TIN TỨC-SỰ KIỆN

Ba kịch bản cho tăng trưởng kinh tế 2018

Ngày đăng: 07 | 09 | 2017

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phác thảo 3 kịch bản cho tăng trưởng kinh tế năm 2018, từ đó chuẩn bị cho việc xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm tới.

Xây dựng 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế 2018

Cùng với việc đưa ra dự báo rằng, mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% trong năm 2017 là “có khả năng đạt được” nếu nỗ lực phấn đấu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã chính thức báo cáo Chính phủ 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế trong năm tới.

Khu vực doanh nghiệp tư nhân đang đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế.

Trong ảnh: Siêu thị VinMart

Theo đó, ở phương án thấp, dự kiến GDP tăng trưởng 6,4%; phương án trung bình, mức tăng trưởng là 6,5%; còn phương án cao, mức tăng trưởng là 6,81%.

Ba kịch bản tăng trưởng này, theo ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng dựa trên cơ sở ước thực hiện năm 2017, dự báo tình hình kinh tế thế giới và trong nước năm 2018, căn cứ mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, cũng như dựa trên chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, với tăng trưởng GDP dự kiến ở mức 6,4 - 6,8%.

Xây dựng 3 kịch bản như vậy, song với dự báo năm 2018 và các năm tiếp theo, ngành khai khoáng có thể tiếp tục giảm, ảnh hưởng tới tăng trưởng cả nước, trong khi mô hình kinh tế hiện nay chưa thể chuyển ngay từ chiều rộng sang chiều sâu trong thời gian ngắn…, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, trong các phương án nêu trên, phương án trung bình là phương án phù hợp nhất.

Đề xuất này cũng đã được nhiều thành viên Chính phủ đồng thuận, như vậy, nhiều khả năng, Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 sẽ được xây dựng với mục tiêu tăng trưởng GDP là 6,5% - một mức tăng trưởng hợp lý.

Cùng với việc đặt mục tiêu tăng trưởng trong năm tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2018 được xác định nhất quán là “bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tạo nền tảng ổn định để phát triển kinh tế”. Đồng thời, chuyển dần sang hướng đẩy mạnh triển khai nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế và thực hiện 3 đột phá chiến lược để tạo động lực tăng trưởng mới, qua đó tác động trở lại, tạo sự ổn định kinh tế vĩ mô ở quy mô và trình độ cao hơn.

“Bên cạnh đó, cũng phải tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực, tạo tiền đề thuận lợi để phát triển kinh tế trong các năm tiếp theo, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng của Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 đề ra”, ông Phương nhấn mạnh.

Khó khăn, thách thức chực chờ

Dù những tín hiệu tích cực và lạc quan cho nền kinh tế trong năm 2018 là có, song cũng không thể phủ nhận rằng, khó khăn, thách thức đang chực chờ. Một trong những thách thức dễ nhìn thấy nhất là khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm nay. Nếu không đạt mục tiêu này thì sẽ ảnh hưởng tới việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm tới.

Bởi vậy, trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã nhắc đi nhắc lại rằng, tất cả các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty tiếp tục rà lại từng chỉ tiêu, phấn đấu quyết liệt, không chủ quan. “Công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, trong đó có du lịch, mà sơ suất 1 tháng không đạt thì khó đạt chỉ tiêu tăng trưởng cả năm 6,7%”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Cùng với đó, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khó khăn, thách thức của năm 2018, ngoài các yếu tố khách quan, còn là các vấn đề liên quan đến điểm yếu nội tại của nền kinh tế, từ mô hình kinh tế chủ yếu dựa trên lao động giá rẻ, trình độ công nghệ thấp; đất đai, tài nguyên thiên nhiên đang dần cạn kiệt, trong khi hiệu quả sử dụng chưa tăng đáng kể; doanh nghiệp trong nước vẫn hạn chế cả về quy mô, năng lực điều hành, dẫn tới hạn chế về khả năng cạnh tranh…

Chưa kể, những khó khăn mới cũng có thể xuất hiện, khi những động lực tăng trưởng dựa vào khai thác dầu khí, than, đóng góp của Samsung, Formosa, kiều hối... đều đã được tận dụng và khó có khả năng có mức tăng bứt phá… Điều này, kết hợp với dư địa cho chính sách tài khóa và tiền tệ vẫn còn hạn hẹp, khả năng huy động vốn cho đầu tư phát triển vẫn còn khó khăn… sẽ tác động đáng kể tới tăng trưởng kinh tế năm 2018.

“Tăng trưởng của nền kinh tế dựa nhiều vào sự phát triển của khu vực doanh nghiệp, nhưng khu vực tư nhân vẫn còn rất nhiều khó khăn. Theo thống kê, hiện chỉ có 1/3 số doanh nghiệp tư nhân làm ăn có lãi. Nếu năm tới điều chỉnh tăng lương, tăng một loạt chi phí nữa thì sẽ ảnh hưởng tới hiệu quả kinh doanh của khu vực này, số doanh nghiệp có lãi sẽ giảm và như vậy thì sẽ tác động tới tăng trưởng kinh tế”, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) quan ngại.

Bởi thế, theo ông Cung, cần xem xét lại việc tăng các loại chi phí như công đoàn, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp... của doanh nghiệp. “Đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng vào thời điểm này cũng đang làm ‘xao xuyến’ xã hội”, ông Cung nói và đề xuất rằng, cũng cần phải xem xét lại hiệu quả kinh tế của các “quả đấm thép” của nền kinh tế.

“Phải xem xét lại hiệu quả kinh doanh của ít nhất 30 tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Trong việc giao kế hoạch năm tới cho các đơn vị này, không nên giao theo hướng khai thác bao nhiêu tấn dầu, tấn than, mà phải là tăng lợi nhuận bao nhiêu, tỷ suất lợi nhuận thế nào..., tức là giao chỉ tiêu mang tính chất lượng nhiều hơn. Làm được như vậy, thì tăng trưởng kinh tế sẽ tốt hơn”, ông Cung nhấn mạnh.

Liên quan vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi báo cáo Chính phủ cũng đã đề cập việc tăng thuế giá trị gia tăng trong thời gian tới cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, trong đó có đánh giá tác động đối với thu ngân sách nhà nước cũng như tác động đến tiêu dùng toàn dân, nhất là những người có thu nhập thấp, mức độ ảnh hưởng đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp, đến lao động và việc làm…

Trong khi đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, với tinh thần năm 2017 là năm giảm chi phí cho doanh nghiệp, trước mắt, chưa đề cập việc tăng các loại thuế, phí, lệ phí, ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Tuy nhiên, nỗi lo tăng chi phí đầu vào vẫn đang đè nặng doanh nghiệp trong năm 2018./.

Theo Báo Đầu tư

NỘI DUNG KHÁC

Tháo gỡ khó khăn thu hút đầu tư nông nghiệp bằng cơ chế

6-9-2017

Quan điểm được đưa ra tại hội thảo đổi mới cơ chế chính sách để thu hút nhiều hơn doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.

GDP nông nghiệp tín hiệu sáng

7-9-2017

Theo Bộ NN-PTNT, 8 tháng đầu năm 2017, mặc dù tình hình thiên tai diễn biến phức tạp, tuy nhiên SX và XK các mặt hàng nông lâm thủy sản cả nước tiếp tục ghi nhận những tín hiệu sáng.

Giá cà phê, cao su, điều… tăng cao, xuất khẩu nông sản “ghi điểm”

28-8-2017

Theo số liệu thống kê mới nhất của Bộ NNPTNT, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản tháng 8 ước đạt 3,1 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 8 tháng qua đạt 23,66 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2016.

Doanh nghiệp gặp khó với các quy định an toàn thực phẩm

28-8-2017

Nhiều hiệp hội thực phẩm, tổ chức vừa gửi kiến nghị lên Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị sửa đổi Nghị định 38/2012 (Nghị định 38) hướng dẫn một số điều của Luật An toàn thực phẩm (ATTP).

Thuế tiêu thụ: có thực sự mang tính lũy thoái?

28-8-2017

Khi Bộ Tài chính đề xuất nâng tỷ lệ thuế giá trị gia tăng (GTGT) từ mức 10% lên 12%, nhiều chuyên gia cảnh báo cần phải xem xét quyết định này một cách cẩn trọng vì thuế GTGT có bản chất lũy thoái, tức đánh vào người có thu nhập thấp nhiều hơn người có thu nhập cao.

Sáu hệ lụy từ sự vô lý của nhiều điều kiện kinh doanh

28-8-2017

Những tác động tiêu cực từ yếu kém của quy định về điều kiện kinh doanh đang đi ngược lại và cản trở quyết tâm, giải pháp của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh và cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Sở Nông nghiệp là nơi cấp chứng nhận hữu cơ

28-8-2017

Để tạo thuận lợi và khuyến khích cho người dân, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp hữu cơ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) các tỉnh, thành sẽ là nơi cấp giấy chứng nhận hữu cơ và chứng nhận này chỉ bán ở thị trường trong nước.

Tuần lễ APEC tại Cần Thơ: đối thoại và hợp tác về nông nghiệp

28-8-2017

Ngày 24-8-2017, Tuần lễ APEC tại Cần Thơ tiếp tục ngày làm việc thứ 7 với cuộc đối thoại giữa các bộ trưởng 21 nền kinh tế thành viên APEC và lãnh đạo các doanh nghiệp APEC về sử dụng có trách nhiệm tài nguyên để tăng cường sản xuất lương thực và kinh doanh nông nghiệp bền vững.

APEC ra Tuyên bố Cần Thơ

28-8-2017

Chiều 25-8-2017, các đại biểu đã thông qua “Kế hoạch hành động để thực hiện Chương trình khung nhiều năm về ANLT và BĐKH”; “Kế hoạch hành động để thực hiện Chương trình khung nhiều năm của APEC về phát triển nông thôn - thành thị bền vững nhằm tăng cường ANLT và đảm bảo chất lượng tăng trưởng” và “Tuyên bố Cần Thơ về tăng cường ANLT và nông nghiệp bền vững thích ứng với BĐKH”.

Thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao

24-8-2017

Việc xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) đang là xu hướng và giải pháp để tạo ra đột biến, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương. Thực tế khẳng định hiệu quả của mô hình này, song để mở rộng vẫn cần nhiều giải pháp tháo gỡ các “nút thắt” như cơ chế chính sách, vốn, công nghệ…

Tăng cường quản lý tài nguyên nước

22-8-2017

Trong khuôn khổ của Tuần lễ An ninh lương thực APEC 2017 tại TP Cần Thơ, các nước đặc biệt quan tâm tới vấn đề biến đổi khí hậu (BĐKH) toàn cầu ảnh hưởng tới việc sử dụng, chia sẻ nguồn nước.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: “An ninh lương thực là vấn đề nóng bỏng trên toàn cầu”

23-8-2017

Năm nay chúng ta lựa chọn chủ đề an ninh lương thực và thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu là một nội dung, chủ đề được các thành viên APEC rất đồng tình...