báo sẽ phục hồi vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 tới, đặc biệt là các mặt hàng thực phẩm.

Bộ NN&PTNT: Tái đàn an toàn sinh học, tăng nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu lương thực thực phẩm

25-3-2020

Ngoài việc tập trung chỉ đạo tái đàn heo theo hướng đảm bảo an toàn sinh học, Bộ NN&PTNT còn đang đẩy mạnh, kết nối với các doanh nghiệp tăng nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thực phẩm trong nước.

Hoạt động thương mại khu vực biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc đang dần khôi phục

24-3-2020

Bộ Công Thương cho biết đến nay, hoạt động thương mại tại khu vực biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới đã và đang dần khôi phục. Tuy nhiên, năng lực thông quan tại các cửa khẩu vẫn còn hạn chế, nhân lực tham gia vào quá trình xuất nhập khẩu còn thiếu.

Thế giới còn rất nhiều thực phẩm, chỉ không ở nơi đang cần đến

23-3-2020

Các kho lạnh trên toàn cầu đang chất đầy thực phẩm, những phần thịt lợn cắt sẵn, những bánh phô mai to tướng và hàng triệu bao gạo. Nhưng khi virus corona tấn công các hoạt động logistics, câu hỏi đặt ra là: Làm thế nào để tất cả số thực phẩm này thực sự đến được nơi cần đến?

Nông sản tiếp tục lâm nguy

23-3-2020

Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19) bùng phát mạnh ở trong nước đã tạo nên tâm lí e ngại của các nhà kho chuyên thu mua trái cây. Điều này, có thể đẩy ngành hàng cây ăn trái tiếp tục rơi vào thế cần 'giải cứu' như vừa xảy ra.

Tăng tốc sản xuất, đợi thị trường bùng nổ sau dịch Covid-19

19-3-2020

Không thể phủ nhận, dịch Covid-19 đã và đang phủ bóng đen lên nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, dịch viêm phổi cấp do virus corona (Covid-19) chắc chắn sẽ có những tác động lớn đến sản xuất, xuất khẩu nông sản, nhưng nông dân, doanh nghiệp cần chủ động chuẩn bị sẵn cơ hội đợi thị trường bùng nổ sau dịch.

Thế giới cần 3,7 triệu tấn gạo, tăng tốc ở vụ lúa hè thu, thu đông

19-3-2020

Do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 khiến nhu cầu tích trữ lương thực của người dân tăng cao, dự báo nhu cầu lúa thế giới tăng 3,7 triệu tấn trong khi sản lượng có thể giảm 2,7 triệu tấn. Trong bối cảnh đó, Bộ NNPTNT đang tính đến phương án tăng thêm diện tích sản xuất lúa thu đông.

Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất nhập khẩu nông sản Việt Nam trong 2 tháng đầu năm

19-3-2020

Nông sản là một trong những ngành hàng xuất khẩu chính của Việt Nam giữ mức tăng trưởng khả quan trong tháng 2/2020. Trong đó, Trung Quốc là thị trường giảm hơn 22% về giá trị xuất khẩu nhưng vẫn là thị trường lớn nhất của hàng nông sản.

Thủ tướng: An ninh lương thực là vấn đề hết sức hệ trọng trong bất ổn toàn cầu

18-3-2020

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự trữ lương thực, ổn định trong mọi điều kiện là rất quan trọng, đây là mặt hàng chính yếu, đừng coi thường, đừng cho đây không phải vấn đề chiến lược.

Đang nhận góp ý cho Bộ tiêu chí chứng nhận Cà phê Việt Nam chất lượng cao

1-4-2020

Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (Viện CS-CL) được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao nhiệm vụ xây dựng Nhãn hiệu chứng nhận (NHCN) quốc gia “Cà phê Việt Nam chất lượng cao” đăng ký bảo hộ tại Cục Sở hữu trí tuệ. Đây là một dạng tiêu chuẩn tự nguyện có mục tiêu dài hạn là nâng cao chất lượng và giá trị cà phê Việt Nam trên thị trường trong nước cũng như quốc tế.