TIN TỨC-SỰ KIỆN

“Thủ tướng và ông Trump đều khẳng định lợi ích của hợp tác”

Ngày đăng: 03 | 01 | 2017

Trò chuyện với Zing.vn về năm 2017, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nói về toàn cầu hóa, tổ chức APEC, cũng như cuộc trao đổi giữa ông Trump với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn chia sẻ:

Năm APEC 2017 diễn ra trong bối cảnh bức tranh khu vực và toàn cầu với nhiều gam màu khác nhau. Một mặt, cách mạng công nghiệp lần thứ tư với những đột phá sáng tạo mới đang mở ra nhiều cơ hội, xu thế liên kết đa tầng nấc được thúc đẩy sâu rộng, các chuỗi giá trị toàn cầu cùng các thỏa thuận thương mại tự do phát triển mạnh mẽ.

Mặt khác, chúng ta phải đối mặt với nhiều thách thức gay gắt về kinh tế, chính trị và an ninh. Trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế và thương mại ở khu vực và toàn cầu đang có xu hướng chậm lại; hệ thống thương mại đa phương còn khó khăn; xu hướng phản đối toàn cầu hóa xuất hiện ở một số nền kinh tế.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn

2017: Nhiều biến động cho các cơ chế đa phương

Trong bối cảnh đó, thuận lợi cơ bản là Việt Nam đang là một trong số những nền kinh tế đi đầu APEC trong tăng trưởng và liên kết khu vực. Trong 8 tháng đầu năm 2016, dù thương mại thế giới suy giảm, ta là một trong số ít nền kinh tế APEC duy trì được tăng trưởng xuất khẩu. Trong nước, Chính phủ đang đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, tiến hành tái cơ cấu gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Với mong muốn thể hiện khả năng đóng góp cao hơn của nước ta cho các quan tâm chung của APEC và khu vực, yêu cầu đặt ra là cần bảo đảm các đề xuất về chủ đề, ưu tiên và các ý tưởng, sáng kiến phải vừa phù hợp các quan tâm chung, vừa đáp ứng các quan tâm của nước ta và ASEAN.

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn

Mặt khác, với kỳ vọng và khối lượng công việc cần chuẩn bị rất lớn, Năm APEC 2017 đòi hỏi có sự vào cuộc, tham gia tích cực của các cấp, các ngành, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp, học giả và người dân cả nước.

Tôi cho rằng sự đồng lòng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị là bài học thành công lớn nhất chúng ta cần phát huy trong Năm APEC 2017.

Hiện nay đang có nhiều lo ngại về xu hướng phản toàn cầu hóa, bảo hộ thương mại trên phạm vi toàn cầu. Theo thứ trưởng, điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào tới hợp tác APEC?

- Năm 2017 và những năm tới sẽ là giai đoạn đầy thách thức đối với các cơ chế hợp tác đa phương trên toàn cầu và ở khu vực, trong đó có Diễn đàn APEC.

Mặc dù vậy, nhìn lại lịch sử gần 30 năm qua, chúng ta có thể thấy dù đối mặt nhiều thách thức, APEC luôn chứng tỏ khả năng điều chỉnh và thích ứng không ngừng, luôn duy trì vai trò là cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu, đóng góp quan trọng vào thịnh vượng của khu vực.

Điều này xuất phát từ thực tế là các nền kinh tế thành viên đều có mẫu số chung trong thúc đẩy hợp tác và liên kết kinh tế. Một khu vực châu Á - Thái Bình Dương liên kết chặt chẽ hơn và tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững hơn là lợi ích chung của tất cả các bên.

Theo ông Sơn, 2017 và những năm tới sẽ là giai đoạn đầy thách thức của các cơ chế hợp tác đa phương. Ảnh: Tiến Tuấn.

Bên cạnh đó, hợp tác APEC nhiều năm gần đây đều chú trọng yếu tố bao trùm, nghĩa là tạo điều kiện cho mọi người dân tham gia đóng góp và thụ hưởng một cách công bằng hơn những thành quả của liên kết, tự do hóa thương mại và đầu tư.

Các vấn đề tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm, cải cách cơ cấu, phát triển nguồn nhân lực, tăng năng suất, giảm nghèo và bất bình đẳng, trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái, nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, tăng cường an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững… dự kiến tiếp tục là các ưu tiên hợp tác của APEC trong 2017. Qua đó, Việt Nam muốn góp phần xây dựng một APEC phục vụ các lợi ích thiết thực của người dân và doanh nghiệp.

Phản toàn cầu hóa là đi ngược xu thế

- Tại Mỹ, trong cuộc vận động tranh cử, Tổng thống mới đắc cử Donald Trump ít nhất 2 lần nhắc đến Việt Nam, nhưng với chỉ trích là thủ phạm cướp đi việc làm của người Mỹ. Điều này ảnh hưởng ra sao đến nỗ lực "tìm động lực mới" cho hợp tác khu vực, thưa Thứ trưởng?

- Cần nhìn nhận rõ phát ngôn khi tranh cử và hành động sau khi đắc cử sẽ có những khoảng cách nhất định.

Hơn nữa, thực tế tiến trình liên kết, hợp tác APEC 30 năm qua đem lại lợi ích cho các nền kinh tế, cho toàn bộ cộng đồng. Tại APEC Peru vừa qua, các nền kinh tế đều cho rằng tự do hóa, liên kết kinh tế đầu tư mang lợi ích sâu rộng.

Đúng là có ý kiến quay về chủ nghĩa biệt lập, phản toàn cầu hóa, nhưng đó là việc đi ngược lại xu thế, và theo tôi, không mang lại lợi ích cho nền kinh tế ấy.

Khi chính thức nắm quyền, ông Donald Trump sẽ phải xem xét đến lợi ích của hợp tác, nhìn lại toàn bộ quá trình thúc đẩy liên kết, vai trò của Mỹ, lợi ích của họ.

Thực tế, Mỹ được lợi nhiều từ tự do hóa. Với thực tiễn lợi ích mang lại cho Mỹ, thời gian tới, ông Trump sẽ nhìn rõ lợi ích đúng đắn và vai trò của APEC cũng như lợi ích của hợp tác.

- Có không ít người đặt câu hỏi chúng ta đã tính đến một phương án APEC 2017 không có sự tham gia của ông Donald Trump, khi các phát ngôn của ông ấy đều cho thấy mối quan tâm châu Á nhỏ đi. Điều gì kéo Tổng thống Mỹ đến với Hà Nội, Đà Nẵng, và APEC 2017?

Về cơ bản chúng ta đã đề xuất đúng và trúng chủ đề và các hướng ưu tiên của Năm APEC, dành được sự ủng hộ của các thành viên.

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn

Từ nay đến cuối 2017 còn là quãng thời gian dài. Như đã nói, từ tranh cử đến thực tiễn có khoảng cách. Khi lên cầm quyền, ông chính quyền mới Donald Trump chắc chắn sẽ xem xét lại toàn bộ tiến trình hợp tác khu vực, những lợi ích nó mang. Chắc chắn họ sẽ thấy lợi ích đó là to lớn và không thể không gắn kết với châu Á - Thái Bình Dương.

Lãnh đạo các nền kinh tế lớn có chung nhận định khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có APEC là đầu tàu phát triển kinh tế, động lực chính thúc đẩy hợp tác, liên kết kinh tế thế giới, đầu tàu kéo kinh tế thế giới ra khỏi khủng hoảng, trì trệ thời gian qua.

Hai là, hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ đang ở giai đoạn rất tốt đẹp. Hai nước đã xây dựng quan hệ đối tác toàn diện, hợp tác sâu rộng trong nhiều lĩnh vực. Trao đổi giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và ông Donald Trump đều khẳng định lợi ích của việc cùng thúc đẩy hợp tác giữa hai bên trong nhiều lĩnh vực thời gian tới.

Hơn nữa, các nền kinh tế thành viên đều có tác động và mong muốn Mỹ tiếp tục can dự, tiếp tục có vai trò trong hòa bình, ổn định, an ninh, phát triển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong đó có liên kết kinh tế APEC.

Ông Donald Trump không thể bỏ qua các yếu tố đó. Tôi tin rằng chính quyền Mỹ sẽ cân nhắc và cử lãnh đạo cao nhất tới dự hội nghị cấp cao APEC 2017.

Ngoài TPP, Việt Nam còn nhiều FTA khác

- 2016 chúng ta cũng đặt nhiều kỳ vọng với hợp tác kinh tế khu vực với TPP nhưng kết quả cho thấy tương lai đầy bất định cho hiệp định này. Điều đó có khiến ông lo lắng về tương lai của các cơ chế hợp tác đa quốc gia mà Việt Nam là thành viên tích cực?

- Việt Nam bước vào giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng trên nhiều bình diện, trong đó xác định hợp tác kinh tế quốc tế là trọng tâm.

Chúng ta không chỉ tham gia vào một hiệp định thương mại tự do (FTA) mà 15 hiệp định, trong đó có nhiều hiệp định thế hệ mới. Với TPP, tại Peru tháng 11 vừa qua, các nền kinh tế thành viên APEC, trừ Mỹ, đều khẳng định tiếp tục thúc đẩy tiến trình phê chuẩn TPP.

Với Việt Nam, bên cạnh TPP, ta cũng đang tham gia nhiều FTA khác. Những FTA này góp phần tạo môi trường, thị trường rộng lớn để hội nhập quốc tế, đem lợi ích cho nhà sản xuất, doanh nghiệp và người dân.

Sự chuẩn bị của Việt Nam không chỉ cho TPP mà còn cho sự hội nhập rộng lớn hơn. Chúng ta càng chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản, thì lợi ích chúng ta nhận được càng tốt hơn.

Tại Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 24 tại Lima, Peru ngày 19 - 20/11/2016, Chủ tịch nước Trần Đại Quang chính thức thông báo chủ đề của Năm APEC 2017 là “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”. Tại Hội nghị ISOM vừa qua, đề xuất chủ đề của Việt Nam nhận được sự ủng hộ của tất cả nền kinh tế thành viên, cộng đồng doanh nghiệp và các chuyên gia hàng đầu khu vực.

Chủ đề của Năm APEC 2017 phản ánh quan tâm chung của các nền kinh tế thành viên APEC về tìm kiếm “động lực mới” cho hội nhập, liên kết và tăng trưởng kinh tế của châu Á - Thái Bình Dương. Chủ đề cũng thể hiện mẫu số chung, mục tiêu dài hạn của APEC và châu Á - Thái Bình Dương về “vun đắp một tương lai chung”, đó là hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng.

Theo Zing.vn

NỘI DUNG KHÁC

Gia tăng số lượng trang trại và mô hình cánh đồng mẫu lớn

30-12-2016

Hiện cả nước có 9,32 triệu hộ là hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản; đang có sự gia tăng về số lượng trang trại và sản xuất mô hình cánh đồng lớn.

Quả trứng “gánh” 14 loại phí, quả chanh “đội giá” 100 lần

30-12-2016

Một quả trứng chịu 14 loại phí khi qua tay 2-3 tay nhà buôn, 1 kg chanh quả từ vườn đến tay người tiêu dùng tăng gấp 100 lần.

Nông nghiệp mất trắng 2 tỷ USD vì thiên tai

29-12-2016

Tổng thiệt hại vì thiên tai trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2016 là 39 nghìn 400 tỷ đồng tương ứng gần 2 tỷ USD, con số thiệt hại này tăng gần 3 lần so với thiệt hại bình quân của những năm trước, đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến GDP sụt giảm.

Nuôi trồng thủy sản áp dụng VietGAP: Tạo thuận lợi cho nông dân

29-12-2016

Áp dụng VietGAP thì cơ sở nuôi, nông dân, người tiêu dùng, cơ sở chế biến, cộng đồng xã hội được lợi gì trong nuôi trồng thủy sản? VietGAP có phải là xu thế tất yếu của nuôi trồng thủy sản bền vững?

Thư mời cung cấp dịch vụ in ấn

21-11-2016

Thư mời cung cấp dịch vụ in ấn lịch bàn chữ A, thiệp chúc tết và phong bao lì xì tết 2017.

Tháo gỡ bằng được 4 nút thắt trong sản xuất nông nghiệp

29-12-2016

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương sáng nay (29/12), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: Phải tháo gỡ bằng được 4 nút thắt trong sản xuất nông nghiệp.

Cá tra Việt tìm thị trường mới

29-12-2016

Dự kiến năm 2016, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 1,67 tỉ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ.

Bãi bỏ những chính sách ràng buộc nông nghiệp, nông thôn

26-12-2016

Sáng 26.12, Bộ NNPTNT tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết ngành năm 2016 và triển khai kế hoạch năm 2017. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tới dự và chỉ đạo hội nghị.

Chỉ cần giữ 3 triệu ha đất lúa

28-12-2016

Tại hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp ngày 26.12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý với chủ trương giảm từ 500.000-800.000ha đất lúa, tức có thể giảm chỉ còn 3 triệu ha so với nghị quyết trước đây của Quốc hội là phải giữ 3,812 triệu ha. Theo Bộ NNPTNT, việc giảm diện tích này vẫn đảm bảo được an ninh lương thực mà không ảnh hưởng đến diện tích sản xuất đất nông nghiệp.

Nông, lâm, thủy sản tăng trưởng 1,36% năm 2016

28-12-2016

Sáng nay (28/12), Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương để triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017.

Chi phí để thích ứng với biến đổi khí hậu là một thách thức vô cùng lớn

28-12-2016

Biến đổi khí hậu đang gây thiệt hại cho nhiều nền kinh tế và rất tốn kém để giải quyết, nên ngăn ngừa đang trở thành ưu tiên hàng đầu, theo nhận định của các chuyên gia. Điều này có nghĩa là thế giới cần nhiều tiền hơn để thích ứng với nhiệt độ toàn cầu tăng, trong đó khu vực tư nhân đang đóng vai trò lớn hơn trong lưu chuyển nguồn lực tài chính.

Thủ tướng nêu các hạn chế và thành công của Chính phủ năm 2016

28-12-2016

Thủ tướng nhấn mạnh đến các sai phạm trong công tác cán bộ trong đó có vụ Trịnh Xuân Thanh; xếp hạng quốc tế về đổi mới sáng tạo giảm 4 bậc.