TIN TỨC-SỰ KIỆN

XK nông lâm thủy sản: Truy xuất được nguồn gốc, điều kiện tiên quyết

Ngày đăng: 06 | 11 | 2017

Xuất khẩu nông lâm thủy sản 10 tháng năm 2017 đạt được những con số ấn tượng. Tuy nhiên, những diễn biến mới của thị trường cho thấy, việc tránh phụ thuộc vào một thị trường và quan tâm đặc biệt đến vấn đề truy xuất nguồn gốc phải được tính đến.

Con số ấn tượng

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, kim ngạch xuất khẩu (XK) nông lâm thủy sản tháng 10/2017 ước đạt 2,74 tỷ USD, đưa tổng giá trị XK 10 tháng năm 2017 đạt 29,76 tỷ USD, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2016.

Trong đó, giá trị XK các mặt hàng nông sản chính ước đạt 15,62 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2016; giá trị XK thủy sản ước đạt 6,73 tỷ USD, tăng 17,6%; giá trị XK các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 6,44 tỷ USD, tăng 9,9%.

Trong số các mặt hàng nông sản XK, gạo, cao su và chè là những mặt hàng có sự gia tăng cả về lượng và giá trị. Cụ thể, đối với mặt hàng gạo, khối lượng gạo XK 10 tháng năm 2017 ước đạt 5,05 triệu tấn và 2,25 tỷ USD, tăng 22,3% về khối lượng và tăng 21,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.

Đối với mặt hàng cao su, 10 tháng năm 2017 XK ước đạt 1,05 triệu tấn và 1,77 tỷ USD, tăng 5,7% về khối lượng và tăng 40,6% về giá trị. Trung Quốc, Malaysia và Ấn Độ là 3 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam.

XK chè 10 tháng năm 2017 ước đạt 114.000 tấn và 184 triệu USD, tăng 10,7% về khối lượng và tăng 8,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Khối lượng XK cà phê 10 tháng năm 2017 ước đạt 1,17 triệu tấn và 2,69 tỷ USD, giảm 22,7% về khối lượng và giảm 2,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. XK gỗ ước đạt 6,15 tỷ USD, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2016. Hoa Kỳ, Trung Quốc, và Nhật Bản là 3 thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam.

Đáng chú ý, ngành hàng rau quả có sự bứt phá mạnh mẽ trong XK. Theo đó, giá trị XK hàng rau quả 10 tháng ước đạt 2,84 tỷ USD, tăng 41,2% so với cùng kỳ năm 2016. Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của rau quả Việt Nam.

Tránh phụ thuộc vào một thị trường

Trong số 8 mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực đạt doanh số xuất khẩu trên 1 tỷ USD 10 tháng đầu năm, có tới 7 mặt hàng vẫn dựa chủ yếu vào thị trường Trung Quốc.

Đơn cử như mặt hàng gạo, Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2017 với 39,3% thị phần. XK gạo sang thị trường này trong 9 tháng năm 2017 đạt gần 1,8 triệu tấn và 802,9 triệu USD, tăng 32,8% về khối lượng và tăng 31,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.

Cao su xuất khẩu gần 1,7 tỷ USD, thì riêng thị trường Trung Quốc đã đạt hơn 1 tỷ USD. Mặt hàng rau quả, thị trường Trung Quốc cũng chiếm thị phần tới 76%, tốc độ tăng trưởng 53%. Đáng chú ý, mặt hàng có khả năng đạt kim ngạch 1 tỷ USD năm nay là sắn và các sản phẩm sắn (đạt gần 790 triệu USD trong 10 tháng) cũng có mức độ phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc rất cao, 87%. 

Dù giá xuất khẩu nông sản nước ta sang Trung Quốc đa phần thấp hơn nhiều thị trường khác, thiếu bền vững và khả năng bị ép khá giá cao nhưng cũng phải thừa nhận rằng, đây là thị trường vô cùng quan trọng với ngành nông sản xuất khẩu của Việt Nam.

Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho hay, năm nay, cá tra xuất khẩu gặp nhiều khó khăn tại thị trường Hoa Kỳ, EU. Nếu không có sự tăng trưởng mạnh mẽ từ thị Trung Quốc (tăng hơn 40% và đang giữ vị trí số 1 về thị trường nhập khẩu) thì ngành cá tra sẽ đối mặt với nhiều khó khăn. 

Tương tự, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Intimex Group cho rằng, dù yêu cầu của thị trường Trung Quốc đã khắt khe hơn trước rất nhiều, song tiềm năng của thị trường này rất lớn.

Ông Đỗ Hà Nam cho rằng, để thị trường gạo xuất khẩu sang Trung Quốc bền vững, Chính phủ cần hỗ trợ đàm phán với Chính phủ nước bạn để mở rộng kênh chính ngạch, đồng thời siết chặt chất lượng gạo xuất khẩu để nâng cao uy tín cho gạo Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam cũng phải quản lý biên mậu theo hướng giảm bớt nhập khẩu hàng tiểu ngạch từ Trung Quốc, thay vào đó là đẩy mạnh nhập khẩu đường chính ngạch để cân bằng lợi ích giữa hai bên.

Xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt được con số ấn tượng nhưng vẫn phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng phải linh động tìm kiếm thị trường khác ngoài Trung Quốc như Bangladesh, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Myanmar, Philippines, song song với xây dựng thương hiệu gạo cho mình.

Thời của truy xuất nguồn gốc

Việc Ủy ban châu Âu (EC) chính thức áp dụng biện pháp “thẻ vàng” đối với hải sản Việt Nam vì chưa có nhiều tiến bộ trong hoạt động quản lý khai thác hải sản như một hồi chuông cảnh báo nhà quản lý và doanh nghiệp cần chú trọng hơn đến vấn đề truy xuất nguồn gốc của sản phẩm.

 Theo quy trình của EC, sau khi xác định quốc gia có xuất khẩu thủy sản vào EU không đáp ứng được các yêu cầu của EU trong chống khai thác bất hợp pháp (IUU), EC có quyết định cảnh báo chính thức (biện pháp “thẻ vàng”). 

Thời gian cảnh báo “thẻ vàng” là 6 tháng. Sau 6 tháng (đến 23/4/2018), sau khi có kết quả của đoàn kiểm tra của Tổng vụ các vấn đề về biển và thủy sản của EC (DGMARE) về việc triển khai các quy định IUU của EU, có 3 khả năng xảy ra với Việt Nam: Nếu Việt Nam triển khai đầy đủ, toàn bộ các quy định của EC với các minh chứng cụ thể thì tình trạng cảnh báo “thẻ vàng” sẽ được dỡ bỏ. Nếu việc triển khai các qui định của EU về IUU có tiến bộ, EC có thể gia hạn để hoàn thiện các nội dung còn thiếu.

Trong trường hợp cảnh báo của EC không được thực hiện hoặc triển khai không hiệu quả, EC sẽ ban hành biện pháp “thẻ đỏ”, khi đó lệnh cấm xuất khẩu hải sản khai thác từ Việt Nam vào thị trường EU sẽ được áp dụng. 

Không chỉ Hoa Kỳ, từ ngày 1/1/2018, Chính phủ Hoa Kỳ sẽ áp dụng Chương trình giám sát hải sản NK (SIMP) vào nước này. SIMP sẽ chống lại các hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp (IUU) và gian lận hải sản.  Như vậy, doanh nghiệp xuất khẩu hải sản Việt Nam chỉ còn hơn 2 tháng nữa để chuẩn bị, trong khi rất nhiều doanh nghiệp còn chưa hiểu rõ những yêu cầu, quy định của chương trình này.

Theo bà Heather Brandon (Cục quản lý đại dương và khí quyển quốc gia Hoa Kỳ - NOAA), sẽ có 13 loài hải sản nhập khẩu được NOAA giám sát kể từ ngày 1/1/2018, gồm: cá hồng, hải sâm, cá mập, cá kiếm, cá ngừ (cá ngừ đại dương, cá ngừ mắt to, cá ngừ vằn, cá ngừ vây xanh, cá ngừ vây vàng), cá mú, cá nục heo (Mahi Mahi), cua hoàng đế, cua xanh Đại Tây Dương, tôm, bào ngư và cá tuyết Đại Tây Dương. Trong đó, 11 loài sẽ được giám sát ngay từ 1/1/2018, riêng 2 loài bào ngư và tôm sẽ giám sát sau một chút bởi cần thu thập thêm thông tin. Sau này, SIMP sẽ áp dụng với tất cả các hải sản NK vào Hoa Kỳ.

Tương tự, với mặt hàng gỗ, những yêu cầu về minh bạch nguồn gốc xuất xứ gỗ nguyên liệu cũng ngày càng khắt khe.

TS.Tô Xuân Phúc (Tổ chức Forest Trends) cho biết, đơn cử như chính sách thúc đẩy sản xuất nội địa của Chính phủ Hoa Kỳ và kế hoạch của chính phủ nhằm cân bằng thương mại giữa quốc gia này và các quốc gia khác, bao gồm cả với Trung Quốc có thể có những tác động đến ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam. Các biện pháp siết chặt kiểm soát hàng hóa nhập khẩu vào Hoa Kỳ, đặc biệt là hàng hóa từ Trung Quốc có thể làm cho việc xuất khẩu đồ gỗ của Trung Quốc vào Hoa Kỳ trở nên khó khăn hơn.

Bên cạnh đó, tháng 5/2016, Chính phủ Nhật Bản thông qua Đạo luật về tăng cường phân phối và sử dụng các gỗ khai thác hợp pháp (hay còn gọi là Đạo luật gỗ sạch (Clean Wood Act). Để thực hiện đạo luật này, chính phủ cần phải ban hành 1 chính sách và 2 nghị định, nhằm chi tiết hóa các quy định về trách nhiệm giải trình cho các công ty cũng như khung pháp lý và hệ thống thực thi chính sách và các nghị định này. Tháng 5/2017, Chính phủ cũng ban hành các quy định về để thực hiện chính sách và các nghị định.

Chính phủ Hàn Quốc cũng cam kết thực hiện việc loại bỏ gỗ bất hợp pháp ra khỏi thị trường này. Bên cạnh đó, vào tháng 3 năm 2017, Cơ quan quản lý lâm nghiệp của Hàn Quốc thông báo Đạo luật sử dụng gỗ bền vững (Act on the Sustainable Use of Wood) trong đó bao gồm những điều khoản nhằm quản lý việc nhập khẩu các sản phẩm gỗ vào quốc gia này.

Đạo luật sử dụng gỗ bền vững có hiệu lực vào ngày 22/9/2017, tuy nhiên các điều khoản có liên quan đến các sản phẩm gỗ nhập khẩu sẽ chỉ có hiệu lực bắt đầu từ 22/3/2018, sau khi đã được chỉnh sửa. Chính phủ Hàn Quốc được kỳ vọng sẽ ban hành một nghị định hướng dẫn việc thực thi các điều khoản này và cung cấp thêm các thông tin có liên quan đến phạm vi của các điều khoản, trong đó bao gồm làm thế nào những nhà nhập khẩu có thể tuân thủ và đưa ra các bằng chứng xác đáng về sự tuân thủ đó trong tương lai. Các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nếu không loại bỏ nguồn nguyên liệu gỗ có độ rủi ro cao.

Lệnh cấm khai thác gỗ từ rừng tự nhiên của Chính phủ Trung Quốc có hiệu lực từ đầu năm 2017 đang và sẽ tiếp tục tác động trực tiếp đến ngành gỗ Việt Nam, đặc biệt, ở khía cạnh nguồn cung gỗ nguyên liệu. Lượng gỗ cao su của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng đột biến trong thời gian gần đây có thể là một trong những tác động của lệnh cấm này.

Theo ông Phúc, loại bỏ nguồn gỗ nguyên liệu rủi ro cao có nguồn gốc từ nhập khẩu, thay thế bởi các nguồn gỗ nguyên liệu “sạch” là nhu cầu cấp bách. Để làm điều điều này cần có sự cam kết mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp và cơ chế kiểm soát chặt chẽ của cơ quan quản lý cấp trung ương và địa phương.

Đối với mặt hàng hải sản, để tránh những tác động của EU, giúp các doanh nghiệp đáp ứng được các yêu cầu của thị trường, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ thành lập tổ công tác liên ngành do lãnh đạo Bộ là Tổ trưởng với sự tham gia của các Bộ, ngành, hội, hiệp hội có liên quan để chỉ đạo, điều phối triển khai các biện pháp khắc phục thẻ vàng của EU; tổ chức các đoàn đàm phán, đối thoại để EU hiểu và ghi nhận nỗ lực của Việt Nam trong việc triển khai, đáp ứng các khuyến nghị của EU; tiếp tục biên dịch Luật Thủy sản sửa đổi và các văn bản dưới luật khi được sửa đổi ban hành để cung cấp cho EU. 

Theo Kinh tế nông thôn

NỘI DUNG KHÁC

Để nông sản xuất khẩu tiến nhanh hơn, bền vững hơn

6-11-2017

Trong khi tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu nhiều loại nông sản luôn ở mức 2 con số trong mấy năm liền, thì với một số nông sản khác, “thời hoàng kim” dường như đã trôi qua.

Việt Nam tăng 14 bậc về xếp hạng môi trường kinh doanh, vượt Trung Quốc 10 bậc

5-11-2017

Việt Nam tiếp được xếp hạng 68/190 nền kinh tế được đánh giá về môi trường kinh doanh, tăng thêm 14 bậc so với năm 2017; với số điểm 67,93 trên thang 100.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn gặp khó trong hội nhập thương mại quốc tế

31-10-2017

Mặc dù đã có nhiều bước tiến trong hội nhập với thế giới, nhưng các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) vẫn gặp khó khăn trong hội nhập thương mại quốc tế.

Năm 2018: Kỳ vọng nền kinh tế tăng trưởng bền vững

1-11-2017

Năm 2018, Chính phủ đặt mục tiêu tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,5 đến 6,7%.

Khó sản xuất hàng hóa do vướng hạn mức giao đất

31-10-2017

Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội sáng nay (31/10), đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Bình Phước) cho rằng, muốn xây dựng những cánh đồng mẫu lớn, vùng chuyên canh cây công nghiệp,... phải giải quyết những vướng mắc về đất đai.

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao: Cần giải quyết 5 vấn đề

1-11-2017

Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại kỳ họp thứ 4, Quốc khóa XIV, đại biểu Nguyễn Như So (Bắc Ninh) đóng góp một số ý kiến về những hạn chế, bất cập trong giải pháp phát triển ngành nông nghiệp cho những tháng còn lại của năm 2017 và tiền đề cho năm 2018.

Chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp phải thích ứng với biến đổi khí hậu và thị trường

2-11-2017

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT Nguyễn Xuân Cường, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp hiện có rất nhiều áp lực, trong đó phải đảm bảo hai mục tiêu: Thích ứng với biến đổi khí hậu và thích ứng với thị trường.

Nông nghiệp 4.0 là cú huých cho tái cơ cấu ngành

2-11-2017

“Nông nghiệp 4.0 là xu thế của thời đại đã được sự lựa chọn của nhiều quốc gia”, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan (Hà Nội) nhấn mạnh.

Có "gói" 100.000 tỉ đồng, làm nông nghiệp công nghệ cao vẫn đói vốn

1-11-2017

Nhiều dự án đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao vẫn đình trệ, hoặc chậm triển khai vì đợi các chính sách giải ngân gói 100.000 tỉ đồng.

Tích tụ ruộng đất – những vấn đề đặt ra

26-10-2017

Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI (2011) đã khẳng định “khuyến khích tập trung ruộng đất, phát triển trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp phù hợp về quy mô và điều kiện của từng vùng”.

THÔNG BÁO TUYỂN NHÂN VIÊN HÀNH CHÍNH (HĐLĐ)

20-9-2017

THÔNG BÁO TUYỂN NHÂN VIÊN HÀNH CHÍNH (HĐLĐ)

Bộ NN&PTNT công bố cắt giảm hàng loạt điều kiện, giấy phép

25-10-2017

Tại buổi kiểm tra do Tổ công tác của Thủ tướng tiến hành ngày 25/10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công bố cắt giảm hàng loạt điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành... với ước tính tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng cho doanh nghiệp.