TIN TỨC-SỰ KIỆN

Nông sản tiếp tục lâm nguy

Ngày đăng: 23 | 03 | 2020

Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19) bùng phát mạnh ở trong nước đã tạo nên tâm lí e ngại của các nhà kho chuyên thu mua trái cây. Điều này, có thể đẩy ngành hàng cây ăn trái tiếp tục rơi vào thế cần 'giải cứu' như vừa xảy ra.

Tâm lý e ngại dịch Covid-19 có thể khiến ngành cây ăn trái tiếp tục rơi vào thế cần giải cứu. Trong ảnh là một nhà kho tiêu thụ thanh long ở Long An. Ảnh: Trung Chánh

Hồi tháng 2-2020 vừa qua, khi Covid-19 bùng phát mạnh ở Trung Quốc, quốc gia này đã áp dụng các biện pháp tạm thời để kiểm soát dịch như ra lệnh đóng các cửa khẩu. Điều này, khiến ngành cây ăn trái Việt Nam rơi vào bế tắc, hàng loạt cuộc kêu gọi giải cứu đã diễn ra.

Tuy nhiên, tình hình sau đó cũng đã được giải quyết khi các cửa khẩu tiếp giáp với Việt Nam mở trở lại và hàng hóa đã được phép thông quan, dù vẫn phải chịu sự kiểm soát dịch bệnh rất nghiêm ngặt.

Khi câu chuyện thông quan hàng hóa sang Trung Quốc đã được giải quyết, hoạt động xuất khẩu nông sản sang thị trường này dần trở lại bình thường thì số bệnh nhân nhiễm Covid-19 ở Việt Nam lại gia tăng từng ngày. 

Điều này đã tạo nên tâm lý lo lắng nơi người tiêu dùng trong nước nói chung. Bên cạnh đó là các thông tin về việc đóng cửa biên giới và hạn chế đi lại tại châu Âu và Mỹ. 

Từ đó, khiến các nhà thu mua trái cây xuất khẩu ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng e ngại với hoạt động mua gom hàng.

Ông Nguyễn Minh Hùng, Đại diện nhà kho thu mua thanh long Thuận Phát thừa nhận, nếu như trước đây, các kho thu mua sẵn sàng chi tiền đặt cọc mua thanh long khi vừa có trái non, thậm chí khi mới ra hoa, thì hiện đặt cọc thu mua tối đa chỉ khoảng 3 ngày. 

“Các nhà kho bây giờ cũng rụt rè lắm, không dám mua xa để giảm thiểu rủi ro”, ông giải thích.

Lý do chính khiến các nhà kho thu mua thanh long e ngại, ông Hùng cho biết, do dịch Covid-19 ở trong nước đang có xu hướng bùng phát mạnh, trong khi nếu Nhà nước có chính sách mới để ứng phó, thì rất có thể sẽ tạo ra những khó khăn mới cho doanh nghiệp. 

“Ví dụ, như trường hợp chính quyền cách ly, không cho công nhân làm”, ông dẫn chứng, nhưng nói rằng đó chỉ là sự lo sợ của nhà kho.

Ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội thanh long tỉnh Long An cho biết, đến thời điểm này, việc tiêu thụ thanh long sang thị trường Trung Quốc tuy ổn định, nhưng đã có xu hướng chậm lại. 

“Việc bán sang đây (Trung Quốc) chậm hơn, cho nên, một số nhà kho đòi không thu mua nữa, nhưng mới họp đêm hôm (tối 20-3) với một số anh em, tôi có vận động họ cố gắng thu mua”, ông cho biết và nói rằng giá thanh long mua tại vườn (mua xô) hiện chỉ còn 15.000-16.000 đồng/kg, giảm khoảng 10.000-15.000 đồng/kg so với hồi đầu tháng 3-2020.

Tuy nhiên, theo ông Trịnh, do tình hình dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở trong nước, trong khi phải mất khoảng 7-10 ngày, một đơn hàng thanh long (từ khi thu mua về đến kho) mới đưa được sang Trung Quốc tiêu thụ, cho nên, tâm lý của nhà kho rất sợ rủi ro. 

“Dịch cứ tăng lên mỗi ngày nên ai cũng sợ, nhất là khi Trung Quốc tiêu thụ hơi chậm lại”, ông nói.

Với các thị trường khác ngoài Trung Quốc, ông Hùng của Thuận Phát cho biết, khi các hãng hàng không dừng khai thác các đường bay quốc tế, thì việc tiêu thụ cũng “tê liệt”. 

“Ví dụ, đóng hàng đi Mỹ hay châu Âu, thì trước giờ cũng có tiêu thụ một số lượng nhất định, nhưng bây giờ do Covid-19 khiến tình hình di chuyển bằng đường hàng không cũng rất khó khăn, cho nên, tiêu thụ cũng gặp khó”, ông cho biết.

Trong khi đó, với mặt hàng mít Thái, trong hôm nay, 21-3, các kho thu mua ở huyện Cai Lậy, Cái Bè của tỉnh Tiền Giang, một số nơi cũng đã tạm ngưng phát giá cho thương lái đến thu mua tại vườn của nông dân, dù cách đó khoảng một tuần, giá loại sản phẩm này dao động trong khoảng từ 30.000-35.000 đồng/kg (loại 1).

Việc các nhà kho tiêu thụ trái cây thu mua cầm chừng do tâm lý e ngại Covid-19, rất có thể khiến ngành cây ăn trái rơi tiếp vào thế cần phải "giải cứu" như vừa xảy ra.

Theo Thời Báo kinh tế Sài Gòn

NỘI DUNG KHÁC

Tăng tốc sản xuất, đợi thị trường bùng nổ sau dịch Covid-19

19-3-2020

Không thể phủ nhận, dịch Covid-19 đã và đang phủ bóng đen lên nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, dịch viêm phổi cấp do virus corona (Covid-19) chắc chắn sẽ có những tác động lớn đến sản xuất, xuất khẩu nông sản, nhưng nông dân, doanh nghiệp cần chủ động chuẩn bị sẵn cơ hội đợi thị trường bùng nổ sau dịch.

Thế giới cần 3,7 triệu tấn gạo, tăng tốc ở vụ lúa hè thu, thu đông

19-3-2020

Do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 khiến nhu cầu tích trữ lương thực của người dân tăng cao, dự báo nhu cầu lúa thế giới tăng 3,7 triệu tấn trong khi sản lượng có thể giảm 2,7 triệu tấn. Trong bối cảnh đó, Bộ NNPTNT đang tính đến phương án tăng thêm diện tích sản xuất lúa thu đông.

Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất nhập khẩu nông sản Việt Nam trong 2 tháng đầu năm

19-3-2020

Nông sản là một trong những ngành hàng xuất khẩu chính của Việt Nam giữ mức tăng trưởng khả quan trong tháng 2/2020. Trong đó, Trung Quốc là thị trường giảm hơn 22% về giá trị xuất khẩu nhưng vẫn là thị trường lớn nhất của hàng nông sản.

Thủ tướng: An ninh lương thực là vấn đề hết sức hệ trọng trong bất ổn toàn cầu

18-3-2020

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự trữ lương thực, ổn định trong mọi điều kiện là rất quan trọng, đây là mặt hàng chính yếu, đừng coi thường, đừng cho đây không phải vấn đề chiến lược.

Đang nhận góp ý cho Bộ tiêu chí chứng nhận Cà phê Việt Nam chất lượng cao

1-4-2020

Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (Viện CS-CL) được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao nhiệm vụ xây dựng Nhãn hiệu chứng nhận (NHCN) quốc gia “Cà phê Việt Nam chất lượng cao” đăng ký bảo hộ tại Cục Sở hữu trí tuệ. Đây là một dạng tiêu chuẩn tự nguyện có mục tiêu dài hạn là nâng cao chất lượng và giá trị cà phê Việt Nam trên thị trường trong nước cũng như quốc tế.

Siêu thị, cửa hàng cam kết cung cấp đủ hàng hóa, người dân mua thực phẩm tích trữ giảm rõ rệt

14-3-2020

Cục quản lí thị trường các tỉnh sẽ tiếp tục theo dõi, giám sát, kiểm tra, xử lí, nghiêm cấm đầu cơ hàng hóa, găm hàng, tự tăng giá bất hợp pháp để thu lợi nhuận cao.

Bộ Công Thương khẳng định hàng hóa sẽ luôn được cung ứng đầy đủ, kể cả trong bối cảnh dịch bệnh

17-3-2020

Nguồn cung hàng hóa thiết yếu như gạo, thịt, rau quả, thuốc chữa bệnh...tại các siêu thị, chợ trên cả nước đều tăng số lượng dự trữ, không có hiện tượng thiếu hàng sốt giá.

Ngành nông nghiệp lên phương án chuẩn bị cho nhu cầu lương thực, thực phẩm sau dịch COVID-19

16-3-2020

Sau dịch bệnh bao giờ cũng có nhu cầu lương thực, thực phẩm lớn, có thể nói là nhu cầu bùng nổ, vì vậy, cần chuẩn bị để có nguồn hàng hóa cung ứng cho thị trường.

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết TW7 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn

12-3-2020

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ban hành Kế hoạch triển khai Kết luận số 54-KL/TW ngày 7/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Gỡ nút thắt cơ giới hóa: Cơ hội đổi mới tư duy làm nông nghiệp

12-3-2020

Có thể khẳng định, việc thực hiện cơ giới hóa đã làm thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp, thay thế phương pháp sản xuất thủ công bằng tiến bộ khoa học, từng bước tổ chức sản xuất theo hướng công nghiệp, tăng năng suất lao động...

Bộ NN-PTNT thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong điều kiện dịch Covid-19

12-3-2020

Bộ NN-PTNT đã xác định những nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trong điều kiện dịch Covid-19.

Hạn hán nặng – ĐBSCL thông báo tình trạng khẩn cấp

12-3-2020

Hạn hán kéo dài tại Việt Nam, cộng với tình hình xâm mặn lấn sâu trên diện rộng, đã đẩy 5 tỉnh tại vựa gạo của Việt Nam phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp. “Hạn hán và xâm mặn năm 2020 có tính chất nghiêm trọng vượt xa những gì chúng tôi chứng kiến 4 năm trước”, theo ông Nguyễn Thiện Pháp, lãnh đạo Chi cục nước tỉnh Tiền Giang, một trong những tỉnh tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại ĐBSCL.