TIN TỨC-SỰ KIỆN

Để nông sản xuất khẩu tiến nhanh hơn, bền vững hơn

Ngày đăng: 06 | 11 | 2017

Trong khi tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu nhiều loại nông sản luôn ở mức 2 con số trong mấy năm liền, thì với một số nông sản khác, “thời hoàng kim” dường như đã trôi qua.

Bên cạnh nhiều nguyên nhân khách quan về giá cả thị trường và thị hiếu tiêu dùng, nông sản Việt Nam còn đang vấp phải hệ thống rào cản kỹ thuật ngày càng cao từ các nước nhập khẩu.

Nghịch lý cản trở tiềm năng

Theo thống kê từ Bộ NN&PTNT, Việt Nam hiện đã xuất khẩu nông sản đến hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Xuất khẩu nông sản đang có đóng góp đáng kể trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước (chiếm khoảng 8,6% vào năm 2016).

Trong 5 năm qua, xuất khẩu hàng nông sản vẫn tăng trưởng trung bình 2,4%/năm. Riêng 10 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu nông lâm thủy sản đã đạt 29,76 tỷ USD. Trong đó nông sản chiếm quá nửa tổng giá trị. Dự kiến kim ngạch xuất khẩu nông sản cả năm 2017 sẽ đạt mức tăng hơn 10% so với năm 2016.

Tuy nhiên nếu đi sâu vào từng góc cạnh, vẫn đang còn không ít nghịch lý đang cản trở tiềm năng xuất khẩu nông sản Việt.

Từ chuyện xuất khẩu thanh long - loại trái cây chiếm đến 68% tổng giá trị trái cây Việt Nam xuất khẩu – cũng có thể nhận ra thế yếu của trái cây trong nước. Trong khi nông dân phải đổ bỏ thanh long ra đường hoặc cho gia súc ăn thì nhiều doanh nghiệp xuất khẩu trái cây vẫn chật vật ngược xuôi vì không gom đủ lượng thanh long đạt chuẩn cho các đơn hàng xuất đi Nhật, đi Mỹ.

Cũng vì không đủ chuẩn xuất đi các thị trường cao cấp nên 83% trái cây Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, và cũng chủ yếu là xuất thô, hầu như chưa qua chế biến nên giá trị không lớn. Tương tự, trước người láng giềng Thái Lan, trái cây Việt Nam cũng “đuối” hơn khi chỉ có thể xuất khẩu vào thị trường này 3 loại là nhãn, thanh long và vải, còn Thái Lan lại bán sang Việt Nam đến hơn 20 loại trái cây (năm 2015).

“Khi không thể tiếp cận thị trường thì giảm thuế quan chẳng có ích gì”, đại diện nhà tư vấn Fresh Studio, chuyên về nghiên cứu phát triển, tư vấn thực phẩm khu vực Châu Á và Châu Âu nhận định.

Rào cản lớn của nông sản xuất khẩu

Những tin tức từ hàng loạt thị trường lớn về việc hàng nông sản xuất xứ từ Việt Nam bị ách tắc, kiểm tra, cảnh báo hoặc thậm chí phải trả về dường như ngày càng nhiều hơn.

Tra cứu trang tin của Cục quản lý dược phẩm và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) đối với mặt hàng gạo nhập khẩu từ Việt Nam, có thể nhận thấy hàng loạt cảnh báo về sâu bệnh, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (12 hoạt chất bị cảnh báo). Tương tự, hệ thống cảnh báo nhanh với thực phẩm nhập khẩu vào Châu Âu (RSAFF) cũng liệt kê 62 cảnh báo về nông sản, thực phẩm đến từ Việt Nam với 12 hoạt chất vượt ngưỡng dư lượng quy định.

Vì sao như vậy? Theo các nhà phân tích, điều này không hẳn là do nông sản Việt Nam yếu kém về chất lượng, mà còn có thể do ngành nông nghiệp, nông dân và các nhà xuất khẩu Việt Nam không nắm vững hệ thống rào cản kỹ thuật của các thị trường nhập khẩu để có thể thương thuyết, chọn lựa được cách thức canh tác, chủng loại - liều lượng phân thuốc, kỹ thuật bảo quản và chế biến phù hợp.

Và MRLs là một trong những rào cản kỹ thuật lớn nhất trong số đó. Có thể hiểu nôm na MRLs là hệ thống tiêu chuẩn quy định nồng độ dư lượng tối đa thuốc bảo vệ thực vật (mg/kg) có khả năng xuất hiện trong thực phẩm và thức ăn động vật sau khi sử dụng thuốc trừ sâu theo Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP). Dựa trên đặc thù riêng mà mỗi quốc gia lại xây dựng hệ thống MRLs với những quy định chi tiết về nồng độ các hoạt chất khác nhau.

Ông Trần Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm kiểm định và khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật phía Nam (Cục Bảo vệ thực vật) cho rằng hàng rào kỹ thuật (MRLs) của nhiều thị trường cao cấp ngày càng cao hơn. Trong khi “sâu bệnh ngày càng nhiều, khả năng kháng thuốc ngày càng mạnh. Nông dân thì cứ đẩy mạnh dùng thuốc, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vì vậy càng lớn”.

Mà không chỉ có lỗi từ nông dân, cả khâu chế biến, bảo quản cũng “dự phần”. Ví dụ như hiện tượng hồ tiêu Việt Nam xuất khẩu bị cảnh báo về dư lượng carbendazim, theo một số phân tích thì đây không hẳn lỗi của nông dân mà có thể từ các đơn vị thu mua, chế biến, xuất khẩu, vì đây là hoạt chất thành phần trong thuốc chống mốc.

Làm sao đối mặt với MRLs?

Nếu như hơn 20 năm trước, sản lượng là mối quan tâm hàng đầu của ngành nông nghiệp Việt Nam thì ngày nay, mục tiêu chất lượng đang dần được định hình như lối ra bền vững cho xuất khẩu nông sản với giá trị cao. Bởi vậy, những rào cản kỹ thuật như MRLs cần phải được nắm vững và cập nhật rộng rãi, từ những người làm công tác quản lý ngành nông nghiệp, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu, các nhà khoa học đến người nông dân trực tiếp canh tác trên đồng ruộng.

“Cần xây dựng hệ thống tin thị trường và cơ sở dữ liệu cập nhật về các tiêu chuẩn, rào cản kỹ thuật để cung cấp cho tất cả các khâu hình thành nên chuỗi giá trị nông sản”, TS. Jason Sandahl, tư vấn cấp cao cho Cơ quan Nông nghiệp Hoa Kỳ về an toàn thực phẩm nhấn mạnh.

Tất nhiên, vẫn có kinh nghiệm “chữa cháy” khác được TS KanungoD, chủ tịch Hội đồng MRLs và Tiêu chuẩn an toàn thực phẩm (Bộ Y tế Ấn Độ) đề cập. Đó là thương thuyết với các cơ quan chức năng của thị trường nhập khẩu về mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Tuy vậy, để có giải pháp lâu dài, ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN & PTNT) cho hay FDA đang phối hợp hỗ trợ Việt Nam nghiên cứu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật dành cho nông sản.

Về phía người nông dân, nên triệt để áp dụng GAP trong trồng trọt, vì đây là cơ sở ban đầu để các nước làm căn cứ xây dựng MRLs. Ngoài ra, hướng đến các giải pháp phi hóa học trong giai đoạn sắp vào thời kỳ thu hoạch cũng là biện pháp căn cơ để đối phó với các hàng rào về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Theo chinhphu.vn

NỘI DUNG KHÁC

Việt Nam tăng 14 bậc về xếp hạng môi trường kinh doanh, vượt Trung Quốc 10 bậc

5-11-2017

Việt Nam tiếp được xếp hạng 68/190 nền kinh tế được đánh giá về môi trường kinh doanh, tăng thêm 14 bậc so với năm 2017; với số điểm 67,93 trên thang 100.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn gặp khó trong hội nhập thương mại quốc tế

31-10-2017

Mặc dù đã có nhiều bước tiến trong hội nhập với thế giới, nhưng các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) vẫn gặp khó khăn trong hội nhập thương mại quốc tế.

Năm 2018: Kỳ vọng nền kinh tế tăng trưởng bền vững

1-11-2017

Năm 2018, Chính phủ đặt mục tiêu tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,5 đến 6,7%.

Khó sản xuất hàng hóa do vướng hạn mức giao đất

31-10-2017

Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội sáng nay (31/10), đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Bình Phước) cho rằng, muốn xây dựng những cánh đồng mẫu lớn, vùng chuyên canh cây công nghiệp,... phải giải quyết những vướng mắc về đất đai.

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao: Cần giải quyết 5 vấn đề

1-11-2017

Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại kỳ họp thứ 4, Quốc khóa XIV, đại biểu Nguyễn Như So (Bắc Ninh) đóng góp một số ý kiến về những hạn chế, bất cập trong giải pháp phát triển ngành nông nghiệp cho những tháng còn lại của năm 2017 và tiền đề cho năm 2018.

Chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp phải thích ứng với biến đổi khí hậu và thị trường

2-11-2017

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT Nguyễn Xuân Cường, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp hiện có rất nhiều áp lực, trong đó phải đảm bảo hai mục tiêu: Thích ứng với biến đổi khí hậu và thích ứng với thị trường.

Nông nghiệp 4.0 là cú huých cho tái cơ cấu ngành

2-11-2017

“Nông nghiệp 4.0 là xu thế của thời đại đã được sự lựa chọn của nhiều quốc gia”, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan (Hà Nội) nhấn mạnh.

Có "gói" 100.000 tỉ đồng, làm nông nghiệp công nghệ cao vẫn đói vốn

1-11-2017

Nhiều dự án đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao vẫn đình trệ, hoặc chậm triển khai vì đợi các chính sách giải ngân gói 100.000 tỉ đồng.

Tích tụ ruộng đất – những vấn đề đặt ra

26-10-2017

Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI (2011) đã khẳng định “khuyến khích tập trung ruộng đất, phát triển trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp phù hợp về quy mô và điều kiện của từng vùng”.

THÔNG BÁO TUYỂN NHÂN VIÊN HÀNH CHÍNH (HĐLĐ)

20-9-2017

THÔNG BÁO TUYỂN NHÂN VIÊN HÀNH CHÍNH (HĐLĐ)

Bộ NN&PTNT công bố cắt giảm hàng loạt điều kiện, giấy phép

25-10-2017

Tại buổi kiểm tra do Tổ công tác của Thủ tướng tiến hành ngày 25/10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công bố cắt giảm hàng loạt điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành... với ước tính tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng cho doanh nghiệp.

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở một số địa phương triển khai chậm

23-10-2017

Tái cơ cấu các ngành nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ ở một số vùng, địa phương triển khai chậm, lúng túng, chưa gắn với thị trường.